Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nhận định châu Á đang đứng trước một thách thức lớn, đó là nguy cơ chạy đua vũ trang.
Bộ trưởng Ng Eng Hen coi đây là một trong những thách thức lớn đối với nền quốc phòng mỗi quốc gia và cục diện an ninh châu Á trong thế kỷ 21. Ông dẫn con số thống kê từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho thấy trong 10 năm, từ 2001 đến 2010, chi tiêu quốc phòng ở châu Á tăng 72%, từ 177 tỉ USD lên 305 tỉ USD, gấp 6 lần so với mức tăng 12% của châu Âu.
So với việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng gần đây của Mỹ, Anh và châu Âu do khó khăn kinh tế, sự cấp tập hiện đại hóa quân đội và khí tài quân sự tối tân ở nhiều nước khiến châu Á “đang đối mặt với một kiểu thách thức mới”. Đó là, làm thế nào “để tránh một cuộc chạy đua vũ trang và giảm thiểu khả năng hiểu nhầm và tính toán sai lầm trong chiến lược”, Bộ trưởng Ng cảnh báo.
Bộ trưởng Ng Eng Hen. Ảnh The Online Citizen
Ông cũng đề cập đến sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ cũng như vai trò ngày càng lớn của ASEAN. Sự trỗi dậy về kinh tế, năng lực quân sự cũng như vị thế địa chính trị đó đã thu hút sự chú ý đặc biệt vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Biểu hiện rõ nhất là việc hồi tháng 6.2012, Mỹ tuyên bố chuyển trọng tâm an ninh bằng cách ưu tiên bố trí đến 60% lực lượng hải quân về khu vực này vào năm 2020.
Theo Bộ trưởng Singapore, trong khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và nhiều nước khác còn Mỹ vẫn tiếp tục là lực lượng an ninh thống lĩnh trong khu vực, các mối quan hệ an ninh và kinh tế ở châu Á càng trở nên phức tạp. “Sự dịch chuyển sức mạnh này sẽ kiểm chứng tính hợp thời của các quan hệ an ninh được thiết lập trong giai đoạn hậu Thế chiến 2 và Chiến tranh lạnh”, ông nhận định. Từ đó, ông Ng cảnh báo điều này sẽ thách thức nền quốc phòng của mỗi quốc gia trong việc bảo đảm an ninh và ổn định.
Phát biểu trên được đưa ra tại phiên khai mạc hội thảo thường niên của các sĩ quan quân sự cao cấp khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APPSMO) do Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam của Singapore tổ chức. Diễn ra từ ngày 7-12.8 với sự tham gia của hơn 50 sĩ quan từ 23 quốc gia và gần 30 chuyên gia quân sự, học giả quốc tế, hội thảo sẽ bàn về nhiều khía cạnh mới nảy sinh gần đây trong hoạt động quốc phòng. Theo lịch trình, khía cạnh đạo đức trong các trận xung đột hay việc tuân thủ luật biển quốc tế trong các vùng biển tranh chấp cũng sẽ được bàn tại đây.
Thục Minh
(Thanhnien/ VP Singapore)
(Thanhnien/ VP Singapore)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét