Pages

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Vấn đề biển Đông lệ thuộc nhiều vào thái độ của Trung Quốc’




Trung Quốc mới thông báo mời các công ty nước ngoài khai thác dầu khí ở hơn 20 lô nằm ở vùng biển Đông, 2 tháng sau khi bị Việt Nam phản đối trước một động thái tương tự.
Để tìm hiểu rõ hơn những diễn biến mới đây liên quan tới khu vực lãnh hải tranh chấp, Đài tiếng nói Hoa Kỳ đã có cuộc phỏng vấn với học giả Dương Danh Dy, cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu và hiện nghiên cứu các vấn đề về Trung Quốc. Mời quý vị theo dõi.
VOA:
Ông đánh giá như thế nào về các động thái của Trung Quốc trong thời gian qua, mà mới nhất là việc tiếp tục mời thầu dầu khí và xây dựng cơ sở hạ tầng tại thành phố Tam Sa trên đảo Vĩnh Hưng mà Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm?
Ông Dương Danh Dy: Theo tôi, tất cả những hành động mà ông vừa hỏi trên thì chỉ là những hành động cụ thể để thực hiện âm mưu, ý đồ bành trướng, bá quyền, bá chiếm biển Đông của Trung Quốc mà thôi.


Nó không có gì lạ cả, bởi vì chúng ta biết rằng từ chỗ Trung Quốc không có chân đặt trên biển Đông thì họ chiếm Hoàng Sa. Năm 1956 họ chiếm một nửa và chiếm nốt một nửa năm 1974. Rồi năm 1988 họ chiếm một số đảo nhỏ ở Trường Sa.
Tức là họ cũng đã đặt chân ở trên Trường Sa rồi. Từ chỗ Đường lưỡi bò nằm trên giấy của Quốc dân Đảng, nay họ đã đưa ra Liên Hiệp Quốc, rồi họ tuyên bố đó là đường ranh giới trên biển chính thức của họ rồi để buộc những ai vào đấy là họ kết tội vi phạm. Ngoài ra, họ còn cho tàu hải giám, tàu ngư chính đi xua đuổi các tàu đánh bắt cá của nước ngoài, mà chủ yếu là của Việt Nam.
Từ chỗ không có gì cả, thành ra chuyện đã rồi, chuyện thực tế, buộc người ta phải bàn bạc, phải thảo luận, đấu tranh với họ. Chắc chắn sắp tới họ sẽ còn nhiều cái kỳ lạ nữa.
VOA: Ông là người theo dõi sát sao báo chí ở Trung Quốc. Họ đưa tin ra sao về vấn đề Biển Đông, thưa ông?
Ông Dương Danh Dy: Tin về biển Đông thì họ đưa rất nhiều, tùy theo yêu cầu. Có lúc thì họ chĩa mũi nhọn vào Việt Nam. Gần đây, có vấn đề bãi cạn Scarborough nổi lên thì họ lại chĩa vào Philippines. Tùy theo lúc họ nhắm vào nước nào, họ định đấm ai thì họ đưa mạnh còn họ định xoa ai thì họ đưa nhẹ.
VOA:
Thưa ông, Trung Quốc hiện không chỉ có tranh chấp lãnh hải không chỉ với Việt Nam mà còn cả với Nhật liên quan tới quần đảo Điếu Ngư mà Nhật gọi là Senkaku, dẫn tới làn sóng bài Nhật gần đây. Ông đánh giá như thế nào về chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc?
Ông Dương Danh Dy: Họ đều gặp nhau ở chỗ là thống nhất trong vấn đề bành trướng lãnh thổ.
Người Trung Quốc, dù là ở Đại lục hay ở Đài Loan, hay dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, người Mỹ gốc Hoa hay người Anh gốc Hoa, thì họ đều gặp nhau ở cái ý thức bành trướng dân tộc.
Họ kích động tinh thần dân tộc lên là dẫn tới biểu tình.Năm xảy ra Cách mạng Văn hóa mà tôi còn đang công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh, họ bao vây Đại sứ quán Mông Cổ thì tôi ở ngay bên cạnh. Họ bao vây kín.
Họ cứ để cho một lúc là lại đả đảo Mông Cổ xét lại, làm cho anh em sứ quán không ngủ được.
Bọn tôi ở bên cạnh cũng vạ lây. Rồi họ đốt tòa đại biện của Anh ở cạnh sứ quán Việt Nam. Cái này so với thời Cách mạng Văn hóa còn chưa bằng.
Dưới sự lãnh đạo của ban lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay, người dân Trung Quốc còn làm nhiều trò nữa, chứ không phải chỉ có thế đâu.
VOA: Theo ông, căng thẳng ở biển Đông thời gian qua sẽ còn dâng lên tới mức nào?
Ông Dương Danh Dy: Tôi nói thế này không phải đánh giá Trung Quốc quá mạnh, hay đánh giá tuyệt đối, nhưng mà phải nói thật rằng biển Đông lệ thuộc vào thái độ của Trung Quốc rất lớn.
Việt Nam, các nước ASEAN và ngay cả Mỹ nữa, không ai muốn xảy ra chiến tranh ở biển Đông cả, nhưng nếu người Trung Quốc muốn gây chiến ở biển Đông là họ có thể làm được đấy.
Hiện nay, họ sắp họp Đại hội 18. Tôi nghĩ rằng là sau khi họ họp xong đại hội 18, họ ổn định và có ban lãnh đạo mới, chắc chắn họ sẽ có những hành động mới, có thể là quyết liệt hơn nữa ở biển Đông.

VOA news

Không có nhận xét nào: