(Toquoc)-Tập trận cùng Philippines, Mỹ đẩy mạnh can dự vào Biển Đông trong ưu tiên hàng đầu của hải quân Mỹ tăng cường hiện diện tại châu Á-Thái Bình Dương.
Ngày 19/10, Mỹ và Philippines đang tiến hành các cuộc diễn tập quy mô lớn gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Khoảng 3.000 lính thủy đánh bộ của Mỹ và Philippines tham gia cuộc diễn tập mang tên Phiblex trong thời gian từ ngày 17-28/10 tại khu vực đảo Palawan (Philippines), trong đó có bài diễn tập tấn công bờ biển tại khu vực gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.
Cả hai nước cùng tuyên bố cuộc diễn tập này không nhằm vào Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác, và mục đích của cuộc diễn tập này là tập trung nâng cao năng lực quân sự của hai nước nhằm đảm bảo an ninh trong khu vực. Người phát ngôn Quân đội Philippines cho biết ngày 27/10, lực lượng thủy quân lục chiến của hai nước sẽ diễn tập đột kích tại một bờ biển ở phía Tây tỉnh Palawan, hướng ra Biển Tây Philippines (Biển Đông).
Mỹ và Philippines bắt đầu cuộc tập trận trên Biển Đông kéo dài gần 2 tuần
Mỹ và Philippines đã nhất trí tiến hành các cuộc tập trận này từ cuối tháng 6/2011, ngay sau khi căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Manila tại khu vực quần đảo Trường Sa. Hải quân Philippines đã cố tình di chuyển qua một số căn cứ của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp, tuyên bố sẵn sàng bảo vệ khu vực đó. Bắc Kinh đáp lại bằng việc tiến hành các cuộc diễn tập quy mô lớn, công bố kế hoạch tăng số lượng tàu tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Tình hình tại khu vực Biển Đông đang ngày càng xấu đi trong thời gian gần đây. Ông Vladimir Portakov, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định: “Tình hình căng thẳng leo thang tại Biển Đông là do hai yếu tố: Một là, sắp hết hạn thời gian đệ trình lên Liên hợp quốc về những tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Hai là, phát hiện một trữ lượng dầu khí lớn trong khu vực. Đó chính là lý do khiến Philippines đẩy mạnh hoạt động. Philippines bắt đầu sử dụng quan hệ của họ với Mỹ để thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo đang tranh chấp. Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines nên được xem xét trong bối cảnh này”.
Khu vực tập trận của hải quân Mỹ và Philippines
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố Mỹ hoàn toàn ủng hộ Philippines trong tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Trường Sa với Trung Quốc. Ông Alexei Maslov, một chuyên gia về châu Á, đã chỉ ra một đặc tính quan trọng khác của các cuộc diễn tập chung hiện nay, nói: “Mỹ đang mất dần ảnh hưởng tại Đông Nam Á, vì thế siêu cường này đang tìm cách giữ vững vai trò hiện có của mình tại khu vực thông qua các hoạt động ngoại giao và phô trương sức mạnh quân sự. Các cuộc diễn tập quân sự tại châu Á đang được vạch ra để ngăn chặn khả năng Trung Quốc xâm lược các khu vực tranh chấp. Mỹ đang chứng tỏ rằng họ vẫn có những đồng minh trong khu vực. Phản ứng của Trung Quốc sẽ đặc biệt tiêu cực. Bắc Kinh thường bảo vệ lãnh thổ của họ một cách thẳng thừng và cũng sẽ làm như vậy đối với quần đảo Trường Sa đang tranh chấp”.
Cuộc tập trận lần này gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về sự can dự của Mỹ tại Biển Đông và của Philippines nâng cao khả năng đánh trả những phiêu lưu quân sự của đối phương tại vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền.
Philippines bắt giữ 25 tàu Trung Quốc tại Biển Đông
Với sự hẫu thuận của Mỹ, Philippines vững tâm thực thi chủ quyền trong tranh chấp với Trung Quốc. Ngày 19/10, Philippines cho biết đã bắt 25 tàu nhỏ không có người của Trung Quốc sau khi ngày 18/10 hải quân của nước này đối đầu với một tàu cá lớn hơn tại vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Giới chức Philippines cho biết tàu đánh cá lớn hơn của Trung Quốc đã kéo theo 25 tàu gỗ nhỏ tới gần Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), cách đảo Palawan của Philippines có 150km.
Chỉ huy quân đội khu vực, Thiếu tướng Juancho Sabban cho biết chiếc tàu lớn đã cắt dây kéo các tàu nhỏ khi tàu chiến của hải quân Philippines tiếp cận. Ông nói: “Chúng tôi muốn nói rõ rằng phía chúng tôi không có ý định thù địch”, đồng thời bác bỏ những thông tin của truyền thông địa phương cho rằng tàu chiến này đã cố tình đâm vào tàu cá lớn của Trung Quốc. Thiếu tướng Sabban cho biết “thủ tục thông thường là tiếp cận họ và thông báo với họ rằng họ đang ở trong lãnh hải của Philippines và nếu họ đang đánh cá thì họ cần phải được sự cho phép của Chính phủ (Philippines )”. Khi bị tàu chiến tiếp cận, tàu mẹ Trung Quốc đã bất ngờ cắt dây kéo các tàu nhỏ và bỏ lại số tàu này.
Phát biểu với phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cho biết tàu Trung Quốc đã tiến vào lãnh hải của Philippines, nhưng cho rằng đó chỉ là “vụ việc nhỏ”, đồng thời khẳng định Philippines đang cân nhắc cho phép số tàu bị bắt trên trở về nước.
Hải quân Mỹ ưu tiên hàng đầu triển khai tàu chiến tại khu vực
Cuộc tập trận Mỹ-Philippines và các hoạt động khác của Mỹ khẳng định mối quan tâm của hải quân Mỹ đối với Biển Đông, một bộ phận cấu thành của các vùng biển châu Á-Thái Bình Dương. Tư lệnh phụ trách các hoạt động của Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert cho biết Hải quân nước này sẽ ưu tiên hàng đầu cho việc triển khai các tàu chiến tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dù phải đối mặt với khả năng cắt giảm ngân sách, điều có thể hạn chế các sứ mệnh khác trên toàn cầu. Phát biểu với các phóng viên trong một hội thảo qua truyền hình, Đô đốc Greenert nói: “Châu Á rõ ràng sẽ là ưu tiên và chúng tôi sẽ điều chỉnh các hoạt động của mình cho phù hợp”.
Theo ông Greenert, Hải quân Mỹ hiện duy trì thường trực một tàu sân bay - hoặc Kitty Hawk, hoặc USS George Washington - ở Thái Bình Dương, so với 10 năm trước khi một tàu sân bay chỉ có mặt ở khu vực này trong 70% thời gian. Với việc Lầu Năm Góc chuẩn bị cắt giảm 450 tỉ USD ngân sách trong 10 năm tới, Hải quân Mỹ sẽ phải tìm “các biện pháp mới” để duy trì các cam kết của mình, phần nào thông qua việc triển khai các tàu chiến và thủy thủ đoàn ở các cảng gần các “điểm yết hầu” chiến lược.
Trong bối Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng cũng như mở rộng tầm hoạt động của quân đội, các cấp phó của Tổng thống Barack Obama và các tướng lĩnh quân đội Mỹ đang ngày càng coi trọng vai trò then chốt của châu Á đối với an ninh quốc gia của Mỹ./.
Võ Vân (Theo các hãng tin nước ngoài)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét