Pages

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Ấn Độ ký thỏa thuận khai thác dầu với VN

Ảnh Reuters
Chủ tịch Trương Tấn Sang bắt tay Tổng thống Pratibha Patil
 khi ông đứng cạnh phu nhân, bà Mai Thị Hạnh và Thủ tướng
 Manmohan Singh trong buổi lễ tại Phủ Tổng thống hôm 12/10
Tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC đã ký kết một thỏa thuận khai thác dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam với thời hạn ba năm.
Thỏa thuận này cùng một loạt các thỏa thuận khác được ký hôm thứ Tư ngày 12/10 sau các cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ở New Delhi.

ONGC và PetroVietnam tập trung hướng đến phát triển sự hợp tác lâu dài trong lĩnh vực dầu khí, theo thông cáo báo chí từ ONGC.

Thỏa thuận bao gồm các dự án đầu tư mới cũng như thăm dò, khai thác dầu và khí đốt để cung cấp cho hai nước.
ONGC dự định sẽ bắt đầu thăm dò dầu khí vào năm tới trong hai lô ngoài khơi Việt Nam, mà Trung Quốc nói là thuộc chủ quyền của họ.
Trước đó New Delhi đã bác bỏ phản đối của Trung Quốc về việc ONGC thăm dò dầu khí, nói đây vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và tuyên bố thêm rằng Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải.
Trung Quốc đang nhìn sự can dự của Ấn Độ vào Biển Đông với ánh mắt đầy nghi ngờ.
Trong một thông điệp tinh tế nhằm vào Bắc Kinh, Thủ tướng Singh nói trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Việt Nam rằng mối quan hệ đối tác chiến lược của Ấn Độ với Việt Nam là ‘một nhân tố hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương’.
“Chúng tôi phải cùng nhau hợp tác để đảm bảo an toàn và an ninh của các tuyến đường biển quan trọng và tiếp tục các trao đổi trong lĩnh vực này trong tương lai,” ông nói, ngụ ý nhắc đến sự phản đối của Trung Quốc đối với các thỏa thuận khai thác dầu mỏ trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

An ninh hàng hải

Mặc dù Thủ tướng Singh không đề cập trực tiếp đến sự phản đối của Trung Quốc với việc Ấn Độ khai thác dầu khí ở Biển Đông, việc ông nhắc đến an ninh hàng hải chính là nhắc lại lập trường của Ấn Độ về việc cần phải duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông.
Thủ tướng Singh gọi Việt Nam là ‘láng giềng trên biển’ và nói hai nước cùng đối diện với những thách thức chung như là khủng bố, cướp biển, thảm họa và đồng ý hợp tác chặt chẽ với nhau để đương đầu với các thách thức này qua các hiệp định về hợp tác chống khủng bố và dẫn độ.
Trữ lượng dầu thô và khí đốt của Việt Nam đang có sức hút đối với Ấn Độ, nước đang tìm kiếm thêm các nguồn năng lượng phục vụ cho sự bùng nổ kinh tế của họ.
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ở New Delhi
Thủ tướng Ấn Độ nói hai nước Việt Nam và Ấn Độ cần hợp tác để đảm bảo an toàn cho lưu thông hàng hải
Thủ tướng Manmohan Singh nói Ấn Độ quyết tâm thúc đẩy đầu tư giữa hai nước.
“Một số công ty Ấn Độ hiện đang làm ăn ở Việt Nam, và chúng tôi cũng chào đón các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Ấn Độ,” ông nói.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút được một khối lượng đầu tư đáng kể từ các công ty Ấn Độ.
Chủ tịch Trương Tấn Sang nói hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước, hiện đang xấp xỉ ba tỷ đô la, lên mức bảy tỷ đô la trong vòng bốn năm tới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Sang, hai nước cũng đồng ý thúc đẩy hợp tác trên một loạt các lĩnh vực bao gồm thương mại, năng lượng, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và bảo tồn các di tích văn hóa Ấn Độ ở Việt Nam.
“Chúng tôi cũng thiết lập một cơ chế đối thoại hai năm một lần về các vấn đề an ninh giữa Bộ Nội vụ của chúng tôi và những người đồng cấp Việt Nam,” Thủ tướng Singh phát biểu.
Trước đó, trong lễ đón chính thức tại Phủ Tổng thống, Ấn Độ đã dành những nghi thức trọng thể nhất để đón tiếp Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang với đội kỵ binh danh dự hộ tống và 21 phát đại bác chào mừng.
Tổng thống Ấn Độ, bà Pratibha Patil, và phu quân cùng Thủ tướng Manmohan Singh đều có mặt trong lễ đón ông Sang và phu nhân, bà Mai Thị Hạnh, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam.
Phát biểu tại lễ đón, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã gọi Ấn Độ là ‘người bạn lớn, chí tình của nhân dân Việt Nam’.
Ông cũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng củng cố và không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và đối tác chiến lược với Ấn Độ

Liên minh chiến lược

Trong bản tin của mình, nhật báo Wall Street Journal của Mỹ đã bình luận rằng ông Trương Tấn Sang đang sử dụng một trong những chuyến thăm viếng nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị Chủ tịch nước để bác bỏ cáo buộc trước đó của Trung Quốc rằng các kế hoạch thăm dò của Ấn Độ xâm phạm chủ quyền của họ.
Wall Street Journal nhắc lại tuyên bố trước chuyến thăm Ấn Độ của ông Sang rằng ‘mọi dự án hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác khác trong lĩnh vực dầu khí, trong đó có ONGC, đều nằm trong phạm vi thềm lục địa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán.’
Wall Street Journal nhận xét tuyên bố này cùng quyết định của ông Sang đi thăm Ấn Độ sau khi ông lên làm Chủ tịch nước vào tháng Bảy năm 2011 là nhằm để đẩy mạnh liên minh giữa New Delhi và Hà Nội.
"New Delhi và Hà Nội đều không thể mạo hiểm đánh mất quan hệ với Trung Quốc khi mà quan hệ kinh tế giữa họ với nước này đang ngày một tăng trưởng"
Wall Street Journal
“Hà Nội xem Ấn Độ là một đối trọng chiến lược với Trung Quốc và hai nước đang tăng cường mối quan hệ quân sự,” bài báo viết.
Còn đối với New Delhi, việc tăng cường quan hệ với Việt Nam là cách để nước này thể hiện vai trò chiến lược ngày càng tăng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Wall Street Journal cũng đánh giá là cả New Delhi và Hà Nội đều không thể mạo hiểm đánh mất quan hệ với Trung Quốc khi mà quan hệ kinh tế giữa họ với nước này đang ngày một tăng trưởng.
Mặc dù giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang có những tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Himalaya, quan hệ thương mại giữa hai nước vốn không ngừng phát triển và hiện đạt 60 tỷ đô la.
Trung Quốc cũng đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch lên tới 27 tỷ đô la trong năm 2010.
Hồi tháng Chín năm 2011, Trung Quốc đã khẳng định trên trang web của tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, rằng Ấn Độ và Việt Nam không nên phá hoại mối quan hệ kinh tế và chính trị của mình với Trung Quốc ‘chỉ vì những lợi ích nhỏ ở Biển Nam Trung Hoa’.

Không có nhận xét nào: