Pages

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Kinh tế Việt đang trong giai đoạn “10 năm mất mát”


Hội nghị mang tên “Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2013” quy tụ một số chuyên viên trong và ngoài nước diễn ra tại thành phố Nha Trang hai ngày 5 và 6 tháng 4 đã phác họa một bức tranh bi thảm về tình hình kinh tế Việt Nam.

Vấn đề chính được nhấn mạnh tại hội nghị này là Việt Nam đang đi vào một “thập niên mất mát,” y hệt như đất nước Nhật hồi đầu thập niên 1980.

Tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản khởi đầu giai đoạn “10 năm mất mát” của Việt Nam? (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Phúc trình của ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược – phát triển thuộc Bộ Kế hoạch – đầu tư Việt Nam cho rằng “thập niên mất mát” đang diễn ra ở Việt Nam, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng địa ốc. Theo ông, tình trạng “nhà hoang, lầu vắng” diễn ra tại Việt Nam mấy năm qua rất đáng lo ngại. Hậu quả của tình trạng này, theo ông Thắng, hết sức lớn lao và nguy ngập, vì khiến hàng chục ngàn công ty sụp đổ, để lại gánh nặng lỗ lã cho nền kinh tế.

Mặt khác, phúc trình của ông Bùi Tất Thắng cũng cho thấy, phần lớn khoản tín dụng không đòi được của ngân hàng hiện nay là khoản cho các công ty kinh doanh địa ốc vay. Toàn bộ ngân khoản đó đã được tung ra thị trường nhà đất để nay trở thành “hoang hóa.”

Báo Thanh Niên dẫn phúc trình của Viện Kinh tế - Xây dựng cho biết, tổng số tiền mà ngân hàng cho các nhà kinh doanh bất động sản vay trong năm 2011 lên tới 348,000 tỉ đồng, tương đương $17.4 tỉ. Đây là con số thật, và nhiều gấp hai lần con số được các ngân hàng thương mại ở Việt Nam công bố.

Phúc trình của Viện Kinh tế Việt Nam còn tiết lộ tin nói rằng, Ngân hàng Đầu tư BIDV dẫn đầu về số nợ cho ngành xây dựng vay. Kế tiếp là Ngân hàng Công thương, rồi đến ACB, Sabombank, Phương Nam, Phương Tây, Đông Á... Người ta còn e rằng một nửa khoản $17.4 tỉ của các ngân hàng thương mại đã cho vay sẽ không thu hồi được. Điều đáng sợ mà người dân Việt Nam sắp phải đối diện là sự đổ vỡ của thị trường bất động sản kéo theo khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế và sau đó là sự bất ổn toàn xã hội.

Báo VNEconomy còn dẫn lời ông Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng Việt Nam chỉ trích chính sách bơm tiền thêm vào thị trường địa ốc của nhà nước Việt Nam. Theo ông, số tiền được bơm vào thị trường này lại sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều bong bong bất động sản khác, chứ không có hy vọng đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng. Như vậy, số nợ khó đòi tiếp tục tăng vọt không có điểm dừng.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: