Pages

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Đất là sở hữu toàn dân: Tất cả đất đai là sở hữu của ĐCSVN



VRNs (23.08.2013) – Sài Gòn – Trong phiên chất vấn của UB Thường vụ chiều 20/8, ông Bộ trưởng tài nguyên môi trường Nguyễn Minh Quang nói: “Các cấp chính quyền “vô cảm” với người khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết chỉ để hết trách nhiệm thì tình trạng khiếu kiện kéo dài sẽ không bao giờ chấm dứt. Do vậy trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại phải đặt mục tiêu giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình, có tâm, xóa bỏ tư duy về “hết thời hiệu, hết thẩm quyền” thì mới hạn chế và giảm các vụ việc phức tạp, kéo dài phát sinh”.

Phát ngôn của ông Quang chỉ mang tính lý thuyết chưa đề cập đến nguyên nhân chính của chính sách đất đai. Cha Giuse Đinh Hữu Thoại, trưởng văn phòng Công lý và Hòa Bình của Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn (DCCT) nhận định: “Theo tôi, câu trả lời của ông Nguyễn Minh Quang chỉ đúng một phần và đó chỉ là cái ngọn. Ông Quang không biết hoặc cố tình không biết nguyên nhân thật sự và gốc rễ của tình trạng này. Thứ nhất là chính các cấp chính quyền địa phương cấu kết với các chủ đầu tư và bao che nhau để cướp đất của dân. Hầu hết những vụ khiếu kiện đất đai là như vậy. Ngoài ra, nguyên nhân gốc rễ hơn nữa chính là luật đất đai sai lầm hiện nay, đó là qui định đất đai sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý. Mà nhà nước là ai? Đó chỉ là một nhóm tham quan cấu kết với nhau để tự cho mình cái quyền thu hồi đất, không vì lợi ích chung mà chỉ trục lợi cá nhân. Chính luật đất đai hiện nay tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển và tạo ra ngày càng nhiều dân oan. Rồi các qui định giải quyết khiếu kiện được soạn thảo nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho các cán bộ, tham quan chứ không nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân. Vì thế, không bao giờ dân oan được giải quyết thỏa đáng.”
Chính sách đất đai của nhà cầm quyền không phù hợp cộng với những tồn đọng trong quản lý trước đây, cùng với “lòng tham vô đáy” của một nhóm người – nhân danh quyền quản lý đất đai và cơ chế giải quyết khiếu nại không thể hiện công bằng, nghiêm minh… dẫn đến tình trạng có nhiều dân oan như hiện nay, điển hình như gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn đã nổ súng để tự vệ trước sự đàn áp cưỡng chế của nhà cầm quyền Hải Phòng; bà con dân oan Long An thà chết để giữ đất; vụ Văn Giang, vụ Dương Nội; cưỡng chế đất ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định; hay bà con dân oan ở các tỉnh, thành phố như Bến Tre, Vũng Tàu, An Giang… ăn dầm nằm dề ở Phòng Thanh Tra Chính Phủ số 210 Võ Thị Sáu hoặc ở các cơ quan công quyền bao nhiêu năm trời ròng rã đi khiếu kiện nhưng chẳng có cấp nào giải quyết thỏa đáng.
Do đó, “Nhà cầm quyền phải thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân. Đất đai của người dân đang sử dụng, nhà nước cải tạo, qui hoạch, đưa vào tập đoàn, thu hồi, giải tỏa, cưỡng chế… chắc chắn quá trình thực hiện phải có đúng, có sai. Hiện nay, luật qui định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước đại diện quyền sở hữu, định đoạt đối với đất đai…”, dùng quyền tuyên bố  “không xem xét lại đúng, sai nữa…”, không thừa nhận “khiếu nại, đòi lại đất nhà nước đã cấp cho người khác…” thì chắc chắn những người bị oan, bị sai phải khiếu nại. Muốn không “vô cảm” thì phải sửa luật. Thứ hai, nhà nước đã từng tuyên bố chủ trương sau giải tỏa phải đảm bảo đời sống tốt hơn cho người bị giải tỏa. Nhưng thực tế không được như vậy. Sau giải tỏa, tiền đền bù cho người dân, không đủ để mua lại một nền nhà ngay trên đất của mình, được phân lô thành hàng chục, hàng trăm nền nhà. Đã có trường hợp, nhà cầm quyền lấy đất của dân mấy chục ngàn mét vuông đất nhưng giao lại cho họ chỉ có 700 m2 (có thu tiền) và kết luận là “có lý, có tình”. Quan trọng là lý, tình này là của ai đặt ra? Ông tự ra “lý”, ông tự đặt “tình”, rồi ông tự kết luận “có lý, có tình”… Hoặc có trường hợp Uỷ ban trả lời với người dân đi khiếu kiện đất đai như sau: “Đất sau giải tỏa có giá là do cải tạo, qui hoạch…nên đừng so sánh”. Vấn đề là đất của tôi đâu cần ai qui hoạch, cải tạo… thế nhưng nhà cầm quyền lại tùy tiện qui hoạch, cải tạo, đền bù theo giá đất nông nghiệp rẻ mạt, phân lô bán theo đất nền làm giàu, còn người dân thì chịu lỗ và chịu khổ. Thứ ba, khi người dân đi khiếu nại thì “hết thời hiệu thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại”… Chưa kể nhà cầm quyền sẵn sàng chụp lên đầu người dân các mũ “gây rối trật tự công cộng, chống phá nhà nước, lợi dụng quyền dân chủ… Để biết “khiếu nại có dịu đi” hay không, đề nghị Ông Bộ trưởng trực tiếp đặt lịch, công bố công khai ngày giờ vi hành từng Tỉnh tiếp dân… Lúc đó hãy tuyên bố!”. Một luật sư sống ở Sàigòn nhận xét.
Theo báo cáo của Mạng lưới Nhân quyền VN năm 2012 về truất hữu ruộng đất và dân oan, viết: “Việc tước đoạt quyền sở hữu của người dân đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng tác hại đến cuộc sống của người dân Việt Nam. Ngoài việc làm tăng thêm đội quân thất nghiệp trong nước và tạo ra hàng triệu “dân oan”, chính sách tước đoạt quyền sở hữu đất đai của người dân đã và đang đẩy “dân oan” vào đường cùng với cuộc sống vô cùng khốn khổ. Nhiều người mất nhà cửa, ruộng đất đã trở thành vô gia cư. Những “dân oan” vô gia cư tiếp tục đi khiếu kiện một cách vô vọng từ năm này qua năm khác. Theo báo cáo của chính phủ, trong năm 2012 số khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, bao gồm khiếu nại việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; khiếu nại tranh chấp đất đai; khiếu nại đòi lại đất cũ… chiếm 74,7% tổng số đơn khiếu nại.”
Người dân oan đã nghèo khổ, cùng cực và túng bấn nhưng vẫn phải nai lưng ra đóng thuế, để nuôi các đảng viên là những người thực hiện công quyền, thế nhưng các cán bộ đã cấu kết với các doanh nghiệp bóc lột và cưỡng chế đất đai – miếng cơm manh áo và xương máu của dân oan. Đồng thời, người dân VN chưa hiểu quyền con người bởi họ sống trong một cơ chế ban phát, xin – cho, ơn đảng và nhà nước trong suốt hơn 38 năm qua.
Luật sư Sàigòn cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay là bà con đa phần nghèo, ít hiểu biết về luật pháp, dẫn đến không xác định được vụ việc của họ đúng sai thế nào? Quyền và nghĩa vụ của họ và của cơ quan giải quyết… Còn cơ quan giải quyết thì “vô cảm”, “máy móc”, cấp trên “chuyển đơn, yêu cầu giải quyết, yêu cầu báo cáo…” xong rồi thôi. Có vụ Thanh tra chính phủ, thậm chí Thủ tướng “yêu cầu…” hai lượt, ba lần, vài ba năm sau… chán rồi thôi. Dân oan vẫn còn đó đi khiếu nại. Cần có người thực sự am hiểu pháp luật, tận tâm hướng dẫn bà con… nhưng những người như vậy – nếu có – thường được tặng mũ “kích động người dân khiếu nại” và bước gần hơn đến tội “lợi dụng quyền dân chủ” hay được vào Bệnh viện Tâm thần chữa trị.”
Đất đai của các tôn giáo nói chung và DCCT nói riêng bị nhà cầm quyền cướp một cách trắng trợn và các vị chức sắc DCCT nghiễm nhiên trở thành dân oan đi khiếu kiện trong suốt nhiều năm qua. Cha Thoại cho biết: “Đất đai, tài sản của tôn giáo, của GHCG nói chung và của DCCT nói riêng còn bị oan sai nhiều hơn nữa. Đất đai của dân ít ra còn được bồi thường, tuy với giá rẻ mạt. Nhưng đất đai và tài sản tôn giáo thì bị 2 dạng: cướp chiếm trực tiếp và mượn xong rồi cướp (không trả). Tệ hại hơn nữa là chính sách nhất quán, triệt để tiêu diệt tôn giáo của nhà cầm quyền cộng sản còn qui định không coi các tổ chức tôn giáo là một pháp nhân. Luật pháp VN hiện nay không cho tôn giáo đứng tên bất cứ tài sản nào, nhất là tài sản về đất đai và nhà trên đất. Họ không cho tôn giáo được đứng ra nhận chuyển nhượng, tặng cho, hay di chúc và các tổ chức tôn giáo cũng không được chuyển nhượng (bán) đất hay nhà của mình. Nói chung, VN là một quốc gia có luật pháp “rừng rú” nhất trên thế giới, vì luật pháp ấy không phục vụ dân mà chỉ nhằm phục vụ kẻ cầm quyền.”
Trong bài viết của RFA với tựa đề Đất đai thuộc về giai cấp mới – giai cấp cộng sản, Luật gia Lê Hiếu Đằng, người từng trải qua kinh nghiệm với đảng cộng sản suốt mấy mươi năm đã phát biểu: “Trước kia nông dân nghe theo Đảng để mong có ruộng đất. Cái chuyện nông dân ly tán, khổ đau vì mất đất là do đâu? Là do cái quy định đất đai là sở hữu toàn dân!”.
“Sở hữu toàn dân” chỉ là một cách nói lừa bịp để che đậy thực chất: Tất cả đất đai trong nước là sở hữu của ĐCSVN.” Báo cáo của Mạng lưới Nhân Quyền VN năm 2012 khẳng định.
Huyền Trang, VRNs

Không có nhận xét nào: