Mai Vân_RFI
Trong thời gian trước đây, Trung Quốc là một trong những điểm đến được ưa chuộng của người Việt Nam. Thế nhưng sau một loạt những hành vi gây hấn càng lúc càng gay gắt của Bắc Kinh tại Biển Đông, gây nên một tình trạng căng thẳng, lượng người Việt Nam qua Trung Quốc đã giảm hẳn, kể cả đối với các du khách thuần túy lẫn những du khách – doanh nhân, muốn kết hợp du lịch với việc thăm dò cơ hội làm ăn trên một thị trường được cho là rất hấp dẫn.
Trong thời gian trước đây, Trung Quốc là một trong những điểm đến được ưa chuộng của người Việt Nam. Thế nhưng sau một loạt những hành vi gây hấn càng lúc càng gay gắt của Bắc Kinh tại Biển Đông, gây nên một tình trạng căng thẳng, lượng người Việt Nam qua Trung Quốc đã giảm hẳn, kể cả đối với các du khách thuần túy lẫn những du khách – doanh nhân, muốn kết hợp du lịch với việc thăm dò cơ hội làm ăn trên một thị trường được cho là rất hấp dẫn.
Theo ghi nhận của báo chí trong nước, riêng trong ba tháng hè năm nay, lượng du khách Việt Nam đăng ký tour đi Trung Quốc đã giảm đáng kể. Thống kê về số khách Việt Nam đi du lịch tại Trung Quốc không được tiết lộ, nhưng theo tờ báo mạng trong nước Vnexpress ngày 31/07/2012, số lượng du khách Việt Nam đi Trung Quốc trong hai tháng 6 và 7 vừa qua đã giảm từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng một nhận xét với Vnexpress, báo An ninh Thủ đô xuất bản tại Hà Nội ngày 15 tháng 07 cũng thẩm định : « Nhiều công ty lữ hành đang chứng kiến sự sụt giảm của lượng khách Việt Nam đặt tour tới Trung Quốc ».
Điểm đáng nói là hiện tượng sụt giảm này chủ yếu liên quan đến các tuyến tại lục địa Trung Quốc, trong lúc các tour đến các « đặc khu » của Trung Quốc như Hồng Kông hay Macao vẫn như cũ, thậm chí còn tăng.
Đối với một giới chức trong ngành du lịch Việt Nam được Vnexpress trích dẫn, lượng du khách Việt Nam đi Trung Quốc giảm sụt là điều « bình thường », trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá tour không phải là rẻ, phí visa của Trung Quốc – 60 đô la – khá cao, thủ tục nhập cảnh ngày càng phức tạp.
Nguyên nhân kinh tế tuy nhiên chỉ là một, vì khách du lịch Việt Nam, theo các công ty lữ hành được ký giả hai tờ báo trên phỏng vấn, vẫn sẵn sàng bỏ tiền đi những nơi khác, Hồng Kông, Ma Cao hoặc là Hàn Quốc, Nhật Bản…, những điểm đến còn cao giá hơn Trung Quốc.
Theo hầu hết các nhà quan sát, nguyên nhân quan trọng hơn mang tính chất tâm lý, thậm chí chính trị : tình hình căng thẳng trên Biển Đông đã khiến người Việt Nam « tẩy chay » Trung Quốc, vì mất hẳn cảm tình với người láng giềng hung hăng, hay vì e ngại sự cố nẩy sinh khi đang ở nước này. Chi tiết đáng chú ý trong chiều hướng này được Vnexpress nêu lên là ghi nhận của một viên chức công ty du lịch Saigon Tourist : « Lượng khách giảm tập trung tại các đoàn sử dụng ngân sách nhà nước ».
Nỗi bất bình trước Trung Quốc tăng, du lịch đi Trung Quốc giảm
Tình hình du khách Việt Nam tẩy chay Trung Quốc đã được nhà báo Thanh Thảo tại Việt Nam xác nhận. Trả lời RFI, ông cho biết là xu hướng giảm ghi nhận trong hai tháng 6 và 7 vừa qua vẫn tiếp tục, chủ yếu là do việc người Việt Nam càng lúc càng bất bình trước thái độ hung hãn của Trung Quốc đối với Việt Nam ngoài Biển Đông.
« Lâu nay người Việt Nam đi du lịch Trung Quốc rất nhiều. Đây là chuyện phổ biến vì Trung Quốc có những điểm du lịch hấp dẫn du khách, không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế. Nói chung, Việt Nam với Trung Quốc có những điểm tương đồng về văn hóa, về lịch sử phát triển… Nhiều địa điểm ở Trung Quốc cũng được người Việt Nam biết qua sách vở và những hình thức khác… Người Việt thấy là đi du lịch qua Trung Quốc cũng dễ dàng và gần gụi.
Nhưng đấy là chuyện đã qua. Còn hiện tại thì chuyện đi du lịch Trung Quốc giảm, trước hết do xuất phát từ tình cảm dân tộc. Qua những thái độ của Trung Quốc đối với Việt Nam từ nhiều năm nay, và nhất là trong thời gian vừa qua, đã gây ra sự phẫn nộ, làm người Việt Nam bình thường cảm thấy khó chịu đối với Trung Quốc, do đó chuyện người ta không thích đi Trung Quốc nữa cũng là chuyện dễ hiểu.
Tôi nghĩ là nếu Trung Quốc cứ tiếp tục cái đà này với Việt Nam, thì lượng người Việt đi Trung Quốc sẽ càng ngày càng giảm đi.
Tình cảm dân tộc là nguyên nhân chính, cộng thêm một số nguyên nhân nữa cũng quan trọng, chẳng hạn như là qua các thông tin, người ta biết là ở Trung Quốc thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, thậm chị độc hại, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Người Việt Nam nghe thấy Trung Quốc như thế thì họ cũng sợ, có cảm giác không an toàn.
Cái cảm giác không an toàn về mặt thực phẩm đó lại kéo theo một tâm lý không an toàn khác. Khi thấy Trung Quốc đối xử với Việt Nam như thế (ở Biển Đông), thì người ta lại sợ là qua du lịch Trung Quốc lại phải hứng chịu cái gì đó mà họ không biết, và chính cái không biết đó đã ngăn cản họ, khiến họ không muốn đi.
Ngoài tình cảm dân tộc bị tổn thương là nguyên nhân chính, sự lo ngại về an toàn thực phẩm là nguyên nhân lớn, còn có thể có một nguyên nhân nữa là khi đi Trung Quốc hiện nay, các thủ tục không còn dễ dàng như trước nữa. Tất cả các yếu tố đó cộng lại khiến người ta suy nghĩ lại, và khi đã suy nghĩ lại thì người ta quyết định không đi nữa.
Đơn giản thế thôi, và (khi không đi Trung Quốc) thì người ta chọn phương án đi du lịch trong nước, cũng có nhiều địa điểm khiến người ta thích thú…, hoặc đi một số nước Đông Nam Á, giá cũng rẻ, như Thái Lan, Mã Lai, Singapore… »
Hành động thô bạo của Trung Quốc trên Biển Đông làm xuất hiện tâm lý “bài Trung Quốc”
Riêng đối với ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh, sự kiện ngày càng có nhiều người Việt không đi du lịch Trung Quốc nữa là một trong những biểu hiện của tâm lý bài Trung Quốc đang ngày càng mạnh thêm tại Việt Nam sau các hành động quá đáng của chính quyền Trung Quốc đối với Việt Nam ngoài Biển Đông. Trả lời Thụy My, ông xác định :
« Theo truyền thông cho biết, lượng khách qua lại giữa 2 nước giảm sụt. Về phiá Trung Quốc, tôi không nắm tình hình, nhưng về phiá Việt Nam, phải nói là sau khi nhà cầm quyền Trung Quốc có một số chủ trương can thiệp một cách thô bạo, uy hiếp các nước láng giềng – trong đó có Việt Nam – trên Biển Đông, thì hình thành tâm lý ít nhiều bài Trung Quốc trong cộng đồng người dân Việt Nam.
Cụ thể không cho biểu tình thì họ tụ tập những nhóm nhỏ để phản đối, mặc áo phản đối, có khẩu hiệu phản đối, rỉ tai nhau không dùng hàng Trung Quốc… Một số nơi thề là không đi du lịch Trung Quốc, đưa ra một thái độ dứt khoát, không đưa khách sang Trung Quốc, hoặc không nhận khách Trung Quốc qua. Một số nhà báo nói là họ cũng hạn chế viết bài, thông tin về Trung Quốc.
Đó là thái độ phản kháng công dân của một nước nhỏ vì cái nước láng giềng bên cạnh có những hành động uy hiếp, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Thật lòng mà nói thì không phải người Trung Quốc nào cũng như thế, đó chỉ là nhà nước Trung Quốc, còn người dân Trung Quốc họ cũng bình tĩnh, muốn hai bên quan hệ hữu hảo với nhau.
Gần đây thôi khi Trung Quốc xua 23.000 tàu đánh cá qua vét cạn nguồn tài nguyên Biển Đông, và có một số hành động cụ thể khác, (điều đó) làm gia tăng tâm lý bài Hoa trong cộng đồng nhân dân Việt Nam. Càng ngày người ta càng có thái độ tiêu cực đối với Trung Quốc, từ hàng hóa cho tới chuyện chính sách hay là chuyện một con người cụ thể.
Trung Quốc có văn hóa lâu đời, thắng cảnh đẹp và phải đi nhiều lần vì đất nước rộng lớn, cảnh quá đẹp, không ai chối cãi. Thậm chi khi có những xung đột về biên giới, nhỏ nhỏ thôi, thì ngươì ta vẫn bất chấp, vẫn đi Trung Quốc. Nhưng mà gần đây, càng ngày nhà nước Trung Quốc càng có nhũng hành động lấn tới thì có thể nói là khó mà chấp nhận.
Tôi còn nhớ cách đây hai năm, gần hai năm, có cái sự kiện mà sau đó bị phản ứng ngay : Chính phủ Trung Quốc vào Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp, họp báo để giới thiệu về tiềm năng tỉnh Vân Nam. Khi họ vào nhà mình, họ là khách, mình là chủ nhà, họ gặp gỡ các đối tác để nói chuyện, nhưng tới lúc họ về rồi mình mới phát hiện là tài liệu họ đưa có nguyên đường lưỡi bò. Phải nói là họ quá đáng ! »
“Tôi thấy ngán ngẩm vì những sự kiện sau này của Trung Quốc”
Không phải chỉ có du khách thuần túy là tẩy chay Trung Quốc. Ngay cả giới doanh nhân cũng không còn muốn giao du với Trung Quốc nữa, cho dù nước láng giềng khổng lồ này không thiếu cơ hội làm ăn. Trả lời Trọng Nghĩa, một doanh nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết :
« Tôi đã đi qua Trung Quốc một vài lần… Trước đây, tôi không hề biết Trung Quốc, tôi qua đó với mục tiêu chính là để tìm cơ hội trong cái công việc của mình, cũng như là tìm hiểu về lịch sử đất nước, gần như là một cách kết hợp với du lịch.
(Đến nơi) thì mình cảm thấy đó đúng là một nơi tiềm tàng nhiều thứ để mà mình có thể phát triển trong lãnh vực làm việc. Nhưng trong quá trình đó, chúng tôi cũng thấy có nhiều cơ hội, nhưng rủi ro cũng lớn, nhưng nếu nắm bắt được thì có thể phát triển hoạt động của bản thân công việc của mình.
(Nhưng mà hiện nay, nhìn về Trung Quốc) theo tôi, cũng như qua trao đổi với những người chung quanh mình, bản thân tôi thấy ngán ngẩm vì những sự kiện sau này của Trung Quốc đối xử với mọi người, làm cho tâm lý của tụi tôi không còn thích Trung Quốc nữa !
Tại vì cơ hội phải đi với những điều kiện nào đó phù hợp, trong khuôn khổ nào đó, chứ mình liều lĩnh, mình rủi ro tìm cơ hội ở một nơi mà người ta tự cho là kẻ trên ban cho kẻ dưới thì tụi tôi không cần, mà du lịch tụi tôi cũng không muốn. Tâm lý của người Việt bây giờ, nói thẳng ra là bài Trung Quốc, trên mọi phương diện. »
“Trong tour gần 30 người, lúc ra sân bay còn đúng 10 người…”
Ngay cả những người đang có quan hệ làm ăn với Trung Quốc cũng không tránh khỏi e ngại trước tình hình căng thẳng hiện nay nhất là việc giao thương trên vùng biên giới phái Bắc. Một doanh nhân khác ở Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận :
« Theo tôi các diễn biến trên đấy cũng làm cho người ta e ngại rằng là nếu như về sau có xẩy ra căng thẳng giữa hai bên, biên giới khó khăn, chuyện mua bán sẽ lôi thôi.
Hiện nay thì công nghiệp Việt Nam mua máy móc của Trung Quốc nhiều lắm, mua máy móc thì phải mua phụ tùng bảo trì. Bây giờ nếu sự qua lại bị khó khăn thì rất căng thằng trong chuyện tổ chức sản xuất, thì người ta cũng có e ngại.
Một ví dụ cụ thể là – cũng không hẳn là do tình hình căng thẳng – phiá Trung Quốc, có lẽ hơi giống Việt Nam, là họ có một số quy định về luật lệ, thay đổi nhanh quá, chẳng hạn như là vừa rồi, hàng hóa ở biên giới bị ách tắc lại là vì Trung Quốc có một số quy định mới, kiẻm tra các thông số kỹ thuật này nọ để xuất nhập hàng. Thì hàng về kỹ thuật tự nhiên bị ách tắc lại.
Không rõ là có phải do chuyện Biển Đông không, nhưng mà đã có tình trạng như vậy. Và tự nhiên là Trung Quốc có những quy định mới gây ách tắc mà không báo trước, đùng một cái đưa quy định đó ra, gây xáo trộn ở biên giới.
Còn du lịch thì đúng là bị ảnh hưởng rất ghê gớm. Nói một cách cụ thể là bây giờ các tour du lịch đi Trung Quốc giảm rất nhiều. Vừa rồi vợ con tôi đi du lịch, đầu tháng 8, trong tour là gần 30 người, nhưng lúc ra sân bay còn đúng 10 người. Gần 2/3 nhóm, họ bỏ vì họ nghe tin, họ sợ, họ bỏ. Nhưng chuyến đi không có vấn đề gì, vẫn vui vẻ.
Nếu so sánh thì bây giờ (du lịch đi Trung Quốc) sụt giảm nhiều so với thời trước. Bạn bè tôi làm công ty du lịch họ nói rằng là bắt đầu từ khi có chuyện (Biển Đông) đó là các tour đi Trung Quốc sụt hẳn một cách rõ rệt. Và cụ thể là người ta đã mua rồi mà người ta còn bỏ ».
Về khả năng tình hình bình thường trở lại, giới quan sát cho rằng phải chờ ít nhất đến cuối năm, sau khi đảng Cộng sản họp xong Đại hội. Có điều là với tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, mà Việt Nam được cho là nạn nhân số một, tình cảm của người Việt đối với Trung Quốc sẽ còn gặp thêm nhiều thử thách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét