Pages

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Thực tế biểu tình và định chế nó trên thế giới

imageTS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

(Bài đã đăng trên TuanVietnam.net ngày 27/10/2011, đây là bài nguyên vẹn chưa bị cắt bớt)
Năm 1999, một khu Trung tâm Thương mại người Việt ở Đức, rộng 7.000 m2, bị phóng hỏa, thiêu rụi tận nền, thiệt hại lên tới 20 triệu DM, gần 100 chủ sạp người Việt mất sạch cơ nghiệp, liêu điêu, khốn đốn, tới nghìn đại lý người Việt đứt nguồn cấp hàng xưa nay.
Một năm sau, được tin nghi phạm bị tòa truy tố, cộng đồng người Việt vận động một cuộc biểu tình trước tòa án, đòi nghiêm trị tội phạm đích đáng. Ban Tổ chức biểu tình chiểu đúng luật tới thành phố đăng ký; họ tổ chức ngay một cuộc họp giữa Ban Tổ chức với cảnh sát, cứu hỏa, nội chính, nội dung: phía biểu tình cung cấp thông tin số lượng người dự kiến tham gia, địa điểm, thời gian, tên tuổi những người tổ chức; phía chính quyền phổ biến quy định: Ban Tổ chức có trách nhiệm lập đội bảo vệ đeo băng, số lượng tỷ lệ với số người tham gia, biểu ngữ hay hô khẩu hiệu không được nêu tên cá nhân, không được mang theo mọi phương tiện bạo lực, không được vào trụ sở Tòa án. Cuộc họp kết thúc, không cần bất kỳ giấy tờ gì, bởi đăng ký chứ không phải xin phép.


Không khí tổ chức biểu tình sôi sục hừng hực, với nhiều biểu ngữ, loa đài, hậu cần, lực lượng bảo vệ, tất cả sẵn sàng phục vụ cho hàng trăm người đã đăng ký dự kiến với chính quyền. Xe cảnh sát hộ tống tới chực sẵn. Báo chí, quay phim, chụp ảnh hối hả chọn chỗ tác nghiệp. Khi thấy chờ đợi quá giờ hàng tiếng cũng chỉ vỏn vẹn vài ba chục người tụ tập, họ đành lẳng lặng rút. Đoàn biểu tình sau mấy chục phút hô khẩu hiệu, cảm thấy lẻ loi giữa trời đất, cũng giải tán.
Trong bản tin hôm sau trên một tờ báo địa phương có một câu chỉ nhằm lý giải biểu tình, nhưng đủ làm day dứt nhói lòng bao người Việt tham gia bởi cuộc biểu tình bất thành: “Người ta biểu tình bởi ý thức tự nhiên trước nỗi đau đồng loại!”.
Đã nói “tự nhiên” tức nói tới bản năng, nói tới “ý thức” là nói tới con người, biểu tình là “ý thức tự nhiên” đồng nghĩa với biểu tình là một dấu hiệu thuộc tính, phân biệt loài người; chính thế ở Đức biểu tình gắn với đời sống thường nhật như ăn ở, đi lại, làm việc,… có khi chỉ vì một người vô gia cư bị giết, một đứa bé bị lạm dụng, một đồng lương “chết đói”, một cảnh sát đánh người, một bản án bất công,… đến việc làm, đời sống, giá cả, môi trường, cảnh quan tại địa phương, trên toàn quốc… tới tầm cấp quốc tế, vì xung đột, chiến tranh, chế độ chính trị… Bao cuộc biểu tình lớn nhỏ khó kể xiết của người Đức chống chiến tranh Việt Nam trước đây, chính từ ý thức đồng loại của họ.
Khái niệm mít tinh, biểu tình, tuần hành, hội, họp, ở hầu hết các nước hiện đại về phương diện “pháp lý” đều thuộc phạm trù bao trùm “tụ tập”, bởi pháp luật chỉ điều chỉnh được hành vi (tụ tập) không điều chỉnh được tư tưởng, thái độ, tình cảm (chính là mục đích của tụ tập, thể hiện chính kiến, nguyện vọng, mong muốn, thái độ chính trị) vốn nằm ở trong đầu, hay trong tim.
Tụ tập mít tinh biểu tình tuần hành, hội họp, xuất phát từ tâm, không hề vụ lợi cá nhân, do người dân tự nguyện, tức thuộc về xã hội dân sự, nhằm thực hiện quyền tự nhiên do “tạo hóa cho họ” (chứ không do nhà nước ban), nên được hiến định và nhà nước bị chế tài phải bảo vệ quyền đó.
Hiến pháp Đức, điều khoản “Tự do tụ tập” được quy định ngay phần đầu tiên, điều 8: (1) Mọi công dân Đức có quyền, không báo trước, hay xin phép, tụ tập ôn hòa và không có vũ khí. Điểm (2) tiếp đó có thêm quy định: Riêng tụ tập ngoài trời, quyền đó có thể bị giới hạn bởi văn bản lập pháp. Nhưng lý do “có thể” đó, hoàn toàn không phải bản thân quyền tụ tập, nhà nước có quyền cắt xén như không ít người ngộ nhận, cũng không phải nhà nước sợ sụp đổ vì nó, bởi một mặt nhà nước chỉ là công cụ của dân, một khi toàn dân muốn đều có thể “đuổi được Chính phủ”, thì không gì cấm nổi; mặt khác một tập hợp người tay không, ôn hòa, có muốn cũng không gây được tổn hại gì cho nhà nước. Giới hạn quyền tụ tập họ đưa ra chỉ bởi và hiểu theo nghĩa, tính chất ngoài trời có thể tổn hại nghiêm trọng đến chính người tham gia hoặc cộng đồng (giống như bất cứ quyền cơ bản nào, từ tự do đi lại, đến chỗ ở, làm việc, tín ngưỡng) trong những tình huống đặc biệt đều buộc phải chịu giới hạn, nhằm mục đích tránh tổn hại khi thực hiện quyền đó, cũng tức là bảo vệ thực thi chắc chắn quyền đó. Hoàn toàn không mang nghĩa nước đôi, một mặt hiến định quyền con người bất khả xâm phạm, mặt khác lại cho phép nhà nước cắt xén nó.
Mục đích trên được thể hiện nhất quán trong 33 điều khoản Luật Tụ tập (VersG) CHLB Đức, như điều §14 quy định: Tụ tập ngoài trời phải báo trước với chính quyền trong vòng 48 tiếng, để nhà nước bảo đảm an toàn kịp thời cho người tham gia, như ngăn đụng độ với các cuộc biểu tình đối lập nếu có, hạn chế ảnh hưởng tới mọi hoạt động bình thường khác. Tương tự, Điều §3 cấm mang theo vũ khí dụng cụ có thể gây thương tích người hoặc đập phá đồ vật.
Tuy nhiên, ngay cả giới hạn trên cũng không được xâm phạm bản thân quyền tự do tụ tập, nên trong tình huống nhất định cũng bị hủy bỏ, chẳng hạn “tụ tập bột phát bởi một lý do tức thời, sẽ không cần báo trước”. Các biện pháp cảnh sát áp dụng để thực thi các điều khoản giới hạn cũng buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy phạm pháp luật, chẳng hạn bắt giữ, giải tán chỉ khi có dấu hiệu trực tiếp chứng minh được: đe dọa an ninh, tính mạng, và chỉ nhằm mục đích loại bỏ nguy cơ đe dọa đó, tức cấm bạo loạn, chứ không phải cấm dân tụ tập. Đó chính là lý do dẫn đến các sự kiện cưỡng chế giải tán biểu tình của cảnh sát Pháp cách mấy năm trước, hay ở Anh gần đây, Mỹ vừa qua, hoàn toàn không phải cấm biểu tình, bởi Hiến pháp không cho nhà nước quyền đó, mà chỉ cấm bạo lực.
Ở Đức, việc vi phạm luật tụ tập cả về phía người tham gia, lẫn nhà chức trách đều được chế tài, do tòa án phán quyết, nhằm bảo đảm quyền tụ tập. Không ít cuộc biểu tình do nguy cơ bạo loạn bị Sở Nội vụ cấm, kiện lên tòa án điạ phương lại được phép. Khi Sở Nội vụ phản kháng lên tòa cao hơn lại bị cấm. Người biểu tình kiện phúc thẩm tiếp lại được phép… Đó chính là phương thức vận hành của một nhà nước pháp trị, đặt công dân và nhà nước thành hai chủ thể bình đẳng trong mọi quan hệ luật pháp, trong đó chỉ tòa án mới được coi là cán cân công lý. Nếu không, với sức mạnh nhà nước, bất kỳ người dân nào cũng bất lực, dù quyền của họ được Hiến pháp tuyên bố long trọng tới cỡ nào.
Ở ta, ngày 28.9, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII, hoàn toàn phù hợp với nền tảng luật pháp thế giới hiện đại, được chính Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an soạn thảo. Nếu lấy mốc bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 hiến định quyền tự do biểu tình, thì luật này ra đời đã chậm ít nhất 65 năm.
Hiến pháp Đức ra đời năm 1949, cũng chậm tới 4 năm, năm 1953 Luật tụ tập mới được ban hành. Tuy nhiên khác ta, trong quãng 4 năm đó, bao cuộc mít tinh biểu tình tuần hành hội họp vẫn tự động diễn ra thường nhật. Nhà nước thiếu Luật biểu tình chỉ đồng nghĩa với thiếu sự bảo hộ của nhà nước đối với quyền đó của công dân, chứ không có nghĩa chừng nào chưa có luật thì không được thực hiện, giống như quyền hiến định tự do đi lại, ăn ở, không ai nằm chờ luật mới hành động cả. Tuy nhiên, thiếu luật sẽ đặt cả công dân lẫn chính quyền vào thế rủi ro, hành động và hành xử thiếu chuẩn mực luật pháp. Trách nhiệm đó thuộc về nhà nước, không thuộc về công dân, nếu chẳng may họ tụ tập gây hệ quả tiêu cực không cố ý (nếu cố ý thì đã có luật dân sự, hình sự).
Để tránh khả năng “ban hành luật biểu tình sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng; các cơ quan nhà nước phải tạo điều kiện để người biểu tình thực hiện quyền của mình, gây khó khăn cho địa phương”, được nêu ra trong cuộc họp Ủy ban Pháp luật, Quốc hội cần bổ sung luật về an ninh chống kẻ xấu, sửa đổi luật tổ chức bộ máy nhà nước, luật công chức để tăng năng lực cho cơ quan nhà nước. Không thể vì năng lực nhà nước, mà chậm hơn nữa ban hành luật biểu tình. Hoặc giả ban ra lại cản trở, hạn chế bản thân quyền tự do biểu tình được Hiến pháp long trọng tuyên bố trước quốc dân và thế giới. Khi đó hệ lụy còn nặng nề hơn, người dân sẽ bị phân tâm với văn bản nhà nước, lòng tin đối với luật pháp nước ta trên chính trường quốc tế bị ảnh hưởng.
N.S.P.

Không có nhận xét nào: