Việt Hà, phóng viên RFA
2011-10-06
Một hội thảo quốc tế về biển Đông sắp được tổ chức tại Đài loan. Trung tâm nghiên cứu châu Á Thái Bình dương thuộc Viện nghiên cứu Á Âu của Đài Loan chịu trách nhiệm tổ chức cuộc hội thảo này.Đây có thể được coi là cách mà Đài Loan muốn làm nhằm lôi kéo sự quan tâm của quốc tế đối với quyền lợi của nước này trên biển Đông. Vậy quyền lợi của Đài Loan tại biển Đông là gì và tại sao nước này lại cần phải lôi kéo sự chú ý của quốc tế vào vấn đề này vào lúc này? Việt Hà có bài tìm hiểu và tường trình.
Như một con voi lớn
Từ ngày 7 đến ngày 8 tháng 10, Đài Loan sẽ tổ chức một hội thảo quốc tế về biển Đông có tên gọi các vấn đề liên quan đến luật pháp và chính sách tại biển Đông, quan điểm của châu Âu và Mỹ. Chỉ nhìn vào bản lịch trình của hội thảo, người ta cũng có thể thấy buổi hội thảo quy tụ khá nhiều các học giả của Đài Loan và quốc tế cũng giống như những hội thảo quốc tế mà Việt Nam đã và đang tổ chức ở nhiều nơi nhằm thu hút sự chú ý của quốc tế đối với những tranh chấp và xung đột đang diễn ra ở biển Đông.Theo giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, một diễn giả tại buổi hội thảo, thì đây chính là một cách tiếp cận của Đài Loan trong việc giải quyết vấn đề biển Đông và bảo vệ quyền lợi của mình. GS Carl Thayer nói:
Họ không làm ồn ào như Trung Quốc như cắt cáp thăm dò hay đuổi bắt tàu cá nước khác. Cho nên họ giống như một con voi ở giữa biển Đông, và không thể bị lờ đi.“Khi tôi nhận lời mời diễn thuyết tại hội thảo của Đài Loan thì nó cũng giống như những người được Việt Nam mời trước đó, nhưng theo cách Đài Loan thì họ còn mời chúng tôi đến đảo Ba Bình ở Trường Sa của họ. Họ sẽ đưa khách quốc tế ra đó để cho thấy đảo của họ thế nào, điều này cho thấy họ có lợi ích và quan tâm, họ bảo vệ chủ quyền theo cách ngoại giao và không ồn ào, bất cứ khi nào có một nước nào làm gì đó thách thức quyền lợi, chủ quyền của Đài Loan, nhưng họ không làm ồn ào như Trung Quốc như cắt cáp thăm dò hay đuổi bắt tàu cá nước khác. Cho nên họ giống như một con voi ở giữa biển Đông, và không thể bị lờ đi.”
GS Carl Thayer
Đài Loan hiện quản lý đảo Ba Bình hay còn gọi là Itu Aba thuộc quần đảo Trường Sa. Đây được coi là hòn đảo lớn nhất tại Trường Sa và có đầy đủ điều kiện để phát triển kinh tế, cuộc sống. Theo luật pháp quốc tế thì một đảo như vậy có thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ bờ. Điều này làm cho Đài Loan chở thành một nước quan trọng trong những nước đòi chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei. Nhưng theo các chuyên gia thì mặc dù vậy Đài Loan vẫn chỉ như một con voi lớn ngồi giữa phòng ăn một cách yên lặng.
Học giả Tống Yến Huy thuộc Học viện nghiên cứu Á Âu của Đài Loan trong một bài viết cho một hội thảo về biển Đông hồi tháng 2 vừa qua có viết rằng:
“Do một loạt các vấn đề phức tạp và chính trị, vấn đề chủ quyền và tranh chấp ở biển Đông chưa bao giờ được đặt làm ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Đài Loan trong suốt 4 thập niên qua. Vào tháng 12 năm 2005, chính phủ ông Trần Thủy Biển đã ngừng sử dụng bản hướng dẫn năm 1993 của Đài Loan về chính sách liên quan đến biển Đông, trong đó nói rằng dựa trên cơ sở lịch sử, địa lý, luật quốc tế và thực tế, quần đảo Trường sa, Hoàng Sa, Trung Sa và Đông Sa luôn là một phần của lãnh thổ được thừa hưởng từ Trung Quốc.”
Không hùng hổ như Trung Quốc
Họ đòi hỏi chủ quyền mang tính lịch sử và họ bảo vệ chủ quyền rất nhẹ nhàng. Họ không mang theo cây gậy và hủng hổ nói về chuyện này.Dưới thời của tổng thống mới Mã Anh Cửu, Đài Loan theo đuổi chính sách tìm kiếm hợp tác phát triển chung, duy trì hòa bình ổn định trong khu vực, trong khi vẫn khẳng định chủ quyền của mình. Nguyên tắc của Đài Loan là ‘chủ quyền thuộc về chúng ta, gạt sang bên những bất đồng, hòa bình, nhân nhượng lẫn nhau và hợp tác phát triển’.
GS Carl Thayer
Theo giáo sư Carl Thayer, việc Đài Loan quyết định đi theo con đường hòa bình và hợp tác là bởi những ràng buộc với đồng minh của mình trong khu vực và nhất là với Hoa Kỳ. Ông cho rằng:
“Đài Loan không muốn gây thù hằn với các nước ASEAN cũng như làm các đồng minh của mình như Nhật bản và Hoa Kỳ tức giận. Cho nên họ đòi hỏi chủ quyền mang tính lịch sử và họ bảo vệ chủ quyền rất nhẹ nhàng. Họ không mang theo cây gậy và hủng hổ nói về chuyện này.”
Để đáp lại những đòi hỏi về chủ quyền của các nước khác trong khu vực, từ tháng 7 năm 2010 đến tháng sáu năm 2011, Đài Loan đã đưa ra 5 bản tuyên bố khẳng định chủ quyền của mình và kêu gọi hợp tác phát triển chung. Nhưng tuyên bố này được đưa ra sau khi các nước Philippines và Việt Nam gửi các công hàm lên Liên Hiệp quốc khẳng định chủ quyền của các nước này trên biển Đông.
Đài loan thậm chí còn phi quân sự hóa đảo bằng cách chuyển quân lính ra khỏi đảo và thay vào đó là lực lượng cảnh sát và tuần duyên.
Mặc dù là nước chiếm một đảo lớn và do đó có nhiều quyền lợi trên biển Đông, nhưng trong những đối thoại chính thức của các nước trong khu vực về biển Đông, người ta gần như không thấy vai trò của Đài Loan. Đó chính là những vấn đề phức tạp và chính trị mà học giả Tống Yến Huy nói đến. Khó khăn này liên quan đến việc Đài Loan vốn không được đông đảo cộng đồng quốc tế nhìn nhận là một nước độc lập khỏi Trung Quốc. Có ít hơn 30 nước trên thế giới thừa nhận Đài Loan là một nước độc lập ngoài Trung Quốc. Tất cả các nước Đông Nam Á từ năm 1999 đến 2000 đều đã ký thảo thuận dài hạn với Trung Quốc, trong đó thừa nhận chính sách một Trung Quốc. Cũng chính vì vậy mà các nước Đông Nam Á khó lòng có thể đàm phán chính thức với Đài Loan hay lôi kéo nước này tham gia vào các cơ chế đa phương, dù Đài Loan rất muốn.
Trung Quốc vốn là nước bị coi là hủng hổ nhất trong việc đòi chủ quyền trên biển Đông, nhất là trong hành động của họ đối với các nước Đông Nam Á, thì lại dường như tỏ ra khá nhẹ nhàng với Đài Loan về vấn đề này. Trung Quốc đã tiếp cận Đài Loan để có một lập trường chung về chủ quyền trên biển Đông nhưng Đài loan không chấp nhận vì sợ có thể ảnh hưởng đến chủ quyền của nước này.
Theo học giả Tống Yên Huy thì hiện vẫn chưa rõ quan điểm của chính phủ Đài Loan liên quan đến đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc đòi chủ quyền.
Các học giả Đài Loan hiện cũng chưa tìm được những tài liệu chứng minh đầy đủ cho bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn này.
Mọi người phải nhìn nhận chừng nào Đài Loan còn quản lý đảo này và họ được quyền đòi phần đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo luật biển, và các nước đều phải chấp nhận điều này.
GS Carl Thayer
Vậy với vị thế không được quốc tế thừa nhận là một nước độc lập, Đài Loan phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Theo các chuyên gia, hiện tại Đài Loan có thể tiếp cận qua con đường ngoại giao mức 2 tức là không chính thức. Một trong những nỗ lực ở mức ngoại giao không chính thức mà Đài Loan đã làm là có đại diện tại Hội đồng Hợp tác châu Á Thái Bình Dương (CSCAP), một tổ chức không chính thức trong khu vực bao gồm các học giả, các nhà nghiên cứu. Đây là một tổ chức tư vấn cho chính phủ trong khu vực mà thôi.
Và tất nhiên, một hội thảo quốc tế như hội thảo vào ngày 7 tháng 10 tới cũng là một cách tiếp cận ngoại giao không chính thức khác mà Đài Loan đang làm để lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Tại hội thảo này Đài Loan sẽ tiếp tục nói rõ quan điểm của mình đó là phải dựa vào luật pháp quốc tế khi giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Giáo sư Carl Thayer giải thích:
“Từng bước một Đài Loan đang cố gắng nói với mọi người là dù Đài Loan không phải là một nước trong Liên Hiệp Quốc nhưng nếu nhìn vào luật quốc tế thì các nước đòi chủ quyền trên biển Đông cũng phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế và sẽ có những nước phải lùi lại rất nhiều trong đòi hỏi chủ quyền của mình. Và cuối cùng thì cái đảo lớn nhất của Đài Loan là đảo Ba Bình là thực tế mà mọi người phải nhìn nhận chừng nào Đài Loan còn quản lý đảo này và họ được quyền đòi phần đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo luật biển, và các nước đều phải chấp nhận điều này.”
Theo giáo sư Carl Thayer thì sớm muộn gì thì các nước trong khu vực cũng phải nhìn nhận vấn đề Đài Loan trong các đối thoại của mình về chủ quyền trên biển Đông. Nhưng để thực sự kéo Đài Loan vào các đối thoại hay cơ chế chính thức nào trong khu vực thì còn đòi hỏi một thời gian dài và sẽ còn nhiều khó khăn vì áp lực từ Trung Quốc. Vì vậy cho nên chủ quyền theo luật pháp quốc tế là một chuyện còn thực tế chính trị thì lại là một chuyện khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét