(AFP) – Một vụ truy tố trước tòa án liên bang ở California đã cho thấy việc lạm dụng chiếu khán du học của các trường đại học “dỏm” nhắm vào thành phần sinh viên Ấn Ðộ cũng như những người ngoại quốc khác muốn nhanh chóng sang Mỹ kiếm việc làm.
Con số sinh viên ghi danh vào đại học Tri-Valley University, tại thành phố Pleasanton, phía Nam San Francisco, đã tăng vọt từ con số ít ỏi lên đến 1,500 sinh viên, đại đa số từ Ấn Ðộ, chỉ trong vòng hai năm trước khi giới chức chính phủ liên bang Mỹ ra lệnh đóng cửa hồi Tháng Giêng.
Viện trưởng đại học này, bà Susan Su, bị bắt hồi Tháng Năm và bị truy tố tội lường gạt, rửa tiền, chứa chấp người nhập cư bất hợp pháp và khai gian. Có bốn người khác cũng bị truy tố trong vụ này.Các sinh viên Ấn Ðộ thuộc hội sinh viên AISF biểu tình phản đối trường Tri-Valley University trước cửa Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Hyderabad hồi đầu năm nay. (Hình: Noah Seelam/AFP/Getty Images)
Bà bị cáo buộc là nộp hồ sơ giả để được chính phủ liên bang chấp thuận cho bảo trợ sinh viên đến trường theo diện du học, rồi sau đó dùng thẩm quyền này để bán chiếu khán cho tất cả mọi người với giá tương đương với học phí, vào khoảng $2,700 cho mỗi khóa học.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ, bà Victoria Nuland, hôm Thứ Tư tuần qua gọi đây là “một vụ lừa đảo chiếu khán tệ hại, qua việc một trường đại học giả mạo nộp đơn xin chiếu khán cho nhiều sinh viên và khi họ đến nơi mới nhận ra rằng đây không phải là trường thật”.
Vụ này, hiện chưa có ngày xử, đã có ảnh hưởng trong mối liên hệ giữa Mỹ và Ấn Ðộ, nơi giới truyền thông địa phương nói rằng các sinh viên này chỉ là nạn nhân vô tội, bất ngờ bị mất hết mọi thứ và bị đe dọa trục xuất, giấc mơ du học Mỹ của họ bị tan biến vì lừa đảo.
Ðại sứ Ấn Ðộ tại Mỹ, ông Nirupama Rao, tuần này gửi công hàm cho Ngoại Trưởng Hillary Rodham Clinton, nêu lên các khó khăn mà những sinh viên này đang gặp phải và kêu gọi tình trạng của họ “phải được giải quyết trong sự thông cảm, công bằng và hợp lý,” theo tòa đại sứ Ấn Ðộ.
Bà Nuland nói rằng 435 sinh viên được nhận vào các trường khác nhưng tình trạng của khoảng hơn 900 người còn lại chưa biết sẽ giải quyết ra sao.
“Chúng tôi không kiếm ra trường để nhận một số sinh viên, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục để giải quyết vụ này,” bà nói.
Vụ trường TVU xảy ra vào lúc nhiều đại học Mỹ mong muốn nhận sinh viên từ Ấn Ðộ, nơi thành phần trung lưu đang lớn mạnh và dân số gia tăng đang tạo nhu cầu vào đại học.
Trong niên khóa 2009-2010, có khoảng 105,000 sinh viên Ấn Ðộ du học tại Mỹ, chiếm khoảng 15% tổng số sinh viên ngoại quốc, theo một cuộc nghiên cứu của Viện Giáo Dục Quốc Tế (Institute of International Education). Trung Quốc, với khoảng 128,000 sinh viên, là quốc gia có đông sinh viên nhất ở Mỹ.
Tuy nhiên, ngay cả với sự ào ạt đón nhận sinh viên ngoại quốc, trường TVU được coi là một trường hợp bất thường vì chỉ thấy có sinh viên ngoại quốc học tại đây, với 95% từ Ấn Ðộ.
Trường này có cơ sở đặt trong một tòa nhà ở thành phố Pleasanton, tiểu bang California, với sức chứa chỉ vào khoảng 30 sinh viên khi mới mở năm 2008. Tuy nhiên trường TVU lớn mạnh nhanh chóng với thêm cả ngàn sinh viên vào năm thứ nhì, theo hồ sơ ở tòa.
Và sự gia tăng ào ạt trong sĩ số sinh viên này đã giúp bà Su mua một chiếc xe Mercedes-Benz mới và một căn nhà trị giá $1.8 triệu ở Silicon Valley nhờ số tiền khoảng $3.2 triệu đổ vào, theo chính phủ Mỹ.
Và cũng có các chỉ dấu khác cho thấy có những điều bất thường về trường này-trang web của trường đầy lỗi chính tả và văn phạm, danh sách sơ sài về các lớp học, nhiều lớp với giáo sư giảng dạy không ai khác hơn là khoa trưởng và cũng là tổng giám đốc trường, bà Susan Su.
Khi các giới chức Bộ Nội An đến khám trường, họ thấy rằng phần lớn các sinh viên ghi danh đang ở các nơi khác trên khắp nước Mỹ, để làm việc nhờ vào điều khoản “work-study” trong chiếu khán du học.
Nơi mà hồ sơ của trường TVU nói rằng có hơn một nửa sinh viên của họ ở thật ra chỉ là một căn chung cư, theo hồ sơ tòa.
Các công tố viên cáo giác rằng bà Su xin được quyền bảo trợ sinh viên ngoại quốc sang Mỹ du học nhờ vào hồ sơ gian dối.
Khi nhân viên Bộ Nội An đến trường, bà đã cho các tin tức sai lầm về “lớp học của TVU, giảng viên, nhân viên nhà trường, chính sách của trường,” theo cáo trạng nộp ngày 28 Tháng Tư.
Hồ sơ để theo dõi hoạt động học hành của sinh viên ngoại quốc cũng đầy những dữ kiện giả.
Các giấy chứng nhận là sinh viên vẫn đang tiếp tục theo học, học bạ, hồ sơ sinh viên… đều bị giả mạo, theo các công tố viên.
Và TVU không phải là một trường hợp duy nhất.
Một phụ nữ ở Miami điều hành một trường sinh ngữ nằm trong một khu thương xá, bị tuyên án 15 tháng tù ngày 30 Tháng Tám vừa qua về tội bảo trợ cho sinh viên ngoại quốc nhưng họ lại không đi học. Trong vụ đó, có 116 sinh viên bị trục xuất.
Hôm 28 Tháng Bảy, nhân viên Bộ Nội An bố ráp trường University of Northern Virginia, một trường không được chứng nhận, chẳng ai biết đến, dạy cả chương trình cử nhân và trên cử nhân, ở khu ngoại ô Washington với khoảng 2,400 sinh viên Ấn Ðộ.
(V.Giang)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét