Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Bắc Kinh đe nẹt Hà Nội 'không xích lại gần Mỹ'

BẮC KINH (NV) .Cùng ngày chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đặc sứ của Hà Nội sang xin giàn hòa, Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh lên tiếng đe nẹt đảng của ông Nguyễn Phú Trọng không được xích lại gần Mỹ.


Đại tướng Martin Dempsey duyệt hàng quân danh dự ở Hà Nội cùng với Tham mưu trưởng quan đội CSVN ngày 14/8/2014 khi ông đến thăm viếng Việt Nam. (Hình: AP Photo/Tran Van Minh)
“Chúng ta nên cho Việt Nam nhận ra rằng về phe với Hoa Thịnh Đốn để kềm chế Bắc Kinh sẽ gây tổn thất cho họ nhiều hơn là theo chính sách thân thiện với Trung Quốc như một chiến lược quốc gia.” Bài bình luận của tờ Hoàn Cầu Thời Báo nhưng được đăng đồng thời trên tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày Thứ Tư 27/8/2014 viết như vậy trong bài có tựa đề “Hà Nội nên hành động hơn là nói”.

Ông Lê Hồng Anh, thường trực Ban bí thư Đảng CSVN được cử lại đặc sứ sang Bắc Kinh trong chuyến đi được TTXVN mô tả là “trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc về các biện pháp làm dịu tình hình, không để tái diễn các vụ việc căng thẳng như vừa qua, đồng thời thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài...”

Tại Bắc Kinh hai ngày 26 và 27/8/2014, phái đoàn cao cấp của đảng CSVN do ông Lê Hồng Anh cầm đầu đã họp với phái đoàn Trung Quốc do Lưu Vân Sơn, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị cộng đảng Trung quốc, cầm đầu. Sau đó, ông Lê Hồng Anh được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp kiến.

Trên các bản tin chính thức của Tân Hoa Xã và Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN), người ta thấy lời lẽ hai bên rất “tình nghĩa anh em”, những dấu hiệu muốn hàn gắn lại những sứt mẻ do hậu quả của giàn khoan HD981 cắm trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như những vụ bạo động đốt phá hàng trăm cơ sở Trung quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Theo bản tin TTXVN ngày 27/8/2014, , ông Lê Hồng Anh nói với chủ tịch Tập Cận Bình rằng “Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài”.

Ông kêu gọi hai bên “cần tăng cường hợp tác, xử lý thỏa đáng bất đồng, cùng nhau tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, để tập trung xây dựng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân ở mỗi nước.”

Tường thuật cuộc tiếp kiến nói trên, Tân Hoa Xã cùng ngày cho hay ông Tập Cận Bình nói với ông Lê Hồng Anh rằng hai nước “nên thân thiện với nhau” hầu giúp hàn gắn lại mối quan hệ sau những ngày căng thẳng vì vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.

Nhưng bài bình luận trên tờ Nhân Dân Nhật Báo cảnh cáo rằng “Việt Nam không phải là nước luôn luôn làm như lời hứa nên chúng ta phải chờ xem họ hành động ra sao.”

Bài bình luận này dẫn chứng chính sách “xoay trục” sang Á Châu của Mỹ, trong đó Hoa Thịnh Đốn “cung cấp cho Việt Nam cơ hội tham dự vào sự tranh dành ảnh hưởng của cường quốc mạnh nhất. Tuy Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội không phải là đồng minh nhưng vẫn có thể hậu thuẫn cho nhau để hưởng lợi”.

Bài báo đồng thời cũng đề cập đến Nhật Bản và Philippines “khiêu khích” Bắc Kinh ở Biển Đông. Gộp những sự việc này lại, Nhân Dân Nhật Báo dọa rằng Bắc Kinh có khả năng “tạm thời bỏ qua một bên các theo đuổi có tính chiến lược khác để tập trung vào việc đối phó với kẻ khiêu khích ở kế bên.

Trong tình huống này, Hà Nội bị thiệt hại nhiều hơn là Bắc Kinh”.

Bắc Kinh chỉ trích Hà Nội nói một đàng làm một nẻo nhưng sự thực, sách lược của Hà Nội cũng chỉ là bắt chước y hệt theo Bắc Kinh, chẳng có gì khác.

Khi Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh giữa Tháng Mười năm 2011, ông ta đã ký với chủ tịch Trung Quốc (lúc đó là) Hồ cẩm Đào văn bản thỏa hiệp “6 nguyên tắc cơ bản” giải quyết các bất đồng trên Biển Đông. Theo đó “hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác” theo nguyên tắc “dễ trước khó sau”.

Nếu Bắc Kinh không nói một đàng làm một nẻo thì đã không lặng lẽ đem giàn khoan khổng lồ tới phía nam quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền tuy đang bị Trung Quốc chiếm giữ, và trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hồi đầu Tháng 5 vừa qua, gây ra cuộc đối đầu hai bên suốt 2 tháng rưỡi và các cuộc biểu tình bạo động đốt phá ở Bình Dương Biên Hòa và Hà Tĩnh.

Những lời lẽ bề ngoài của hai bản tin Tân Hoa Xã và Thông Tấn Xã Việt Nam về chuyến đi Bắc Kinh của ông Lê Hồng Anh cho người ta cảm tưởng hai nước cộng sản anh em làm hòa với nhau thật. Nhưng những gì được tờ Nhân Dân nhật báo viết ra lại cho người ta một cảm tưởng khác. Đó mới chính là những lời Tập Cận Bình muốn ông Lê Hồng Anh đem về nói lại với đồng đảng của ông ở Hà Nội. Chiến thuật vừa đánh vừa vuốt quen thuộc của Bắc Kinh.(TN)

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: