Pages

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Dân chủ tại Trung Quốc tìm một hướng đi trên Net

Getty Images
Minh Anh
 
Le Figaro số ra hôm nay (28/10) có bài viết nhận định về bầu cử hội đồng địa phương tại Trung Quốc. Bài báo ghi nhận có những chuyển biến quan trọng trong nhận thức của người dân nước này. Bài viết « Dân chủ tại Trung Quốc đang tìm kiếm một hướng đi trên Net » cho thấy tầm quan trọng của Internet trong đời sống xã hội của người dân tại đây.
Theo Le Figaro, những ứng viên tự do này còn cảm thấy rất tự hào và không sợ hãi một điều gì. Họ chỉ e sợ có một điều là hành động của họ có thể ảnh hưởng đến chuyện học hành của con mình tại các trường đại học. Nhưng Le Figaro cũng ghi nhận một trường hợp cá biệt, một đề tài nổi cộm cho giới báo chí, đó là trường hợp một nhà báo, nhà văn 43 tuổi. Ông này đã thu hút được sự chú ý của hơn 3,6 triệu người tham gia tranh luận, khi giải thích trên trang blog của mình rằng ông ta « muốn bày tỏ những khát vọng chính đáng của người dân và mong muốn giám sát chính phủ ». Một điểm đáng chú ý nữa là ông này đã được sự ủng hộ của nhiều nhân vật nổi tiếng, từ luật sư, giáo sư, nhà báo, nhà văn cho đến đạo diễn.

Tuy nhiên, Le Figaro nhận xét có nhiều ý kiến trái chiều nhau về làn sóng « ứng viên mạng Vi Bác ». Một mặt, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng những ứng viên tự do này không đủ tư cách pháp lý. Mặt khác, một tạp chí của Trường Đảng lại cho rằng « họ chính là sức mạnh cho sự phát triển nền dân chủ của Trung Quốc ».
Cuối cùng Le Figaro trích dẫn nhận xét của một sinh viên giấu tên cho rằng « […]Người ta không thể nào đè bẹp được khát vọng dân chủ của người dân. Vấn đề là cần phải có sự phân quyền. Từ Bắc chí Nam, mọi người đều khao khát điều này. Vì thế, chính những ứng viên độc lập sẽ thúc đẩy đến nền dân chủ »
Rồng Thái Lan suy yếu vì ngập lụt
Nhìn sang Đông Nam Á, tình hình lũ lụt nghiêm trọng tại Thái Lan được nhiều tờ báo Pháp hôm nay quan tâm đến. « Di dân rầm rộ ra khỏi Bangkok chìm trong nước », « Họ đã chạy trốn Bangkok, được cảnh báo sẽ bị lụt »« Chạy trốn trước khi Bangkok bị ngập » lần lượt là những bài viết trên nhật báo Công giáo La Croix, Le Figaro và Libération.
Các báo đều cho biết nước lũ đã tràn về thủ đô, gây ngập úng trên diện rộng. Ước tính vào cuối tuần này, Bangkok sẽ còn hứng chịu một đợt lũ khác với một lượng nước khổng lồ khoảng 1,2 tỷ m3 (tương đương với 480 ngàn hồ bơi Olympic). Theo các tờ báo, nước lũ cũng đã tấn công vào các đường ống dẫn nước sạch, gây ô nhiễm nguồn nước uống. Lương thực bắt đầu trở nên khan hiếm và đắt đỏ, mọi phương tiện dùng để di chuyển trên nước cũng bị lên giá và phòng khách sạn tại các thành phố phía Nam bắt đầu đông kín người.
Le Figaro trích dẫn nhận định của Trung tâm về biến đổi khí hậu và thảm họa thuộc trường Đại học Rangsit, cho biết số phận của thủ đô lệ thuộc hoàn toàn vào hệ thống đê điều. Trung tâm này cũng dự đoán rằng phải mất hơn một tháng để nước có thể thoát ra biển. Các con đường dẫn đến sân bay trở nên khó khăn hơn.
Còn bài viết trên báo Libération thì cho thấy một bộ phận dân chúng cảm thấy bất bình vì không được bảo vệ trong khi đó Hoàng gia Thái Lan lại được quân đội bảo vệ kỹ càng. Một số người dân đã đập phá hệ thống đê bao cát chống ngập lụt bảo vệ Hoàng cung vì cho rằng « Nhà tôi bị ngập lụt, trong khi đó nhà của anh thì không, nghĩa là thế nào ? ».
Nhật báo Le Monde chú ý đến tác động của lũ lụt đến nền kinh tế Thái Lan. Bài viết đề tựa « Rồng Thái Lan bị suy yếu vì lũ » cho thấy ưu tiên hàng đầu trước mắt của chính phủ là cứu Bangkok nhằm bảo đảm các nhà đầu tư.
« Khủng hoảng quốc gia » là lời đánh giá của bà Yingluck về trận lũ lịch sử này, đã làm 370 người thiệt mạng , hàng ngàn người phải di tản và hàng triệu ngôi nhà bị phá hủy. Tuy nhiên, hậu quả kinh tế còn nghiêm trọng hơn thế nữa. Theo ước tính của Phòng Thương mại Thái Lan được công bố ngày 17/10 vừa qua, thiệt hại kinh tế có thể lên đến 150 tỷ bath (tương đương với 3,4 tỷ euros), chiếm 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tăng trưởng kinh tế có nguy cơ tụt giảm xuống 1,7% năm nay. Trong khi đó, mức tăng trưởng của năm 2010 là 7,5%.
Le Monde cho biết, nghiêm trọng nhất là việc khu công nghiệp Navakorn, gần Bangkok, nơi tọa lạc của hơn 200 xí nghiệp địa phương và nước ngoài, đã chìm trong biển nước. Hàng trăm ngàn công nhân rơi vào tình trạng thất nghiệp tạm thời.
Le Monde cho rằng, hậu quả của thảm họa không những ở cấp độ quốc gia mà còn ở tầm mức quốc tế. Vì Thái Lan là nhà cung cấp quan trọng các linh kiện rời cho sản xuất xe hơi. Trước mắt hãng Honda phải cho tạm ngừng hoạt động một nhà máy tại Malaysia, nơi sản xuất 40 ngàn xe/ năm. Toyota cũng tạm đóng cửa 4 nhà máy sản xuất xe hơi tại Mỹ và Canada, ít nhất cho đến cuối tuần này.
Theo Le Monde, ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Thái Lan hiện nay là làm thế nào ngăn chặn dòng lũ tràn về Bangkok và đảm bảo an ninh cho khu vực sân bay quốc tế Suvanabhum.
Nhìn chung các báo Pháp đều đồng một quan điểm cho rằng trận lũ lần này là một thử thách lớn về chính trị cho bà Yingluck Sinawatra, em gái cựu Thủ tướng Thái Lan Thatksin Sinawatra hiện đang sống lưu vong tại Luân Đôn. Theo các báo Pháp, phe đối lập và quân đội đang thừa dịp này để tấn công bà Yingluck, vốn đã bị chỉ trích ngay từ đầu nhiệm kỳ về những biện pháp được cho là theo chủ nghĩa dân túy, mà bà đưa ra để thu hút tầng lớp nông dân và những tầng lớp nghèo. « Có lẽ đã đến lúc chính phủ nên xem lại các chính sách và ưu tiên cho việc cứu trợ nền kinh tế » là lời cảnh báo của một số nhà kinh tế Thái Lan được Le Monde trích dẫn. Theo họ, bà Yingluck nên từ bỏ hay dời việc thực hiện lời hứa tăng lương tối thiểu và đảm bảo giá mua nông sản cho nông dân.
Châu Âu triển khai kế hoạch quy mô lớn chống khủng hoảng
Với hàng tựa « Khu vực euro tung ra các khoản trợ giúp quan trọng và mở rộng quy mô », báo Libération hôm nay phân tích, « giải mã » những biện pháp mà Hội nghị Thượng đỉnh khu vực đồng euro đưa ra ngày hôm qua, để đối phó với cuộc khủng hoảng.
Trước tiên, tờ báo đưa ra lời khuyên là không nên vội vã coi đây là một thắng lợi bởi vì châu Âu đã tổ chức tới 11 Hội nghị Thượng đỉnh và lần nào cũng vậy, sau mỗi hội nghị, các lãnh đạo châu Âu lại tuyên bố đã có được một giải pháp « cuối cùng » cho cuộc khủng hoảng nợ công. Để đạt được một kế hoạch chung cứu nguy khu vực đồng euro, lần này, các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ của 17 thành viên trong khối đã phải tiến hành đàm phán liên tục 10 tiếng đồng hồ, từ chiều ngày 26 cho đến tận 4 giờ sáng ngày 27/10.
Đây là một kế hoạch lớn, bao gồm 4 vấn đề chủ yếu : tái cơ cấu lại nợ của Hy Lạp, nâng vốn của các ngân hàng châu Âu, củng cố Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu FESF và triển vọng quản lý tài chính, ngân sách theo mô hình liên bang.
Thị trường hối đoái và chứng khoán đã có những phản ứng tích cực. Thế nhưng, theo Libération, vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng và nhiều việc phải làm tiếp theo.
Trước tiên là hồ sơ nợ của Hy Lạp. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết là châu Âu đã tránh được « sự cố tín dụng ». Báo Libération cho rằng các lãnh đạo châu Âu đã chơi chữ, hàm ý đe dọa các ngân hàng là nếu không chấp nhận xóa một phần nợ cho Hy Lạp thì họ sẽ mất tất.
Các ngân hàng, hãng bảo hiểm, các quỹ hưu bổng, thuộc khu vực tư nhân, hiện đang nắm trong tay khoảng 210 tỷ euros công trái do Hy Lạp phát hành. Các lãnh đạo châu Âu đề nghị các cơ sở tư nhân này « tự nguyện » chấp nhận mất 50% số tiền nói trên, tức là mất 100 tỷ euro. Thủ tướng Đức Angela Merkel còn nói thẳng, đó là đề nghị cuối cùng của châu Âu và biện pháp này đỡ tồi tệ nhất bởi vì họ còn có thể thu về được 50% số tiền đã cho Hy Lạp vay. Nhờ biện pháp này, nợ công của Hy Lạp, hiện tương đương 173% tổng sản phẩn quốc nội PIB sẽ giảm xuống còn 120% vào năm 2020.
Mặt khác, Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu sẽ cho Hy Lạp vay 100 tỷ euros từ nay đến năm 2014 và đứng ra bảo lãnh 30 tỷ euros đối với các ngân hàng lại chấp nhận mua công trái của Hy Lạp. Một phần số tiền 100 tỷ euros nói trên sẽ được dùng vào việc nâng vốn cho các ngân hàng Hy Lạp để tránh phá sản. Như vậy, có thể nói, các ngân hàng Hy Lạp sẽ bị quốc hữu hóa và đặt dưới sự kiểm soát của khu vực đồng euro.
Các lãnh đạo châu Âu tuyên bố việc xóa một phần nợ cho Hy Lạp là trường hợp đặc biệt và duy nhất. Báo Libération đặt câu hỏi : Phải chăng đây là lời hứa hão.
Về việc nâng vốn cho các ngân hàng, điều này trở nên cần thiết vì họ bị mất một phần tiền đã cho Hy Lạp vay. Các lãnh đạo châu Âu đề ra biện pháp là từ nay đến tháng Sáu năm 2012, các ngân hàng châu Âu sẽ phải nâng phần vốn « cứng » tự có, (vốn riêng, lãi cổ phiếu không phân chia cho cổ đông) lên 9% thay vì 5% như hiện nay. Nói một cách khác, các ngân hàng muốn cho vay 100 euros thì phải có vốn riêng là 9 euros thay vì 5 euros. Khi hết khủng hoảng, tỷ lệ nói trên sẽ giảm xuống còn 7%.
Theo nhận định của báo Libération, các ngân hàng trong khu vực đồng euro sẽ cần 106 tỷ euro, trong số này, Tây Ban Nha cần 26 tỷ, Ý 15 tỷ và Pháp là 8,8 tỷ.
Nội dung thứ ba trong kế hoạch cứu khu vực đồng euro là tăng cường Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu – FESF. Hiện tại, Quỹ có thể huy động được 440 tỷ euro, thế nhưng, châu Âu đã hứa sẽ cho Ailen, Hy Lạp, Bồ Đào Nha vay 190 tỷ. Như vậy, chỉ còn lại có 250 tỷ euro. Theo lời Tổng thống Pháp Sarkozy, cần phải nâng gấp bốn khả năng can thiệp của FESF, tức là lên tới 1000 tỷ euro. Tuy nhiên, các nước châu Âu vẫn chưa đạt được thỏa thuận chi tiết về hồ sơ này. Trong những ngày qua, giới chuyên gia nói đến việc huy động vốn và bảo lãnh của các nước bên ngoài châu Âu, các nước mới trỗi dậy, đặc biệt là Trung Quốc.
Cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 26/10 vừa qua, các nước châu Âu đã tỏ rõ quyết tâm hoàn tất tiến trình hội nhập của khu vực đồng euro. Mặc dù không nói ra, nhưng ý tưởng của châu Âu là tiến tới một sự quản lý gần như theo mô hình liên bang trong lĩnh vực ngân sách. Một hiệp định mới theo hướng này chắc chắn sẽ được thảo luận vào năm tới. Trong khi chờ đợi cải cách, lãnh đạo các thành viên khu vực đồng euro sẽ họp mỗi năm hai lần, Ủy ban châu Âu sẽ chỉ định một ủy viên theo dõi hồ sơ euro, chính phủ các thành viên khu vực đồng euro cam kết từ nay đến trước cuối năm 2012, sẽ thể chế hóa quy định của Quỹ Bình ổn euro, không để cho thâm hụt ngân sách hàng năm vượt qua nguỡng 3% PIB. Mọi thay đổi quan trọng trong ngân sách quốc gia đều phải tham khảo ý kiến Ủy ban châu Âu và nhóm Eurogroup. Nếu một thành viên vi phạm quy định 3% của Quỹ Bình ổn euro, khối euro sẽ xem xét dự toán ngân sách của nước này trước khi văn bản được nghị viện thông qua và Ủy ban châu Âu có thể đề nghị mức độ trừng phạt.

Không có nhận xét nào: