Pages

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Những người đã chết không chết uổng


Nhắc đến Tết Mậu Thân tôi phải nhớ đến Nghị Sĩ Trần Ðiền. Có hai người tôi quen biết được tìm thấy trong những mồ chôn tập thể. Tôi có làm việc ở Tổng Hội Sinh Viên với Lê Hữu Bôi nhưng không thân lắm.
 
Thi hài nạn nhân thảm sát đã được nhận diện và được đưa vào khâm liệm.
Còn Trần Ðiền là một người anh tinh thần lòng tôi luôn kính trọng. Trong Hướng Ðạo, Trần Ðiền là một tấm gương ngay thẳng, chính trực, và có tài lãnh đạo. Chúng tôi thường gọi các huynh trưởng là “trưởng,” không kể tuổi tác; tôi xin phép được tiếp tục gọi cụ là Trưởng Trần Ðiền.

Luật số một của phong trào Hướng Ðạo khắp thế giới viết: “Hướng đạo sinh trọng Danh Dự; ai cũng có thể tin ở lời nói của hướng đạo sinh”. Vị linh mục, cũng là trưởng Hướng Ðạo với “tên rừng” Sói Mơ Mộng (Loup Rêveur), nói với gia đình trong lễ cầu nguyện: “Ông Trần Ðiền bị sát hại vì ông không nói dối.”
Sau mấy ngày quân Cộng Sản chiếm Huế, một trái đại bác rớt ngay trước cửa nhà Trưởng Trần Ðiền, đào một hố sâu, trưởng và gia đình cùng hàng ngàn người khác vào tạm trú ở Dòng Chúa Cứu Thế ở Huế để tránh bom đạn. Lúc đầu ban giám đốc mời cụ lên trên lầu ở, vì ở nhà dưới quá nhiều đồng bào vào nhà thờ tị nạn, nhưng trưởng đã lắc đầu từ chối. Trưởng muốn chia sẻ số phận chung với tất cả mọi người. Khi các cán bộ Cộng Sản lùa mọi người ra ngoài sân, họ hỏi ai làm nghề gì để chia thành phần, trưởng đứng chung trong nhóm mấy trăm người đàn ông. Trưởng có thể nhận mình chỉ là một giáo sư. Mà trưởng đã là giáo sư dạy ở Dòng Chúa Cứu Thế thật. Linh mục giám đốc Nguyễn Ðình Lành cũng nói với đám quân Cộng Sản rằng đây là một giáo sư của nhà dòng, tại sao các ông lại bắt? Nhưng khi cán bộ cộng sản hỏi nghề nghiệp, chính trưởng đã nói mình là nghị sĩ. Người con trai của cụ có mặt tại đó, ông Trần Tiễn San nghe cán bộ Việt Cộng hỏi tiếp: “Nghị sĩ làm công việc gì?” Cụ vẫn nói sự thật: “Tôi làm đại diện cho dân.” Trưởng bị trói lại ngay, đưa ra một chỗ riêng.
Ông Trần Tiễn San, lúc đó là một trung úy đại đội trưởng Biệt Ðộng Quân đang được nghỉ phép về nhà ăn Tết, vào nhà dòng cùng với gia đình; sau đó kiếm được cách lẻn trốn ra ngoài, trở về với đơn vị. Người em trai, một sinh viên sĩ quan trường Chiến Tranh Chính Trị đang có mặt tại ở đó cũng trốn thoát. Khi quân Việt Nam Cộng Hòa chiếm lại thành phố Huế, mới biết tin đã tìm thấy xác cha mình ở một trong số những hố chôn tập thể, ở vùng Lăng Xá Cồn.
Một hướng đạo sinh tập thói quen không nói dối từ thủa nhỏ. Khi phải nói dối người ta tự thấy hổ thẹn với lương tâm mình. Ðó cũng là một quy tắc sống của những gia đình dạy con theo Nho học, lấy chữ Tín làm đầu. Phong trào Hướng Ðạo khi vào nước ta đầu thập niên 1930 đã tiếp tục truyền thống trọng chữ Tín của các nhà Nho. Gia đình họ Trần theo Nho học, dòng dõi vị phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành đời Vua Tự Ðức. Trần Ðiền gia nhập Hướng Ðạo khi phong trào tới Huế; đời sống của trưởng thể hiện sự hòa hợp giữa luật Hướng Ðạo và luân lý Nho Giáo. Trong lúc nước ta còn bị người Pháp cai trị, Hướng Ðạo là nơi duy nhất để các thanh thiếu niên có thể đưa tay lên tuyên thệ “Tôi xin hứa sẽ Trung Thành với Tổ Quốc,” rồi hứa tiếp sẽ “Giúp Ích Mọi Người” và “Tuân Theo Luật Hướng Ðạo”. Bao nhiêu thanh niên có tâm huyết khắp nước đã gặp nhau trong phong trào Hướng Ðạo; tại Huế có những người nổi tiếng sau này có Võ Thành Minh, Tạ Quang Bửu, vân vân. Các thanh niên yêu nước cũng bí mật tham gia các đảng cách mạng, Trần Ðiền sau này vào đảng Ðại Việt. Khi đảng Cộng Sản bắt đầu khủng bố thanh trừng các đảng không theo phái Ðệ Tam, mặc dù đang làm thẩm phán ở quận Hương Trà, trưởng đã về Huế làm việc với chính quyền quốc gia.
Năm 1954 trưởng làm tỉnh trưởng Quảng Trị, tổ chức việc đón đồng bào di cư từ bên kia sông Bến Hải vào Nam. Cũng vì liên hệ với đảng Ðại Việt, năm 1955 trưởng bị chính phủ Ngô Ðình Diệm bắt giam ba tháng và đưa ra tòa án quân sự. Trước tòa án, trưởng tự biện hộ mà không nhờ luật sư, xứng đáng với danh hiệu Gà Hùng Biện; trong Hướng Ðạo gọi là Tên Rừng. Nhờ uy tín ở đất Thừa Thiên về đức độ và tấm lòng ngay thẳng, chính trực, dù kết án 6 năm nhưng trưởng được sống ngoài nhà tù, làm hiệu trưởng trường tư thục Bình Minh. Trưởng được cử làm giám đốc Viện Hán Học ở Huế sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Ðình Diệm.
Lần đầu tiên tôi được gặp Trưởng Trần Ðiền là trong Hội nghị Huynh trưởng và đại hội đồng Hướng Ðạo Việt Nam vào cuối năm 1965. Chỉ vì các biến cố tình cờ mà tôi có mặt. Vào Hướng Ðạo như một thiếu sinh ở Hà Nội, tôi vẫn chỉ yêu thích ngành Thiếu, nơi giáo dục các em từ 11, 12 đến 18 tuổi. Năm 1964 tôi đang coi một thiếu đoàn thuộc “Ðạo” Cửu Long ở Sài Gòn. Bỗng nhiên anh đạo trưởng, cũng là người cầm tráng đoàn bị bắt, và đi tù vì hoạt động cho Cộng Sản; tôi được cử lên thay thế anh, cho nên phải đi dự đại hội. Lúc đó Trưởng Trần Ðiền đang là ủy viên ngành Tráng, cho các thanh niên từ 18 tuổi trở lên.
Tôi họp trong tiểu ban ngành Tráng vì trong đạo Cửu Long không có ai khác để tham dự. Trong tiểu ban này, chúng tôi đã bàn nhiều vấn đề mà nay tôi đã quên, chỉ nhớ đã bàn việc thay đổi cách diễn tả các lời hứa Hướng Ðạo. Sau đó, Trưởng Trần Ðiền được đại hội đồng tín nhiệm bầu làm Tổng Ủy Viên, người chịu trách nhiệm về mọi hoạt động giáo dục của phong trào. Tôi ngạc nhiên khi Trưởng Trần Ðiền gọi tới, bảo: “Chú làm ủy viên ngành Tráng”. Tôi từ chối ngay, nêu lý do tôi chưa bao giờ điều khiển tráng đoàn. Tôi xin trưởng cứ tiếp tục kiêm nhiệm ủy viên ngành Tráng, tôi sẽ còn phải lo cho tráng đoàn trong đạo Cửu Long, sau khi anh tráng trưởng bị tù. Trưởng Trần Ðiền là người khó thay đổi ý kiến; nói như ra lệnh: “Tôi đã thấy chú trong số các trưởng họp tiểu ban ngành Tráng. Tôi giao nhiệm vụ. Chú phải làm.” Khi tôi cố nêu nhiều lý do để từ chối, Trưởng Trần Ðiền nói lời cuối cùng: “Chú nhớ điều luật thứ bảy: Hướng đạo sinh vâng lời huynh trưởng.” Tôi không tìm được lý do nào để từ chối nữa. Từ lúc 13, 14 tuổi tôi đã học luật Hướng Ðạo, và mỗi tuần cùng đọc lại với anh chị em. Trưởng Trần Ðiền tuổi cao hơn hai lần tuổi tôi, con của trưởng lớn hơn tôi. Và tôi thật sự kính trọng người huynh trưởng có bản lãnh và chính trực đứng trước mình. Lòng kính trọng đó khiến tôi không dám cãi nữa. Mà ai cũng biết, rất khó thay đổi một quyết định của Trưởng Trần Ðiền. Khi ra trước đại hội đồng, rất nhiều huynh trưởng đứng dậy phản đối việc bổ nhiệm ủy viên ngành Tráng mới, trong đó có những người tôi rất thân. Ngồi bên cạnh trưởng, tôi cũng đồng ý với tất cả những ý kiến phản đối của họ; chỉ mong trưởng nghĩ lại. Nhưng Trưởng Trần Ðiền khó bị lay chuyển; một đặc tính của những người tự tin, nhất là tin rằng mình quyết định vì ích lợi chung. Quả thực, suốt đời trưởng sống chính trực, đặt công ích trên hết.
Một hướng đạo sinh phải sống chính trực. Một biểu hiện của tinh thần chính trực là phân biệt giữa hai phạm vi công và tư. Trong một bài viết về Trần Ðiền, Trưởng Tôn Thất Hy đã kể một câu chuyện cho thấy cách cư xử ngay thẳng chính trực của một người Hướng Ðạo. Khi làm giám đốc Thông tin Trung phần, một lần Trưởng Trần Ðiền mặc đồng phục Hướng Ðạo tới dự một buổi lễ, ngồi trong hàng quan khách. Trong buổi họp huynh trưởng sau đó, Trưởng Dương Vân đã công khai phản đối Trưởng Trần Ðiền, là “đem chính trị vào phong trào Hướng Ðạo”. Trần Ðiền vốn là một người rất cứng rắn, thường kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình, đã hùng hồn tự biện hộ. Nhưng sau đó, trưởng đã ngưng, không mặc đồng phục Hướng Ðạo nữa, cho tới khi “từ quan” mới mặc lại để tiếp tục làm việc Hướng Ðạo. Chúng ta còn biết trưởng không đặt tự ái cá nhân trên ích lợi chung. Khi một huynh trưởng khác hỏi nếu có dịp lãnh đạo quốc gia thì chọn ai làm phụ tá, Trưởng Trần Ðiền đã nói ngay: Chọn anh Dương Vân. Sau này hai huynh trưởng Hướng Ðạo đã làm việc mật thiết với nhau, dù khác nhau về chính trị và tôn giáo. Họ thể hiện một tấm lòng tương kính mà chúng ta đã thấy giữa các nhà Nho đời trước, như Trần Tiễn Thành và Phạm Phú Thứ trong cùng một triều đình giữa thế kỷ 19.
Phong trào Hướng Ðạo Việt Nam đã nhiều lần bị chính trị can thiệp, gây nên chia rẽ. Khi Việt Nam mới độc lập, một số huynh trưởng theo Cộng Sản đã đề nghị lập Hướng Ðạo Cứu Quốc để gia nhập Việt Minh. Nhưng nhiều người phản đối vì muốn giữ tinh thần độc lập của Hướng Ðạo, họ phản đối ý định đó. Sau này chế độ Cộng Sản không bao giờ cho phép hội Hướng Ðạo được hoạt động. Trong vùng “quốc gia” nhiều huynh trưởng Hướng Ðạo tham gia các đảng chính trị, có những người cũng theo Cộng Sản. Trưởng Tôn Thất Hy kể lại, tại Ðạo Thừa Thiên, Huế, các huynh trưởng theo nhiều đảng phái chính trị khác nhau, nhưng vẫn bỏ qua khuynh hướng chính trị của mình khi cùng sinh hoạt, vì “cùng tôn thờ chung một lý tưởng Hướng Ðạo”. Trong thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, có lúc đã định buộc Hướng Ðạo phải gia nhập Thanh Niên Cộng Hòa. Vị hội trưởng lúc đó đã đích thân giải thích với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là nếu làm như vậy thì sẽ không còn Hướng Ðạo nữa. Vì căn bản của phong trào là tinh thần tự nguyện vô vị lợi, của huynh trưởng cũng như của các đoàn sinh.
Tôi được thấy Trưởng Trần Ðiền biểu lộ tinh thần phân biệt công và tư trong phiên họp Bộ Tổng Ủy Viên đầu tiên, tại văn phòng Luật Sư Phan Thanh Hy, hội trưởng hội Hướng Ðạo. Trưởng hỏi tôi: Chú được mời họ vào làm ở Bộ Thanh Niên phải không? Tôi cho biết tôi đã từ chối rồi. Trưởng nói: Ðang làm Hướng Ðạo thì không làm chính trị. Nếu chú vào làm Bộ Thanh Niên thì không làm Hướng Ðạo nữa.
Trưởng Trần Ðiền đã bảo vệ tính chất độc lập của phong trào Hướng Ðạo tới cùng. Khi được bầu làm nghị sĩ, năm 1967, ông đã rút khỏi chức tổng ủy viên, trao cho người khác. Tôn Thất Hy nhắc lại lời Trưởng Trần Ðiền nói trước đại hội đồng Hội Hướng Ðạo Việt Nam năm 1966, những lời nhắn nhủ sau cùng: “Hướng Ðạo là một sợi nước trong nhỏ ở giữa dòng nước đục (của xã hội bây giờ). Mong rằng anh chị em hãy gìn giữ lấy sợi nước mong manh đó.”
Tôi được gặp trưởng lần sau cùng trong một cuộc họp gọi là Hội Thảo Mục Tiêu Quốc Gia; vào Mùa Hè năm 1967. Chúng tôi đi bộ khá lâu, thở không khí buổi trưa êm đềm trong khuôn viên Ðại Học Ðà Lạt. Tôi được nghe trưởng nói về thời cuộc, nghe nhận xét về các nhân vật; nhưng quan trọng nhất là một lời, như khuyên bảo một người con: Phải giữ lấy tư cách người Hướng Ðạo. Nửa năm sau, là Tết Mậu Thân. Trưởng Trần Ðiền đã chết với danh nghĩa một nghị sĩ. Một đại biểu của dân. Trưởng chết như một chiến sĩ, giống như những người lính khác bị bắn trước mũi súng bên địch. Trong cuộc nội chiến vì ý thức hệ bất đồng diễn ra tại nước Việt Nam trong thế kỷ 20, Trần Ðiền đã chọn đứng về một phe vì trưởng tin vào lý tưởng mọi người có quyền sống tự do, bình đẳng, sống chính trực không cần gian dối; trong dân tộc không cần phân biệt giai cấp, không được gây chia rẽ hận thù. Lịch sử đã sang trang. Ngày nay, lý tưởng tự do dân chủ lại đang trỗi dậy trên đất nước chúng ta, trong khi chế độ Cộng Sản đang tan rã.
Tưởng niệm Trưởng Trần Ðiền và những đồng bào đã chết, các chiến sĩ tử vong trong Tết Mậu Thân, chúng ta có thể nhớ lại một câu của Abraham Lincoln, trong bài diễn văn ngắn ngủi tại Nghĩa Trang Gettysburg, năm 1863, cuối thời nội chiến Nam Bắc ở Mỹ. Lincoln ca ngợi các tử sĩ: “Chính chúng ta, những người còn sống, phải hết sức làm tiếp những việc đang làm dở mà những người chết ở đây đã chiến đấu để cố đạt được… Chúng ta phải quyết tâm làm sao cho những người đã chết không chết uổng… để một chính quyền của dân, do dân và vì dân sẽ không tàn lụi trên trái đất này.”
Một mai, khi người Việt được sống trong tự do dân chủ, chúng ta sẽ nhắc lại: “Những người đã chết không chết uổng!”

Không có nhận xét nào: