Pages

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Huyện Đắk Tô gây khó khăn cho học sinh dân tộc đến trường



VRNs (16.10.2013) – Kontum - Nhà cầm quyền huyện Đắk Tô ngăn cản và bắt dừng công trình xây dựng nhà nội trú cho các em dân tộc vùng xâu vùng xa do cha Bênêđictô Nguyễn Văn Bình quản lý, thuộc Giáo phận Kontum.
Ban đêm, công an xã đến đe dọa, hạch sách các em học sinh và không cho các em ở trong nhà nội trú. Công an nói rằng, nếu các em còn ở trong nhà nội trú sẽ bị đuổi ra khỏi nhà và cho các em nghỉ học.


Nhà cầm quyền Huyện Đắk Tô xen quá nhiều vào công việc nội bộ của tôn giáo
Tháng 7.2012, Giáo phận Kotum mua thửa đất nông nghiệp hơn 1.200 m2 từ một người dân thuộc huyện Đắk Tô, tỉnh Kontum.
“Vào tháng 11.2012, một giáo dân thân cận của tôi đứng tên và khởi công xây dựng nhà nội trú cho các em dân tộc với diện tích đất thổ cư nhà cầm quyền cho phép là 120 m2 nhưng do nhà nội trú cần phần đất rộng hơn nên tôi đã nới rộng thêm diện tích đất thổ cư phù hợp với nhu cầu xây cất là 275 m2 (trên 1.200 m2 đất). Đến trung tuần tháng 7.2013, công trình đang xây dựng được một nửa thì nhà cầm quyền huyện Đắk Tô biết ngôi nhà này của ông cha nên họ đã gây khó khăn và bắt tạm dừng thi công”. Cha Bênêdictô Nguyễn Văn Bình, cha Sở giáo xứ Đắk Tô, thuộc thị trấn Đắk Tô kể.
Ngay sau đó, phòng nội vụ huyện Đắk Tô mời cha Bình lên làm việc và nhà cầm quyền lập rất nhiều biên bản cũng như giấy cam kết.
Cha Bình kể tiếp: “Trong buổi nói chuyện với nhà cầm quyền huyện Đắk Tô có ông Chủ tịch, ông Phó Chủ tịch và 10 công an viên với tôi cùng nói chuyện xoay quanh những vấn đề sau: Thứ nhất, tôi đã không xin phép nhà cầm quyền trước khi xây dựng nhà nội trú và họ phạt tôi 12,5 triệu đồng. Kế tiếp, theo quy định của nhà cầm quyền, tôi chỉ được xây dựng 125 m2 đất thổ cư nhưng do nhà nội trú cần phần đất rộng hơn nên tôi đã nới rộng thêm diện tích đất thổ cư phù hợp với nhu cầu xây cất là 275 m2. Do đó, tôi xây cất dư 150 m2 so với quy định nên họ phạt hành chánh tôi 350.000 VNĐ. Tôi đồng ý và chấp nhận đóng tiền phạt”.
Cha Bình nhận định: “Bất cứ công việc gì có liên quan đến ông cha bà sơ thì luôn bị nhà cầm quyền hạch sách và cấm đoán”. Nhà dân, nhà cán bộ xây to chẳng giấy tờ cũng chẳng sao.
Cha Bình nói tiếp: “Thứ hai, họ nói nhà nội trú không đảm bảo an toàn thực phẩm cho các em. Tôi trả lời họ rằng, không có cha mẹ nào bỏ thuốc độc vào thức ăn hoặc chế biến thức ăn không sạch cho con cái của mình.
Thứ ba, họ cho rằng nhà nội trú không đủ tiêu chuẩn về y tế cho các em. Tôi nói với họ, nhà nội trú của chúng tôi gần bệnh viện nên chúng tôi có chuyện gì thì quý vị càng phải giúp và cùng lo cho chúng tôi về việc bảo vệ sức khỏe cho các em.
Thứ tư, họ nói nhà nước đã có chính sách cho người dân tộc đi học nên tôi không phải lo. Nhưng tôi không đồng tình và phản hồi lại, chính sách nhà nước đã có từ lâu nhưng bao nhiêu năm nay các em đều bỏ học cũng vì không có điều kiện đến trường. Giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội, do đó chúng tôi phải cộng tác với xã hội trong việc giáo dục các em. Nhà cầm quyền không cho là quyền của họ nhưng họ không thể ép buộc chúng tôi chấp dứt chăm lo giáo dục cho các em.
Thứ năm, nhà cầm quyền bắt tôi viết giấy cam kết và chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn cho các em mỗi khi các em ra khỏi nhà nội trú. Tôi hỏi lại ông Phó chủ tịch xã, ông có bao giờ muốn con ông gặp sự cố khi đang đi trên đường không? Nếu con ông đang ở ngoài đường bị tai nạn thì họ có quy kết cha mẹ không biết chăm sóc con cái không?… Cha mẹ nào cũng muốn tốt cho con cái cả và các ông cha, bà sơ cũng thế”.
 04
Ban đêm, 5 công an xã Đắk Tô đến nhà nội vụ đe dọa và hạch sách các em
Cha Bình kể tiếp: “Sau đó 1 tuần, ban đêm, 5 công an viên đến kiểm tra nhà nội trú, hạch hỏi các em nhiều điều khiến các em hoang mang lo sợ. Lúc ấy, công an đã cầm điện thoại của chị vú nuôi trong nhà nội trú để chị ấy không được liên lạc với tôi, vì tôi đang ở nhà xứ cách đó khoảng 10 cây số. Công an yêu cầu các em không được ở nhà nội trú và phải đi về nhà hết.”
Em Y Thúy, học lớp 10 nhớ lại: “Hôm đó có khoảng 5 người công an. Công an nói ở đây không có ai làm chủ căn nhà này nên không cho chúng em ở đây. Nếu chúng em còn ở đây, các chú công an sẽ đuổi chúng em đi. Các chú công an rất dữ và la mắng chúng em. Nếu các chú công an không cho chúng em ở đây thì chúng em sẽ bỏ học, tại vì các chú công an đuổi chúng em đi. Các chú công an không cho chúng em ở [nhà nội trú] nữa thì chúng em sẽ nghỉ học vì chúng em không có chỗ ở”.
Chị vú nuôi tên Y Thuận kể: “Hôm đó, có 5 người công an đến. Có một chú công an người đầy mùi rượu đến đây. Họ hỏi chị là tại sao chị lại xuống đây nấu cơm?… Công an hỏi ở đây đóng bao nhiêu tiền một tháng? Chị nói cha không lấy tiền. Chị gọi ông Bình là gì? Chị nói là cha Bình nhưng họ bảo là không được gọi là cha Bình mà phải gọi là ông Bình. Công an nói, chị và các em không được ở đây. Chị không sợ công an đâu vì chị có Chúa rồi”.
Cha Bình cho biết: “Các em trong nhà nội trú kể cho tôi biết, khi công an khám xét nhà họ hỏi các em trong nhà có sách kinh không, có hát về đạo không, có lễ không, có cầu nguyện không. Trong 1 tuần công an đến kiểm tra tạm trú tạm vắng 3 lần và đe dọa các em nhà nội vụ. Công an đến quay phim và chụp hình các em ở trong nhà nội trú”.
Hôm sau, cha Bình gọi điện thoại và hẹn gặp nhà cầm quyền huyện Đắk Tô để đối chất về việc nhà cầm quyền đã đe dọa và sách nhiễu các em trong nhà nội trú. Cha Bình nói: “Tôi gặp nhà cầm quyền huyện Đắk Tô và nói với họ rằng các em ở nhà nội trú đã được đăng ký tạm trú tạm vắng, các em là học sinh chứ không phải là những người xấu nên quý vị không được phép đuổi, đe dọa và hạch sách các em. Nhà nội trú thuộc trách nhiệm của tôi, nếu quý vị cần gì thì quý vị cứ liên lạc trực tiếp với tôi”.
Trong buổi làm việc này, nhà cầm quyền luôn yêu cầu cha Bình viết giấy cam kết với nội dung không được “chứa chấp” bất cứ một cái gì. Nhưng cha Bình không đồng ý.

Nhà trường và thầy cô giáo hạch sách các em trong nhà nội trú về đời sống tâm linh
Có 3 em trong nhà nội trú học lớp 6 bị nhà trường và thầy cô uy hiếp không cho các em đến trường nếu các em còn ở trong nhà nội trú của cha Bình. Khi phụ huynh các em hỏi thầy cô lý do tại sao thì thầy cô chỉ nói rằng đó là lệnh của cấp trên và cấp trên ra lệnh cho nhà trường không được tiếp nhận các em học sinh này. Điều này, khiến các em rất hoang mang và sợ hãi.
Về phía phụ huynh, họ muốn cho con em của họ ở nhà nội trú của cha Bình hơn so với ở nội trú của nhà nước. Một em trong nhà nội trú dứt khoát nói: “Em không muốn ở nhà nội trú của nhà nước. Em chỉ muốn ở nhà nội trú của cha Bình. Thà em nghỉ học chứ em không muốn ở nội trú của nhà nước.”
Cha Bình cho biết: “Nếu các em ở nhà nội trú của nhà nước thì mỗi tháng mỗi em phải đóng 300.000 VNĐ và 17 ký gạo. Đây là một số tiền lớn đối với một gia đình người dân tộc. Nhiều em không có tiền để đóng nên đã bỏ học”.
Cha Bình cho hay: “Ở trường, thầy cô nói ông phố trưởng báo là các em ở nhà nội trú đã hát và đọc kinh. Cô giáo hỏi, tại sao các em lại làm như vậy? Nhưng các em không biết trả lời thế nào vì người dân tộc rất hồn nhiên. Tôi dặn các em cứ trả lời thế này: ‘Chúng con đến trường là đi học. Còn chuyện đọc kinh và cầu nguyện thì ở đâu chúng con cũng có thể đọc kinh và cầu nguyện được hết. Trước khi làm việc gì hay sau khi làm việc gì, chúng con đều Tạ ơn Chúa và xin Chúa soi sáng cho việc học và việc làm của chúng con’.”
Qua sự việc trên, cha Bình nhận xét: “Biết bao nhiêu người xây nhà cho thuê phòng trọ nhưng nhà cầm quyền không nói gì. Còn ông cha, bà sơ xây nhà nội trú cho các em dân tộc vùng sâu vùng xa để các em có chỗ nương thân học hành thì lại gây khó dễ cho các ông cha, bà sơ. Đây là những cách hành xử đi ngược lại với xu thế của con người và của xã hội. Đến giờ này, đời sống niềm tin tôn giáo của những người dân tộc ở vùng sâu vùng xa bị đàn áp, áp bức và phân biệt rất nhiều. Gia đình các cháu đã nghèo và khó khăn nên Giáo hội chúng tôi cũng như những người thiện chí đã làm hết sức có thể để gia đình các cháu cũng như các cháu được sống đúng phẩm giá làm người và sống tốt để phục vụ cho mọi người. Một điều tốt đẹp như vậy mà bị nhà cầm quyền ngăn cản. Thật đau xót! Con người với nhau thì phải sống tốt với nhau chứ!”.
Cha Bình – Vị mục tử nhiệt tâm với người nghèo đặc biệt là những người dân tộc sống ở vùng xâu vùng xa. Cha chia sẻ: “Tôi yêu mến miền đất và yêu con người ở nơi mà Đức cha sai tôi tới phục vụ và anh chị em dân tộc là những người bị thiệt thòi rất nhiều. Nếu sự lên tiếng của tôi giúp một phần nhỏ cho anh chị em người dân tộc nơi tôi phục vụ thì tôi chấp nhận thiệt thòi hoặc chết vì họ cũng không thành vấn đề gì”.
Về nhà nội trú, Cha Bình nói: “Chúng tôi tiếp nhận các em dân tộc vùng sâu vùng xa bất kể lương giáo không có điều kiện đi học, ăn uống, nơi ở… Hiện nay, nhà nội trú có 32 em nữ và 6 em nam dân tộc thuộc nhiều sắc tộc khác nhau. Ở đây, có hai cô người Xê Đăng lo các em về việc ăn uống, học hành. Hàng tuần, cha đều đến gặp, ăn cơm trưa và nhắc nhở các cháu”.
Em Y Thúy, học lớp 10 hớn hở nói: “Em ở đây rất vui vì có nhiều bạn ở cùng và chơi với em. Các bạn sống rất hòa đồng và vui”.
Cha Bình mong ước: “Trong tương lai, tôi rất muốn các sơ, các thầy, cũng như các thầy cô giáo dạy học cho các em”.
05
Hiện nay, nhà nội trú có 1 phòng học lớn có kệ sách và một số sách giáo khoa cho các em. 5 phòng ngủ (4 phòng của nữ và 1 phòng của nam) và có tất cả 52 giường ngủ cho các em. Có 1 nhà bếp và 1 nhà ăn. Có 2 dãy vệ sinh dành riêng cho nam và nữ.
“Trong những ngày đầu của tháng 10.2013, hơn 50 em người dân tộc nữ thuộc nhà nội trú của các các sơ Dòng Chúa Quan Phòng, huyện Đắk Hà đã bị nhà cầm quyền Đắk Hà đuổi hết không cho các em ở nữa. Nhà cầm quyền cho rằng, nhà nội trú của các sơ hoạt động vi phạm pháp luật. Nhà nội trú của các sơ hoạt động được gần 8 năm nay”, Cha Bình cho hay.
Cha Bình cho biết thêm: “Năm nay, các em học sinh cấp 1, cấp 2 người dân tộc phải đóng tiền đi học. Mấy năm trước, các em không phải đóng tiền đi học và còn được hỗ trợ mấy cuốn vở đi học”.
Một phụ huynh người Xê Đăng, thuộc giáo xứ Đắk Tô khẳng định: “Tôi đóng tiền cho đứa cấp 1 hơn 200.000 VNĐ/ 1 năm”.
Huyện Đắk Tô, thuộc tỉnh Kontum phía tây giáp huyện Ngọc Hồi, phía nam giáp huyện Sa Thầy, phía đông giáp huyện Đắk Hà, phía bắc giáp huyện Tu Mơ Rông. Huyện Đắk Tô nằm trên đường Quốc lộ 14, chạy xuyên qua huyện theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, từ huyện Ngọc Hồi tới huyện Đắk Hà.
Thông tấn xã Việt Nam cho biết hôm 19.09 vừa qua, khi sang Vatican gặp Bộ ngoại giao Tòa thánh, phái đoàn Ban tôn giáo chính phủ Việt Nam đã nói: “Chính phủ Việt Nam cam kết luôn hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ các tổ chức tôn giáo, đồng thời bày tỏ mong muốn giáo dân Việt Nam tích cực tham gia xây dựng đất nước, đóng góp bằng những hành động cụ thể cho lợi ích chung của xã hội, sống tốt đời đẹp đạo, thực hiện tốt huấn từ của Đức Giáo hoàng Benedict XVI đối với người Công giáo rằng “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.
Liêu những gì đang diễn ra ở huyện Đắk Tô, tỉnh Kontum có đi ngược lại với “cam kết” này không?
Huyền Trang, VRNs

Không có nhận xét nào: