Pages

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Bà Clinton muốn chạy nước rút và trấn an đồng minh



Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn các đảo quốc Thái bình Dương – FIP tuần này và sẽ đến thăm quần đảo Cook, một quốc đảo nhỏ bé trong vùng Nam Thái Bình Dương.
Photo courtesy of state.gov
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại cuộc đối thoại cấp Bộ trưởng Hoa Kỳ - Philippines 2+2 tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm 30/4/2012.
Sự việc đang gây chú ý cho dư luận vì theo giới quan sát, Washington đang gởi một thông điệp cho Bắc Kinh. Quỳnh Chi hỏi chuyện GS Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc khoa Quan hệ Quốc tế trường ĐH George Mason, Hoa Kỳ.
Nói về thông điệp dành cho Trung Quốc, GS Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét:
"Nói chung điều đó là đúng. Về chi tiết thì có hai điều. Thứ nhất, bà Hilary Clinton sắp hết nhiệm kỳ mà từ giờ cho đến tháng 1 thì chỉ toàn nói chuyện tranh cử Quốc hội thôi. Chính vì thế mà bà muốn còn cái gì thì làm nốt đi. Bà là người đã viết bài “Thế kỷ Thái bình Dương của Hoa Kỳ” (đăng trên Foreign Policy, số ra tháng 11 năm 2011), cũng là người hướng chính sách Hoa Kỳ trở về Châu Á – TBD. Bà muốn để lại một “di sản” thì phải làm nốt những chuyện đó. Bà đã đi hết vùng Châu Á – TBD, kể cả Lào rồi nên bây giờ còn nơi này.

Thứ hai, gần đây Trung Quốc có những hành động khiến Mỹ và các quốc gia trong vùng phải quan tâm. Mặc dù Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn các đảo quốc TBD – FIP gồm các quốc gia nhỏ nhưng có hai cường quốc là Úc và New Zealand, đồng thời cũng là đồng minh thân tín của Washington. Trong bao nhiêu năm nay họ có quyền lợi kinh tế, thương mại với Trung Quốc. Bây giờ họ bắt đầu lo về ảnh hưởng chiến lược của sự lớn mạnh của Trung Quốc. Các đảo nằm trong vùng Nam TBD mặc dù không quan trọng đối với Hoa Kỳ nhưng lại quan trọng đối với hai đồng minh nước này là Úc và New Zealand. Cho nên động thái này của Hoa Kỳ có tác dụng “nắn gân”, giúp đỡ, khuyến khích, chia sẻ những quan tâm của mình với các nước đồng minh đối với Trung Quốc. Đây cũng là một phần nằm trong chính sách “vừa hợp tác, vừa đối phó với Trung Quốc”."
Quỳnh Chi: Các đảo quốc ở vùng Nam TBD không có một vai trò chiến lược nên một số người cho rằng động thái đến đảo Cook của bà Ngoại trưởng nhằm gởi một thông điệp đến Trung Quốc rằng Washington sẽ có  mặt ở mọi ngõ ngách ở TBD. Ông nghĩ sao?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: "Tôi không nghĩ như thế. Một quốc gia dù lớn cũng không thể nào nói rằng họ có thể có mặt ở tất cả mọi ngõ ngách được. Tùy phương tiện của mình. Mình đâu thể làm tất cả mọi thứ được."

Mỹ sẽ nhượng bộ TQ?

DSC_600_1-250.jpg
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tiếp Phó Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 14/2/2012. Photo courtesy of state.gov
Quỳnh Chi: Có khả năng nào Mỹ ngày càng phải chấp nhận vai trò lớn hơn của Trung Quốc?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: "Điều đó tùy thuộc vào hai điểm. Thứ nhất là chính trị nước Mỹ dẫn đến khả năng của Mỹ. Khả năng đó của hai phía là thực tiễn tức tài chính mà Mỹ không có nhiều nữa và thứ hai là khả năng tinh thần là Mỹ có muốn làm hay không. Hiện nay, có rất nhiều người Mỹ muốn hòa hoãn với Trung Quốc và sợ chiến tranh với Trung Quốc. Tùy những nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đối phó với Trung Quốc như thế nào. Về chiến lược thì dĩ nhiên Mỹ phải tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình trước hành động của Trung Quốc tại Châu Á TBD nhưng còn tùy vào chính trị nội bộ. Nhưng nếu Mỹ yếu quá, dân chúng không muốn thì họ cũng phải tìm cách tương nhượng, cũng có  nghĩa là để Trung Quốc có một vai trò lớn hơn."
Quỳnh Chi: Nếu như thế thì đồng minh Hoa Kỳ đặc biệt là đồng minh trong vùng Châu Á – TBD sẽ đón nhận nó như thế nào?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: "Việc Mỹ làm gì ở TBD không tùy thuộc vào Mỹ mà thôi mà còn tùy vào bối cảnh bên ngoài. Những gì Mỹ làm là phản ứng lại ngoại cảnh thôi. Ngoại cảnh có hai yếu tố. Thứ nhất là thái độ Trung Quốc và thứ hai là thái độ những nước đồng minh của mình. Nếu những nước đồng minh quyết tâm bảo vệ họ thì Mỹ phải giúp nhiều hơn. Còn nếu Trung Quốc làm mạnh quá thì dân nước Mỹ họ không thích và những chiến lược gia Mỹ sẽ quan tâm và đối phó mạnh hơn."
Quỳnh Chi: Theo giới quan sát thì bà Ngoại trưởng Mỹ là một Ngoại trưởng có tài và quyết đoán. Cho đến bây giờ ông thấy bà Ngoại trưởng đã làm được gì cũng như Hoa Kỳ đã làm được gì cho kế hoạch “trở lại Châu Á” của Hoa Kỳ?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: "Việc bà Hilary Clinton tam dự FIP cho thấy Hoa Kỳ thực sự quan tâm đến Á Châu, ngược lại với chính quyền Bush.  Tất cả những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Mỹ đều đi thăm các quốc gia trong vùng Châu Á – TBD, kể cả quốc gia nhỏ bé như Lào. Bà đã làm được là hướng cả chính quyền Mỹ quan tâm vào khu vực này. Thứ hai, trong những buổi họp trong 3 năm qua, Hoa Kỳ chứng tỏ được là mình sẵn sàng  nói chuyện với Trung Quốc một cách “đàng hoàng thực tế”. Nghĩa là không nhân nhượng, họ sẵn sàng đứng lên để bảo vệ quyền lợi của họ và đồng minh, tạo cho đồng minh hy vọng hơn để có thể cân bằng với Trung Quốc. Thứ nữa là về hành động thì đã có. Ông Tổng trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đang nói đến việc chuyển quân về TBD, dồn lực lượng về TBD. Và Mỹ cũng gần như rút ra khỏi Afghanistan và Iraq thì họ có phương tiện để thi hành chính sách của họ tại vùng Châu Á - TBD."
Quỳnh Chi: Vâng, xin cám ơn ông.
Xin đươc nhắc lại, truyền thông vừa loan tin bà Hilary Clinton sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn các đảo quốc Thái bình Dương – FIP vào tuần này. Đây là hội nghị thường niên của khu vực bao gồm 16 đảo quốc nhỏ của vùng Nam Thái Bình Dương và hai cường quốc Úc, New Zealand. Bà Ngoại trưởng dự kiến sẽ thăm quần đảo Cook một đảo quốc nhỏ với chỉ khoảng 11 ngàn người. Hoa Kỳ lâu nay tập trung sự hiện diện của mình tại Bắc và Trung Thái bình Dương. Ngoài American Samoa; tất cả lãnh thổ riêng của Hoa Kỳ như Guam, Bắc Marianas đều nằm ở vùng Bắc và Trung Thái bình Dương. Ngoài ra, nước này cũng chú trọng quan hệ với Palau, Micronesia và quần đảo Marshall ở vùng Bắc và Trung Thái bình Dương.

Không có nhận xét nào: