Pages

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Bí thư Quảng Ngãi xin lỗi dân

Bí thư tỉnh Quảng Ngãi
Bí thư tỉnh Quảng Ngãi nói 'cảm thấy có lỗi' với người dân
Lãnh đạo đảng và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi xin lỗi người dân sau khi hàng nghìn người dân xuống đường biểu tình, bắt giữ ba công nhân khai thác cát và cắt đứt quốc lộ Bắc Nam đi qua địa bàn tỉnh.
Ngày 28/10, ông Võ Văn Thưởng, bí thư tỉnh Quảng Ngãi và ông Cao Khoa, chủ tịch tỉnh, có cuộc gặp trước hàng ngàn người dân ở làng chài Nghĩa An.


"Tôi cùng chủ tịch tỉnh cam kết sớm thông luồng cửa biển bị bồi lấp, đóng cọc cừ làm đê, kè chống sạt lở nhằm sớm ổn định cuộc sống cho người dân Nghĩa An."
"Là người đứng đầu tỉnh, để bà con bức xúc như vậy tôi cảm thấy xót xa, có lỗi với mọi người," Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng nói.
Theo truyền thông Việt Nam, ông Thưởng hứa trong vòng bốn ngày, tỉnh sẽ hoàn tất nạo vét, thông luồng khu vực cửa Đại và cửa sông Phú Thọ bị bồi lấp, tắc luồng 'để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân ra khơi' và 'đóng cọc cừ làm đê, kè kiên cố' chống sạt lở.
Ngoài ra, lãnh đạo đảng của Quảng Ngãi cũng hứa "bồi thường công bằng" cho các hộ có các hồ tôm bị triều cường gây sạt lở do ảnh hưởng của việc tận thu khai thác cát của các doanh nghiệp.
"Là người đứng đầu tỉnh, để bà con bức xúc như vậy tôi cảm thấy xót xa, có lỗi với mọi người."
Bí thư Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng
Tỉnh cam kết xem xét bồi thường cho cho các tàu cá của ngư dân không thể ra khơi do Cửa Đại bị bồi lấp với mức tiền từ từ 10 đến 20 triệu đồng mỗi tàu.
Theo tờ Dân Trí hôm thứ Hai, chủ tịch Tỉnh Quảng Ngãi, ông Cao Khoa đã cam kết với người dân tại cuộc đối thoại rằng ông sẽ "từ chức" nếu không giữ lời hứa và kêu gọi người dân hợp tác khắc phục sự cố.
"Với tư cách là Chủ tịch tỉnh, nếu không giữ lời hứa với dân, tôi xin từ chức ngay. Tôi mong bà con cùng hợp tác, tạo điều kiện và cùng góp sức khắc phục sự cố đáng tiếc này," ông Khoa nói.

Ai đúng, ai sai?

Cùng ngày, báo Quảng Ngãi, phản ánh quan điểm của lãnh đạo tỉnh, cho rằng chủ trương cho phép khai thác cát trong vụ việc là đúng nhưng cũng thừa nhận việc tận thu cát đã gây ra sự cố môi trường.
Tờ báo viết: "Tại buổi đối thoại với dân, đồng chí Cao Khoa- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, chủ trương nạo vét, thông luồng, kết hợp tận thu cát nhiễm mặn (để xuất khẩu) là chủ trương đúng, tuy nhiên trong quá trình khai thác đã xảy ra tình trạng sạt lở Cửa Đại và bồi lấp sông Phú Thọ nên đã gây bức xúc trong nhân dân."
Ông Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo tỉnh tiếp xúc với hàng ngàn người dân
"Lãnh đạo tỉnh không bao giờ làm những gì đi ngược với quyền lợi của nhân dân, cũng như không thờ ơ trước những bức xúc của nhân dân. Vì vậy, sau khi xảy ra tình trạng sạt lở và bồi lấp, UBND tỉnh đã quyết định tạm ngừng ngay dự án và tổ chức cho nạo vét, thông luồng cửa sông bị bồi lấp, nhằm tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân ra vào."
Trong khi đó, báo điện tử VnExpress viết "hầu hết người dân" thừa nhận việc bắt giữ các công nhân của công ty Trường Phát Lộc, một trong hai doanh nghiệp tận thu cát ở đại phương, và ngăn chặn, chia cắt giao thông trên quốc lộ 1A là "sai trái", nhưng đồng thời giải thích động cơ của người dân như không còn phương thức nào khác.
Tờ báo viết: "Song, họ cho rằng chỉ 'làm liều' như vậy thì tỉnh mới sớm thông luồng lạch cửa biển, xây kè bảo vệ bờ biển chống sạt lở bảo đảm cuộc sống an toàn, ổn định cho dân."
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra xung đột giữa chính quyền, các doanh nghiệp được chính quyền cho phép với người dân về vấn đề môi trường trong quá trình kinh doanh, sản xuất và khai thác.
Tuy nhiên, vụ việc gây chú ý khi hàng ngàn người dân đã xuống đường phản đối và có các hành động được cho là quyết liệt như bắt giữ người của cơ sở kinh doanh sản xuất trong xung đột và chủ động chia cắt, ngăn chặn giao thông trên tuyến đường huyết mạch quốc gia.
Được biết, trong vụ việc ở Quảng Ngãi, hai công ty Ngọc Việt và Trường Phát Lộc có giấy phép hoạt động của tỉnh, đã bị người dân địa phương cáo buộc cố tình "tận thu cát" gây sạt lở nhà cửa và hồ nuôi tôm của người dân địa phương, gây tắc luồng lạch ra khơi và giao thông đường biển, đường thủy trên địa bàn.
Cát nhiễm mặn được khai thác tại Cửa Đại và khu vực mà người dân phản đối doanh nghiệp, theo truyền thông Việt Nam, đã được khai thác từ đầu tháng Bảy tới nay và đã xuất khẩu được khoảng từ 1 tới 3 triệu mét khối.

Không có nhận xét nào: