Ông Phan Diễn
Hoàng Phương Loan
Nhà nước có dám bỏ kinh doanh?
Bàn về đổi mới tư duy để có thể tái cấu trúc nền kinh tế, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn cho hay, nhận thức của chính ông về kinh tế nhà nước đã khác so với hơn 1 năm trước.
“Nhận thức đã khác”
Ông cho hay, đầu năm 2010, thảo luận về vị trí của kinh tế Nhà nước, ông cho rằng, nói kinh tế nhà nước là chủ đạo vẫn đúng. Bởi lẽ chúng ta cần một lực lượng trong tay nhà nước, giúp nhà nước thực hiện các ý đồ, định hướng nền kinh tế, làm những việc mà các thành phần kinh tế khác không làm được.
Thế nhưng, qua những chuyến đi khảo sát ở các nước, “nhận thức của tôi (Phan Diễn – pv) về vị trí của kinh tế Nhà nước đã khác”.
“Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế rất quan trọng nhưng kinh tế Nhà nước thì chưa chắc”, nguyên Thường trực Ban Bí thư nói.
Hàn Quốc là bài học thực tế tạo nên bước chuyển nhận thức ấy.
Đánh giá cao vài trò của Chính phủ trong việc định hướng phát triển kinh tế, đề ra nhiều chủ trương, chính sách, nhưng Hàn Quốc thực hiện được những ý định không phải dựa vào lực lượng kinh tế quốc doanh mà chính là vào lực lượng tư nhân.
Ngay cả tư nhân, nhà nước cũng không quá o bế đối với lĩnh vực cần ưu đãi, và cũng không nên nuông chiều, ưu đãi quá lâu. Hàn Quốc đã từng trả giá khi o bế các cheabol.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng “Gốc gác của vấn đề là nhiều tư duy không ổn mà ta ít nhắc tới.
Tư duy của vị trí nhà nước trong nền kinh tế thị trường của ta còn khác nhau và chưa rõ, kể cả nhà nước trung ương và nhà nước địa phương. Ở các nước, chính quyền chủ yếu lo quản lý hành chính nhà ước, không ai đi làm kinh tế cả.
Ông nêu vấn đề: Với các nước GDP là câu chuyện của DN, đâu phải là của nhà nước lo. Ở ta thì khác. Các địa phương được đánh giá qua thành tích tăng trưởng, qua các con số như GDP, và hệ quả tất yếu là họ chạy, xin đầu tư, là chạy theo tư duy nhiệm kì. Mỗi tỉnh là một pháo đài, một đơn vị kinh tế hoàn chỉnh. Không gian kinh tế quốc gia vì thế bị chia cắt thành không gian kinh tế tỉnh, nền kinh tế bị xé lẻ.
Trách nhiệm lo phúc lợi xã hội của Nhà nước cũng thông qua DNNN, tức là vẫn là nhà nước làm kinh doanh, bởi tiền ngân sách rót qua DNNN tới dân.
Thực tế, nền kinh tế VN đang phải trả giá cho những bất cập trong phân vai giữa nhà nước và tư nhân trong kinh tế.
Theo Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp, khu vực này hiện đang sở hữu 70% tổng tài sản cố định của nền kinh tế, chi phối 20% vốn đầu tư của toàn xã hội, 60% tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, 50% vốn đầu tư nhà nước và 70% nguồn vốn ODA.
Được bảo hộ lớn và ưu đãi nhiều, thế nhưng, khu vực này chỉ tạo ra 25% doanh thu, 37% lợi nhuận trước thuế và 20% giá trị sản xuất công nghiệp.
“Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế rất quan trọng nhưng kinh tế Nhà nước thì chưa chắc”
Hơn nữa, khu vực này dựa vào vay nợ lớn để đầu tư. Không kể 9 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa có số liệu, con số nợ của các DNNN đã lên tới 54,2% GDP, TS Phan Thanh Hà, Vụ phó Vụ tài chính và tiền tệ, Bộ Kế hoạch đầu tư dẫn lại thống kê của Ban đổi mới và phát triển DN.
“Khi một quốc gia đưa phần lớn vốn đầu tư nhưng lại không đưa được lực lượng lao động vào một khu vực, và khu vực này lại không thể tự tạo ra được ngân lưu hay không duy trì được tỷ phần đóng góp của mình vào sản lượng của nền kinh tế dù đó được bảo hộ và những lợi thế khác, thì đó không phải là biểu hiện của quản lý kinh tế tốt”, GS David Dapice từng cảnh báo như vậy trong một nghiên cứu của ông năm 2003.
“Một khi tư duy không thay đổi, chúng ta sẽ chứng kiến kế hoạch mà Chính phủ đang trình, Quốc hội đang bàn sẽ không thể thay đổi được… Sẽ chẳng có tái cấu trúc đâu”, ông Vũ Khoan nói.
Cưỡng lại “xu thế”?
Bàn về chuyện tái cấu trúc, các chuyên gia đều nhấn mạnh nhu cầu xác định rõ chức năng, nhiệm vụ kinh tế của nhà nước trong nền kinh tế thị trường: cái gì cần nhà nước đầu tư, cái gì tư nhân đầu tư. Vốn đầu tư nhà nước sẽ không đổ vào những ngành nghề mà khu vực tư nhân làm được.
Nhà nước không nên sử dụng doanh nghiệp nhà nước như một công cụ điều tiết vĩ mô, điều tiết thị trường hay thực hiện chính sách xã hội.
Điều nghịch lí là, ở Việt Nam, khi tư nhân hào hứng đầu tư thì nhà nước cũng lao vào cạnh tranh, và ngược lại. Việc đầu tư ở cảng Thị Vải – Cái Mép là một ví dụ, khi có tới 3 dự án cảng thuộc liên doanh của Tân Cảng Sài Gòn.
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, chương trình kinh tế Fulbright, nên giới hạn hoạt động của DNNN ở mấy lĩnh vực: an ninh, quốc phòng; độc quyền tự nhiên; hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và công nghiệp trụ cột. Chỉ cần nêu rõ những ngành ấy là có thể loại bỏ một loạt DNNN hiện nay đang chèn lấn khu vực tư nhân, triệt tiêu cạnh tranh của nền kinh tế.
Chúng ta cần buộc DNNN cạnh tranh bình đẳng; đẩy mạnh cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn lớn; chấm dứt DNNN đầu tư tràn lan ra ngoài ngành.
Hơn nữa, “cần hạn chế bắt DNNN phải gánh trách nhiệm phi kinh tế”, TS Tự Anh nhấn mạnh. Chúng ta không nên xem việc trách nhiệm ấy là mặc định DNNN phải gánh. Hiện nay, đó là cái cớ để họ vin vào mỗi khi bị thổi còi về tính kém hiệu quả. Những trách nhiệm chính trị – xã hội nếu có, sẽ được áp dụng bằng một hợp đồng riêng với nhà nước với những ràng buộc cụ thể.
Vấn đề là, “chúng ta có dám rũ bỏ chuyện nhà nước kinh doanh không?“, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nêu câu hỏi.
TS Vũ Thành Tự Anh lấy ví dụ, ngay cả khi cơ quan tham mưu như Bộ KH-ĐT đã nhận diện ra vấn đề, thì việc thay đổi cũng không dễ. Chuyện các khu kinh tế ven biển là một ví dụ.
Khi thảo luận, chính Bộ KHĐT cho rằng, con số 15 khu kinh tế ven biển là quá nhiều, mà chưa có khu nào đáng gọi là khu kinh tế. Đến lúc VN phải xem lại, chọn lựa một vài khu kinh tế biển để “làm cho ra hồn”
Thế nhưng, cũng chính Bộ KHĐT lại không cưỡng được xu thế, ít lâu sau lại trình thêm 3 khu kinh tế biển nữa, thành 18 khu, mà mỗi khu chỉ cách nhau 40-50km.
Sự thay đổi ấy, “phải dũng cảm mới có thể thực hiện được”, TS Tự Anh nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét