Cần Thơ – Trong lời mở đầu nhấn mạnh của bài – Việc một số linh mục giáo xứ Thái Hà ngăn cản triển khai dự án xử lý nước thải tại bệnh viện Đống Đa: Vi phạm pháp luật! – đăng trên Hà Nội Mới (HNM), ngày 27.10.2011 viết: “Bệnh viện đa khoa Đống Đa (192 Nguyễn Lương Bằng) là bệnh viện đa khoa hạng II tại Hà Nội. Trong những năm qua, khó khăn lớn nhất của bệnh viện là hệ thống xử lý nước thải không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến ô nhiễm môi trường, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe cán bộ, viên chức, bệnh nhân và nhân dân khu vực xung quanh.”
Đọc những dòng này, chúng tôi tự hỏi: Tại sao khi xây dựng bệnh viện Đống Đa lại để “là hệ thống xử lý nước thải không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến ô nhiễm môi trường, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe cán bộ, viên chức, bệnh nhân và nhân dân khu vực xung quanh”? Đây có phải là lý do chính dẫn đến tình trạng chăm sóc sức khoẻ người dân yếu kém của bệnh viện đến mức dân phải đặt thành ngữ “vào Đống Đa ra Văn Điển” không? (Đống Đa là bệnh viện, Văn Điển là nghĩa trang, tức là vào bệnh viện này thì chỉ có chết!). Và tại sao lại có chuyện trái khuáy “một số linh mục giáo xứ Thái Hà ngăn cản triển khai dự án xử lý nước thải tại bệnh viện Đống Đa”?
Phần trả lời đầu cho câu hỏi thứ nhất
Tiếp tục đọc xuống những dòng liền sau xa-pô ở trên lại thấy viết: “Qua các đợt kiểm tra gần đây cho thấy mức độ ô nhiễm nước thải ra môi trường của Bệnh viện Đống Đa luôn vượt quá tiêu chuẩn cho phép do các chất thải bị hòa tan và nhiễm các chất độc có trong chất thải bệnh viện. Với 80m3/ nước thải độc hại chảy ra môi trường mỗi ngày, chắc chắn không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm trong và ngoài bệnh viện mà còn có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cán bộ, y bác sỹ, bệnh nhân và cả nhân dân 4 phường Quang Trung, Ô Chợ Dừa, Trung Liệt, Nam Đồng.” Chúng tôi lại đặt câu hỏi có phải có hẳn một chủ trương lớn của chính quyền Hà Nội muốn tiêu diệt các nhân sĩ Hà Thành và nhân dân Hà Nội dần dần và tinh vi bằng cách dùng nguồn nước ô nhiễm trực tiếp “ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cán bộ, y bác sỹ, bệnh nhân và cả nhân dân 4 phường Quang Trung, Ô Chợ Dừa, Trung Liệt, Nam Đồng” không? Nếu không tại sao 40 năm qua cố tình để như vậy?
Đọc tiếp, chúng tôi lại thấy thương cho đất nước mình. Trên bảo dưới không nghe. Từ năm 2003, “Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, trong đó có Bệnh viện đa khoa Đống Đa”, đến nay đã 8 năm mà chưa triển khai. Khi thúc bách quá thì phải làm nhưng làm cho có, nên “ngày 18- 9- 2010, UBND thành phố [mới] đã ban hành Kế hoạch số 142/KH- UBND về việc triển khai đề án “Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2010” tại 25 đơn vị, trong đó có dự án xây dựng trạm xử lý nước thải của Bệnh viện đa khoa Đống Đa”. Tháng 9.2010 mới có kế hoạch thực hiện “Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2010”, tức là cuối năm 2010 phải hoàn thành, nhưng hôm nay tháng 10 sang tháng 11 của năm 2011 mới bắt đầu triển khai.
Qua đây cho thấy có sự tuỳ tiện trong việc chọn nơi chốn, chọn phương án xây dựng bệnh viện, sự vô tâm với sự sống chết của dân chúng trong suốt 40 năm qua, và sự khinh thường thượng cấp trong lãnh vực điều hành.
Phần trả lời tiếp theo cho câu hỏi đầu
Tuy không có nghề xây dựng, nhưng bạn bè chúng tôi rất đông người làm xây dựng, trong đó có cả người đã từng trúng thầu xây dựng một bệnh viện tư đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Sài Gòn, và một số bác sĩ quen thân đang làm việc trong nhiều bệnh viện công – tư từ Bắc chí Nam, những người này khi được chúng tôi hỏi rằng có thể xây dựng một bệnh viện đa khoa trong khu dân cư đông đúc mà không có hệ thống xử lý nước thải y tế không? Thì họ trả lời: Không thể có ! Chúng tôi nói cho họ nghe về tình trạng bệnh viên Đống Đa thì họ cười phá lên rồi nói: Cái toà nhà đó có được xây dựng để làm bệnh viện đâu. Đó là tu viện, nên từ nội thất cho đến hệ thống ngầm chỉ thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu tôn giáo chứ đâu có cho nhu cầu khám chữa bệnh !
Nghe đến đây thì chúng tôi bắt đầu hiểu. Té ra 40 năm qua, người ta cố tình che giấu không cho dân biết sự thật này ! Đó là suốt 40 năm qua chính quyền Hà Nội cố tình phát tán nguồn lây bệnh nguy hiểm trong khu dân cư thuộc bốn phường Quang Trung, Ô Chợ Dừa, Trung Liệt, Nam Đồng, quận Đống Đa, làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm trong và ngoài bệnh viện. Y như tên bạo chúa thả con hổ vào làng, mà đánh lừa dân, rồi bảo chỉ là con cừu non dễ thương mà thôi.
Ở thời điểm tháng 10 năm 2011, dân cư thuộc bốn phường Quang Trung, Ô Chợ Dừa, Trung Liệt, Nam Đồng, quận Đống Đa đã tăng lên đáng kể, có thể gần gấp đôi theo sổ hộ khẩu thường trú, vì có rất nhiều người di dân cư ngụ để đi làm góp sức và đóng thuế xây dựng thủ đô Hà Nội, nên không còn phù hợp cho một bệnh viện, dù được xây dựng đúng quy cách quốc tế, tồn tại, chứ đừng bàn đến việc dùng tạm tu viện làm bệnh viện, nhất là bệnh viện Đống Đa hiện có nhiều khu bệnh truyền nhiễm nặng.
Nếu không di dời bệnh viện Đống Đa đi nơi khác thì nguy cơ lây nhiễm bệnh cho cộng đồng dân cư bốn phường thuộc quận Đống Đa là khó tránh khỏi. Một trạm xử lý nước thải y tế được xây dựng chỉ là giải pháp tạm thời, có tính chữa cháy cho chỉ đạo của thủ tướng chính phủ từ năm 2003 mà thôi, tức là nhằm bảo vệ cho sự bê trễ và quan liêu của các quan chức Hà Nội chứ không hề xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người dân là được bảo đảm tuyệt đối về sức khoẻ.
Chỉ có thể bảo vệ nhân dân khỏi các bệnh truyền nhiễm khi di dời nguồn bệnh ra khỏi khu dân cư. Đây là nguyên tắc sơ đẳng, chỉ cần một cháu học lớp 6 cũng có thể hiểu. Điều này đòi hỏi các vị dân cử, từ tổ trưởng dân phố đến các vị thành viên Hội đồng nhân dân bốn phường Quang Trung, Ô Chợ Dừa, Trung Liệt, Nam Đồng, và quận Đống Đa phải lên tiếng bảo vệ cho quyền được bảo vệ an toàn về sức khoẻ cho các cử tri mà họ là những người đại diện.
K. Thuyên
Còn tiếp: Chuyện Thái Hà đòi tu viện (2)
Nguồn: VRNs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét