Ronald Reagan - "Tôi tin chủ nghĩa cộng sản là một chương buồn, kỳ quặc khác trong lịch sử con người mà những trang cuối cùng của chương ấy thậm chí hiện nay đang được viết. Tôi tin điều này vì nguồn gốc sức mạnh của chúng ta trong sự tìm kiếm tự do của con người không phải là vật chất mà tinh thần. Và vì sức mạnh ấy không có giới hạn, nó ắt hẳn phải làm khiếp đảm rồi cuối cùng chiến thắng những kẻ nào muốn áp đặt ách nô lệ lên đồng loại của họ..."
Ronald Reagan (1911-2004) là một trong những vị Tổng thống Hoa Kỳ tài ba nhất và nổi tiếng nhất. Ông là một trong số ít người có công rất lớn trong việc đánh bại chủ nghĩa cộng sản trên thế giới. Năm 1983 ông đọc một bài diễn văn trước Hội nghị Phúc âm quốc gia tại thành phố Orlando, tiểu bang Florida. Bài diễn văn "Đế Quốc Ác" này đã gây ra làn sóng bất bình lớn trong khối cộng sản, nhất là Liên Xô, và cả ngay ở Mỹ vì một số người sợ rằng chiến tranh sẽ nổ ra giữa hai siêu cường. Tổng thống Reagan là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới đã nói ra sự thật trần trụi rằng Liên Xô là đế quốc Ác. Như nhà văn Anh Geogre Orwell từng nói trong thời dối trá phổ quát nói ra sự thật là một hành động cách mạng. Tổng thống Reagan bằng can đảm của mình đã nói ra một sự thật mà từ đấy đưa đến sự sụp đổ của các chế độ toàn trị cộng sản.
*
Trần Quốc Việt (danlambao) trích dịch
Bây giờ, rõ ràng, đa phần sự đồng thuận về chính trị và xã hội mà tôi đã đề cập đến đều được dựa trên quan điểm tích cực về lịch sử Mỹ, một lịch sử đáng tự hào về những thành tựu và ưu việt. Nhưng chúng ta không bao giờ được quên rằng không có chương trình hành động nào của chính phủ sẽ làm cho con người trở nên hoàn thiện. Chúng ta biết sống trên đời này có nghĩa là chấp nhận điều mà các triết gia gọi là hiện tượng luận về cái ác hay, như các nhà thần học diễn tả, giáo lý về tội lỗi.
Ác và thiện luôn luôn hiện diện ở trên đời, và chúng ta được Kinh thánh và Đức Chúa Jesus răn hãy chống lại cái ác bằng tất cả sức mạnh của mình. Quốc gia của chúng ta cũng có di sản của cái ác mà cần phải giải quyết. Từ xưa đến nay vinh quang của đất nước này chính là khả năng vượt qua bao cái ác về đạo lý trong quá khứ của mình. Chẳng hạn, cuộc đấu tranh lâu dài của những công dân thiểu số đòi các quyền bình đẳng, vốn từng là cội nguồn của sự chia rẽ và nội chiến, giờ đây lại là điều tự hào cho tất cả những người Mỹ. Chúng ta không được lùi bước. Đất nước này không có chỗ cho kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái, hay những hình thức hận thù sắc tộc và chủng tộc khác.
Nhưng cho dù các trang sử buồn nào tồn tại trong quá khứ chăng nữa, bất kỳ ai khách quan nhận xét đều phải có quan điểm tích cực về lịch sử Mỹ, một lịch sử đã trở thành câu chuyện xưa nay về bao hy vọng được toại nguyện và bao giấc mơ thành hiện thực. Nhất là trong thế kỷ này, nước Mỹ đã gìn giữ ngọn lửa của đuốc tự do, nhưng giữ lửa không phải cho mình mà cho hàng triệu người khác trên toàn thế giới.
Và điều này đưa tôi đến phần cuối cùng trong bài diễn văn hôm nay. Trong cuộc họp báo lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống, để trả lời cho một câu hỏi trực tiếp, tôi đã chỉ ra rằng, với tư cách là những người Mác-xít Lê nin nít tốt, các nhà lãnh đạo Xô viết đã tuyên bố công khai và minh bạch rằng đạo đức duy nhất họ thừa nhận là đạo đức sẽ đẩy mạnh sự nghiệp của họ, tức cách mạng thế giới. Tôi nghĩ tôi nên nói rõ ra rằng tôi đã chỉ đang trích dẫn Lê nin, tinh thần hướng dẫn của họ, người mà vào năm 1920 nói rằng họ bác bỏ tất cả các đạo đức xuất phát từ các tư tưởng siêu nhiên--tức là tên họ đặt cho tôn giáo --hay những tư tưởng bên ngoài các khái niệm giai cấp. Đạo đức hoàn toàn phụ thuộc vào quyền lợi của cuộc chiến tranh giai cấp. Cho nên tất cả những gì cần thiết cho sự tiêu diệt trật tự xã hội bóc lột cũ và cho sự đoàn kết những người vô sản lại đều được coi là đạo đức.
Từ đấy tôi nghĩ việc nhiều người có tầm ảnh hưởng lớn từ chối thừa nhận sự thật cơ bản này của học thuyết Xô Viết minh hoạ sự miễn cưỡng lịch sử nhìn thấy bản chất thật sự của các chính quyền toàn trị. Chúng ta đã nhìn thấy hiện tượng này trong thập niên 1930. Ngày nay chúng ta cũng nhìn thấy hiện tượng này rất nhiều lần.
Điều này không có nghĩa chúng ta nên tự cô lập và từ chối mưu tìm sự cảm thông với họ. Tôi có ý định làm tất cả mọi thứ tôi có thể làm nhằm thuyết phục họ mục đích hoà bình của chúng ta, nhắc cho họ nhớ rằng chính Phương tây từ chối xử dụng độc quyền hạt nhân của mình trong thập niên bốn mươi và năm mươi để tranh đoạt lãnh thổ và hiện nay đề nghị cắt giảm 50 phần trăm hoả tiễn đạn đạo chiến lược và loại bỏ hoàn toàn loại hoả tiễn hạt nhân tầm trung đặt trên đất liền.
Tuy nhiên, đồng thời, chúng ta phải làm cho họ hiểu rằng chúng ta nhất định không bao giờ thoả hiệp các nguyên tắc và tiêu chuẩn của chúng ta. Chúng ta nhất định không bao giờ cho không tự do của chúng ta. Chúng ta nhất định không bao giờ từ bỏ niềm tin vào Chúa. Hơn nữa chúng ta nhất định không bao giờ ngưng tìm kiếm một nền hoà bình đích thực. Nhưng chúng ta không thể đảm bảo cho bất kỳ điều nào trong các điều mà Mỹ luôn luôn tượng trưng này qua cái gọi là các giải pháp ngưng phát triễn vũ khí hạt nhân do một số người đề nghị.
Sự thật là ngưng bây giờ sẽ là một sự gian lận rất nguy hiểm, vì đó chỉ là ảo tưởng về hoà bình. Hiện thực là chúng ta phải tìm hoà bình qua sức mạnh.
Tôi sẽ đồng ý ngưng chỉ nếu chúng ta có thể ngưng tất cả các tham vọng của Xô viết. Ngưng ở mức độ vũ khí hiện nay sẽ khiến cho những người Xô viết không thấy bất kỳ khích lệ nào để thương lượng nghiêm túc ở Geneva và chúng ta thật sự không còn các cơ hội đạt được sự cắt giảm vũ khí quan trọng mà chúng ta đã đề nghị. Ngược lại, nhờ việc ngưng như thế họ sẽ đạt được các mục tiêu của họ.
Ngưng phát triễn vũ khí hạt nhân sẽ thưởng cho Liên Xô về sự phát triển quân sự cực kỳ lớn và không ai bì được của họ. Ngưng như thế sẽ ngăn cản sự hiện đại hoá thiết yếu và quá muộn của quốc phòng đồng minh và Hoa Kỳ và sẽ làm cho lực lượng vũ trang già cỗi của chúng ta ngày càng dễ bị tổn thương. Và một sự ngưng trung thực sẽ cần rất nhiều sự thương lượng trước đó về hệ thống và số lượng phải được hạn chế và về những biện pháp nhằm đảm bảo sự xác minh và sự tuân thủ có hiệu quả. Cho nên ngưng kiểu như được đề nghị sẽ hầu như không thể nào xác minh được. Một nỗ lực quan trọng như thế sẽ khiến chúng ta hoàn toàn không tập trung vào những thương lượng hiện nay của chúng ta để đạt đến những cắt giảm đáng kể.
Cách đây nhiều năm, tôi nghe một người cha trẻ, một người trẻ rất nổi tiếng trong giới giải trí, phát biểu trước một đám đông rất lớn ở California. Ngày đó trong thời chiến tranh lạnh, và chủ nghĩa cộng sản và nếp sống của chúng ta đè nặng trong tâm tưởng của mọi người. Và anh ta nói về chủ đề đó. Rồi bỗng đột nhiên tôi nghe anh nói, "Tôi thương những đứa con gái bé bỏng của tôi hơn tất cả mọi thứ ---" Tôi liền nhủ thầm, " Thôi hỏng rồi, đừng. Anh không thể --không nói thế được." Nhưng tôi đã đánh giá thấp anh. Anh nói tiếp: "Tôi thà thấy các con của tôi chết ngay lúc này, tuy nhiên vẫn còn tin ở Chúa, còn hơn thấy chúng lớn lên dưới chế độ cộng sản rồi một ngày kia chết đi không còn tin ở Chúa."
Trong đám thính giả ấy có đến hàng ngàn người trẻ. Họ đứng lên hoan hô vui sướng. Họ đã nhận ra tức thì sự thật sâu xa trong lời anh ta vừa nói, sự thật về thân xác và linh hồn và về điều gì thật sự quan trọng.
Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện cho sự cứu rỗi của tất cả những ai hiện sống trong bóng tối toàn trị đó -- cầu nguyện rằng họ sẽ khám phá niềm vui biết Chúa. Nhưng cho tới lúc đó, chúng ta hãy ý thức rằng trong khi họ rao giảng bản chất ưu việt của nhà nước họ, tuyên bố quyền toàn năng của nhà nước áp đặt lên con người cá nhân, và tiên đoán sự thống trị cuối cùng của nhà nước lên trên tất cả các dân tộc trên Trái Đất, họ chính là tâm điểm của cái ác trong thế giới hiện đại.
Chính C.S.Lewis, trong tác phẩm "Screwtape Letters", đã viết: "Cái ác lớn nhất bây giờ không được gây ra trong những "hang ổ tội ác" bẩn thỉu hôi hám mà Dickens thích miêu tả. Nó lại càng không được gây ra trong các trại tập trung và các trại lao động. Tại những nơi đó chúng ta chỉ thấy kết quả cuối cùng của nó. Nhưng nó được thai nghén và được ra lệnh (được truyền đi, được ủng hộ, được thực hiện và được ghi lại) trong những căn phòng làm việc sạch sẽ, ấm cúng, có thảm êm và đèn sáng, bởi những người trầm lặng ,áo trắng tinh, móng tay cắt ngắn, má cạo láng, những người không cần lớn tiếng."
Cho nên, vì "những người trầm lặng này" không "lớn tiếng", vì họ đôi lúc nói giọng êm ái mượt mà về tình huynh đệ và hoà bình, vì, giống như những nhà độc tài trước họ, họ luôn luôn "đòi lãnh thổ cuối cùng", một số người bắt chúng ta tin những lời họ nói và chiều theo bản năng hiếu chiến của họ. Nhưng nếu lịch sử dạy chúng ta điều gì, lịch sử dạy ta rằng sự xoa dịu xuẫn ngốc hay mơ ước hão huyền về các đối thủ của chúng ta thực là khờ dại. Điều đấy có nghĩa là phản bội quá khứ của chúng ta, hoang phí tự do của chúng ta.
Vì thế, tôi kêu gọi quý vị hãy lên tiếng chống lại những kẻ muốn đặt Hoa Kỳ vào vị trí thấp kém về đạo đức và quân sự. Vì thế, khi thảo luận về các đề nghị ngưng vũ khí hạt nhân, tôi kêu gọi quý vị hãy coi chừng sự quyến rũ của lòng kiêu hãnh -- sự quyến rũ khi vô tâm tuyên bố mình hoàn toàn đứng trên chuyện này và gán cho cả hai phía lỗi lầm như nhau, khi bỏ qua những sự thật của lịch sử và bản năng hiếu chiến của đế quốc Ác, khi dại dột gọi cuộc chạy đua vũ trang là một sự hiểu lầm lớn và qua đó tự tách rời mình ra khỏi cuộc đấu tranh giữa đúng và sai và giữa thiện và ác.
Tuy sức mạnh quân sự của Mỹ quan trọng, nhưng để tôi nói thêm ở đây rằng tôi trước sau luôn luôn khẳng định cuộc đấu tranh hiện nay đang diễn ra trên thế giới sẽ không bao giờ được quyết định bởi bom đạn hay hỏa tiễn, bởi quân đội hay sức mạnh quân sự. Khủng hoảng thật sự chúng ta đối mặt ngày nay là cuộc khủng hoảng tinh thần; cội rễ của nó là sự thử thách ý chí đạo đức và đức tin.
Whittaker Chambers, người mà nhờ sự trở lại đạo đã ra làm nhân chứng cho một trong những vụ gây chấn động khủng khiếp trong thời đại của chúng ta, vụ án Hiss-Chambers, viết rằng cuộc khủng hoảng của Thế giới Tây phương tồn tại tới mức độ Tây phương thờ ơ với Chúa, tới mức độ mà Tây phương hợp tác trong nỗ lực của chủ nghĩa cộng sản để làm cho con người đứng bơ vơ không có Chúa. Rồi ông nói, vì chủ nghĩa Mác-xít Lê nin nít thực sự là tín ngưỡng xưa nhất thứ hai, đầu tiên đã được tuyên bố trong Vườn Địa Đàng qua những lời đầy quyến rũ, "Các ngươi sẽ trở nên như các chúa". Thế giới Tây phương có thể đối phó lại thách thức này, ông viết, " nhưng chỉ miễn là lòng tin của Tây phương vào Chúa và vào tự do Người ban cho lớn bằng lòng tin của chủ nghĩa cộng sản vào Con người." (1)
Tôi tin chúng ta sẽ vươn lên để đối phó lại thách thức ấy. Tôi tin chủ nghĩa cộng sản là một chương buồn, kỳ quặc khác trong lịch sử con người mà những trang cuối cùng của chương ấy thậm chí hiện nay đang được viết. Tôi tin điều này vì nguồn gốc sức mạnh của chúng ta trong sự tìm kiếm tự do của con người không phải là vật chất mà tinh thần. Và vì sức mạnh ấy không có giới hạn, nó ắt hẳn phải làm khiếp đảm rồi cuối cùng chiến thắng những kẻ nào muốn áp đặt ách nô lệ lên đồng loại của họ. Vì trong lời của Isaiah:" Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. . . Nhưng những người cậy trông Ðức Chúa thì được thêm sức mạnh; như thể chim bằng, họ tung cánh; Họ chạy hoài mà không mỏi mệt..." (1)
Đúng, hãy thay đổi thế giới của ta. Thomas Paine, một trong những vị Cha Lập Quốc, nói: " Bằng sức mạnh trong lòng của mình chúng ta có khả năng bắt đầu thể giới lại từ đầu." Chúng ta có thể thực hiện được điều này, chung sức làm những gì không một nhà thờ nào có thể tự mình làm được.
Nguồn:Thư viện Ronald Reagan
Trần Quốc Việt (danlambao) trích dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét