Pages

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

Không thể bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2010-11-12
Kiến nghị lập Ủy ban Lâm thời, để tiến tới bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và thành viên chính phủ trách nhiệm vụ Vinashin sụp đổ, đã bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bác bỏ.


AFP photo
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay quốc tế Incheon - Hàn Quốc khi ông đến dự Hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 10/11/2010.



10 ngày sau kiến nghị của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng, hôm thứ Năm 11/11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản chính thức trả lời là “chưa cần thiết trình Quốc hội về việc thành lập ủy ban lâm thời”.


Như vậy việc vận dụng các thủ tục luật định để tiến tới bỏ phiếu tín nhiệm, thực chất là bất tín nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số thành viên chính phủ đã không thể xảy ra. Trong lịch sử Nhà nước Cộng sản Việt Nam việc này cũng chưa có tiền lệ.


Đại biểu Quốc hội nói gì?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, là người đề xuất kiến nghị gây chấn động dư luận, bắt nguồn từ việc nhiều đại biểu đòi truy tới cùng trách nhiệm của chính phủ do sự kiện Vinashin phá sản để lại món nợ khổng lồ 100.000 tỷ đồng, từ Hà Nội GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định là ông đánh giá cao về việc làm đúng luật và khẩn trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy vậy ông nhấn mạnh với chúng tôi:


“Theo tôi hiểu, hiện nay các cấp cao của Việt Nam đã giao cho cơ quan có thẩm quyền của đảng cộng sản Việt Nam và cơ quan điều tra tiếp tục điều tra xác định rõ trách nhiệm. Chúng tôi sẽ chờ kết quả ấy xem là như thế nào. Đề xuất của tôi cũng là bình thường nếu ở quốc hội các nước, tuy nhiên ở Việt Nam thì là mới và tôi nghĩ rằng thôi thì mình cũng phải kiên nhẫn, chờ đợi cái chuyển dịch chứ không thể quá nóng vội được.”

Kiến nghị của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết từng được một số đại biểu khác ủng hộ như Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng đơn vị Bình Dương, Phạm Thị Loan đại biểu Hà Nội, Huỳnh Nghĩa đại biểu Đà Nẵng, đại biểu Lê Văn Cuông đơn vị Thanh Hóa.


Đáp câu hỏi của chúng tôi, theo đó quyết định của Ủy ban Thường vụ cho thấy là Quốc hội Việt Nam chưa đáp ứng vai trò cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, đại biểu Lê Văn Cuông nhận định:


“Theo qui định của pháp luật Việt Nam, tất cả mọi hoạt động kể cả Quốc hội đều chịu sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam, mọi ý kiến của đại biểu hoặc của Quốc hội có sự lãnh đạo của Đảng, cho nên Đảng sẽ xem xét toàn diện các vấn đề Quốc hội đề xuất và sẽ có ý kiến.


Điều này đúng với pháp luật Việt Nam và điều lệ của đảng cộng sản Việt Nam, hiện nay thiết chế ở Việt Nam là một đảng duy nhất lãnh đạo toàn xã hội trong đó có Quốc hội, cho nên Quốc hội muốn “quyết” thì cũng phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền là Bộ Chính trị hoặc Ban Chấp hành Trung ương, những nơi này cân nhắc vấn đề sau đó có chủ trương để cho Đảng đoàn Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ theo qui định pháp luật và điều lệ đảng cộng sản Việt Nam.”


Trên Thời báo kinh tế Việt Nam, Đại biểu GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định là quyết định của Ủy ban Thường vụ bị “vướng”, vì về luật mà nói thì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, và là cơ quan bầu ra Thủ tướng, các Phó thủ tướng và phê chuẩn danh sách Chính phủ, nên Chính phủ cần kiểm điểm trước Quốc hội để Quốc hội xem xét áp dụng hình thức kỷ luật thích hợp.


Sự kiện đại biểu dám nói mạnh trong kỳ họp hiện nay ở Quốc hội được mô tả là thể hiện thực tế tình hình chính trị và sự chuyển biến nhận thức của cử tri về vấn đề dân chủ. Nhưng sự cởi mở chính trị ở Việt Nam được hiểu là có điều kiện và những giới hạn của nó vẫn còn rất chặt chẽ.

Không có nhận xét nào: