Nguyễn Hưng Quốc
Theo: Blog Nguyễn Hưng Quốc
Bé gái 2 tuổi Yue Yue bị xe tải cán nhưng người qua đường để mặc em nằm trên đường cho tới khi bé lại bị xe cán một lần nữa. Cái chết của bé Yue Yue vẫn là một cú sốc đối với thế giới
Tuần qua, ngoài tin tức liên quan đến cái chết của Gaddafi ở Libya, hình như tin tức về vụ tai nạn giao thông ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc là lôi cuốn sự chú ý của dư luận thế giới nhiều nhất. Mở báo tiếng Anh hay tiếng Việt, ở đâu cũng thấy tin tức về bé Yue Yue (Duyệt Duyệt) bất hạnh. Tin tức loan tải trên Facebook và Twitter lại càng nhiều. Khắp nơi. Có nhà báo còn cho biết đó là một trong đề tài nóng nhất trên rất nhiều diễn đàn.
Bé Yue Yue – tên thật là Wang Yue – chỉ mới hai tuổi. Ngày 13 tháng 10 vừa rồi, cháu bị một chiếc xe van tông. Tên tài xế, biết là vừa mới tông người, khựng lại một lát, nhưng thay vì xuống xe xem xét, hắn lái đi thẳng; bánh xe sau lại cán lên cháu bé. Người hai bên đường không ai phản ứng gì cả. Lát sau, một chiếc xe khác, lại là xe tải, trờ tới và tông lên bé Yueyue lần thứ hai. Rồi phóng đi. Bé Yue Yue nằm bất tỉnh trên đường, máu me bê bết. Máy camera giám sát cho thấy từ lúc tai nạn xảy ra, có 18 người đi ngang qua. Tuyệt đối không ai có phản ứng gì cả. Có người lái xe máy thấy bé, nhưng thay vì cứu giúp, hắn lái xe chạy quanh một vòng để né cái thân thể tí xíu gần như dập nát của bé. Rồi đi luôn. Có người đi bộ đứng lại nhìn, rồi cũng đi luôn. Tổng cộng: 18 người! Cuối cùng, bảy phút sau, một phụ nữ hốt rác trên đường đi ngang qua, thấy, và dừng lại, la lên. Mẹ bé, vốn đang bận bán hàng gần đó, nghe tiếng, chạy tới. Yue Yue được chở vào bệnh viện. Nhưng vết thương của bé quá nặng. Gần một tuần sau, bé chết.
Tai nạn giao thông là chuyện bình thường trên thế giới. Ngày nào chả có người chết. Tuy vậy, cái chết của bé Yue Yue vẫn là một cú sốc đối với thế giới. Tại sao? Ở đây không phải là vấn đề giao thông. Mà là vấn đề con người. Con người vô cảm đến gần như không còn tình người. Bánh xe trước tông vào một em bé. Sau một thoáng ngập ngừng, lại thản nhiên cho chạy xe tiếp để bánh xe sau cán lên em một lần nữa. Rồi chiếc xe thứ hai. Và gần 20 người đi ngang qua. Dửng dưng. Hoàn toàn dửng dưng.
Chính sự dửng dưng ấy khiến mọi người bàng hoàng.
Mà, thật ra, đâu phải bây giờ. Mười năm trước, trên tạp chí marie claire số tháng 6 năm 2001, có bài tường thuật về xác một bé gái sơ sinh bị vất bên vệ đường, gần một bưu điện. Điều kỳ lạ là không ai thèm chú ý đến cái xác ấy cả. Người ta đi qua, nhìn, rồi đi thẳng. Người ta nhìn cái xác của một em bé sơ sinh như nhìn một đống rác nhỏ. Thậm chí, không bằng ở Tây phương, chúng ta thấy xác chim hay xác mèo bị xe cán ngoài đường. Có một phụ nữ, một người duy nhất, động lòng, lại sờ em bé, thấy em còn hơi ấm. Bà la lên. Nhưng không ai thèm chú ý cả. Họ vẫn dửng dưng. Người phụ nữ ấy gọi xe cứu thương. Không ai đến cả. Bà đành đứng nhìn. Và chụp hình. Cuối cùng, có một người “hảo tâm” khác đến nhặt xác em bé bỏ vào một thùng giấy và đem bỏ vào… thùng rác.
Sau đó thì cảnh sát Trung Quốc cũng đến. Nhưng không phải để điều tra về cái chết của em bé. Không. Họ không cần biết. Không hề hỏi một câu. Dường như, với họ, đó không phải là vấn đề. Họ đến chỉ để bắt người phụ nữ từng gọi điện thoại kêu cứu và chụp hình. Sau đó thì họ cũng thả người phụ nữ ấy. Nhưng toàn bộ phim chụp cảnh bất nhẫn ấy đều bị tịch thu. Té ra, với họ, điều đáng quan tâm là mấy bức ảnh chứ không phải là xác một đứa trẻ bị vất ngoài đường.
Chính những sự dửng dưng và hờ hững đến độ tuyệt đối vô cảm như vậy đã khiến rất nhiều người trên thế giới bàng hoàng. Đó là lý do khiến chuyện một em bé bị xe cán, một trong hàng trăm ngàn tai nạn giao thông xảy ra hàng ngày trên thế giới, đã lôi kéo sự chú ý của mọi người và làm mọi người xúc động. Và phẫn nộ. Hầu như ai cũng thấy, qua cái tai nạn nho nhỏ này, diện mạo thực sự của xã hội Trung Quốc hiện nay. Bản tin trên đài BBC ở Anh đặt hẳn một nhan đề là “Người Trung Quốc nhẫn tâm?” Dấu hỏi, ở cuối, là một dấu hỏi có tính chất tu từ, nhằm làm nhẹ vấn đề hơn là nêu lên một nghi vấn thực sự. Nhiều tờ báo tiếng Anh tại Úc, khi tường thuật tai nạn ấy, đã gọi thẳng Trung Quốc là “một xã hội bệnh hoạn trầm trọng” (A seriously ill society).
Mà điều đó cũng không có gì quá đáng. Chúng ta hay nói nhiều đến đạo đức. Và giới nghiên cứu, đặc biệt các triết gia, từ xưa đến nay đã tốn bao nhiêu công sức để đào xới về nguồn gốc, ý nghĩa và đặc biệt nền tảng của đạo đức, chủ yếu xoay quanh câu hỏi: đạo đức có cơ sở từ thần quyền hay từ sự tiến hóa qua lịch sử (trong đó hai yếu tố chính nổi bật nhất là sinh học và xã hội)? Các cuộc tranh luận diễn đi diễn lại mãi và có lẽ sẽ chẳng bao giờ kết thúc cả. Tuy vậy, bất chấp mọi sự khác biệt trong diễn dịch và quan điểm, có một điều hầu như ai cũng đồng ý: Nội dung đầu tiên và quan trọng nhất của mọi cái gọi là đạo đức là lòng thương người. Biểu hiện đầu tiên và quan trọng nhất của lòng thương người là sự quan tâm đến người khác. Trong chữ Hán, chữ “nhân” (仁), hiểu theo nghĩa là lòng thương người và là một trong những nền tảng của đạo đức học Nho giáo, được kết hợp bằng hai chữ: nhân (人, người) và nhị (二, hai). Theo đó, mầm mống đồng thời cũng là nội dung của cái gọi là đạo đức chính là quan hệ giữa người và người. Trong quan niệm của Khổng Tử, đức “nhân” có hai khía cạnh, một tiêu cực và một tích cực. Tiêu cực: Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác (Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân). Tích cực: Mình muốn đứng vững thì cũng giúp cho người đứng vững; mình muốn thành công thì cũng giúp người thành công (Kỉ dục lập nhi lập nhân; kỉ dục đạt nhi đạt nhân). Nền tảng chung của hai khía cạnh tiêu cực và tích cực ấy là sự quan tâm đến người khác. Ở Tây phương, nhắc đến ý niệm lòng nhân hay đạo đức, hầu như không ai không nhớ đến câu nói nổi tiếng của Publius Terentius Afer (sinh khoảng 195/185 và mất năm 159 trước Công nguyên), một kịch tác gia La Mã thời cổ đại: “Homo sum, humani nihil a me alienum puto”. Có lẽ phần lớn người Việt Nam đều biết câu ấy, chủ yếu là qua lời giới thiệu của Karl Marx, ông tổ của chủ nghĩa cộng sản, người muốn xây dựng một nền đạo đức học mới cho nhân loại: “Tôi là người, không có gì thuộc về con người mà lại xa lạ với tôi”.
Nếu sự quan tâm đến con người là nền tảng của đạo đức thì một xã hội mà người ta không còn quan tâm đến nhau nữa, người ta hoàn toàn thờ ơ và hờ hững trước nỗi đau, thậm chí, nỗi đau lớn nhất là đối diện với cái chết, xã hội đó là gì nếu không phải là một xã hội bệnh hoạn, hay nói theo chữ dùng trên báo The Age ở Úc, “bệnh hoạn một cách trầm trọng”.
Ở trên, khi nhắc đến lòng nhân đạo, trung tâm của đạo đức, tôi cố tình nhắc đến Khổng Tử và Karl Marx, hai người được xem là có ảnh hưởng lớn và sâu đậm nhất trong văn hóa Trung Quốc, một ở thời cổ đại và trung đại, và một ở thời hiện đại. Điều này gợi lên một câu hỏi khác: tại sao một xã hội được nuôi dưỡng bởi những tư tưởng nhân đạo lại trở thành vô cảm đến như vậy?
Tại sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét