Sài Gòn – Một lần nữa chúng ta được nghe người trong cuộc nói về cách hành xử thiếu “chính” của các cấp chính quyền đối với những người mang trong mình tâm huyết “xây dựng và bảo vệ Đất nước” với lý trí và con tim. Những chia sẻ của Đức cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp về cuộc toạ đàm “Hoà bình và Công lý trên Biển đông” không được thực hiện làm tăng thêm sự nghi ngờ của nhiều người đối với chính quyền.
Lịch sử đã một phần cho chúng ta thấy những yếu tính như “ngăn cấm” và “đàn áp” (những điều chính nghĩa), “đe doạ” và “khủng bố” hình như chỉ tồn tại nơi các chế độ chính trị độc tài. Nếu hỏi những người hay đọc về họ – những người đã từng sống trong các chế độ độc tài phát-xít của Hít-le và của những nước thuộc khối cộng sản Liên-xô cũ, chúng ta sẽ biết những gì : sự sợ hãi và nghi kỵ được hun đúc nơi người dân từ chính sách “khủng bố tinh thần” của chế độ. Điều này đã để lại những hậu quả nghiêm trọng trong đời sống xã hội, hay như ngôn từ được Đức giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI sử dụng để nói về điều này : “một sự tàn phá khủng khiếp” (x. Thông điệp Spe salve, số 21).
Tôi không hiểu về những gì đã xảy ra : các thanh niên tham gia các phong trào vì nước, vì dân hoặc bị bắt, hoặc bị mất việc (phần lớn là thanh niên Công giáo), hay như lời trần tình của Đức cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp trong bài phỏng vấn trên VietCatholic (20-09-2011): “Đối với chúng tôi, Ban Tổ chức cuộc toạ đàm, chúng tôi bó buộc triển hạn toạ đàm không phải chỉ vì Ban Tôn giáo chính phủ và Ban Tôn giáo – Dân tộc thành phố HCM yêu cầu, mà còn vì áp lực nặng nề của nhà cầm quyền trên Tu viện Đa Minh, cơ quan chủ quản của Trung tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình, và nhất là sự đe doạ của các cấp chính quyền đối với các nhân viên cộng tác trong toạ đàm, các cộng sự viên. Một số người bị cảnh cáo là nếu tham dự toạ đàm sẽ bị mất việc. Công an cũng gặp trực tiếp hay gọi điện thoại cảnh cáo nhiều người tại SG và yêu cầu không được tham dự toạ đàm. Một số giáo phận khác cũng được công an thăm hỏi và làm phiền vì chuyện “Hòa bình và Công lý trên Biển Đông.”
Chúng ta không cần bàn thêm về tâm huyết của những nhà trí thức yêu nước và những trăn trở của họ cho sự toàn vẹn đất nước. Chúng ta chỉ đề cập đến tinh thần tôn trọng luật pháp của các cấp chính quyền, một cách đặc biệt trong trường hợp trên đây. Số 55, Hiến pháp của Nhà nước XHCN Việt Nam, xác định : “Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân.” Cũng vậy, những điều trong Bộ luật lao động của Nhà nước XHCN Việt Nam đã quy định một cách cụ thể quyền lao động của công dân được nhà nước bảo hộ như sau :
Điều 5 :
- Số 2 : “Cấm ngược đãi người lao động; cấm cưỡng bức người lao động dưới bất kỳ hình thức nào.”
Điều 36 : Hợp đồng lao động chấm dứt trong những trường hợp sau đây:
- Hết hạn hợp đồng;
- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng;
- Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;
- Người lao động bị kết án tù giam hoặc bị cấm làm việc cũ theo quyết định của Toà án;
- Người lao động chết; mất tích theo tuyên bố của Toà án.
Điều 85 :
1- Hình thức xử lý kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng trong những trường hợp sau đây :
- Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp;
- Người lao động bị xử lý kỷ luật chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật;
- Người lao động tự ý bỏ việc 7 ngày trong một tuần hoặc 20 ngày trong một năm mà không có lý do chính đáng;
2- Sau khi sa thải người lao động, người sử dụng lao động phải báo cho cơ quan lao động cấp tỉnh biết.
Nếu chúng ta hành xử như những người “sống theo pháp luật” trong một “nhà nước pháp quyền”, thì việc “hù doạ” (và có thể là thật) trên đây : “nếu tham dự toạ đàm sẽ bị mất việc”, hoàn toàn phi pháp. Chỉ trong một chế độ độc tài, chúng ta thường thấy có những người tự đặt mình lên trên Hiến pháp và luật pháp mà thôi.
Trần Văn Khuê, aa
Nguồn: VRNs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét