Theo: TCPT số 50
Từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã trải qua khoảng bốn giai đoạn chính.
Giai đoạn đầu tiên, từ năm 1949 đến năm 1978, được đặc trưng bởi tình đồng chí xuyên qua nền tảng ý thức hệ, tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau. Trong suốt cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp, sau đó là Hoa Kỳ và miền Nam Việt Nam, thì Trung Quốc đã đóng một vai trò vững chắc và không thể thiếu trong việc hỗ trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt).
Giai đoạn thứ hai bắt đầu khi Việt Nam xâm lược Campuchia vào năm 1978 và chiến tranh biên giới Việt-Trung vào năm 1979, và sau đó kết thúc vào năm 1990. Đây là một trong những thời kỳ đặc trưng đối lập, chiến tranh và mất lòng tin lẫn nhau trong quan hệ Việt- Trung.
Giai đoạn thứ ba bắt đầu vào năm 1991, trong đó quan hệ ngoại giao giữa hai nước phục hồi đến năm 2007. Những năm đầu của thời kỳ này, sự cải thiện nhanh chóng trong quan hệ song phương dựa trên “mười sáu chữ vàng” đã được chứng kiến rõ ràng, “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” nhằm thúc đẩy kinh tế và giải quyết các tranh chấp biên giới, theo chiều hướng có lợi cho phía Trung Quốc. Tuy nhiên, tinh thần hợp tác và tình hữu nghị này đã làm suy yếu trong giai đoạn sau đó do mối quan tâm của Việt Nam về sự lớn mạnh của Trung Quốc và các hành động mạnh bạo của họ ở biển Đông.
Giai đoạn thứ tư, bắt đầu vào năm 2008, thể hiện qua sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc chống lại các nỗ lực của Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở biển Đông. Tương lai của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phụ thuộc vào sự tương tác giữa hai nước (về địa lý và lịch sử) và hai biến số (chính sách của Trung Quốc và thay đổi trong mối quan hệ của các cường quốc).
Về mặt địa lý, Việt Nam là một đất nước nhỏ bé sống trong cái bóng của một người hàng xóm khổng lồ. Đó là việc bình thường đối với một nước lớn trong cuộc mưu tìm ảnh hưởng đối với một người hàng xóm nhỏ hơn, và việc nước nhỏ hơn nổ lực chống lại sự bành trướng để bảo vệ nền độc lập cho đến khi hai bên đạt được một thỏa hiệp có lợi thì cũng là chuyện dễ hiểu. Trong quá khứ, khi hai nước cùng chia sẻ một hệ tư tưởng và phải đối mặt chung một kẻ thù – những ‘đế quốc’ chống chủ nghĩa cộng sản – thì mối quan hệ tất nhiên chặt chẽ và vững chắc. Nhưng sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu, và nền kinh tế thị trường bắt đầu phát triển mạnh cũng như hội nhập với thế giới thì các tư tưởng ý thức hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu suy yếu, đồng thời làm sống lại mối quan hệ theo dạng nước lớn-nước nhỏ, và chiến lược của Việt dần mất lòng tin vào Trung Quốc.
Năm 1990, khi Việt Nam cảm thấy bị đe dọa bởi các biến đổi triệt để trong thế giới cộng sản thì họ quay sang tìm kiếm đồng minh cộng sản với Trung Quốc nhằm chống lại mối đe dọa ‘diễn biến hòa bình’ của phương Tây. Nhưng Trung Quốc một mặt chấp nhật sự giải hoà, nhưng đã bác bỏ yêu cầu liên minh của Việt Nam. Vì không được sự hậu thuẫn chặc chẽ bởi Trung Quốc, nên Việt Nam bắt đầu có những bước đi khác nhằm định hướng lại chính sách đối ngoại đối với các nước láng giềng và phương Tây, cũng như cố gắng cải thiện hồ sơ của mình trên thương trường quốc tế. Thành công của chính sách này mang lại kết quả bình thường hóa mối quan hệ Việt-Mỹ, đưa Việt Nam hội nhập vào các hệ thống ASEAN, và vừa qua đã trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc trong năm 2008 và Chủ tịch của ASEAN trong năm 2010.
Nếu về mặt địa lý và lịch sử kết hợp để minh chứng cho sự mất lòng tin của Việt Nam đối với Trung Quốc trong quan hệ song phương cơ bản này thì hành động của Trung Quốc từ năm 2008 đã trực tiếp khẳng định điều này. Một mặt, Trung Quốc tăng tốc xây dựng hải quân trong khu vực biển Đông, trong khi đó thì các trang web Trung Quốc bắt đầu công bố “kế hoạch xâm lược” chống lại Việt Nam. Mặt khác, Trung Quốc bắt đầu cảnh báo các công ty dầu mỏ nước ngoài không nên tiếp tục khai thác năng lượng trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền trong khi đó thì họ vẫ tiếp tục khai thác dầu trong khu vực tranh chấp với Việt Nam.
Gần đây hơn, trong năm 2009, Trung Quốc đơn phương áp đặt một lệnh cấm đánh cá trong vùng biển Đông, bắt giữ ngư dân Việt Nam và công khai tuyên bố chủ quyền với hơn 80% diện tích khu vực biển Đông – một tuyên bố đã vi phạm nghiêm trọng khu kinh tế độc quyền của Việt Nam. Việt Nam đã phản ứng bằng cách khuyến khích các tàu đánh cá Việt Nam tiếp tục đánh bắt cá trong khu vực tranh chấp, mua bán vũ khí để tăng cường phòng thủ, và bất chấp sự phản đối từ phía Trung Quốc, Việt Nam vẫn tiếp tục đa phương hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông và tìm kiếm sự hợp tác của các nước khác.
Hoa Kỳ đã có những ý kiến rõ ràng rằng họ không chia sẻ quan điểm về các tuyên bố của Trung Quốc ở biển Đông, và phản đối bất kỳ nỗ lực nào liên quan đến việc đe dọa các công ty Mỹ ‘tham gia vào hoạt động kinh tế hợp pháp’ cũng như ngăn cản sự tự do duy chuyển trong vùng biển Đông. Tuy nhiên, những hành vi hung hăng của Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng khiến Hoa Kỳ tranh thủ quay lại châu Á, bao gồm cả Việt Nam. Quyết tâm mới này của Hoa Kỳ nhằm khuyến khích sự tin tưởng đối với các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, phải mạnh mẽ phản đối Trung Quốc, như đã được phản ánh tại cuộc đối thoại Shangri-La trong tháng 6 năm 2010 trong Hội nghị thượng đỉnh châu Á Đông lần thứ năm và ADMM-Plus tại Hà Nội trong tháng 10 năm 2010.
Đồng thời, quan hệ quân sự Việt-Mỹ đã được cải thiện rõ rệt, thông qua các cuộc đối thoại chính trị-quân sự đầu tiên trong năm 2009 và tiếp theo là các cuộc đối thoại về chính sách quốc phòng trong năm 2010. Những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã phần nào giúp hội tụ lại những lợi ích về mặt chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và giúp đẩy mạnh mối quan hệ hữu nghị nhanh chóng, bất chấp nỗi lo sợ “diễn biến hoà bình” của Việt Nam.
Tất cả điều này cho biết, Việt Nam không muốn chống lại Trung Quốc nếu không cần thiết. Về ý thức hệ, Việt Nam vẫn cảm thấy thoải mái với Trung Quốc hơn so với Hoa Kỳ. Về kinh tế, Trung Quốc là một thị trường đầy tiềm năng, cũng là một nguồn hỗ trợ tài chính và một mô hình phát triển mà Việt Nam có thể học theo. Trở ngại lớn nhất đối với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước hiện nay vẫn là các mâu thuẫn và tranh chấp xoay quanh khu vực biển Đông.
Việt Nam đã tuyên bố một phần rằng họ sẽ không nhượng bộ thêm nữa đối với những yêu cầu khó chấp nhận của Trung Quốc. Do đó, giải pháp hòa bình cho vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào sự kiềm chế và lòng hào hiệp của Trung Quốc. Nếu không thể đáp ứng như mong đợi, thì Trung Quốc sẽ chỉ đơn giản đẩy Việt Nam và các nước khác xa hơn và hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ.
Nguyễn Hùng là giáo sư ngành chính phủ và quan hệ quốc tế tại Đại học George Mason.
Nguồn: The Diplomat
*Tựa đề do PHÍA TRƯỚC đặt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét