Một chút rào đón
Tôi muốn có vài lời rào đón xin bạn lượng thứ, ấy là trong bài viết dài này, tôi thường dùng chữ “Tôi” thay cho chữ “Chúng tôi”. Tôi biết rằng, cái “tôi” càng to thì cái bóng của nó càng trùm mạnh lên cái “chúng tôi”, ấy vậy mà, nếu không có cái “chúng tôi” thì lấy đâu ra cái “tôi”. Nhưng, trong những điều tôi viết tiếp đây, chữ “tôi” vẫn được đặc quyền dùng nhiều hơn, và đó không phải là vì tôi không khiêm tốn hoặc cố tình dùng để cho cá nhân mình có lợi lộc gì đấy.
Sau mấy bài của tôi viết về những hoạt động đoàn kết (với ngư dân Việt Nam của chúng ta) và để trả lời rất nhiều ý kiến và câu hỏi liên quan đến bản thân, tôi muốn tự mình làm sáng tỏ cái cách thức tôi nhìn nhận tình hình hiện thời tại dất nước thứ hai của mình là nước Việt Nam. Tôi sẽ chỉ đề cập vài quan điểm riêng, song tôi coi đó là những cơ sở động lực cho những cuộc tranh đấu ngày hôm nay của mình. Tôi quyết định tự mình làm công việc này, và mong rằng những điều tôi viết ra sẽ không bị méo mó đi vì những cách diễn giải bên ngoài dù đó là những diễn giải tử tế hoặc không tử tế.
Cũng nhân dịp này, và cũng nhân danh là một công dân Việt Nam, tôi muốn đáp lại lời kêu gọi nhắc đi nhắc lại nhiều lần của chủ tịch Trương Tấn Sang nước ta, là hãy đem “vũ khí Sự thật” ra mà sử dụng. Tôi làm công việc dùng vũ khí đó với lòng kiêu hãnh vì quá khứ của mình, nhưng là cái quá khứ đã bị rũ sạch những huân chương, mặc dù trong lòng mình vẫn còn nguyên vẹn những giá trị cộng sản được khẳng định chắc chắn, đồng thời lúc nào trong lòng mình cũng tránh rơi vào tính bảo thủ như rất nhiều tấm gương đẹp nhất đang héo tàn ta đã thấy trong nhà bảo tàng… Vả chăng chính vì tôi giữ lại những giá trị ấy mà (supprimer ce mot car je veux parler de cet article) bài viết của mình nói ra các Sự thật của mình thường khi mang vị đắng cay và đau lòng. Hẳn nhiên, đó không là những đắng cay và đau lòng chỉ riêng tôi mới có, mà cả của những ai khác nữa, không giống những nỗi đau và đắng cay của tôi. Nhưng không ai có quyền ngăn cấm ta nói ra những nỗi niềm ấy và đem chúng ra chia sẻ, đổi trao.
Tôi đã nhiều lần khẳng định điều này, xin các bạn và những ai không ưa tôi cứ thẩm tra lại: tôi bao giờ cũng là một điện tử tự do và tôi cứ sống như thế mãi mãi. Tôi là kẻ không bị kiểm soát bởi bất kỳ ai và bất kỳ tổ chức nào: tôi không có tham vọng chính trị và không phụ thuộc về tiền nong với tổ chức, hội đoàn hoặc chính đảng nào đó, tôi chẳng có gì phải thanh minh thanh nga về lòng chân thành và tình đoàn kết trong những mối quan hệ từ xưa tới nay với nhân dân Việt Nam.
Nhưng cũng có một điểm yếu đấy: tôi là một con người, và đã là con người thì thế nào cũng có lúc chết. Nhưng những gì là căn bản của đời mình vốn là đã ở phía sau của cuộc đời mình rồi, một “tai nạn” có khi lại trở thành một sự kiện hay ho phục vụ cho chính nghĩa mà tôi bảo vệ và càng làm cho chúng đến với đông đảo công chúng hơn. Tôi chẳng ngán chạy Honda trong cái khu rừng mọc đầy những xe gắn máy là Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh. Chưa kể là, sự thận trọng và cái tính lịch sự ngoại giao chưa bao giờ là thế mạnh của tôi sất, bao giờ tôi cũng nghĩ rằng giữ im lặng không lên tiếng tức là đồng lõa, rằng sống nửa vời tức là nửa đạo đức giả hoặc là nửa hèn nhát và tình bạn chân chính là khi thấy điều gì làm ta giận điên lên thì ta cứ nổ thôi. Vậy là tôi bình tâm nhận hoàn toàn trách nhiệm về điều tôi đang viết đây, và xin hết lời cám ơn đội Bauxite Việt Nam đã cho tôi phát biểu những lời “nhạy cảm” này.
Tại sao đến hôm nay mới viết bài này?
Tình cảnh bi kịch của ngư dân nước ta đối mặt với Hải quân Trung Hoa và bọn biệt kích lưu manh cải trang thành những dân đánh cá, là một tình trạng chắc chắn sẽ càng trở nên vô cùng trầm trọng, máu Việt Nam sẽ còn tuôn chảy trong mấy tháng tới đây, những vụ tham nhũng rồi sẽ còn bị bóp chết không để lộ ra ngoài, cuộc “thảo luận toàn quốc” để góp ý cho Hiến pháp rồi sẽ bị nhà cầm quyền xoay chuyển sang một hướng sai lệch, bọn lính đánh thuê chính trị bảo thủ các cỡ đang chực đứng sẵn bên lỗ châu mai để tấn công và bôi nhọ gần 12 ngàn chữ ký kiến nghị đòi chữa lại Hiến pháp theo hướng dân chủ hơn nữa… tất cả những điều đó đã khiến tôi quyết định viết ra những dòng này. Viết ra trước hết là để trút bỏ những mối âu lo và những cơn điên giận càng lúc càng lớn.
Sau nữa, viết ra là để giải thích vì sao tôi nằm trong danh sách những người ký tên vào bản Kiến nghị này và cũng để xác định rõ chữ ký này của tôi không phải là chuyện bốc đồng hoặc tôi đặt bút ký chỉ vì bị thôi thúc vì những tình cảm đã qua hoặc tình cảm hôm nay, lại càng không bị thôi thúc vì những thế lực bên ngoài hòng làm mất ổn định chế độ hiện nay của Việt Nam. Tôi muốn làm yên lòng thêm cho những ai vẫn còn hồ nghi chuyện đó: đây là một chữ ký vô cùng cẩn thận, vô cùng cân nhắc. Đây là một chữ ký xung trận và kết án.
Sau hết, tôi viết mấy dòng này để đóng góp vào cuộc tranh luận quan điểm rất cần thiết trên tư cách là một công dân Việt Nam đang cùng với vô số người Việt Nam khác đang muốn có một nhát chổi quét thật mạnh, không bạo lực, nhưng kiên quyết, hiện thực và cực kỳ bức thiết, trong một hệ thống điều hành đang trở thành không thể chịu đựng nổi đối với một bộ phận công dân “không nhỏ” [chữ dùng bằng tiếng Việt trong nguyên văn – ND].
Chụp ở cảng Lý Sơn, nơi ngư dân ra ngư trường Hoàng Sa. Nhắc nhở “ thiết bị an toàn” |
Trước hết, về chuyện tranh luận xoay quanh bàn Kiến nghị mà tôi đánh giá là một văn bản có tính chất quần chúng rộng rãi, dân chủ và sáng tạo mới mẻ, tôi cần ngỏ lời cám ơn những nhà khởi xướng cũng như cám ơn trang BVN đã tung nó ra cho công chúng rồi quản lý công việc với nhiều nỗ lực dù có rất ít nhân lực và phương tiện, thường khi bị đe dọa, đôi khi còn bị giăng bẫy và bôi xấu.
Chẳng có chuyện gì trên đời lúc nào cũng là hoàn hảo cả. Từng có và sẽ còn có những nhận xét này nọ về quan điểm và cách biên soạn văn bản Kiến nghị, về cách lấy chữ ký, về cách cử người đại diện, về cách chọn một từ, cách đặt một dấu phẩy hoặc một dấu chấm. Thế nhưng, trong tình hình hiện thời, điều cơ bản là: trang BVN và các trang web khác đã có công lớn làm nơi lên tiếng, lắm khi là lên tiếng lần đầu tiên, cho những ai bị từ chối không cho biết là có một bản Kiến nghị như thế và kêu gọi con người suy nghĩ và hành động, còn thì về phía bên kia, phía cái chính quyền mặc bộ áo dân chủ, thì đồng loạt nổ súng phản thông tin bằng cách tung ra hàng binh đoàn thiết giáp tư tưởng và chính trị: độc quyền hoàn toàn các phương tiện lớn làm công việc “thông tin” cho đông đảo nhân dân (cái công thức “700 tờ = Chỉ một Tổng Biên tập” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] chỉ là hơi nói quá lên một tí thôi), những tên biệt kích là “nhà báo chính trị” của “Mặt trân Tổ quốc” đứng ra bới lông vạch vết trung thực trong danh sách người ký Kiến nghị, các “giáo sư lớn” giỏi nấu món Mác-Lê thì vẽ lại Lịch sử theo các menu do Đầu bếp vẽ ra.
Cuộc đấu tranh hết sức không cân sức về phương tiện sử dụng. Và cũng hết sức không cân sức về tính trung thực và về mục đích của các lực lượng đang mặt giáp mặt. Trong điều kiện như thế, tôi mong những ai đứng ra phê phán mặt này mặt khác của bản Kiến nghị, hoặc người này người khác trong số những người ký tên vào Kiến nghị, ngay cả khi các vị đó làm như thế là có lý do phải làm như thế, thì xin các vị chớ khi nào được quên điều căn bản này: bản Kiến nghị là một nhịp thở của nhân dân, là một cú nhảy bột phát bổ ích chống lại sự cam chịu, chống lại sự cúi đầu vô điều kiện hoặc cúi đầu vì sợ sệt, là một nỗ lực dũng cảm mang tính đối kháng và mang tính lôgic để tiến về hướng một xã hội hiện đại mà nhân dân Việt Nam phải tìm ra và tạo ra giống như hình ảnh của chính dân tộc mình.
Những tên tuổi hoàn toàn không bị điều tiếng và nhiều khi nổi danh vì những thành tích trong quá khứ và hiện tại của những vị khởi xướng bản Kiến nghị, tên tuổi của những người đã ký vào bản khởi thảo và còn tiếp tục kêu gọi mọi người ký vào đó, cùng với những tên tuổi các nhà khởi xướng, là tên tuổi những công dân nghiêm túc, trong sáng, có trách nhiệm, âu lo cho đất nước và tôn trọng luật pháp.
Tôi nhận thấy ngày càng nhiều chữ ký của nông dân, những người vẫn rất còn xa lạ với máy vi tính, đã đồng tình với nỗ lực này và nỗi hiểm nguy này để biểu lộ khát vọng muốn thay đổi của mình. Những con người ấy, những người đã chở che và nuôi nấng cách mạng, những con người đã được hứa nhăng hứa cuồi, những người ấy với một bộ phận vẫn đang sống trong địa ngục chỉ vì muốn giữ lấy đất đai của mình, cái mảnh đất bị người ta cưỡng chế tịch thu giữa ban ngày ban mặt! Tôi hết sức cầu mong bà con này tiếp tục biểu lộ nguyện vọng của mình bằng cách nhờ con cái, nhờ cháu con, hoặc nhờ bè bạn để ký vào bản Kiến nghị này. Tất cả các công dân này ở các trình độ khác nhau đều là những người Việt Nam dũng cảm đối mặt với một chính quyền trong tay có một lực lượng cảnh sát quyết tâm bắt họ phải câm họng.
Những công dân này rất đa dạng, họ khác nhau trong quá khứ và trong hiện tại, và khác nhau cả trong chính kiến (có nhiều người còn chưa có chính kiến rõ ràng nữa). Họ khác nhau về tín ngưỡng, về nghề nghiệp, về năng lực, về tuổi tác, về nơi cư trú, về cách biểu đạt nguyện vọng của mình… Và, cho dù tất cả đều thành thực cùng được thức tỉnh theo một hơi thở dân chủ cần thiết cho đất nước mình, thì cũng còn khá xa tới khi họ lập ra một Chính đảng có tổ chức được thức tỉnh vì nguyện vọng lật đổ một chế độ. Nói họ là như thế, hoặc gây dư luận rằng họ là như vậy, là chuyện hoàn toàn bôi nhọ. Đó là cách lập luận cổ điển, trẻ con và thô kệch, của những kẻ thiếu những lập cứ nghiêm túc và chỉ biết khua lên nỗi lo cảnh hỗn loạn xã hội để dọa những mong muốn thay đổi. Đó là cách khước từ thảo luận ngay từ trước khi tham gia vào thảo luận.
Suốt dọc Lịch sử, cái lối tuyên truyền gọi bất kỳ cái Mới nào cũng đều là quỷ dữ đã được các nền độc tài đem dùng để tạo chính danh cho những cuộc săn diệt phù thủy.
Điều 4 và vai trò lãnh đạo của Đảng
Tôi đã nói rồi, xin đừng lục tìm tên tôi trong các danh sách người tham gia các đảng phái chính trị, các người sẽ không tìm thấy tôi trong bất kỳ danh sách nào. Nhưng, bên trên nữa tôi cũng đã khẳng định rồi, rằng tôi kính trọng các giá trị cộng sản. Đó là những giá trị được tôi luyện trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và trong nhà ngục Việt Nam khi được tiếp xúc với những con người chân chính đã bằng hành động của họ mà dạy cho tôi những giá trị ấy! Trái ngược với một số người chỉ dùng các “giá trị cộng sản” cho hợp thời để rồi quên khuấy luôn và chạy theo những đồng đô-la xanh hoặc những danh tiếng, tôi vẫn luôn luôn tin tưởng vào phần lớn các giá trị cộng sản này và tôi thách đố ai đó có thể khẳng định rằng tôi đang tuyên ngôn về sự biến mất của Đảng Cộng sản bởi vì cho rằng tôi sẽ là kẻ đi theo những giá trị tư bản chủ nghĩa.
Đối với tôi, tự do là điều cơ bản và tự do là điều không sao thích nghi nổi với bất kỳ nền độc tài nào. Chẳng độc tài vô sản cũng chẳng độc tài của các ông chủ nhà băng, cho dù tôi vẫn thấy mình gần gụi nhiều với những người vô sản hơn là với những ông chủ ngân hàng! Đối với tôi, một Đảng Cộng sản xứng đáng với danh hiệu đó cần phải luôn luôn ở hàng đầu bảo vệ các quyền tự do, trước hết là quyền tự do của những người nghèo khổ nhất trên đời. Động cơ và mục đích trung tâm của những cuộc đấu tranh của một Đảng Cộng sản như thế phải là Con Người cụ thể, đang sống, có thực, chứ không đấu tranh cho quyền lực vì quyền lực của một nhóm bất kể đó là nhóm gì. Dù cái Đảng ấy không có tính dân tộc, thì nó vẫn có nhiệm vụ bảo vệ quốc gia.
Giá trị cộng sản và Đảng Cộng sản: từ “Đảng Cộng Sản” tới “Đảng ta” tới “Đảng”…[tiếng Việt trong nguyên văn – ND]
Nhưng liệu có sự đồng nhất giữa những “giá trị cộng sản” và “Đảng Cộng sản” hay không? Liệu có cần nhắc nhớ cái sự thật hiển nhiên này hay không: suốt dọc Lịch sử, sau khi đã khơi dậy một niềm hy vọng vô biên, thì chính các Đảng Cộng sản, chính họ đã bôi bẩn và đôi khi giẫm đạp lên các giá trị đó sau khi họ nắm được chính quyền và đã làm mọi điều để được tại vị? Tội ác chung của họ là đã tịch thu thành quả của những hy sinh và cuả những cuộc đấu tranh của nhân dân, là đã tổ chức những chế độ cai trị diệt dân chủ để đẩy lui niềm hy vọng dân chủ của biết bao thế hệ. Tất cả bọn họ đã giết chết các quyền tự do ấy vào những dịp đấu tranh chống các “kẻ thù bên trong” và những “kẻ thù bên ngoài” đôi khi cũng có thực nhưng thường thì là ngụy tạo. Đến độ là họ đã tự mình xóa sạch khỏi chính trường tự nhiên của quốc gia để tự cải biến thành những quái vật thực sự ăn không biết no của một chính quyền độc đảng…
Thưa ông Chủ tịch nước, điều tôi đã thực sự nhận ra và ấn tượng chân thành của tôi, xin cho tôi nói với mọi sự chừng mực cần thiết, ấy là dường như Dảng Cộng sản hiện thời của Việt Nam đang ngày càng tuột theo cái dốc kinh khủng, và, xin Chủ tịch thứ lỗi cho tôi vì sự thiếu tôn kính, ngay trong lời ông khuyên mọi người nói lên sự thật cũng đủ cho thấy rằng bản thân ông cũng chẳng có tí tự do nào trong việc nói ra toàn bộ sự thật ấy.
Có những người cộng sản lão thành Việt Nam đã nói lên điều đó hay hơn tôi nhiều trên trang mạng BVN và nhiều trang khác: cái Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay chẳng có gì giống với cái đảng ấy ngày xưa sất. Đảng Cộng sản ngày xưa xứng danh với tên Đảng Cộng Sản Việt Nam, đảng giải phóng dân tộc và đảng thống nhất quốc gia. Tôi vẫn kính trọng cái Dảng Cộng sản ấy ngay cả khi nó không rũ bỏ được những nhiệm vụ kinh khủng trong đó có việc Cải cách Ruộng đất. Đối với tôi, cái Dảng Cộng sản Việt Nam hôm nay đã trở thành cái “Đảng ta” [tiếng Việt trong nguyên văn – ND]. Dù trình độ tiếng Việt của tôi còn nhiều chỗ đáng chê, song tôi tin rằng trong cái ngôn ngữ vô cùng phong phú này, âm “ta” vừa có thể là “chúng ta, của chúng ta” như là “Tôi, của tôi”. Và tôi nghĩ rằng, thời gian nhiều thập kỷ trôi đi, nhất là trong hai thập kỷ vừa qua, nghĩa ngôn từ đã trượt dài từ “Chúng ta” sang cái nghĩa “Tôi”.
Đảng ấy đã tiêu sạch cái uy tín đã có trong quá khứ, đã mất hết sạch niềm tin của nhân dân toàn quốc. Hệ quả là, chúng ta có bản tổng kê không ai cãi nổi: Đảng đã dẫn đưa nền kinh tế, dắt dẫn xã hội, đã đưa nền văn hóa Việt Nam tới một tình trạng vô cùng nguy kịch. Đảng ấy đã mở cửa và bày cỗ cho “đồng chí” Trung Hoa – đồng chí lãnh đạo ấy, nhất định thế rồi – người đang bình thản bơm hút tài nguyên và nhân lực tự nhiên và đang ngầm kiểm soát chặt chẽ những hướng phát triển chính yếu của nước Việt. Và làm mọi việc đó trong sự nhục mạ Việt Nam. Ngược hẳn với tình đoàn kết quốc tế đem lại lợi ích cho nhân dân Trung Hoa và Việt Nam, đây là sự nô dịch vì sợ sệt hoặc vì có lợi cho giới cầm quyền Bắc Kinh!
Quẫy ra khỏi sự nô dịch thuộc địa rồi tân-thuộc địa để rơi vào một sự nô dịch kiểu mới khác còn nguy hiểm hơn nữa: đó là món nợ to lớn đến kinh hoàng của Đảng. Khi cái “Đảng ta”, thông qua Diều 4, đòi quyền lãnh đạo quốc gia chỉ cho riêng mình, và một mình Đảng hôm nay đã quyết định bám chặt không rời con đường ấy nhân danh 90 triệu công dân, điều đó có nghĩa là không một ai nữa ngoài “Dảng ta” phải chịu trách nhiệm về cái tình hình đất nước như vừa được mô tả. Tôi hiểu rất rõ rằng, khi tôi khẳng định mấy điều nói trên, tôi đã làm vừa lòng một số người cả Việt Nam lẫn chẳng Việt Nam quen tán tụng nền dân chủ của “thế giới tự do”, những người về phía họ từng cho tôi biết khi tôi ở sau song sắt nhà tù của họ rằng nền độc tài tàn bạo ấy có khả năng “dân chủ” tới mức nào khi họ nắm quyền lực trong tay, và họ là những chuyên gia cỡ nào khi sử dụng các công cụ tra tấn.
Nhưng ta cũng cần thừa nhận rằng hiện thời trong xã hội Việt Nam cũng có những thành phần cũng chẳng có giá trị gì hơn so với những kẻ đó. Đó là những sản phẩm của nền giáo dục “xã hội chủ nghĩa” rất thường bỏ qua chủ nghĩa nhân văn và nền văn hóa đoàn kết đích thực của nhân dân để thần thánh hóa lợi nhuận, để ban phép thánh cho lối sống xa hoa, để gợi lên những cách sống vị kỷ. Có những cán bộ được sinh ra từ “nền giáo dục” ấy đã khiến tôi phải nghĩ tới những người tôi từng bắt gặp trong chế độ cũ. Lời lẽ và phương pháp đã khác đi, vì không còn chiến tranh nữa, và vì người Việt Nam trong thế giới hôm nay không cho phép tồn tại cái bạo hành đã dùng ngày trước. Nhưng cái ý chí thống trị, cái ý chí bóp chết nền dân chủ thì vẫn còn đó với một số “không nhỏ” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] những nhà lãnh đạo hiện thời. Sự tham lam vơ vét cho riêng mình thì vẫn không thay đổi và được đặt cao hơn quyền lợi của quốc gia. Than ôi, rất nhiều người trong số đó lại là đảng viên của “Đảng ta” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND].
Tuy nhiên, bên cạnh đó may sao cũng vẫn còn những người cộng sản chân chính, những người cộng sản tôi gọi là “sạch sẽ” nhưng là những người cảm thấy mình bất lực và đau lòng trước xã hội của mình vì hội chứng Trung Hoa... Những người mày có trong hàng ngũ cán bộ và nhất là cán bộ cơ sở. Nhưng các cán bọ và đảng viên đó của “Đảng ta” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND], thường bị các công dân bình thường gọi là những “người cộng sản nhưng mà tốt” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] đều đã bị gắn chắc trong guồng máy. Chức trách của họ, công việc làm của họ, và đôi khi ngay cả sự an toàn của họ cũng bị đe dọa ngay khi họ tỏ ra muốn có thay đổi, ngay khi họ tìm cách nói lên sự thật, cái “sự thật” chính họ đang sống trong đó. Để có thể lên tiếng, họ phải bảo đảm được che chở bởi một hoặc nhiều “hậu phương” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] mà ngay cả những hậu phương này cũng không chắc chắn và có thể ngày một ngày hai là bỏ mặc nhau để trốn chạy tháo thân.
Với những đảng viên cộng sản ở cơ sở, các chi bộ “Đảng ta” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] chỉ là nơi họ phải có mặt để nghe và nhắc lại bài kinh chính thống. Hãy cẩn thận những ai đi chệch khỏi nghi thức đó! Mấy câu hỏi nghiêm trọng được nêu ra tại đó, vài điều phản đối, mấy tiếng kêu phẫn nộ sẽ được nhanh chóng dập đi và chôn vùi tại chi bộ. Vậy là, với rất nhiều người trong bọn họ, cái “Đảng ta” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] còn co hẹp hơn nữa để chỉ còn là “Đảng”. Cái “ta” biến nất. Đảng không khuyến khích người ta nói mà xui người ta ngồi im. Đảng không thích người ta tự suy nghĩ. Đảng không đoàn kết mọi người: Đảng chia rẽ mọi người. Danh mục các vấn đề “nhạy cảm” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] kéo dài mãi không hết, và cuối cùng dẫn đưa những cuộc đối thoại đổi trao thành ra chỉ còn là những cái gật đầu như cái máy. Khái niệm trách nhiệm cá nhân biến mất. Người ta nấp sau bộ máy: không ai dám quyết định điều gì ngoài những hệ thống vâng vâng dạ dạ càng ngày càng hoạt động hệt như những hội kín và những lũ bảo kê. Tính chất vô danh của các mối quan hệ giữa “các đồng chí” trở thành một kiểu vận hành ở đó mỗi người đều nghi ngờ không tin vào ai khác. “Đảng” là tất cả, nhưng không là một ai hết. Sức mạnh thì kinh hoàng nhưng không sao tóm được nó.
Tình thế lúc này: lúc cần thì chẳng thấy mặt, lúc không cần lại hiện ra
Vậy bây giờ nói gì về Điều 4 đây? Một cái đảng như thế có xứng đáng được đưa vào Hiến pháp trong vai trò lãnh đạo duy nhất như nó tự cho mình cái vai trò ấy? Nếu như hôm nay Dảng Cộng sản xứng đáng với vai trò lãnh đạo ấy, nếu thực sự nó đóng vai trò đó một cách tích cực, phù hợp với quyền lợi quốc gia, nếu nó là phản ánh ý nguyện của đông đảo nhân dân, thì liệu nó có cần tựa vào cái gậy chống của cụ già là bản hiến pháp để bảo đảm cho nó sống sót về chính trị? Nếu nó còn cố bấu víu vào điều khoản tối cao ấy thì đơn giản chỉ có nghĩa là, ngược lại với mọi thực tại, nó muốn áp đặt một tính chính danh về sự lãnh đạo của Đảng mà nếu xem xét thực địa mỗi ngày đều thấy chính việc ấy đang bị đòi phải xem xét lại.
Đảng ở đâu khi các công dân cần đến sự trợ giúp của Đảng để chống lại bọn cường hào địa phương, để đòi lại công bằng xã hội, để tiến hành cuộc đấu tranh thực sự theo chiều sâu chống lại đói nghèo, chống lại sự bóc lột siêu-tư bản chủ nghĩa với người lao động, chống lại nạn hủ hóa lan tràn như bệnh dịch, chống lại tệ nạn quan liêu, chống lại bàn tay đạo diễn của Bắc Kinh trong mọi lĩnh vực đời sống của đất nước? Trong hầu hết các trường hợp vừa kể, đều chẳng khi nào thấy Đảng ta ở đâu, hoặc tệ hơn nữa, Đảng còn là tác nhân tiêu cực của những vấn đề này!
Vấn đề ngư dân cho thấy rất rõ điều này. Xin cứ đi hỏi bà con ngư dân đang gặp nguy hiểm chết người mỗi lần ra khơi ở Hoàng Sa và sắp tới là ở Trường Sa, Đảng đang ở đâu khi họ đứng trước những họng súng Trung Hoa? Đảng ở đâu khi họ bị hạ nhục, bị chửi bới, bị phá sản, bị đối xử như những con chó? Đảng ở đâu khi những người vợ góa của họ đang kêu khóc vì mất hết mọi thứ? Bị cầm tù trong tấn bi kịch ấy, những người đàn ông và đàn bà này liệu có thể chỉ trong giây lát kính trọng cái Đảng khi họ lắng nghe như nghe được một sự bội phản cái tiếng nói xa xăm của các “lãnh đạo” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] hội họp ở Hà Nội hay ở Bắc Kinh trong những gian phòng bọc chất cách âm cùng đồng thanh nhắc lại: “Không được để các thế lực phản động chia rẽ chúng ta!”?
Tôi xin nói lại điều đó hết sức rành rọt đây: Đảng Cộng sản đang ở xa, rất xa mới được coi là xứng đáng với sự dũng cảm vô danh của những ngư dân Lý Sơn, Bình Châu của Đà Nẵng và của nhiều nơi khác! Tôi muốn nói thêm rằng tính thụ động và cách giữ yên lặng đều có tính toán của Đảng Cộng sản làm kéo dài những nỗi khổ đau của ngư dân và tỏ ra coi nhẹ thậm chí xóa tội cho những vụ xâm lấn của Bắc Kinh. Kể từ khi những vụ việc đó xảy ra và kéo dài thêm, thấy thật xấu hổ! Không thể chịu đựng nổi nữa!
Không có tàu tuần tra của Hải quân, không có tàu ngư chính [tiếng Việt trong nguyên bản – ND], không có tàu hải giám [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] đi kèm với ngư dân. “Các bạn hãy tự xử lý với nhau. Hãy tự bảo vệ lẫn nhau!”, họ nói với ngư dân từ bên trong những phòng làm việc có máy lạnh. Sao không nói thêm: “Đừng lo lắng gì: nếu các bạn bị giết chết, Bộ Ngoại giao [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] của chúng ta sẽ lên tiếng phản đối!”. Mọi điều nhìn thấy trên thực địa, đó là những anh Biên phòng [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] tội nghiệp, bất lực và khổ sở đã không bảo vệ biên cương mà chỉ cầm sổ tay ghi chép, nhận những lời khai của ngư dân bị tấn công khi các anh em này trở về bến. Mỗi báo cáo mới này lại được thêm vào chồng báo cáo đưa lên Đảng và không ngừng được xếp xó…
Trong khi Đảng có trong tay toàn bộ tài liệu xâm lấn của Trung Hoa theo ngày theo tháng, những cuộc bắt bớ giam cầm ở Phú Lâm, những tàu kéo lưới vây bị chọc thủng, bị “mất tích” đã hơn hai chục năm trong vùng hoàn toàn bị Trung Hoa kiểm soát và là vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam. Với tất cả các thứ báo cáo kết án mạnh mẽ đó, với cả ngàn nhân chứng là những nạn nhân còn sống và sẵn sàng lên tiếng đó, cả trăm trang chứng cứ dài được viết một cách chi tiết đó, thì Đảng đã có phương tiện để tạo lập một bộ hồ sơ vững vàng kết án mạnh mẽ trình lên Tòa án Công lý quốc tế về những hành vi vô nhân đạo của Bắc Kinh: phá hoại tài sản, cướp vật liệu, những tội phạm hung bạo chống lại các quyền Con người …
Đảng hẳn là có thể dễ dàng tìm nguồn và được tài trợ từ các nhóm luật sư chuyên sâu thuộc nhiều dân tộc và cực kỳ có năng lực để “quốc tế hóa” và thắng các vụ án đó! Nhưng không, trong khi ngư dân của ta bị chết trôi, thì cái “Đảng ta” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] lại dùng phao bơi của Tàu để đi lại giữa Bắc Kinh và Hà Nội, chẳng sóng gió gì, thậm chí không ướt chân! Đảng cũng chẳng có dũng khí ra thoát khỏi Điều 4 và công khai xưng danh khi cấm chiếu bộ phim “Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát”, cái tác phẩm chỉ làm một việc là chưng rõ ra nỗi đau thực sự, cảnh ngộ bị bỏ rơi thực sự của người ngư dân. Ngoài việc phản đối mang tính hình thức thường lệ của Bộ Ngọai giao [tiếng Việt trong nguyên bản – ND], xin nhấn mạnh đây không phải là sự phản đối chính thức của Đảng và nhân danh Đảng, cái “Đảng ta” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] vẫn chẳng ai nhìn thấy nó đâu và miệng thì câm bặt, êm ái ngồi nơi cao ráo trong Điều 4 của họ sau khi đã dùng dây thép gai vây quanh tất cả các chủ đề “nhạy cảm” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND], tức là những chủ đề sống còn đối với đất nước! Đảng có công khai nhân danh Đảng yêu cầu Bắc Kinh phải thanh toán mọi điều? Không hề! Ngài Nguyễn Phú Trọng, rất nhanh nhảu rút kiếm như đã làm ở Vĩnh Phúc chống lại những công dân hòa hiếu khát khao tự do, ông Trọng có công khai nhân danh toàn Đảng đòi Trung Hoa đền bù các nạn nhân, đòi họ ngừng những quấy rối gây chết người của chúng? Không khi nào! Không một lời!
Nhưng đem cái Đảng “lãnh đạo” ấy dùng vào việc gì vậy ? Có đúng cái Đảng ấy đang lãnh đạo không? Nếu “có” thì nó lãnh đạo cái gì? Lãnh đạo vì quyền lợi của ai? Xin lỗi nhé, đừng có bảo là tôi đã đưa ra những câu hỏi mang tính lật đổ: những câu hỏi này đã sinh ra từ cái thực tế hàng ngày không chối cãi được, đầy âu lo, và không thể chịu đựng được nữa. Đó là những câu hỏi thuộc loại chính đáng nhất hạng! Phải đáp lại những câu hỏi ấy không bằng đe dọa hoặc bằng những lý lẽ ngụy biện mà bằng cái sự thật mà Chủ tịch nước đã dùng tâm nguyện của mình kêu gọi mọi người nói ra.
Ngược lại, nếu như Đảng luôn luôn vắng mặt trước những vấn đề sống còn đối với vận mệnh đất nước, thì Đảng luôn luôn có mặt trong cuộc trình diễn hàng ngày trên tivi áp đặt cho hàng chục triệu công dân. Đảng thường rất hay diễu binh nhân những cơ hội chính thức hoặc những hoạt động bề nổi diễn ra đúng giờ giấc một khi các hoạt động đó không gây nguy hại gì cho sự thống trị của những kẻ rất giàu đối với những người rất nghèo, những hoạt động che khuất chiều sâu và bề rộng của bối cảnh xã hội không thoải mái, những hoạt động không đụng chạm gì tới nước Tàu, không đụng chạm tới những căn nguyên của sự hủ bại, hoặc những hoạt động liên quan nhiều hơn đến từ thiện chứ không phải là liên quan đến một định hướng chính trị xã hội vững chắc và bền vững.
Đảng cũng có mặt ở đó lúc này, có mặt thật đấy, nhưng là có mặt ở những hành lang, để đàn áp những người yêu nước nổi giận vì cảnh đồng bào ngư dân bị bọn xâm lược Tàu hạ nhục và bị bỏ rơi một cách nhục nhã. Đảng có mặt khi đó ở chỗ đó để gia tăng thêm các cấm đoán. Đảng cũng vẫn có mặt ở đó, khá kín đáo nhưng rất nhiều khi lộ tẩy trong các vụ áp phe trốn thuế cá nhân hoặc cả bọn trong những đường dây của bọn mafia, tại đây những con người yếu thế vì nghèo khó bị đối xử như những hàng hóa. Đảng có mặt ở đó trong những vụ nhận bằng cấp giả mạo, theo học các trường dổm, và trong các vụ tịch thu đất đai ….
Khi ở ngoài đường phố tôi nhìn thấy trên những tấm băng-rôn, trên những tấm áp-phích khổng lồ có cái liềm và cái búa cả gan trương lên bên cạnh lá cờ đôi bên ngang tài như nhau, và tôi nghĩ tại sao cái liềm và cái búa này lại để cho Hải quân Trung Hoa và bọn cướp biển của chúng giày xéo, đốt cháy, xé tan chính cái lá cờ vẫn tung bay trên từng cột cờ tàu đánh bắt cá của chúng ta, khi tôi nhìn thấy tất cả những lá cờ Việt Nam kia vẫn bị nằm lại bến vì bị Trung Hoa ngăn cấm, tôi bỗng thấy xấu hổ cho những ai đang tiếp tục đi diễu binh như vậy nhân danh chủ nghĩa cộng sản và nhân danh tổ quốc! Làm ơn, các ngài ơi, đừng nói với tôi về Điều 4 nữa đấy!
Quân đội, nào ta cùng công khai hết mức để bàn chuyện đó!
Vâng, thưa ông Chủ tịch nước, như ông đã nói, Sự thật là một vũ khí. Và do chỗ đang bàn đến chuyện quân đội, tôi xin nói rằng Sự thật còn đáng gờm hơn những khẩu đại bác. Vâng, ta cần nêu câu hỏi và thảo luận về vai trò quốc gia của quân đội. Đó là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân. Đó là một trong những chìa khóa cơ bản của tương lai đất nước.
Những phản ứng mới đây nhất và được các phương tiện truyền thông đại chúng phối hợp hài hòa của các “giáo sư tư tưởng” muốn quân đội rút cục chỉ còn là công cụ của riêng Đảng, cho thấy rõ ràng rằng chính quyền hiện thời đang cố sống cố chết làm nhòe quyền lợi của Đảng với quyền lợi quốc gia. Vấn đề ta cần hiểu, là làm cách nào và liệu có thể đạt tới sự hòa nhập quyền lợi đó không? Làm cách gì để thu được sự ủng hộ của công chúng ngả theo điều đó?
Như một tác giả của một bài viết đăng trên trang BVN này đã phát biểu, người ta định bắt dân phải theo bằng con đường bạo lực hay bằng con đường thuyết phục? Nếu muốn bắt dân phải theo, thì thật vô ích cái việc nhai nhải độc thoại như hiện nay, “đối thoại” như thế mà cứ gọi là tranh luận và thế là xong “kinh bổn”: những ai cảm thấy thất vọng thì không nghe lời những “nhà giảng đạo” nữa và đi chỗ khác tìm thứ ánh sáng mà họ trông chờ; những ai thấy mình tức giận, muốn nổi loạn, thấy bị hạ nhục, xin hãy ra khỏi Nhà thờ và đi kháng chiến. Khi đó quân đội trong tay chính quyền trở thành một quân đội hướng họng súng vào nhân dân và Đảng trở thành Đảng của Người Ngoài. Liệu đó có phải là mục đích của các nhà lãnh đạo?
Nếu muốn thuyết phục, trước hết Đảng phải làm sáng tỏ tình hình thực sự hiện thời của quân đội. Việc đó cần làm một cách thẳng thắn, đầy đủ, khoa học, khách quan, thay cho việc đem phục vụ những công dân là người đã trưởng thành và có trách nhiệm một món súp chính trị tư tưởng vừa lổn nhổn vừa trừu tượng chỉ có mỗi một điệp khúc để lên dây cót là nguy cơ phản động từ bên ngoài (chắc chắn nước Tàu không bị coi là thuộc về cái “nước ngoài” vì nó không phản động). Tại sao không xóa tan tất cả những hồ nghi rất trầm trọng về sự chân thành, về lòng yêu nước, làm rõ cả những ẩn ý xấu muốn chuyên quyền của những người thực sự nắm quyền lực quân sự và thường rất hay lên tiếng không chỉ nhân danh quân đội mà còn nhân danh cả quốc gia nữa?
Tại sao không bật đèn xanh để có một loạt điều tra khách quan, độc lập và công khai về “con mụ Câm vĩ đại”? Những điều tra này có thể tiến hành theo từng khu vực. Sau đó các kết quả điều tra sẽ được nhóm lại, tổng hợp và đưa ra công khai. Cần phải rọi đầy đủ ánh sáng vào tình hình các nhà lãnh đạo hiện nay của cái quân đội này, về vị trí của họ trong Đảng, về các hoạt động kinh tế, và về thu nhập của những người thân của họ. Vậy là phải làm sáng tỏ hoàn toàn các hoạt động, các doanh nghiệp kinh tế, thương mại, ngân hàng nằm trong tay quân đội, về của cải tài sản của những kẻ điều hành các hoạt động đó, về phần của khu vực công và của khu vực tư, soi cho rõ những vùng nhập nhằng giữa hai khu vực đó. Cần phải xem xét những hệ thống thực sự được đặt ra để cai quản cái đạo quân to lớn đó của đất nước, cần biết rõ những ai là đối tác của chúng, nhất là những đối tác nước ngoài của chúng. Cần phải trả lời đầy đủ rõ ràng cho những công dân đang nêu câu hỏi về quỹ quốc phòng: ai quyết định mua vũ khí, trang bị, thiết bị, và quyết định các quỹ đào tạo xây dựng lực lượng? Ai thông qua các đơn đặt hàng? Ai kiểm soát? Vài trò và quyền hành thực sự của Quốc hội như thế nào trong địa hạt nhạy cảm và đắt giá nhất hạng và đụng chạm trực tiếp đến nền kinh tế và sự an ninh của toàn thể quốc gia này?
Và chỉ khi đó ta mới có một hình ảnh khách quan về thực trạng quân đội ở Việt Nam và về bản chất thực sự của quân đội ấy. Nó là quân đội của những quyền lợi riêng tư? Của nhân dân? Quân đội của quốc gia hay của vài nhóm lợi ích? Chỉ khi đó ta mới có thể nói rằng liệu quân đội có đủ năng lực bảo vệ đất nước hay không.
Tôi đang nghe thấy tiếng những người thuộc phe mượn gió bẻ măng: “Không thể làm được! Quá phức tạp! Bí mật quốc phòng!… ”. Tôi cũng đang nghe thấy những tiếng nói khác nữa: “Rõ ngây thơ! Đời nào những kẻ lợi dụng tình hình nhộn nhạo này lại cho những thông tin lộ liễu làm cản trở những đặc quyền đặc lợi của chúng và để dùng để cưa cái cành cây chúng đang ngồi yên vị?”. Tôi xin trả lời cả hai phe rằng những đặc quyền đặc lợi, ngay cả những thứ tỏ ra yên vị nhất, thì cũng không bao giờ vĩnh viễn trường tồn, và sớm muộn gì thì cái cành cây vững chãi nhất rồi cũng mục ruỗng và gẫy thôi. Khi đó, các bạn thấy cả đó, càng ngồi cành cao càng rơi đau.
Vâng, những công trình nghiên cứu mang đầy đủ thông tin rút ra từ những điều tra khách quan và độc lập đều có thể tiến hành và cần thiết phải tiến hành. Rất có thể các điều tra đó cũng đang được tiến hành mà chưa công bố đó thôi.
Những công trình điều tra đó có thể tiến hành được nếu những người thực hiện được bảo vệ. Nếu việc bảo vệ đó bị ngăn cấm, nếu những nhà điều tra bị đe dọa, bị tiến công và tiêu diệt, thi một cách tự động chính quyền tự khai rằng mình có liên quan đến những vụ việc không thể cung khai, và chính vì thế chính quyền đó tự làm mất giá trước công chúng một cách công khai và vĩnh viễn. Các cuộc điều tra này có thể thực hiện được và chúng có thể được tiến hành mà không làm tiết lộ chiến lược quân sự, và sẽ chỉ lo đến sức khỏe của hệ thống mà thôi, bằng cách chỉ tìm thông tin về sự vận hành cụ thể của tổ chức và về cung cách tài trợ mà thôi.
Những công trình nghiên cứu này là cần thiết đơn giản chỉ vì, như chúng tôi đã nói, cái câu hỏi đặt ra một cách trầm trọng về quân đội liên quan trực tiếp và chính đáng tới nhiều triệu công dân đang thiếu những câu trả lời sáng tỏ và đủ độ tin cậy mà họ có quyền đòi hỏi phải được trả lời. Bất kể thế nào, sớm hay muộn, dù có đèn xanh Đảng cho bật lên hay không, thì những bản điều tra như vậy thế nào rồi cũng đến được mạng internet và sẽ là món ăn cho những xì xào trong nhân dân trong nước cũng như quốc tế và ngày càng tăng cường độ.
Điều 88:
Cứ theo như Điều 88 này trong bộ Luật hình sự liên quan đến tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mà tôi đã được đọc kỹ, thì hầu hết những gì tôi vừa viết, tùy theo cách diễn giải mà người ta thích đối với những điều viết ra đó, đều có thể đãn thẳng tôi vào miền ẩm thấp tối tăm của nhà biệt giam của “thế giới tự do” mà tôi đã nếm cách đây bốn mươi năm. Có thể có khả năng đó, tôi không loại trừ điều này, nhất hạng là vì sau khi đã tới thăm gian biệt giam đó vào năm 2002, tôi biết rõ là buồng biệt giam đó vẫn còn nguyên trong thế giới “đã được giải phóng” của chúng ta. Nếu chuyện xảy ra với tôi lần nữa, có thể đó là một biểu tượng của điều có người gọi bằng “bánh xe Lịch sử”… Hoặc giả, những điều tôi viết đây có thể khiến tôi bị cấm đặt chân vào đất nước Việt Nam của mình. Biết đâu đấy? Sự thật có giá của nó mà ta phải trả mới có, nhưng những vết sẹo do Sự thật để lại cũng còn là những tấm huy chương đẹp nhất hạng.
Hôm nay đây, những bài viết có lập luận tử tế và được viết hết sức cẩn trọng trên mạng internet với sự tôn trọng con người, không kêu gọi bạo lực cũng chẳng kêu gọi hằn thù, nhưng nếu trái ngược hoặc có tính kết tội; những phát tán trên một trang blog những thông tin chẳng liên can gì đến bí mật Nhà nước nhưng các phương tiện truyền thông Nhà nước có lệnh phải bịt miệng; những bài thơ, bài ca, những tiểu phẩm phê phán hoặc hoạt kê, việc mặc áo T-shirt để ủng hộ luật biển quốc tế: tất cả những điều này đều có thể dẫn tới một giấy mời “làm việc” trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày tại những cơ quan công an các kiểu. Trong trường hợp tồi tệ nhất, điều đó có thể dẫn tới quyền nghỉ ngơi miễn phí từ vài tháng đến vài năm tại một “Trung tâm phục hồi nhân phẩm” mang một cái tên được chọn thật đẹp…
Không ! Đừng có nhắc nữa đến cái Điều 88 đó và hãy ném trả nó ngay tắp lự về thời Trung Cổ xa xưa nơi Điều 88 đó có phần của nó.
Một điều nghĩ về Zola và một điều nữa nghĩ về Lénine
Để kết án sự bất công, kết án cái mờ mờ đục đục của quyền cai trị độc đoán và kết án lối bôi nhọ của quyền lực chính trị Pháp nói chung và quyền lực quân sự nói riêng, nhà văn rất nhiều người đọc Emile Zola đã tạo ra một tác phẩm hoạt kê vĩ đại mang tựa đề “Tôi kết tội” (J’accuse). Tác phẩm hoạt kê này sau khi đưa tác giả của nó đến thân phận lưu đày, đã làm rung chuyển những đường lối quan tâm đến Sự thật. Chắc chắn là tôi không dám so sánh chút gì hết giữa mình với con người nổi tiếng kia, với nhà văn hoành tráng kia về đề tài ông chọn viết. Tôi chỉ đơn giản muốn nói như một thông điệp gửi tới những kẻ định ngăn cấm bài viết này, rằng việc nuôi dưỡng Sự thật thì không có biên giới và không có thời đại riêng nào hết, vì Sự thật thường xuyên là nhu cầu cao quý của sự tiến bộ. Ý tôi muốn nói rằng đối với tôi Sự thật là hành động. Đó là một cuộc đấu tranh, một lời kết tội, một sự kháng cự và một cuộc nổi loạn thường trực chống lại những kẻ cản trở sự tiến bộ đó.
Mong sao cho cái “Đảng ta” của nước Việt Nam hôm nay hãy lường cho kỹ những gì Vladimir Illitch Oulianov Lénine nói: “Chỉ có Sự thật là có tính cách mạng thôi”. Mong sao Đảng hãy chấp nhận lắng nghe những Sự thật của đại đa số công dân Việt Nam, và một cách khiêm nhường, hãy cùng hợp tác với họ, vì họ, trong niềm tôn kính những khác biệt, để đi tới cuộc cách mạng thực sự cho một xã hội chỉ đòi hỏi được nảy nở trong độc lập và dân chủ, một xã hội có đủ các phương tiện và năng lượng tiến hành công cuộc đó.
Tôi sẽ không kết luận như Zola trong tác phẩm hoạt kê của ông bằng công thức này: “Tôi đợi chờ” bởi vì công thức đó có thể được diễn giải như là tính thụ động. Về phần mình, tôi sẽ không coi nhẹ hành động của ngày hôm nay trong bất kỳ phòng chờ nào để đợi ngày mai một bác sĩ thần kỳ sẽ tới. Mỗi ngày tôi sẽ có một đóng góp khiêm nhường nhưng cụ thể bao giờ cũng chỉ vì nước Việt Nam và vì nhân dân Việt Nam tuyệt vời.
André Menras Hồ Cương Quyết
(Bauxite Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét