Pages

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Chuẩn Đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm: Trung Quốc lấn từng bước


Xâu chuỗi lại một loạt các động thái từ phía Trung Quốc từ đầu năm đến nay, Chuẩn Đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam cho rằng, Trung Quốc đang dàn xếp kịch bản "lấn từng bước” trên Biển Đông và đe dọa tới nhiều quốc gia ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Chuẩn Đô đốc hải quân Lê Kế Lâm
Về vụ tàu hải quân Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi của ta mới đây, ông có bình luận gì?

Chuẩn Đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm: Không chỉ người dân Việt Nam đâu mà cả thế giới họ cũng nhận ra bản chất sự việc thôi. Nếu mà liên hệ vụ này với vụ "đường lưỡi bò” của Trung Quốc vốn "liếm” đến 80% vùng Biển Đông thì có thể thấy rằng cái phi lý của Trung Quốc không ai có thể chấp nhận được. Philipines kiện Trung Quốc ra tòa, nhưng họ từ chối, vì sao vậy? Họ sợ đuối lý và thua kiện. Rồi đuối lý quá, họ dùng đến sức mạnh súng ống mà đe nạt nước nhỏ. Tôi cũng cho rằng, việc uy hiếp nước khác theo kiểu này phải bị lên án. Ngư dân họ không có một tấc sắt trong tay, họ làm ăn, đánh cá trên ngư trường truyền thống của họ, cớ sao anh lại bắn người ta!

* Bộ Quốc phòng Trung Quốc thừa nhận tàu hải quân của họ có bắn, nhưng chỉ sử dụng pháo sáng bắn vào 4 tàu cá Việt Nam vào ngày 20-3. Ý kiến của ông?

Tôi cho rằng ngay cả Trung Quốc bắn pháo sáng vào ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá trên ngư trường truyền thống của họ cũng là sai trái. Về luật quân sự, pháo sáng trong trường hợp này là một phương tiện quân sự. Thực tế, người ta chỉ dùng pháo sáng để phát các tín hiệu chỉ huy (tấn công, rút lui, đầu hàng,…), hoặc để phục vụ nhu cầu chiếu sáng cho một khu vực chiến trường. Trong trường hợp bắn pháo sáng vào khu vực dân sự, gây cháy và đe dọa trực tiếp tính mạng là vi phạm các nguyên tắc quân sự tối thiểu, chứ chưa cần nói tới việc anh xâm phạm tự do hàng hải, xâm phạm chủ quyền của một quốc gia khác. Anh cũng không thể giải thích bắn pháo sáng vào ngư dân để dò tìm đối phương, vì thời điểm 4 tàu cá bị bắn (trong đó có 1 tàu cá bị bắn cháy) đang là ban ngày. Do đó, tôi khẳng định, hành động của tàu Trung Quốc là trái luật, cố tình khiêu khích, cần phải lên án mạnh mẽ.

*Phải chăng sau những vụ việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, cũng như gây hấn với Nhật Bản ở Điếu Ngư/Senkaku thời gian gần đây cho thấy Trung Quốc đang nóng lòng muốn nuốt trọn các vùng biển?

Cái này thì rõ rồi. Âm mưu bành trướng của Trung Quốc thì lịch sử đã ghi nhận, chỉ có điều mỗi thời họ dùng một chiến thuật khác nhau mà thôi. Nếu xâu chuỗi lại một loạt các hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam từ đầu năm 2013 đến nay, chúng ta có thế thấy là Trung Quốc đang thực hiện theo phương thức mới, lấn dần từng bước mà chưa cần dùng đến chiến tranh. Mới đây nhất, họ đã đưa tàu chiến, cùng đội tàu phi quân sự xuống cực Nam quần đảo Trường Sa, cho thấy họ muốn chứng tỏ "quyền hợp pháp” của mình, dựa trên cái bản đồ tự vẽ về "đường 9 đoạn”. Rồi tiếp đó, họ sẽ có thêm nhiều các bước khác nữa với mưu đồ độc chiếm vùng Biển Đông.

Những biểu hiện của phương thức này chính là từ việc Trung Quốc tự công bố thành lập cái gọi là "TP.Tam Sa”, sau đó họ lập chính quyền, xây dựng hệ thống quân sự; công bố tiếp kế hoạch tuần tra biển, tổ chức luyện tập hải quân, khảo sát ngư trường trong vùng Biển Đông. Để thể hiện họ có triển khai kế hoạch này, Trung Quốc không ngần ngại bắn cháy tàu ngư dân của Việt Nam để đe dọa và truyền đi thông điệp đe dọa các nước khác có cùng tranh chấp.

*Vậy theo ông, Việt Nam phải bảo vệ chủ quyền của mình bằng cách nào, trước những âm mưu, khiêu khích xảy ra trên Biển Đông ?

Trước hết, các lực lượng thực thi trách nhiệm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông (cảnh sát biển, hải quân, biên phòng,…) cần phải cảnh giác, bình tĩnh trước các hành động khiêu khích đền từ các tàu quân sự của nước ngoài. Chúng ta phải quan sát để tỉnh táo, cảnh giác, không mắc phải mưu khiêu khích họ bày ra.

Đối với ngư dân đánh cá trên các ngư trường truyền thống, chính quyền mỗi địa phương cần chủ động trang bị máy ảnh, máy quay phim cho ngư dân để họ sẵn sàng ghi lại bằng chứng. Còn các lực lượng có trách nhiệm trên biển, như cảnh sát biển, hải quân, không quân, biên phòng cần phối hợp với nhau để bảo đảm an toàn cho ngư dân yên tâm bám biển, giữ chủ quyền.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Thành Luân (thực hiện)

(ĐĐK)

Không có nhận xét nào: