Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

QUYỀN ĐƯỢC VIẾT CỦA DÂN CHÚNG: SỰ MINH BẠCH TRONG CÁC TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN


Icon_Symbols_Hoi Doan_HRW
Rodney A. Smolla* / Trích từ CVHP
“Quyền lực để bưng bít các sự kiện của một chính quyền cũng chính là thế lực triệt tiêu chính quyền đó”
(Hạ viện Hoa Kỳ,Báo cáo của Tiểu ban Tự do thông tin, 1976)
Cụm từ “quyền được biết của dân chúng” thường được nhắc tới như một khẩu hiệu chính trị và luật pháp. Những từ đó thường liên hệ tới việc báo chí yêu cầu chính quyền cung cấp thông tin và thường được các nhà báo đưa ra để biện minh cho việc phổ biến các tài liệu gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên “quyền được biết của dân chúng” còn có một ý nghĩa khác, tách biệt khỏi quan niệm về quyền tự do báo chí. Ý nghĩa đó được đặt trên căn bản của dân chúng và ngả về phía quyền của dân chúng được biết về các hoạt động của chính quyền của họ. Chính biến thể này của cụm từ “quyền được biết của dân chúng” – tập trung vào điều mà ngày nay được gọi là sự minh bạch trong chính quyền – là đề tài thảo luận trong bài này.

Công cuộc công khai hóa chính quyền, làm cho chính quyền thêm minh bạch, là một tiến trình khó khăn và phức tạp, thường đòi hỏi một sự cân bằng khéo léo giữa các quyền lợi tương phản. Chính quyền công khai có lợi điểm là làm cho việc phân định trách nhiệm rõ hơn và sự tham gia dân chủ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chính quyền công khai đôi khi cũng tốn kém hơn, có thể khiến cho phải hy sinh một số mối quan tâm chính đáng, đó là chính quyền nên làm việc ngay thẳng hay làm việc có hiệu năng. Nó cũng có thể làm phương hại tới các giá trị xã hội được mọi người trân trọng như quyền riêng tư của cá nhân, an ninh quốc gia và công việc thi hành luật pháp. Đa số các chính quyền dân chủ là những chính quyền công khai và minh bạch. Tuy nhiên, ngay cả những chính quyền công khai và minh bạch nhất cũng cần phải có một phần nào bí mật và kín đáo thì mới hoạt động hữu hiệu được.
Trong nỗ lực đáp ứng cả ba yêu cầu tương phản này, Hoa Kỳ đã tập trung vào ba vấn đề: (1) Tiếp cận với các hồ sơ và văn bản công, trong đó “công việc của dân” được lưu lại một cách xác thực; (2) Tiếp cận các tài liệu về những cuộc thảo luận trong cơ quan chính quyền, như các phiên họp, các diễn đàn trong đó các vấn đề của dân chúng được thảo luận và giải quyết; và (3) Tiếp cận với các cơ sở chính quyền phụ trách về các hoạt động thường xuyên không đòi hỏi phải có sự cân nhắc như các trại giam, các bệnh viện và trường học của chính quyền.
Quyền thông tin: Tiếp cận với các văn bản và hồ sơ
Tại Mỹ, kinh nghiệm về quyền thông tin, bao gồm quyền pháp lý được tiếp cận với các hồ sơ và văn bản của chính quyền, là một hiện tượng tương đối mới, chỉ  thực sự bắt đầu từ những năm 1960. Năm 1967, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật liên bang “Luật về quyền thông tin” (thường gọi tắt là FOIA – Freedom of Information Act) để đáp ứng mối quan tâm ngày càng gia tăng là các luật liên bang trước đó thường được đưa ra để biện minh cho việc chính quyền không cho phổ biến thông tin, chứ không phải là do một một nỗ lực khai mào cho việc bắt buộc (chính quyền) tiết lộ thông tin. FOIA quy định một cách tổng quát là dân chúng có quyền biết và thẩm tra các thông tin của chính quyền. Đây là một quyền đương nhiên theo pháp luật. Các tòa án vẫn nhấn mạnh là theo FOIA, các cơ quan liên bang phải nhanh chóng và tận tâm đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin của dân chúng.
FOIA đưa ra chín trường hợp không bắt buộc phải tiết lộ thông tin. Các trường hợp ngoại lệ này và cũng là những ngoại lệ duy nhất do luật định, rõ ràng nhằm đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể để quyết định tài liệu nào có thể được giữ kín và tài liệu nào phải tiết lộ. Khi một cơ quan từ chối tiết lộ thông tin dựa trên các ngoại lệ đó thì người dân có quyền khiếu nại và được toà án nhanh chóng giải quyết. Nếu tòa án thấy lý do ngoại lệ do cơ quan đưa ra không đúng thì sẽ ra lệnh cho cơ quan đó phải tiết lộ tài liệu  và có thể phạt tiền cơ quan đó nữa.
Đạo luật FOIA được nhận thức một cách rộng rãi. Luật nhằm mục tiêu giúp dân chúng có thể tiếp cận được các thông tin từ trước đến nay vẫn được giữ kín một cách không cần thiết và tạo ra quyền của dân chúng – theo luật pháp – được có những thông tin mà các viên chức chính quyền không muốn phổ biến. Chín ngoại lệ do luật quy định nhằm đưa ra một công thức thực tiễn vừa bao quát vừa cân bằng để bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi chủ thể có liên quan trong khi vừa nhấn mạnh trách nhiệm phải tiết lộ tất cả mọi thông tin (cần được tiết lộ theo luật). Các ngoại lệ đó là:
(1)      Bí mật quốc gia liên quan tới quốc phòng và chính sách đối ngoại;
(2)      Tài liệu chỉ liên quan tới các quy định nội bộ về nhân viên và cách điều hành của cơ quan;
(3)      Tài liệu cho phép không phổ biến được quy định rõ rệt trong các luật liên bang khác;
(4)      Các bí mật về ngành nghề và thông tin về thương mại và tài chính có tính chất đặc quyền hay kín;
(5)      Các bản ghi nhớ hay văn thư giữa các cơ quan hay trong nội bộ cơ quan mà theo luật không được tiết lộ cho bất cứ đối tượng nào ngoại trừ đối tượng đang có tranh tụng với cơ quan;
(6)      Các hồ sơ nhân viên, y tế hay các hồ sơ tương tự mà nếu phổ biến thì rõ ràng là một sự xâm phạm không cần thiết vào quyền riêng tư của cá nhân;
(7)      Các hồ sơ hay thông tin được thu thập để thi hành luật pháp, nhưng chỉ trong các trường hợp mà việc tiết lộ những tài liệu đó có thể sẽ cản trở việc thi hành luật pháp, khiến cho một cá nhân mất quyền được xét xử công bằng hay được phân xử một cách không thiên vị, có thể vi phạm quyền riêng tư một cách không cần thiết, hay có thể tiết lộ một nguồn tin bí mật. Trong trường hợp thông tin do các cơ quan thi hành luật pháp thu thập trong khi điều tra tội phạm hay do các cơ quan tiến hành công việc điều tra tình báo có tính chất quốc gia, FOIA cho miễn công khai hóa các thông tin cung cấp bởi một nguồn tin mật nếu việc công khai hóa như vậy tiết lộ những kỹ thuật và thể thức điều tra hay truy tố trong việc thi hành pháp luật mà có thể giúp cho [các đối tượng liên quan] tránh né pháp luật, hay có thể nguy hiểm tới tính mạng hay thân thể của bất cứ cá nhân nào;
(8)      Những tài liệu liên quan tới việc xem xét hay điều chỉnh hoạt động của các ngân hàng hay định chế tài chánh; hoặc
(9)      Những tài liệu về địa chất và vật lý địa chất, bao gồm các số liệu, bản đồ liên hệ tới các giếng dầu khí.
Một số ngoại lệ kể trên đòi hỏi sự dung hoà các mối quan tâm giữa các chính sách có tính chất trái ngược nhau. Một số ngoại lệ khác liên quan tới các vấn đề tương đối hẹp và cụ thể như các ngoại lệ về vị trí của giếng dầu khí hay các quy định về ngân hàng. Ba lĩnh vực chính sách quan trọng gây nhiều tranh luận và kiện cáo nhất trong việc thi hành FOIA là các ngoại lệ liên quan tới vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia, vấn đề thi hành luật và vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân.
Sự giằng co giữa các giá trị cần có một chính quyền công khai và giữa các giá trị bảo vệ quyền riêng tư là rất gay gắt. Nhất là trong hiện tại, từ khi có cơ sở dữ liệu điện tử hầu như không có một người nào trong xã hội đương thời có thể hoàn toàn giữ kín nhiều sự kiện riêng về mình. Có nhiều sự kiện của cá nhân lọt vào tay các cơ quan chính quyền một cách rất hợp pháp và được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu do chính quyền kiểm soát. Do đó, nếu muốn cho sự bảo vệ quyền riêng tư có ý nghĩa, ta phải thừa nhận rằng thời nay không thể nào có sự bảo mật tuyệt đối. Tuy nhiên, các luật phải khiến cho việc tiết lộ các chi tiết riêng tư hết sức chọn lọc, có như vậy thì pháp luật ít ra cũng bảo vệ được một phần nào quyền riêng tư cá nhân.
Để bổ sung cho FOIA của liên bang, các tiểu bang cũng có luật về quyền tự do thông tin. Tất cả các tiểu bang ở Mỹ đều có luật của tiểu bang để cho dân chúng tiếp cận với hồ sơ của chính quyền địa phương cũng như của tiểu bang. Các luật đó cũng khác nhau theo từng tiểu bang. Nhiều đạo luật theo sát FOIA của liên bang, đưa ra những điều bắt buộc phải cho tiếp cận với các tài liệu của chính quyền, rồi sau đó liệt kê những trường hợp ngoại lệ.
Chi phí thực thi luật tự do thông tin từ cấp liên bang đến cấp địa phương từ lâu cũng là một vấn đề gây tranh luận rất gay gắt trong công chúng. Một số chi phí trực tiếp của các yêu cầu theo FOIA thường do người yêu cầu chịu, chẳng hạn như phí tổn tìm kiếm, làm bản sao thường được liệt kê trong các bản giá phí của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, phần lớn phí tổn gián tiếp của luật FOIA – tức là phí tổn để giữ cho hệ thống công khai – thì do cơ quan nhà nước đương nhiên gánh chịu như một phần chi phí hành chính. Tự do thông tin hiển nhiên là gây tốn kém thêm cho chính quyền vì phải có nhân viên để sắp xếp, tổ chức, lưu giữ và lấy tài liệu ra. Do đó, phải có một bộ phận hành chính để giúp cho cơ quan nhà nước đáp ứng những yêu cầu về cung cấp thông tin theo luật FOIA.
Người dân Mỹ đã hiểu được rằng thực thi giá trị của tự do thông tin bằng cách chính thức ra luật là một chuyện nhưng tạo ra một nề nếp làm việc mới trong chính quyền – để cho nhân viên thuận theo tinh thần về một chính quyền cởi mở, sẵn sàng vui lòng giúp dân chúng tiếp cận với các hồ sơ trong công sở, thay vì gây khó khăn và phá tinh thần công khai – lại là một chuyện khác. Mấy năm sau khi đạo luật FOIA được ban hành, nhiều cơ quan coi đạo luật này là một điều khó chịu cần phải tránh né hay làm khó dễ càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, thái độ đó cũng dần dần thay đổi và những thế hệ viên chức mới hơn có vẻ cởi mở và sẵn sàng đón nhận ý niệm giúp dân chúng dễ dàng và thỏa mái tiếp cận với các tài liệu của chính quyền.
Ở một mức độ nào đó, sự thay đổi tư duy kể trên là nhờ những kỹ thuật điện toán mới trong những năm 1990. Hoàn toàn không liên hệ gì tới vấn đề tiếp cận với tài liệu của chính quyền, mạng internet đã tạo ra một “nền văn hóa thông tin” trong đó mọi người đều quen với việc có được rất nhiều loại thông tin một cách dễ dàng nhanh chóng chỉ bằng cách dùng máy điện toán tìm trong các cơ sở dữ liệu. Tất cả một thế hệ mới trên thế giới đều bắt đầu coi việc tiếp cận thông tin dễ dàng như là một quyền tự nhiên, chẳng hạn như quyền hít thở không khí. Trong các nước dân chủ, người ta có khuynh hướng nới rộng quyền này bao gồm (cả quyền tiếp cận) thông tin của chính quyền. Càng ngày người ta càng coi việc cung cấp thông tin trên mạng là một nghĩa vụ cơ bản của một chính quyền dân chủ. Thành ra dân chúng không những chỉ muốn có tự do thông tin mà họ còn muốn tự do thông tin trên mạng. Quan điểm ngày càng phổ biến đó đã được thể hiện trong đạo luật liên bang về Tự do Thông tin Điện tử năm 1996. Đạo luật này quy định rõ là “hồ sơ công” bao gồm cả những hồ sơ dưới dạng điện tử và đòi hỏi các cơ quan chính quyền liên bang phải cho người dân tiếp cận với các hồ sơ đó.
Mạng lưới điện toán càng ngày càng phát triển và càng ngày càng gắn liền với văn hóa quần chúng. Hầu như tất cả các tổ chức lẫn cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực tư đều có trang mạng với rất nhiều thông tin và còn có khả năng tương tác (với người dùng). Do đó, chính quyền càng chịu thêm áp lực phải tham gia cạnh tranh trên thị trường điện tử khiến cho dân chúng dễ tiếp xúc qua mạng. Các cơ quan chính quyền từ cấp liên bang đến địa phương càng ngày càng tải thêm tài liệu lên mạng, cung cấp những hồ sơ chính quyền một cách dễ dàng hơn cho bất cứ ai có máy điện toán và môđen. Hiện tượng này rốt cuộc có thể giải quyết một vấn đề gây nhiều quan tâm đó là phí tổn về cung cấp thông tin do các luật về tự do thông tin đưa ra. Vì các dữ liệu do chính quyền lưu giữ thường là dưới dạng điện tử nên các cơ quan có thể thấy việc công khai hóa các tài liệu tương đối dễ hơn bằng cách dùng các phần mềm để giúp cho người dân tự tìm và lấy tài liệu qua mạng.
Tiếp cận với diễn trình nghị luận chính sách của chính quyền
Công khai và minh bạch trong chính quyền không chỉ được áp dụng với những hồ sơ tài liệu của chính quyền mà còn áp dụng cho cả tiến trình nghị luận và quyết định chính sách nữa. Tại Mỹ đã có một truyền thống mạnh mẽ, một phần truyền thống này cũng được bảo vệ ngay trong Hiến pháp, bảo đảm quyền của dân chúng được tiếp cận với biên bản của toà án và các cơ quan lập pháp. Gần đây, truyền thống đó được củng cố bằng các đạo luật liên bang và tiểu bang, thường được gọi là luật “thanh thiên bạch nhật” (sunshine laws), trong đó bảo đảm cho dân chúng có thể tiếp cận với các buổi họp của ban lãnh đạo các cơ quan nhà nước.
Trong vụ Richmond NewspapersInc. kiện Virginia năm 1980, Toà Tối cao Hoa Kỳ đã phán rằng việc bảo đảm tự do ngôn luận theo khoản Tu chính Thứ nhất của Hiến pháp Mỹ bao gồm cả quyền của dân chúng được tiếp cận với các vụ xét xử hình sự. Điều chủ chốt trong quyền này là công nhận vai trò then chốt của việc dân chúng tiếp cận với các biên bản các vụ xử hình sự trong sinh hoạt dân chủ của một xã hội. Như Toà Tối cao đã giải thích qua lời phát biểu cho ý kiến đa số của Chánh thẩm Burger: “Lịch sử thời kỳ đầu của các buổi xét xử công khai (trong thời thuộc địa tại Mỹ) phản ánh một phần nào nhận định – ngay cả vào thời đại xa xưa khi chưa có các nhà khoa học về cách cư xử của con người – rằng các vụ xử công khai có một giá trị giáo dục đáng kể đối với cộng đồng. Dù chưa có các nhà chuyên môn để phát biểu lên những điều đó nhưng qua kinh nghiệm và quan sát dân chúng cũng có thể thấy rằng nói chung, và đặc biệt trong việc thi hành hình luật, các phương tiện dùng để thực hiện công lý phải được dân chúng công nhận cả về diễn trình lẫn kết quả”. Quyền tham dự các phiên xử hình sự cũng đã được nhiều toà án ở Mỹ nới rộng đến việc tham dự các phiên xử dân sự. Thực vậy, có những lý do rất mạnh và rất thuyết phục, dựa trên cơ sở lịch sử và chức năng, để biện minh cho quyền được tiếp cận với các vụ xử dân sự. Như thẩm phán Oliver Wendell Holmes trong thế kỷ XIX đã từng nhận xét, tiếp cận với tiến trình pháp lý “có tầm quan trọng rất lớn” vì “công khai hóa khiến cho việc thi hành luật pháp an toàn hơn… Các vụ xử dân sự nên được tiến hành với sự tham dự của dân chúng không phải vì việc tranh chấp giữa hai cá nhân là một mối quan tâm của dân chúng mà là vì các vụ xử đó là những dịp quan trọng nhất mà những người thi hành luật pháp phải luôn luôn hành động với một tinh thần trách nhiệm trước công chúng, và mỗi công dân phải được chứng kiến và cảm thấy hài lòng là nhiệm vụ công đó đã được hoàn thành (đúng quy cách)”.
Trong thời đại vô tuyến truyền hình hiện nay, quyền của dân chúng được tham dự các buổi xét xử đã được gia tăng qua cách thức càng ngày càng phổ biến là cho phép các phiên xử được trực tiếp truyền hình. Hiện nay, các toà án tại Mỹ chưa công nhận quyền theo hiến pháp cho phép mang máy thâu hình vào phòng xử, nhưng có nhiều toà, theo quy định của tiểu bang hay của chính quyền địa phương, đã thường cho thu hình và phát các phiên xử. Thực vậy, có một đài truyền hình cáp tại Mỹ, gọi là Court TV (truyền hình Toà án), có chương trình thường xuyên truyền hình các phiên xử thực tế kéo dài hàng tiếng đồng hồ suốt ngày này sang ngày khác. Hiện nay, tại Mỹ, quyền tiếp cận thông tin như thế này thường được cho phép ở các toà tiểu bang hơn là tòa liên bang.
Toà Tối cao Mỹ không cho phép thu hình hay trực tiếp truyền thanh trong phòng xử. Những năm gần đây, Tòa đã cho ghi âm các phiên xử và phổ biến những băng ghi âm đó qua cơ quan Văn khố Quốc gia (The National Archives) vào đầu nhiệm kỳ mới của Tòa. Trong cuộc phân xử vụ tranh chấp gay go (về đếm phiếu) của cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 để đáp ứng sự nóng lòng quan tâm của quần chúng, Tòa đã thi hành truyền thống này một cách cấp tốc bằng cách cho cơ quan truyền thông phổ biến băng ghi âm của toàn bộ phiên xử ngay sau khi kết thúc. Do đó, chỉ mấy phút sau khi xử, dân Mỹ đã đượcc nghe tất cả diễn biến phiên xử dài 90 phút.
Trong các phiên toà cho phép thu hình và thu thanh, các thẩm phán thường được quyền rộng rãi ấn định các lề lối làm việc để cho việc thu thanh, thu hình không làm trở ngại phiên xử và để bảo đảm là việc truyền thanh truyền hình không làm tổn hại tới tính chất công bằng của việc xét xử.
Tại các viện lập pháp Mỹ có truyền thống lâu đời là các cuộc thảo luận đều công khai. Truyền thống này không được bảo đảm trong hiến pháp mà do các viện lập pháp tùy nghi quyết định. Tuy nhiên, vì truyền thống này rất mạnh nên phần lớn các biên bản của Quốc hội Mỹ và viện lập pháp của tiểu bang đều được công khai. Gần đây, các phiên họp của các viện lập pháp tiểu bang thường được truyền hình trực tiếp. Tại Mỹ, mạng lưới C-Span thường truyền hình các cuộc họp của Quốc hội Mỹ, các phiên họp ở viện lập pháp tiểu bang thì được truyền hình ít hơn.
Để đáp ứng quan điểm cho rằng các buổi họp của các cơ quan liên bang, tiểu bang và địa phương thường quan trọng đối với việc điều hành các việc công hơn là các cuộc thảo luận tại các viện lập pháp tiểu bang, chính quyền liên bang và nhiều chính quyền tiểu bang đã thông qua các đạo luật công khai hóa các phiên họp đó, được gọi là “luật thanh thiên bạch nhật” (sunshine laws). Đạo luật công khai hóa các phiên họp của chính quyền liên bang, gọi là “Luật chính quyền Thanh thiên Bạch nhật” được Quốc hội thông qua năm 1976. Luật bắt buộc các cuộc họp của chính quyền phải cho công chúng tham dự. Luật định nghĩa “một cuộc họp” là khi có đủ túc số để làm việc – nghĩa là có sự bàn luận của một số tối thiểu các viên chức cần có để thay mặt cho cơ quan tiến hành hoạt động chính thức. Bằng ngôn từ nghiêm khắc và bao quát, luật quy định rằng các viên chức không được “cùng nhau tiến hành hay giải quyết công việc cơ quan” trừ phi tại các buổi họp công khai như vậy. Luật còn nói thêm là “tất cả mọi chủ thể trong cuộc họp của một cơ quan đều phải chịu sự xem xét của dân chúng”.
Như đã biết, theo dõi các ngoại lệ của FOIA người ta thấy những ngoại lệ ấy phần lớn áp dụng cho các buổi họp, các biên bản luật pháp liên hệ tới quốc phòng hay ngoại giao, các quy định nội bộ của cơ quan, các bí mật nghề nghiệp, các cuộc điều tra để thi hành luật pháp, các quy định của các định chế tài chánh, quyền riêng tư cá nhân và những điều tiết lộ mà trong đó một người sẽ bị kết tội hình sự hay bị chính thức khiển trách.
Tiêu chuẩn để xem có áp dụng “luật thanh thiên bạch nhật” hay không là quan niệm thế nào là một “cuộc họp”. Trong vấn đề này, luật phân biệt giữa một cuộc thảo luận có hiện diện đủ túc số trong nội bộ cơ quan trong đó có các quyết định ảnh hưởng tới dân chúng và các cuộc thảo luận sơ bộ không chính thức là những công việc tự nhiên cần có trong việc quản trị. Khi thảo định nghĩa một “cuộc họp” trong luật “thanh thiên bạch nhật”, Quốc hội cũng nhận thấy rằng công tác hành chính không thể nào tiến hành hoàn toàn công khai trưóc mắt mọi người. Các cuộc thảo luận không chính thức về bối cảnh nhằm làm sáng tỏ vấn đề trước khi thảo luận và để trình bày các quan điểm khác nhau là những hoạt động cần thiết cho một cơ quan chính quyền. Kiềm hãm các cuộc thảo luận đó sẽ khiến cho các viên chức không dám nói hết điều họ suy nghĩ và sẽ gây trở ngại cho việc làm của các cơ quan công quyền mà cũng chẳng mang lại lợi ích cho công chúng. Do đó, luật đã dung hoà và chỉ áp dụng cho các cuộc họp trong đó có túc số tối thiểu của nhân viên thực sự tiến hành hoặc xử lý các công việc của cơ quan.
Trong vấn đề này, một lần nữa ta lại thấy bức tranh pháp lý đã được phổ biến rộng rãi hơn nhờ truyền hình. Khắp nước Mỹ, các hệ thống truyền hình địa phương đều dành ra một hai kênh chỉ để truyền hình các cuộc họp của cơ quan chính quyền như các buổi họp của hội đồng thành phố hay của quận hạt (county), các hội đồng giáo dục hay ủy ban quy hoạch khu vực đô thị.
Quyền tiếp cận cơ sở chính quyền
Trong một xã hội tự do, người dân, bao gồm cả nhân viên của giới truyền thông có quyền theo luật định được tiếp cận những nơi công cộng thuộc quyền quản lý của chính quyền như nhà giam hay trường học đến mức độ nào?
Một câu trả lời cho vấn đề quyền của dân chúng được tiếp cận các cơ sở chính quyền là dân chúng không có quyền đó vì xét đến cùng, những nơi đó là tài sản của chính quyền nên chính quyền có quyền cho hoặc không cho ai vào. Tuy nhiên, quan điểm này đã bị bác bỏ trong luật Hoa Kỳ. Thay vào đó, người ta đã áp dụng một loạt nguyên tắc trong khoản Tu chính Thứ nhất được liệt kê dưới tiêu đề “luật về các nơi công cộng”. Các chỗ công cộng như công viên, quảng trường, đường phố và vỉa hè – thường được coi là “những nơi cộng cộng theo truyền thống”, tức là các vùng của chính quyền đã được dân chúng “ủy thác” – là những nơi dân chúng còn giữ quyền tụ họp để trình bày hay biểu tình một cách hòa bình. Nhưng ngoài những nơi như công viên và quảng trường, toà án ở Mỹ cũng nhận định là có một số cơ sở công khác như thính đường công, phòng họp hay chính sảnh (atriums) của các công thự lớn cũng có thể trở thành “những nơi công cộng”, trong đó ai cũng có thể có quyền phát biểu hay nghe những điều đã được công khai.
Tuy nhiên, có nhiều cơ sở chính quyền không phải là nơi “tự do lui tới” để trình bày mà là những nơi ở đó chính quyền tiến hành những công việc thường ngày. Đây không phải là những nơi diễn ra các hoạt động có tính chất cứu xét hoặc quyết định mà đã đề cập tới khi nói về vấn đề tiếp cận với các thể thức xét đoán trong chính quyền như tại các tòa án hay các buổi họp của cơ quan mà là những nơi tiến hành các hoạt động không có tính chất xét đoán của chính quyền như những công việc làm tại bệnh viện, nhà trường hay trại giam. Theo truyền thống, các cơ sở này không được coi là “nơi công cộng”. Từ trước đến nay, người dân không có quyền pháp lý nào để vào các cơ sở đó mà chỉ những người có công việc mới được vào. Chẳng hạn, trường học chỉ cho các học sinh, giáo viên, nhân viên hành chính và phụ huynh được vào. Bệnh viện không cho ai khác vào ngoài bệnh nhân, nhân viên y tế và những người thực sự là khách đến thăm. Trại giam chỉ cho tù nhân, nhân viên trại giam và luật sư vào.
Tuy nhiên, đối với các cơ sở này và nhiều cơ sở khác nữa, dân chúng, kể cả giới truyền thông, có thể sẽ muốn vào để quan sát và nhận xét về diễn tiến sự việc. Công chúng hoặc giới truyền thông có thể muốn tìm hiểu những thông tin về sự ngược đãi, tham nhũng, điều kiện sinh hoạt tồi tệ hay những điều khác được coi là không đúng quy cách trong các cơ sở đó. Vì các cơ sở đó dùng công quỹ nên có quan điểm cho rằng công chúng phải có quyền biết trong đó đang làm gì. Ít ra là hiện tại, các tòa án Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận quyền hiến pháp có thể áp dụng một cách tổng quát để vào các cơ sở đó. Tuy nhiên, một vài tòa đã công nhận điều được coi là nguyên tắc không kỳ thị. Đó là nếu cơ quan đã cho dân chúng có quyền vào – chẳng hạn như cho dân chúng tham quan trại giam – thì cơ quan không thể không cho giới truyền thông hay những người dân muốn thăm nhà tù chỉ với mục đích là quan sát và thu thập tài liệu mà có thể được dùng để chỉ trích cách hoạt động của cơ quan.
Giá trị của việc công khai
Lịch sử cho thấy chính quyền ở bất cứ nơi nào và thời nào cũng có khuynh hướng cố hữu là muốn cai trị, nếu không được toàn bộ thì cũng được một phần trong bí mật. Đây là bản năng của con người và cũng là bản năng của chính quyền. Do đó, một xã hội trân trọng giá trị của sự công khai phải đưa ra những quy định cố ý – dù lúc đầu có thể bị coi là quá trớn – nhằm tạo thuận lợi cho việc công khai hóa để chế ngự được khuynh hướng muốn khống chế, kiểm duyệt và bưng bít của chính quyền.
Ngày nay, chúng ta đang trải qua những thử thách của những tiến bộ vượt bậc trong ngành truyền thông, chẳng khác gì cuộc cách mạng kỹ thuật trong ngành in trước đây. Những tiến bộ đó đang hứa hẹn sẽ làm thay đổi triệt để cách thức chúng ta thu thập, lưu trữ, sắp xếp và phổ biến thông tin. Một dân tộc theo đuổi một nếp tư duy cởi mở sẽ bênh vực quyền phát biểu và lương tâm phong phú tuyệt vời của con người và sẽ dành sự bảo vệ đặc biệt cho quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do lập hội, tự do hội họp và tự do biểu tình phản đối trong hoà bình. Các quyền tự do này sẽ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực phát biểu chính trị mà sẽ còn nới rộng tới biết bao nhiêu công cuộc tìm kiếm về nghệ thuật, khoa học, tôn giáo, triết học đang thúc giục và lôi cuốn trí tưởng tượng của con người
Một xã hội muốn nhận việc công khai hóa là có một giá trị nổi bật không những cho người dân có quyền rộng rãi tự do phát biểu mà còn tiến thêm một bước nữa tức là thực sự đưa các tiến trình nghị luận chính sách của chính quyền ra đón nhận sự soi xét của mặt trời công luận. Trong một nền văn hóa thực sự cởi mở, sẽ là chuyện bình thường khi chính quyền không được nghị luận chính sách sau cánh cửa đóng. Mọi tiến trình tư pháp, lập pháp hay hành pháp, nên, như một lệ thường, được mở ra cho công chúng tham dự.

Không có nhận xét nào: