Pages

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Ý Kiến Người Dân

Trần Khải
Có bao giờ chính phủ Hà Nội thật tâm lắng nghe ý kiến người dân? Có bao giờ chính phủ Hà Nội thật tâm đọc các Thư Ngỏ, Đơn Khởi Kiện, Thỉnh Nguyện Thư, Kiến Nghị Thư, Bản Góp Ý, Lời Kêu Gọi, Bản Lên Tiếng... và các văn bản tương tự?
Và nếu không thật tâm đọc các bản văn như thế, thì làm sao nhà nước Hà Nội có đủ tâm lượng để đọc các Kháng Thư, hay những bản văn chất vấn, nghĩa là những lời nói thẳng trong ngôn ngữ phản đối – thí dụ, hình thức tương tự như là Đơn Tố Cáo hay như Đơn Khởi Kiện.
Bởi vì lòng dân có lời muốn bày tỏ, nên mới có những bản văn như thế. Điểm ghi nhận đặc biệt là thời gian gần đây, khi dồn dập những trận tấn công từ phía Hải Quân Trung Quốc vào ngư dân Việt ở Biển Đông diễn ra bằng mọi hình thức, nhưng một cách minh bạch đó là những tiếng đại bác gắn nòng hãm thanh bắn vào dân tộc Việt, thì các bản văn góp ý từ cả quốc nội và hải ngoại càng nhiều hơn.

Đơn giản phải thấy, lòng dân đã nhận ra một hình ảnh đang xảy ra: từng bước một, từ những hình thức dịu dàng ẩn tàng cho tới những xô xát thô bạo, Trung Quốc đang lấn biển, lấn đất của Việt Nam. Một viễn ảnh mất nước như Tây Tạng và Tân Cương là điều có thể xảy ra, và thực tế như dường đang xảy ra trong những cách tinh vi.
Tất cả những bản văn góp ý gần đây đều nêu rõ rằng Trung Quốc đang lấn chiếm VN. Và có bản văn nói thẳng rằng cần kết thân với Mỹ để tránh mất nước, có bản văn nói nhẹ nhàng hơn rằng cần kết bạn đa phương mới có thể vùng vẫy ra khỏi trận đồ Hán Hóa Nam Phương do TQ vây bọc.
Điểm bất ngờ là tình hình chính phủ Hà Nội đối xử thô bạo với những người trong nước dám nói thẳng về hiểm họa Trung Quốc, như trường hợp Luật Sư Cù Huy Hà Vũ, hay như anh Điếu Cày – nghĩa là, bắt giam những người nói lên về hiểm họa mất nước.
Những bản văn mang đặc tính đánh thức nhà nước, trong thời gian gần đây (không nhớ chính xác thứ tự thời gian) là:
- Đơn Khởi Kiện Đài Phát Thanh và Truyền Hình Hà Nội do một nhóm nhân sĩ trí thức đưa ra.
- Thư ngỏ của Hòa thượng Thích Quảng Độ gửi TBT Nguyễn Phú Trọng về việc TQ xâm lấn biển và đảo VN.
- Đơn tố cáo của blogger Bùi Thị Minh Hằng.
- Nguyễn Thanh Giang: Kiến nghị gửi Quốc Hội nước CHXHCNVN.
- Cụ Lê Quang Liêm, hội trưởng Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy: Lời Khẩn Thiết Kêu Gọi Cứu Quốc.
- Đơn khởi kiện Đài Phát Thanh và Truyền Hình Hà Nội của một nhóm nhân sĩ trí thức.
- Thư Ngỏ của 36 trí thức hải ngoại.
- Gia đình Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đề nghị Ủy ban nhân dân Phường Điện Biên trả lời khiếu nại của gia đình về thông báo số 33/TB-UBND ngày 23/9/2011 của UBND phường Điện Biên bằng văn bản.
Và gần nhất, chỉ trong vòng ba ngày qua, có thêm 2 bản văn được phổ biến.
Bản văn nhan đề “Ý kiến chúng tôi: Cải cách toàn diện để phát triển đất nước” do 14 vị Giáo sư Đại Học ngoài nước ký tên. Và một bản văn có nhan đề là “Thư ngỏ gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, về việc bắt giam trái phép công dân Nguyễn Văn Hải” đang thu thập chữ ký, xướng xuất từ một số nhà văn quốc nội, trong đó có các blogger Huỳnh Công Thuận, Mẹ Nấm và nhiều vị khác.
Hai bản văn này là hai điển hình độc đáo và đa dạng của ý kiến người dân.
Bản Ý Kiến mang chữ ký của 14 vị trí thức, gồm 13 giáo sư đại học ở Nhật, Pháp, Hoa Kỳ, Singapore, Canada, Bỉ, Úc và một chuyên gia Thống Kê Kinh Tế cho LHQ: Hồ Tú Bảo, Nguyễn Tiến Dũng, Trần Hữu Dũng, Giáp Văn Dương, Nguyễn Ngọc Giao, Ngô Vĩnh Long, Vĩnh Sính, Nguyễn Minh Thọ, Trần Văn Thọ, Cao Huy Thuần, Nguyễn Văn Tuấn, Hà Dương Tường, Vũ Quang Việt, Phạm Xuân Yêm.
Bản Ý Kiến đề ra 8 điểm, yêu cầu triệt để dân chủ hóa, đòi hỏi tòa án phải độc lập, kiên quyết xây dựng nhà nước dân chủ pháp quyền, “Không có ai và tổ chức nào đứng trên và đứng ngoài pháp luật” (hiểu là: Đảng Cộng Sản phải bắt đầu biết tuân thủ luật pháp), “cần triệt để tôn trọng Hiến pháp” (hiểu là: Quốc hội có thẩm quyền cao hơn nhà nước), “phải thật sự tôn trọng các quyền mà Hiến pháp đã ghi rõ, đặc biệt là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, và được quyền lập hội, quyền biểu tình trong khuôn khổ pháp luật, và quyền bình đẳng trước pháp luật...”
Nghĩa là, người dân có những quyền tự do đã ghi trong Hiến Pháp, chứ không cần bản văn lập hiến nào mới cả. Tuy nhiên, nói thế đã thấy rõ là dị ứng với Đảng CSVN rồi.
Đặc biệt là quyền lập hội, nghĩa là người dân có quyền tụ tập quá 5 người và sinh hoạt theo ý riêng của họ. Đây chắc chắn là điểm nhạy cảm, vì đây là một hình thức sinh hoạt chính trị đa nguyên, nếu các hội đoàn này có những sinh hoạt như thảo luận về chính trị. Chúng ta còn nhớ rằng, mới mấy tuần gần đây, những buổi hội thảo về Biển Đông đã bị ngăn cấm. Chỉ mới hội thảo, nghĩa là ngồi nói chuyện thôi, là đã bị cấm. Cho nên, nếu cho tự do lập hội, chắc chắn sẽ là một bước nhảy cách mạng.
Nhưng nhu cầu đoàn kết dân tộc đòi hỏi chính phủ Hà Nội phải thực hiện như thế. Bản Ý Kiến viết: “Chấp nhận và dung hòa với những người bất đồng chính kiến nhưng cùng mục tiêu phát triển đất nước. Đặc biệt trước những diễn biến phức tạp và nguy hiểm ở biển Đông, hòa hợp hòa giải dân tộc cũng có nghĩa là cổ vũ lòng yêu nước của mọi người dân không phân biệt chính kiến, quá khứ. Chúng tôi đặc biệt đề nghị nên có hình thức ghi nhận và biểu dương sự dũng cảm hy sinh của những quân nhân Việt Nam Cộng hòa bảo vệ Hoàng Sa năm 1974.”
Một điểm đặc biệt nữa: Bản Ý Kiến kêu gọi VN kết thân với Mỹ vì nhu cầu bảo vệ đất nước. Bản văn rất là dài, phân tích chi tiết và mang ngôn ngữ thiết tha, cần được đọc kỹ.
Nhưng bản Thư Ngỏ đòi trả tự do cho anh Điếu Cày chỉ rất là đơn giản, hiện đã có vài trăm chữ ký của người trong và ngoài nước, và cũng mang một sức mạnh vang dội: vì chính blogger Điếu Cày là người đã khơi dậy lòng yêu nước khi anh và các bạn trong Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do đã xướng xuất ra cuộc biểu tình cuối tháng 12-2007 để phản đối nhà nước Trung Quốc thiết lập huyện Tam Sa, trong đó bao gồm cả các đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Lý do đòi thả cũng rất đơn giản, vì hiện nay là chính phủ đang giam giữ trái phép anh Điếu Cày, vì anh, theo ghi nhận của trang Dân Làm Báo, “đã mãn hạn tù cho một bản án vô lý và bất công, nhiều anh chị em blogger trong nước đã khởi xướng việc vận động gửi thư cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho công dân, cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày.”
Những tấm hình biểu tình, trong đó anh Điếu Cày đứng cùng các bạn trong Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do trên thềm Nhà Hát Lớn Sài Gòn giăng biểu ngữ bằng 3 ngôn ngữ Việt-Anh-Hoa, “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam,” đã trở thành lịch sử.
Ý kiến người dân? Chính phủ Hà Nội có thật tâm muốn nghe ý kiến người dân?
Hãy ngay lập tức trả tự do cho những người yêu nước như anh Điếu Cày, như LS Cù Huy Hà Vũ, như chị Đỗ Minh Hạnh, và nhiều người khác.
Và hãy thực hiện những lời góp ý chân tình từ các vị lãnh đạọ tôn giáo, từ các giới trí thức và đồng bào, để đoàn kết toàn dân, để thực hiện dân chủ, và cũng là để bảo vệ tổ quốc trước muôn trùng hung hiểm từ Phương Bắc.

Không có nhận xét nào: