Quan sát phản ứng của Chính phủ VN trước báo cáo về tôn giáo của đặc phái viên Liên hiệp quốc Heiner Bielefeldt cũng thú vị. Báo chí thì tự khen ngợi qua những cái tít như “Việt Nam nghiêm túc thực hiện cam kết quốc tế về nhân quyền”, hay có phần khiêm tốn hơn như “Báo cáo viên LHQ đánh giá cao tiến triển của VN về tôn giáo”.
Nhưng tất cả hai cái tít tiêu biểu đó không nói lên sự thật khác là báo cáo chỉ ra rằng VN đã và đang vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của người dân!
Thật vậy, báo cáo của LHQ có đoạn viết: “những vi phạm nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng là một thực tế đang diễn ra ở Việt Nam – nhất là ở các vùng nông thôn, tuy không phải chỉ có ở nông thôn.” Đoạn báo cáo ngắn nhưng quan trọng này hầu như không được nhắc đến!
Nhưng quan sát phản ứng của Chính phủ VN trước những phàn nàn của đặc phái viên LHQ tôi chỉ biết lắc đầu. Đó là một loại phản ứng chối cãi. Trong buổi họp báo, ông Bielefeldt tường thuật rất rõ rằng: “Tôi nhận được những thông tin đáng tin cậy là một số cá nhân tôi muốn gặp đã bị đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ, cảnh cáo, đe dọa, sách nhiễu hoặc bị công an ngăn cản việc đi lại. Ngay cả những người đã gặp được tôi cũng không tránh khỏi việc bị công an theo dõi hoặc chất vấn ở một mức độ nhất định.”
Và ngay cả cá nhân ông cũng bị theo dõi và bị xâm phạm riêng tư:
“Ngoài ra, việc di chuyển của tôi cũng bị giám sát chặt bởi ‘những cán bộ an ninh hoặc công an: mà chúng tôi không được thông báo rõ, đồng thời sự riêng tư và bảo mật của một số cuộc gặp gỡ cũng bị ảnh hưởng. Những việc này là sự vi phạm rõ ràng các điều khoản tham chiếu của bất kỳ chuyến thăm quốc gia nào’.”
Vậy mà trong bản tin báo chí của Bộ Ngoại giao (2), trích lời của một người tên là Phạm Hải Anh, nói rằng: “Về một số vấn đề ông Beilefeldt nêu tại cuộc họp báo ngày 31/7, tôi cho rằng đã có sự hiểu lầm, chưa trao đổi hết thông tin. Theo nghị quyết 5/2 của Hội đồng Nhân quyền, nước chủ nhà có trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Báo cáo viên đặc biệt trong suốt chuyến thăm. Luật pháp Việt Nam bảo đảm mọi người dân có quyền tự do tiếp xúc, gặp gỡ với bất cứ ai họ muốn. Thời gian qua, Năm Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền đã thăm Việt Nam, tiếp xúc với rất nhiều cá nhân, tổ chức và thành công tốt đẹp.”
Hình như cũng quan chức này phát biểu rằng “Và chúng tôi cam đoan rằng, tự do tôn giáo ở Việt Nam luôn được tôn trọng" (3), trong buổi họp báo của đặc phái viên LHQ.
Tôi không hiểu nỗi: hiểu lầm gì ở đây?! Ông ấy nói chuyến đi không thành là do chính quyền địa phương đe doạ, sách nhiễu, ngăn cản. Ngay cả cá nhân ông ấy cũng bị làm phiền. Người ta nói rõ như thế, mà gọi là hiểu lầm thì quả là khó hiểu? Vấn đề là có hay không có việc ngăn cản, sách nhiễu, đe doạ như ông ấy nói? Yes hay là No? Nếu có thì nói là có, và giải thích cho ông ấy hiểu; nếu không thì nói là không. Tôi nghĩ phản ứng “hiểu lầm” của phía VN là hơi lạc đề.
Nói chung, phản ứng của Chính phủ VN có phần trốn tránh vấn đề và thiếu tự tin.
Phản ứng của chính quyền VN rất khác với phản ứng của Chính phủ Úc. Năm ngoái, khi bản báo cáo về tình hình nhân quyền của Úc của LHQ được công bố, mà trong đó bản báo cáo liệt kê 150 vi phạm luật pháp quốc tế về người tị nạn mà Úc vi phạm. Mặc dù báo cáo có nhiều điểm tốt cho Úc, nhưng báo chí họ chỉ quan tâm đến những điểm xấu. Hệ thống truyền thông của Úc như vớ được vàng, họ làm ầm ĩ suốt cả tuần. Kể cả đài ABC và SBS là hai đài của Nhà nước cũng vớ lấy bản báo cáo và không tiếc lời phê phán Chính phủ Úc. Báo Sydney Morning Hereald (nhật báo có uy tín nhất của Úc) chạy cái tít “Australia violated refugees' human rights, UN says” (tạm dịch: Liên hiệp quốc nói Úc vi phạm nhân quyền của người tị nạn). Nhật báo này còn mỉa mai Úc là đạo đức giả: suốt ngày đi phê phán người khác về nhân quyền, trong bản thân mình thì đối xử tệ với người tị nạn!
Tôi nhớ có lần một báo cáo của LHQ phê phán Chính phủ Úc về tình trạng người thổ dân. Trong báo cáo phần lớn là khen Úc có chính sách tích cực với người thổ dân, nhưng có đoạn đặt vấn đề tuổi thọ của người thổ dân còn quá thấp. Tuổi thọ trung bình của người thổ dân hiện nay là 69 ở nam giới và 74 tuổi ở nữ giới (so sánh với Úc da trắng: 80 ở nam và 84 ở nữ). Tôi biết Chính phủ Úc chi rất rất nhiều tiền để lo cho người thổ dân, nhưng tình hình cải tiến rất chậm. Đối với LHQ, sự chênh lệch 10 năm về tuổi thọ giữa người da trắng và thổ dân là một vấn đề: vấn đề nhân quyền! Báo chí cũng được một phen làm lớn chuyện về vấn đề này.
Trước những công kích của LHQ và báo chí như thế, Chính phủ Úc phản ứng ra sao? Rất bình thản. Các bộ trưởng liên quan cũng lên đài và báo chí để trình bày quan điểm của Chính phủ. Trước hết, họ cám ơn và ghi nhận những phê phán của đặc phái viên LHQ. Họ đồng ý rằng một số vi phạm là có xảy ra, một số thì còn trong vòng điều tra, một số thì họ không đồng ý. Nhưng sở dĩ Chính phủ Úc bình thản là vì họ nói tất cả những điều gọi là “vi phạm” đó họ đều biết, mà không chỉ biết, họ ĐÃ có biện pháp khắc phục vấn đề. Úc có sẵn tất cả các thiết chế để đáp ứng bất cứ vấn đề nào. Do đó, tất cả những gì LHQ đề nghị không hề mới với Úc vì Chính phủ Úc đã làm. Nói cách khác, họ bình thản vì họ chủ động, chứ không để người ngoài vào chỉ họ phải làm gì.
Tôi nghĩ phản ứng của Chính phủ Úc là một phản ứng của người trưởng thành, của một Chính phủ đầy tự tin. Vì trưởng thành nên họ không dấu diếm, sẵn sàng đương đầu với sự thật. Sự tự tin làm cho họ bình thản đối phó với bất cứ phê phán nào.
Tôi nghĩ những gì ông đặc phái viên LHQ mô tả những khó khăn của ông trong khi công tác ở VN không làm ai ngạc nhiên. Công việc của ông và những người ông tiếp xác thuộc vào nhóm “tế nhị” đối với Nhà nước, nên họ dè dặt và nều cần cấm đoán. Các chuyên viên nước ngoài khi đến VN làm việc, thậm chí các nhóm làm từ thiện thuần tuý, đều bị theo dõi chặt chẽ. Có người chưa quen thì ngạc nhiên, nhưng những ai quá quen rồi thì họ chỉ mỉm cười [khinh bỉ]. Dĩ nhiên, những việc làm như thế của chính quyền chẳng giúp gì cho VN, mà còn làm cho hình ảnh VN xấu đi trên trường quốc tế. Mỗi khi nói đến sự kiểm soát mang tính Mao-Stalin người ta sẽ lấy VN ra làm ví dụ tiêu biểu để làm chuyện cười.
Việc theo dõi người nước ngoài có lẽ xuất phát từ một tâm trạng bất an và thiếu tin tưởng vào con người. Tôi nghĩ giới an ninh hay chính quyền VN nói chung thiếu khẳ năng tin vào con người; họ nhìn ai cũng đáng nghi ngờ hay có tiềm năng gây tác hại cho họ (chế độ), và từ đó họ thấy ai cũng đáng bị theo dõi. Ngay cả người dân trong nước cũng bị làm khó vì cách nhìn này. Có lẽ quan điểm này xuất phát từ tâm lí “suy bụng ta ra bụng người” (ngày xưa mình vậy, bây giờ chắc nó cũng vậy). Do đó, một người phương Tây đại diện cho LHQ (lại một tổ chức phương Tây), mà phương Tây có khi được xem là kẻ thù, nên việc làm và đi lại của ông đặc phái viên đều đặt dưới sự giám sát của an ninh. (Chỉ có điều sự giám sát đó quá lộ liễu đến nỗi ông ấy phải phàn nàn, và điều đó nói lên năng lực của phía VN. Tôi nghĩ nên tạo điều kiện cho giới công an và an ninh sống và làm việc ở các nước phương Tây một thời gian để họ làm quen với những văn hoá ngoài đó và có hành xử “văn minh” hơn).
Một lí do khác có lẽ là do tư duy địch – ta cũng làm cho nhà cầm quyền VN cảm thấy ngại với các đặc phái viên từ phương Tây. Trên thế giới chỉ còn có vài nước theo XHCN hay cộng sản (trên danh nghĩa), và họ cảm thấy cô độc. Từ cô độc đến nhìn người khác như là địch. Mà, địch là xấu, nên phải theo dõi. Với tư duy loại thời tiền sử này thì VN sẽ tự làm khổ mình về lâu dài. Theo tôi, không nên phân biệt dựa trên tiêu chuẩn địch ta nữa, mà nên đánh giá dựa trên tiêu chuẩn vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Kể từ ngày VN “mở cửa” đến nay cũng đã gần 30 năm (nếu tính từ 1986). Trong 3 thập niên dài như thế mà cách ứng xử của VN đối với các đoàn công tác của nước ngoài hình như chẳng có gì thay đổi nhiều. Thoải mái hơn thì tôi nghĩ có, tự do hơn cũng có, nhưng nhìn chung thì vẫn còn rất hạn chế. Đến hôm nay mà sự giới hạn vẫn còn, qua lời kể của ông Heiner Bielefeldt, thì quả là một điều đáng tiếc. Còn cách đối phó với những báo cáo bất lợi, tôi nghĩ nên Chính phủ nên lịch sự cảm ơn họ, và thành thật nhìn nhận có vấn đề và chủ động giải quyết, thay vì nói người ta “hiểu lầm” hay phớt lờ những chỉ trích của người ta. Một Chính phủ tự tin và trưởng thành phải thừa bản lĩnh để hứng chịu -- chứ không trốn tránh -- những chỉ trích.
( Theo FB Nguyen Tuan )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét