Pages

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Không thể cứ “nhạy cảm” là né tránh

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Land-ispute-and-authorities-response-GMinh-05192010172632.html/Danoanvinhphuc-305.jpgVạn Bảo
 
 
Dự án Luật Khiếu nại được thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) hôm qua (12-10) đã quyết định không né tránh một thực tế quan trọng: Khiếu nại đông người!
Vốn dĩ người Việt Nam rất ngại gõ “cửa quan”, nhất là phải “kéo đàn kéo đống” đi đòi hỏi quyền lợi cho bản thân mình. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cơ chế gần đây, đặc biệt là thực tế bồi thường giải tỏa thu hồi đất với vô vàn kiểu áp dụng chính sách đã xô đẩy nhiều người dân vào chung một hoàn cảnh, chung một quyền lợi dẫn đến việc viết chung đơn khiếu nại hoặc kéo đông người đi khiếu kiện. Do đó, về bản chất đó vẫn là nguyện vọng chính đáng và cũng là quyền công dân.

Thế nhưng ban đầu do ngại vấn đề “nhạy cảm”, ban soạn thảo đã không đưa quy định này vào dự thảo luật, song TVQH đã yêu cầu nghiên cứu kỹ thực tế nói trên. Sau đó Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với ban soạn thảo xin ý kiến và nhận được phản hồi của sáu đại biểu và 43 đoàn đại biểu QH. Trong đó có một số ít ý kiến cho rằng không nên quy định vấn đề khiếu nại nhiều người vì lo ngại một số phần tử lợi dụng lôi kéo, xúi giục người đi khiếu nại gây mất trật tự xã hội.
Tuy nhiên rất nhiều ý kiến lại tán đồng không nên “né” vấn đề này. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng dù là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhưng đã và đang xảy ra trên thực tế nên cần phải có quy định để làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý. Và trong cuộc thảo luận hôm qua, TVQH đã thống nhất đưa nội dung này vào luật, tức không né tránh vấn đề nhạy cảm khiếu nại đông người nữa.
Dĩ nhiên dự thảo Luật Khiếu nại còn phải qua nhiều khâu mới có thể được QH thông qua và có hiệu lực pháp luật. Song nhận thông tin này, giới quan sát cho rằng đây là bước tiến mới của cơ quan lập pháp, bởi nói gì thì nói, khiếu nại đông người là một thực tế hiển nhiên, diễn biến ngày một phức tạp, càng né tránh thì hậu quả sau này càng lớn.
Hơn thế, mức độ “đông người” của những người đi khiếu nại dù sao cũng dễ hiểu, dễ giải quyết hơn các cuộc tụ tập, biểu tình khác đang song song diễn ra. Một khi vấn đề biểu tình, cũng là một quyền hiến định của công dân, cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đề nghị cơ quan lập pháp đưa vào chương trình xây dựng luật để quản lý một thực tế khách quan, thì vấn đề khiếu nại đông người lại càng không thể né tránh!

Không có nhận xét nào: