Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Ông Vươn và gia đình chịu án tù nặng


  1. Blogger JB. Nguyễn Hữu Vinh trả lời BBC: Sau khi nghe kết quả của tòa án đối với tội danh của anh em nhà họ Đoàn, đặc biệt ông Đoàn Văn Vươn bị mức phạt 5 năm tù, cũng như những anh em khác của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, thì chúng tôi nghĩ ước gì chúng tôi có những phiên tòa như phiên tòa của thực dân Pháp xử các nạn nhân ở Đồng Nọc Nạn, hoặc là phiên tòa của Đức Quốc xã từng xử Dimitrov ở vụ án đốt nhà Quốc hội, cũng như vụ án của thực dân Anh ở Hồng Kông đã xử Nguyễn Ái Quốc.
    Cảm giác của tôi là hết sức thất vọng với những bản án như thế này và với những hệ thống pháp luật đã xử sự với những người dân ở Việt Nam hiện nay như thế này. Phản ứng của người dân nhiều khi không thể thể hiện ra được bằng những hành động, những việc làm, nhưng tôi nghĩ rằng những phản ứng của họ trong ‎y’ nghĩ, trong tiềm thức và đặc biệt phản ứng của họ trong suy nghĩ, niềm tin và nhận thức của họ có thể xem là rất dữ dội.
    Và không chỉ có giáo dân. Giáo dân chúng tôi, tôi nghĩ mọi người có quan điểm như là hai bức thư mà Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Công lí - hòa bình Hải Phòng đã nói rất rõ về quan điểm: Đoàn Văn Vươn không thể là người có tội và vụ án này là vụ án trái pháp luật và vụ án không thể chấp nhận được.
    Còn những người dân và giáo dân khác, tôi nghĩ là những người đã theo dõi phiên tòa, những người đã biết được sự thật và nắm bắt được thông tin một cách đầy đủ, thì tôi nghĩ rằng không có ai có thể chấp nhận một bản án như thế này, một cách hành xử như thế này của hệ thống pháp luật.
  2. Báo Công an Tp HCM chạy tít "Hai anh em Đoàn Văn Vươn đều nhận mức án 5 năm tù". Bài báo mô tả điều báo này gọi là "Phiên tòa diễn ra công khai, đúng quy định của pháp luật".
  3. Giáo sư Tương Lai trả lời BBC:  Mức án như vậy tôi không ngạc nhiên… Dù Đoàn Văn Vươn có được xử đúng người, đúng tội hay không, có bị xử nặng, xử nhẹ hay không, thì điều này nói lên một vấn đề lớn hơn: với tòa án này, thì luật pháp ở nước này có còn là một cán cân công lí để cho người dân tin hay không?
    Hiện nay người ta đang sửa Hiến pháp, nếu làm theo điều mà người ta đang tuyên truyền đó - là xử đúng người, đúng tội, thì phải xử cả bên cưỡng chế lẫn bên bị cưỡng chế. Chứ không thể chỉ riêng một bên bị, mà để hôm nay kết tội ông Đoàn Văn Vươn, anh ông ấy, cũng như vợ ông ấy, tách ra khỏi phía gây ra hành vi đáng tiếc của ông Đoàn Văn Vươn. Điều đó phản ánh tính không nghiêm minh của luật pháp, mà như vậy thì không thể nào có sự thuyết phục mà để nhân dân nói, biết rằng đây là một nhà nước pháp quyền được. Bởi vì nếu tách hai vấn đề này ra thì không thể nào thấy rằng công lí được thực hiện.
    Khi luận tội phải thấy rằng tại sao Đoàn Văn Vươn hành động như thế, mà ông ấy hành động như thế, vì ông ấy bị cưỡng chế một cách phi pháp. Và việc cưỡng chế phi pháp này, trên thực tế, người ta đã công nhận rồi.
  4. An ninh vẫn được thắt chặt ngoài Tòa án Nhân dân Hải Phòng trong phiên tòa cuối ngày 5/4.
  5. Nhà thơ Thạch Quỳ viết trên blog Quechoa: Xét mọi phương diện một cách công minh, bất cứ ai có chút kiến thức hoặc có quan tâm về luật pháp đều dễ dàng thấy rằng VKSND Hải Phòng truy tố ông Đoàn văn Vươn về tội danh giết người là sai lạc hoàn toàn với bản chất vụ án.
    Có lẽ vì thế mà Tòa án Hải phòng đã xử vụ án này bằng cách tuyên án không đúng với khung hình phạt. Ai cũng biết tội giết người không có khung hình phạt 5 hoặc 6 năm tù.
    Tòa án cần xử đúng tội danh chứ không nên nói tội danh này rồi xử theo khung hình phạt của tội danh khác. Làm như vậy là lúng túng, bề nào rồi cũng chẳng xong bề nào. Làm như vậy hẳn là vụ án chưa thể kết thúc ở đây.
  6. Một phóng viên có mặt tại khu dành riêng cho báo chí ở phiên tòa tại Hải Phòng nói với BBC rằng khi tòa tuyên án, các bị cáo đều tỏ ra bình thản. Hai ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý đều không tỏ ra xúc động hay bất ngờ trước án phạt 5 năm dành cho các ông.
  7. Báo Pháp Luật Tp HCM: Kiểm sát viên khẳng định vụ án không có vi phạm về tố tụng, nhân chứng đảm bảo khách quan vì không có thù oán gì với bị cáo…
    Theo kiểm sát viên, sở dĩ đoàn cưỡng chế đi qua đất nhà bị cáo Quý vì hai lối khác vào khu đất bị thu hồi đều không đi được nên khi thực hiện nhiệm vụ, đoàn cưỡng chế phải chọn lối đi dễ nhất.
  8. Luật sư Nguyễn Việt Hùng, bào chữa cho hai bị cáo Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý, nói với Hồng Nga của BBC tại Bangkok:
    "Tôi đã hy vọng là bản án sẽ tốt hơn, 5 năm là chưa đúng với mong muốn của thân chủ chúng tôi. Tôi cho rằng bản án không thể hiện được quan điểm của luật sư khi đưa ra các luận cứ trước tòa."
    "Tôi chưa được tiếp xúc với thân chủ sau khi tòa phán quyết, nhưng theo như quan điểm của thân chủ chúng tôi tại tòa, thì tôi cho rằng họ cũng sẽ không hài lòng với bản án và trong trường hợp đó có thể họ sẽ kháng cáo."
  9. Bà Phạm Thị Báu, vợ ông Đoàn Văn Quý và Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn trong căn nhà dựng tạm trước khi ra tòa.
    Bà Phạm Thị Báu bị 18 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng và bà Nguyễn Thị Thương bị 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng về tội chống người thi hành công vụ.
  10. Các phóng viên nước ngoài lấy ý kiến người dân có mặt ngoài tòa án.
  11. Các bị cáo nghe tuyên án tại phiên tòa ngày 5/4.
  12. Công an kiểm tra tang vật trước phiên xử ở Tòa án Nhân dân Hải Phòng. (Nguồn hình:AP)
  13. TS. Nguyễn Xuân Diện: Cảm tưởng chung của chúng tôi là bản án rất bất công, xét về mọi phương diện, ông Đoàn Văn Vươn và các bị cáo trong gia đình phải được trả tự do ngay tại tòa, phải được bồi thường tài sản đã bị phá hoại, phải rút lại lệnh truy nã đối với hai thành viên gia đình đang buộc phải bỏ trốn. Chúng tôi rất buồn khi được nghe phán quyết của tòa và chúng tôi không thể không so sánh vụ án này với vụ án Đồng Nọc Nạn thời Thực dân Pháp cách đây 80 năm về trước.
  14. Vnexpress: Theo bản án, năm 1993, ông Đoàn Văn Vươn được UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) giao 21ha đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia thuộc xã Quang Vinh để nuôi trồng thủy sản trong thời hạn 14 năm. Trong quá trình đắp bờ, ông Vươn được cho là đã lấn chiếm hơn 19ha.
    Tháng 4/2009, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi hơn 19 ha với ý do đã hết thời hạn sử dụng. Không đồng ý việc này, ông Vươn khởi kiện ra tòa song bị bác đơn. Sau đó, chính quyền huyện ra quyết định cưỡng chế để thi hành quyết định thu hồi đất, ấn định ngày thực thi là 5-6/1/2012.
    Sau khi nhận được thông báo của chính quyền, ông Vươn đã nhiều lần cùng một số anh em trong gia đình bàn quyết tâm giữ đầm bằng mọi cách. Trong quá trình bàn bạc, Vươn nói: "Phải chuyển từ tranh chấp dân sự hành chính sang vụ án hình sự.
    Theo nhà chức trách, trong các bữa cơm, chuyện làm hàng rào căn các lối đi xuống đầm, làm mìn tự tạo chôn trên đường vào, dùng súng hoa cải bắn lực lượng cưỡng chế... được đặt ra. Vợ ông Vươn và Quý là bà Phạm Thị Thương, Phạm Thị Báu được cho là có mặt trong các "cuộc họp" này.
    Sáng 5/1/2012, khi đoàn cưỡng chế đi vào đầm đã bị ông Quý cùng Đoàn Văn Thoại, Phạm Thái (đang bỏ trốn) bắn súng làm 7 người bị thương. Người nặng nhất mang trên người 23 vết đạn.
  15. Tòa án TP Hải Phòng đã tuyên án với ông Đoàn Văn Vươn và người thân.
    Theo một số nguồn tin, ông Vươn bị tuyên phạt 5 năm tù; ông Đoàn Văn Quý: 5 năm tù; Đoàn Văn Sịnh: 3 năm 6 tháng tù; và ông Đoàn Văn Vệ bị 2 năm tù về tội Giết người theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ Luật Hình sự.
    Vợ ông Quý là bà Phạm Thị Báu bị 18 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng và vợ ông Vươn, bà Nguyễn Thị Thương bị 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng về tội chống người thi hành công vụ quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ Luật Hình sự.
  16. Trang mạng của báo Nông Nghiệp đăng tóm tắt lời khai của sáu bị cáo trong phiên xử sơ thẩm gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Phần tự bào chữa của bà Phạm Thị Báu (còn gọi là Hiền) nhận được sự ủng hộ của nhiều dân mạng xã hội khi bà trả lời tòa như sau:
    Tòa: Lý do nào khiến bị cáo phản đối bản cáo trạng?
    Bà Báu:Thưa quý tòa, đoàn người kéo đến nhà tôi sáng ngày 5/1/2012 không phải là những người thi hành công vụ. Vì vậy tôi không chống người thi hành công vụ như quy kết của cáo trạng.
    Tòa: Căn cứ vào đâu mà bị cáo nói như vậy?
    Bà Báu: Thưa quý tòa, tôi căn cứ vào kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/2/2012.
  17. Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên viết trên blog của mình: Không có chuyện “tức nước vỡ bờ”, nhưng nếu vụ án Đoàn Văn Vươn kết thúc bằng một bản án khắc nghiệt, một sự hủy hoại trong mỗi con người, niềm tin vào công lý, vào đạo đức xã hội chắc chắn sẽ gia tăng. Khi niềm tin vào công lý, vào đạo đức xã hội bị xói mòn, con người sẽ bị đẩy sâu hơn vào các lợi ích thiết thân. Họ sẽ tìm mọi cách để tự bảo vệ mình, gia đình mình, lợi ích riêng tư của mình và không ngần ngại nếu có thể, xâm phạm vào lợi ích người khác, lợi ích xã hội. Đồng thời cũng chính những con người này, họ cũng sẽ sẵn sàng kháng cự lại bằng “luật rừng” nếu có thể với mọi sự xâm hại đến lợi ích bản thân và gia đình họ.
  18. Nhà báo Đức Hiển viết trên báo Pháp luật Tp HCM: Điều gì sẽ xảy ra nếu bất kỳ ai cũng có thể chọn con đường dùng vũ lực, vũ khí chống lại lực lượng cưỡng chế khi cho rằng mình bị chính quyền xử ép? Cổ súy cho điều đó là vô hiệu hóa pháp luật, trật tự xã hội sẽ đảo lộn.
    Không thể có công lý nếu mọi người bất chấp pháp luật và hành xử theo cách của mình!

Không có nhận xét nào: