Nhiều biến chuyển trong tháng này liên quan ít nhiều đến tình hình chính trị Á Châu, đặc biệt đối với Việt Nam. Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton viếng thăm Hà Nội ngày 18 tháng 7, 2014, tuyên bố: “Các nước trong khu vực đều phải hợp tác với nhau, tránh tình trạng một nước lớn có thể ức hiếp các nước nhỏ khác trong khu vực.” Và tại Quảng Châu, tham dự hội nghị Tập Ðoàn Xây Dựng Thái Bình Dương ngày 25 tháng 7, 2014, ông Clinton lại chỉ trích Trung Quốc về cách cư xử với các nước láng giềng trên hồ sơ biển Ðông.
Một chiếc tàu đánh cá của ngư dân Ðà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần giàn khoan HD 981 ở Hoàng Sa, khiến quan hệ Việt-Trung sứt mẻ, và Hà Nội đang hướng về Washington. (Hình: Getty Images)
Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Fumio Kishida, sẽ đến Việt Nam ngày 31 tháng 7, 2014. Ông tuyên bố với báo chí, “Tôi muốn tiếp tục củng cố mối quan hệ chiến lược với Việt Nam và đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lãnh vực,” đồng thời ông Kishida xác nhận sẽ chống lại mọi ý đồ thay đổi nguyên trạng trên biển Ðông bằng vũ lực và ông cũng sẽ bàn với Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh việc cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.
Trước đó ngày 21 tháng 7, 2014, ông Phạm Quang Nghị, ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Thành Ủy Hà Nội, viếng thăm Hoa Kỳ và đã tiếp xúc với các viên chức Hoa Kỳ: ông Thomas Shannon, cố vấn cấp cao của Ngoại Trưởng John Kerry; ông Tony Blinken, phó cố vấn an ninh quốc gia phụ trách đối ngoại; ông Patrick Leahy, chủ tịch thường trực Thượng Viện; và Thượng Nghị Sĩ John McCain.
Với tư cách là ủy viên Bộ Chính Trị nhưng ông Nghị không đặc trách một vấn đề gì nên không đủ tư cách gặp các bộ trưởng Hoa Kỳ hay Tổng Thống Obama. Tuy nhiên chuyến viếng thăm kín đáo của ông Phạm Quang Nghị được xem như sứ giả “đi đêm” thông báo một tín hiệu quan trọng nào đó. Hay là với mục đích “đi dây” chơi trò úp mở giữa hai cường quốc lớn nhứt thế giới là Trung Cộng và Hoa Kỳ.
Thông tấn xã Việt Nam loan báo ông Nghị có nhiệm vụ “thông tin về tình hình Việt Nam, chính sách đối ngoại, và khẳng định Hà Nội coi trọng và không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ đối tác toàn diện.”
Cũng trong cùng lúc Chủ Tịch Trương Tấn Sang bổ nhiệm ông Phạm Quang Vinh, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, làm đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Dư luận xem đó như một dấu hiệu có thể giúp Hà Nội tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ trong lãnh vực chủ quyền lãnh hải tại biển Ðông. Ông Edmund Malesky, giáo sư Ðại Học Duke, tiểu bang North Carolina, cho rằng sự mong muốn của Việt Nam được hợp tác với Hoa Kỳ đang lớn mạnh.
Tuy nhiên mười tháng trước đây ông Nghị viếng thăm Trung Quốc và đã ca ngợi quan hệ truyền thống Việt-Trung vững bền. Cho nên chuyến đi của ông Nghị cũng có thể chỉ là dấu hiệu giận dỗi cấp thời của Hà Nội đối với Trung Quốc, chớ không phải thực tình muốn mở rộng quan hệ với Mỹ. Người ta ghi nhận là ngày 17 tháng 7, 2014, đài tiếng nói nước Nga trích lời Ðại Sứ Lê Hoài Trung, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc tuyên bố: “Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong hoạt động thăm dò dầu mỏ trên biển Ðông.” Vì vậy ông Carl Thayer, chuyên gia Úc Châu nói với BBC rằng chuyến đi của ông Nghị sẽ cho thấy rõ ràng hơn Washington có sẵn sang hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc hay không?
Ngoài ra, Ban Ðông Á của đài phát thanh BBC mở cuộc tọa đàm thảo luận về sự căng thẳng ở biển Ðông, nhiều chuyên gia quốc tế bàn giải pháp tháo gỡ sự đụng độ quân sự có thể xẩy ra đang đe dọa an ninh trong vùng. Trong cuộc tọa đàm có ý kiến cho rằng Trung Quốc rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển Hoàng Sa phải chăng là có ý đồ xoa dịu, nhún nhường, để lôi kéo Việt Nam vào cuộc đàm phán song phương, giúp cho phe thân Trung Quốc có uy thế mạnh hơn trong kỳ hợp Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 12 sắp tới đây. Bà Bonnie Glaser chuyên gia cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Centter for Strategicand Internatinal Studies) từ Washington nói, “Tôi tin rằng Trung Quốc triển khai giàn khoan HD-981 là một phần để gây áp lực buộc Việt Nam phải đi vào con đường hợp tác làm ăn chung với họ.” Nếu Việt Nam không hợp tác làm ăn thì Trung Quốc sẽ đơn phương khoan dầu trong vùng tranh chấp.
Phải nói rằng sự lệ thuộc của đảng Cộng Sản Việt Nam vào Trung Quốc đã quá sâu rộng. Nói đúng hơn là những thỏa thuận bằng văn bản hay bằng những lời tuyên bố vô cùng mật thiết của các đồng chí lãnh đạo hai nước từ trước tới nay đã ví Trung Quốc với Việt Nam như môi với răng: “Môi hở răng lạnh,” hay là đồng chí đồng hương: “Bên kia biên giới là nhà, bên này biên giới cũng là quê hương,” càng sâu rộng và thực tế hơn nữa với phương châm 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai,” và quan hệ 4 tốt: “Ðồng chí tốt, bạn bè tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt.” Tất cả những thứ đó đã trở thành một sợi dây hồng trói buộc và siết chặt Việt Nam vào mẫu quốc Tàu Cộng như một vòng “kim cô” mà lúc nào Tàu Cộng đọc câu “thần chú” thì Việt Nam phải quì lạy xin hàng.
Vấn đề đặt ra cho nhóm lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Việt Nam là họ có muốn hồi tâm nghĩ lại vì dân vì nước vì tự ái dân tộc mà tìm mọi cách để tháo gỡ cái vòng kim cô đó bằng cách thay đổi chính sách, thậm chí thay đổi thể chế để nắm lấy cơ hội kết thân với Mỹ Nhật và đồng minh, đang giang tay muốn kết nối thành mặt trận chống sự bành trướng ngang ngược của Bắc Kinh. Chủ nghĩa bành trướng của Hán tộc đang muốn nuốt trọn Việt Nam và biển Ðông!
Mới đây ngày 28 tháng 7, 2014, hơn 60 đảng viên cao cấp ký tên gởi kiến nghị kêu gọi “thoát Trung,” cũng như bao nhiêu kiến nghị khác đã từng bị các quan “thái thú” tay sai bỏ ngoài tai, vất vào sọt rác. Hy vọng lần này vì tình thế cấp bách, vì sự ngạo mạn quá đáng của đồng chí láng giềng bất hảo, ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Hà Nội sẽ thức tỉnh quay về với dân tộc.
Vấn đề cũng được đặc ra cho toàn dân Việt Nam, nếu không cam tâm làm nô lệ ngàn năm “Bắc thuộc” thì phải nổi dậy xóa bỏ chế độ thái thú tay sai. Bắt tay với các cường quốc tự do trên thế giới, đòi lại lãnh hải và bảo vệ quốc gia.
Võ Long Triều
(Diễn đàn Thế kỷ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét