Pages

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Ðảng Vì Dân trả lời thắc mắc về vụ án Phạm Thị Phượng

Ảnh sáu người con của vợ chồng chị Phạm Thị Phượng & Phạm Bá Huy khi còn ở Thái-lan.
(LTS: Sau đây là bản văn đề ngày Chủ Nhật 25-9-2011 của Ðảng Vì Dân, trình bày về hồ sơ chị Phạm Thị Phượng.)
Kể từ ngày TAND tỉnh Ðồng Nai lập phiên toà xét xử chị Phạm Thị Phượng, nhiều thân hữu đã gọi điện thoại hoặc gửi thư email để hỏi thăm về hoàn cảnh của gia đình chị Phạm Thị Phượng, cũng như các chi tiết liên quan đến vụ án. Một số cơ quan truyền thông Mỹ, Việt cũng đã liên lạc để phỏng vấn hoặc tìm hiểu thêm nội vụ. Qua quá trình này, một số vấn đề liên quan đến Ðảng Vì Dân Việt Nam cũng đã được đặt ra.
Ðể rộng đường dư luận, sau khi đã trực tiếp hồi đáp, VPLL Ðảng Vì Dân xin được phổ biến nội dung các câu hỏi mang tính tiêu biểu và phần trả lời liên hệ trên mạng toàn cầu cơ hữu của tổ chức. Nhằm tôn trọng sự riêng tư, chúng tôi xin phép không nêu danh tính người đặt câu hỏi.

VPLL/ÐVDVN chân thành cảm ơn sự quan tâm và nhã ý của tất cả thân hữu, cơ quan, đoàn thể đã thăm hỏi, an ủi và khích lệ trong thời gian qua. Mọi thắc mắc hay ý kiến đóng góp xin vui lòng gửi về địa chỉ email: lienlac@vidan.info
H: Cảm tưởng của Ðảng Vì Dân về vụ án này như thế nào?
Chúng tôi không ngạc nhiên về tội danh cũng như mức án tù, vì thực tế là chúng tôi có chủ trương góp phần giải thể chế độ độc tài toàn trị hiện nay. Ðiểm cần nói là đường lối của Ðảng Vì Dân không nhằm lật đổ bằng phương tiện bạo lực, khủng bố, chiến tranh; hay nhắm đến việc trả thù, báo oán một khi chế độ CS sụp đổ.
Tuy nhiên, chúng tôi xót xa cho hoàn cảnh cô thế của vợ chồng chị Phượng trong cảnh lao tù. Trước khi bị bắt, vợ chồng Chị không phải là những tên tuổi quen thuộc trên các diễn đàn, không có các bài viết gây chú ý với công luận, và bản thân cũng không phải là người có tên tuổi lớn nên khi lâm nạn đã không nhận được nhiều sự quan tâm sâu xa như trường hợp các nhà dân chủ ở trong nước.
Chúng tôi hy vọng sự dấn thân và hy sinh của chị Phạm Thị Phượng -- một người phụ nữ ở tuổi lục tuần -- sẽ nhận được sự thương yêu và ủng hộ tinh thần của đồng bào ở khắp nơi.
Ðiều mà chúng tôi ghi nhận là cuối cùng, nhà cầm quyền CSVN cũng đã phải mặc nhiên chính thức nhìn nhận rằng Ðảng Vì Dân rõ ràng KHÔNG phải là một tổ chức khủng bố, như họ đã rầm rộ cáo buộc trong năm 2010; dù họ hiểu Ðảng Vì Dân là một tổ chức chủ trương đấu tranh quyết liệt để chấm dứt chế độ độc tài toàn trị hiện nay. Nếu đó là một thiện chí thì sự công bằng đó đáng ghi nhận.
H: Thân nhân của chị Phượng này là ai, ở đâu... sao không thấy lên tiếng về bản án?
Theo lời của một thân nhân thì hiện nay chị Phượng không có bà con ruột thịt khác ở VN. Riêng chồng là anh Phạm Bá Huy thì có thân nhân ở VN nhưng tin cho biết là một số người thân cũng bị liên luỵ vì vụ án. Riêng 6 người con của vợ chồng chị Phượng thì đang tỵ nạn ở Bắc Âu, đa số đều còn nhỏ và vẫn còn luôn lo lắng là bị người của CSVN theo dõi, ám hại. Có thể đó là lý do khiến các thân nhân của vợ chồng chị Phượng chưa có sự lên tiếng chính thức về bản án. Chúng tôi lên tiếng trên cương vị tổ chức, và tôn trọng quyết định lên tiếng hay không của thân nhân chị Phượng.
H: Trong bản tin của AFP hồi cuối tháng 4/2010 có đoạn nói bà Phượng sang Thái năm 2002 và có liên hệ với người của tổ chức Việt Nam Tự Do? Việc này thế nào?
Ðây có thể là sự nhầm lẫn khi ghi nhận thông tin của AFP, vì nhiều bài báo ở Việt Nam thông tin sai lệch..
Tuy nhiên, đoạn tin này của báo Pháp Luật có ghi rõ: "Phượng chạy trốn sang Thái Lan (năm 2002) và ở tại TP Chiengmai. .... Trong thời gian này, thông qua sự giới thiệu của linh mục Phanxico Trần Văn Trợ, Phượng quen biết với Nguyễn Công Bằng (quốc tịch Mỹ) - nhân vật cầm đầu “đảng vì dân”. Ðảng này tách ra từ tổ chức phản động “Chính phủ Việt Nam tự do” của Nguyễn Hữu Chánh."
Thật ra, chị Phượng biết ông Nguyễn Công Bằng từ năm 2009 và gia nhập Ðảng Vì Dân từ đầu năm 2010. Ở thời điểm này, ông Nguyễn Công Bằng đã không còn hoạt động hay liên hệ gì đến tổ chức VNTD, vì ông đã ly khai VNTD từ đầu năm 2004 (xem congbang.net). Bản tin trên một số tờ báo khác cũng nhìn nhận sự kiện đó.
Theo sự hiểu biết của chúng tôi, chị Phượng KHÔNG có liên hệ tổ chức hay hoạt động gì với tổ chức Việt Nam Tự Do.
H: Trên báo Pháp Luật (ở VN) hồi năm ngoái có cáo buộc: "“Ðảng vì dân” ngày càng bộc lộ bộ mặt khủng bố của mình với hàng loạt công việc huấn luyện cách sử dụng thuốc nổ, vũ khí, lôi kéo, kích động người dân biểu tình để hoạt động chống phá tại Việt Nam. Tổ chức này còn lôi kéo sinh viên, người Việt Nam ở nước ngoài đánh bom Ðại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan, rải truyền đơn trong nước… “Trong rất nhiều chuyên án khủng bố của “đảng vì dân” do lực lượng an ninh Việt Nam phá, số thuốc nổ TNT bị thu giữ lên đến hàng trăm kg hiện vẫn đang lưu kho” - một lãnh đạo Bộ Công an cho biết." Nếu được, xin đảng VD vui lòng giải thích về tin này.
Sự cáo buộc này có thể giải thích bằng lý do: Phóng viên báo Pháp Luật nhầm lẫn về thông tin và tên tổ chức.
Sự kiện "đánh bom Ðại sứ quán Việt Nam" tại Bangkok xảy ra vào tháng 6/2001. Lúc đó Ðảng Vì Dân chưa được thành lập.
Nếu cho rằng Ðảng Vì Dân và tổ chức VNTD là một thì lập luận này hoàn toàn sai. Liên Ðảng Việt Nam Tự Do đã giải thể để thành lập Ðảng Dân Tộc Việt Nam vào năm 2003, và ông Nguyễn Công Bằng KHÔNG tham gia vào tổ chức mới này.
Chúng tôi không phủ nhận chủ trương vận động, tổ chức các phong trào quần chúng đứng lên đấu tranh để tạo bất ổn chính trị nhằm áp lực buộc đảng CSVN phải nhượng bộ và chấp nhận Tổng Tuyển Cử Tự Do; hoặc chế độ sẽ bị nhân dân vùng dậy giải thể nếu cứ tiếp tục ngoan cố. Tuy nhiên, Ðảng Vì Dân không chủ trương khủng bố hay sử dụng bạo lực.
Xin chú ý là phiên toà sơ thẩm ngày 21/9/2011, Hội đồng Xét xử chỉ nhắm vào tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" chứ không cáo buộc "khủng bố" như đã xảy ra trong năm 2010.
H: Nếu tôi nhớ không lầm thì đây là lần thứ 4 thành viên của đảng Vì Dân bị xử án. Quý vị lãnh đạo của tổ chức có nhìn thấy đây là một thất bại nữa trong việc đấu tranh hay không? Nếu có thì tại sao cứ tiếp tục làm trong vô vọng? Và nếu không, xin cho biết lý do.
Vâng, trường hợp chị Phạm thị Phượng là vụ án thứ 4 trong thời gian 5 năm qua.
Chúng tôi rất xót xa mỗi khi có một thành viên lâm nạn và bị giam tù. Cảm thương cho anh em lâm nạn và cho cả gia đình bị ảnh hưởng nặng nề khi có người thân vướng vòng lao lý. Nhưng đấu tranh thì không thể tránh được chuyện bị tù đày, kể cả thương vong, dù là đấu tranh với hình thức nào. Thực tế cho thấy là nhiều nhà dân chủ đấu tranh ôn hoà thuần tuý cũng bị án tù nặng nề. Ngay cả hình thức toạ kháng ôn hoà như trường hợp chị Phạm Thanh Nghiên cũng bị kêu án 4 năm tù. Và trong lịch sử nhân loại, chưa có cuộc thay đổi chế độ độc tài nào mà người tranh đấu được hoàn toàn an toàn.
Ðối với các vụ án đã xảy ra, điều chúng tôi vui mừng là chưa có vụ nào làm bể hay gây ảnh hưởng xấu cho cơ sở liên hệ.
Do vậy, chúng tôi KHÔNG xem việc một số anh chị em bị bắt và giam tù là thất bại. Số lượng anh chị em bị lâm nạn là rất nhỏ; và các anh chị em thành viên khác không vì sợ nguy hiểm mà chùn bước.
Với tình hình hiện nay, chúng tôi tin tưởng mãnh liệt rằng công cuộc dân chủ hoá đất nước sẽ sớm thành công; cho dù khoảng đường từ đây đến đó sẽ đầy dẫy cam go, thử thách.
H: Ðảng Vì Dân có cách đấu tranh nào để không bị bắt giam, xử án không?
Trong đấu tranh, có nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Nếu hình thức đấu tranh là độc lập (không có tổ chức), ôn hoà và sự lên tiếng có chừng mực giới hạn, thì có thể chỉ bị công an sách nhiễu, hăm doạ khi bị lộ diện.
Ðảng Vì Dân, với tư cách là một tổ chức chánh đảng, không thể chỉ bày tỏ thái độ bằng cách lên án chế độ hay yêu cầu họ phải thế này thế nọ. Chúng tôi quan niệm rằng đấu tranh là phải có tính chủ động, phải quyết liệt và phải mang tính dẫn đạo quần chúng.
Nói khác hơn, mọi hình thức đấu tranh đều có ý nghĩa và cần thiết song là một tổ chức đấu tranh, mức độ dấn thân và hy sinh chắc chắn phải cao hơn những người đấu tranh với vị thế quần chúng tích cực. Do vậy, chúng tôi cố gắng hết sức để bảo toàn cơ sở và thành viên nhưng lúc nào cũng chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất (bị bắt giữ hoặc truy tố).
H: Tổ chức của các anh chị là ở trong nước hay ngoài nước?
Thành viên và cơ sở Ðảng Vì Dân hiện diện ở cả trong và ngoài nước. Cho nên, nếu căn cứ vào số lượng thành viên thì Ðảng Vì Dân là một tổ chức trong nước, vì đại đa số thành viên là người quốc nội. Nếu căn cứ vào hoạt động thực tế (kể cả bí mật) thì Ðảng Vì Dân là một tổ chức trong nước. Nếu căn cứ vào yếu tố đại diện thì Ðảng Vì Dân là một tổ chức hải ngoại, vì Văn Phòng Liên Lạc đặt ở Hoa Kỳ.
Do đó, chúng tôi dành quyền nhận xét cho đồng bào.
H: Từ ngày thành lập đến nay, đảng Vì Dân có vẻ quyết liệt với chế độ CS. Cho hỏi, lực lượng đảng VD ở trong nước có đủ sức lật đổ CS chưa? Có đủ nhân sự, khả năng để thay thế đảng CSVN lãnh đạo đất nước chưa?
Trong hơn 5 năm qua kể từ ngày thành lập (01/01/2006), nỗ lực liên tục của anh chị em thành viên Ðảng Vì Dân ở trong và ngoài nước đã được đồng bào và nhiều đoàn thể bạn quý mến. Tuy nhiên, vấn đề đất nước quá lớn và các vấn nạn của nước ta cũng quá nhiều, cho nên khả năng của một tổ chức tân lập chắc chắn không đủ để giải quyết các bế tắc hiện nay.
Về LỰC, chúng tôi còn cách xa đảng CSVN rất nhiều. Nhưng với một đường lối được xem là thích hợp với bối cảnh chính trị của đất nước, chúng tôi tin tưởng là THẾ của Ðảng Vì Dân sẽ vững mạnh hơn mỗi ngày. Trong chiều hướng đó, chúng tôi vững tin là Ðảng Vì Dân sẽ có được những sự đóng góp cụ thể cho tiến trình dân chủ hoá Việt Nam. Còn việc giải thể chế độ độc tài toàn trị, chúng tôi nhận thấy đó là trách nhiệm chung; và khi nào tổng lực đấu tranh đủ mạnh, thì cục diện đất nước sẽ đổi khác.
Nói rõ hơn, chúng tôi không chủ trương hay cho rằng tự một mình Ðảng Vì Dân sẽ đem được dân chủ, tự do cho Việt Nam.
Khi đất nước đã có tự do dân chủ, Ðảng Vì Dân sẽ có những thành viên tham gia vào chính trường để góp phần phụng sự đồng bào và đất nước. Tuy nhiên, Ðảng Vì Dân cũng sẽ là một trong các chánh đảng tham chính; chứ không phải là đảng duy nhất nắm quyền lãnh đạo, vì thể chế tương lai của Việt Nam chắc chắn sẽ là một chính thể dân chủ đa đảng. Nếu thay đổi CS để rồi chỉ có một đảng lãnh đạo thì nó cũng là một chế độ độc tài -- một điều chúng tôi không chủ trương hay có thể chấp nhận.
Về mặt nhân sự, chúng tôi hiện có nhiều thành phần xã hội tham gia, ủng hộ cho tổ chức. Tuy nhiên, với nhu cầu của đất nước thì chưa thấm vào đâu. Chúng tôi tin là trong thời gian tới, hàng ngũ nhân sự của tổ chức sẽ có điều kiện phát triển vững mạnh hơn.
Niềm tin lớn nhất giúp chúng tôi an tâm là khi đất nước bước vào giai đoạn chuyển thể và khi điều kiện sinh hoạt đã đỡ khắc nghiệt hơn, thì sẽ có vô số nhân tài đứng lên giúp nước cho giai đoạn tới. Nếu có sự lãnh đạo tốt, chúng ta không lo thiếu nhân tài trong tương lai.
NỘI DUNG PHẦN TRẢ LỜI MỘT NHẬT BÁO Ở CALIFORNIA
***
1. Ðảng Vì Dân có liên quan gì hoặc có phải là một bộ phận của Chính phủ Việt Nam Tự Do của nhóm ông Nguyễn Hữu Chánh không?
Ðảng Vì Dân Việt Nam là một tổ chức chánh đảng tân lập, do sự liên kết của Câu lạc bộ Hoa-Mai ở Hoa Kỳ và bốn tập hợp đấu tranh ở trong nước vào tháng 01/2006. Do vậy, Ðảng Vì Dân hoàn toàn độc lập với các chánh đảng, tổ chức chính trị đã có trước đó; kể cả Chính Phủ Việt Nam Tự Do.
Liên hệ cá nhân và trách nhiệm lãnh đạo của ông Nguyễn Công Bằng (nguyên là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hải ngoại của Liên Ðảng Việt Nam Tự do, và cũng là Phát ngôn viên của Chính phủ VNTD) với hai tổ chức này đã chính thức chấm dứt vào đầu năm 2004. Thông tin chi tiết về trường hợp này có trình bày ở mạng www.congbang.net
Liên Ðảng Việt Nam Tự do đã được giải thể để thành lập Ðảng Dân Tộc Việt Nam. Ông Nguyễn Công Bằng không phải là một thành viên của tổ chức mới này.
Chính Phủ Việt Nam Tự Do sau đó cũng đã được giải tán vào ngày 17/8/2008. Ở thời điểm này, ông Nguyễn Công Bằng đã ly khai.
2. Bà Phạm Thị Phượng bị cáo buộc là khủng bố, vậy bà có bị bắt với chất nổ, súng đạn và các tài liệu liên quan đến bắn giết, ám sát, đặt chất nổ gì không?
Khi bị bắt vào ngày 21/04/2010, nhà cầm quyền CSVN cáo buộc chị Phạm Thị Phượng "âm mưu khủng bố" nhưng không trưng ra được bất cứ tang vật, chất nổ, vũ khí hay kế hoạch khủng bố, ám sát nào.
Chứng cớ hoạt động mà cơ quan an ninh CSVN truy tập được là tài liệu hướng dẫn kế hoạch phát động phong trào quần chúng đấu tranh nhằm gây bất ổn chính trị, tạo áp lực cô lập đảng CSVN phải chấp nhận một cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do; và một ngân khoản hiện kim nhỏ là $4.500 mỹ kim.
Trong phiên xử sơ thẩm vào ngày 21/09/2011, Hội đồng Xét xử của Toà án Nhân dân tỉnh Ðồng Nai KHÔNG truy tố hay truy vấn tội danh khủng bố như nhà cầm quyền đã cáo buộc một cách rầm rộ trong năm 2010 trên hầu hết báo, đài ở Việt Nam. Ngược lại, tội danh chính thức sử dụng trong bản cáo trạng là "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền". Ðến nay, chúng tôi chưa rõ là chị Phượng sẽ kháng án hay không.
Trên cương vị tổ chức, chúng tôi khẳng định mục tiêu của Ðảng Vì Dân Việt Nam là đấu tranh quyết liệt để góp phần giải thể chế độ độc tài toàn trị đương quyền, hầu có thể xây dựng một chính thể dân chủ đa đảng. Ðiều khác biệt với một số tổ chức khác là chúng tôi chấp nhận mọi hình thức đấu tranh có khả năng giải quyết được các bế tắc của Việt Nam càng sớm càng tốt, miễn là không gây ra cảnh tang thương, đổ vỡ hay đi ngược lại căn bản đạo đức. Chúng tôi không phản đối các hình thức ôn hoà thuần tuý song không tin rằng đấu tranh ôn hoà có thể thay đổi được cục diện Việt Nam khi hoàn cảnh nước ta CHƯA có điều kiện tập trung biểu tình đông người. Tình hình Việt Nam chỉ thay đổi khi phong trào dân chủ hay các lực lượng đấu tranh thực sự có sức mạnh và tính chủ động.
Nói rõ hơn, đường lối của chúng tôi là đấu tranh quyết liệt nhưng không chủ trương trả thù báo oán hay sử dụng khủng bố, bạo lực. Ðường lối của Ðảng Vì Dân được trình bày rõ ràng trong tài liệu Ðề Cương Việt Nam Mới có phổ biến trên mạng cơ hữu: www.vidan.info.
3. Bà Phạm Thị Phượng bị bắt vì đã bị theo dõi từ bên Thái lan, tổ chức của các anh hoạt động có vẻ kém về an ninh nội bộ thì phải? Có thể bị nội phản không?
Kể từ khi gia nhập (01/2010) chị Phượng hoạt động độc lập hoàn toàn với các thành viên và cơ sở ở Thái Lan. Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy việc chị Phạm Thị Phượng bị bắt ở Việt Nam là do cơ sở ở Thái Lan có nội tuyến, hay là do sơ suất của cơ sở.
Tương tự như phương thức hoạt động ở trong nước, Ðảng Vì Dân chủ trương hoạt động đơn tuyến: các cơ sở hoàn toàn độc lập trong mặt quản lý nhân sự và kế hoạch hoạt động. Nói rõ hơn, cho đến nay, các cơ sở không được phép nối kết sinh hoạt hàng ngang.
Chúng tôi xác nhận chị Phạm Thị Phượng không may bị bắt khi đang thực hiện công tác ở Việt Nam và đến nay không có tin tức gì cho thấy là bị nội phản.
Mặt khác, thực tế các cơ sở khác ở Việt Nam vẫn được bình an sau khi chị Phượng bị lâm nạn cho thấy rằng đây là một biến cố không may hoàn toàn riêng biệt.
4. Anhchị nghĩ gì khi bà Phượng bị ghép tội "âm mưu lật đổ..." với một bản án thật nặng?
Với bản án 11 năm tù, chúng tôi xót xa cho sức khoẻ và hoàn cảnh của chị Phạm Thị Phượng nhưng không đặt vấn đề là nặng hay không. Lịch sử cho thấy bất cứ cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt chế độ độc tài nào cũng đều đòi hỏi những sự dấn thân và hy sinh to lớn.
Như chúng ta đều biết, theo ước tính của hãng truyền thông quốc tế, có ít nhất là 5.000 chiến sĩ tự do Libi đã hy sinh kể từ trung tuần tháng 02/2011, và cuộc chiến vẫn phải tiếp diễn. Cuộc đấu tranh dân chủ hoá ở Tunisia có 224 chết và Ai Cập có 846 chết. Ở Syria, cuộc nổi dậy cũng đã hy sinh trên 2.000 người và vẫn đang tiếp diễn không nhân nhượng với chế độ độc tài.
Ở Việt Nam, chúng ta hy vọng và cố gắng hết sức để tiến trình thay đổi sẽ không diễn ra với máu và nước mắt, song tù đày là thử thách mà những người đấu tranh phải sẵn sàng chấp nhận đối đầu trong bình thản.
Anh chị em Ðảng Vì Dân đều đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất, và nếu phải lâm vào hoàn cảnh đó, vẫn tin tưởng rằng cuộc đấu tranh sẽ thành công trong một ngày không xa. Nói cách khác, chúng tôi tin rằng những chiến sĩ dân chủ với bản án nặng nề sẽ bước ra khỏi nhà tù trước thời hạn mãn án.
Xin được nói thêm rằng ngoài trường hợp chị Phạm thị Phượng, Ðảng Vì Dân hiện có 5 thành viên khác đang bị giam cầm với án tù là Ký gỉa Trương Minh Ðức (bị bắt năm 2007, án tù 5 năm), anh Phùng Quang Quyền (bị bắt lần thứ 3 năm 2009, án tù 4 năm), anh Dương Âu (bị bắt năm 2009, án tù 5 năm), Võ sư Trương Văn Kim (bị bắt năm 2009, án tù 3 năm), và chị Trương thị Tám (bị bắt năm 2009, án tù 3 năm).
5. Các con của vợ chồng bà Phương đang làm gì ở bên Thái? Có được đưa đi Mỹ tị nạn không?
Sáu người con của chị Phạm Thị Phượng đã được đưa đến Thuỵ Ðiển tỵ nạn vào ngày 15/7/2010. Với sự vận động và giúp đỡ nhiệt tình của Ts. Nguyễn Ðình Thắng (BPSOS), các cháu đã được đưa đi định cư và đã ổn định cuộc sống mới.
Tương tự như trách nhiệm đối với gia đình các anh chị em thành viên lâm nạn ở Việt Nam, chúng tôi đã yểm trợ tinh thần và vật chất cho các cháu trong thời gian còn lánh nạn ở Bangkok, và sau khi đến Thuỵ Ðiển.
6. Dường như trước kia, bà Phượng làm cho chính phủ Mỹ trước 1975 thì phải?
Theo hồ sơ nhận được từ thân nhân thì chị Phạm Thị Phượng nguyên là một nữ quân nhân QL-VNCH. Căn cứ vào Giấy Ra Trại (tù tập trung cải tạo) thì chị Phượng là Thiếu Uý ngành Tình Báo. Theo một bản tin trên RFA thì chị Phượng có liên hệ công tác với Hoa Kỳ trong thời gian 1969-1975:
"Một cựu quân nhân Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam, thiếu tá hồi hưu Mark A. Smith đang có mặt tại Bangkok, quen biết nhiều với bà Phạm Thị Phượng khi bà được huấn luyện làm nhân viên tình báo Mỹ hồi năm 1969 và rồi phục vụ cho chương trình đặc biệt do Thiếu tá Mark đánh giá."
Ðây cũng có thể là một trong các yếu tố khiến vụ án của chị Phượng trở nên phức tạp, và thời gian điều tra kéo dài đến 17 tháng mới đem ra xử./.

Không có nhận xét nào: