Pages

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Ngoại giao đi xuống, Bộ trưởng lên Phó Thủ tướng


Thư ngỏ gửi các vị đại biểu Quốc hội: 

Những trò lố của ngành ngoại giao hay là chiếc ghế Phó Thủ tướng! 
Ngoại giao đi xuống, Bộ trưởng lên Phó Thủ tướng! 

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, những ngày gần đây, dư luận cả nước xôn xao về việc ôngPhạm Bình Minh - Bộ trưởng Ngoại giao được Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn kiêm nhiệm chức danh Phó Thủ tướng. Sẽ chẳng có gì đáng bàn, đáng buồn nếu không vì ngành ngoại giao đang tuột dốc không phanh mà lại bổ nhiệm người đứng đầu kiêm nhiệm Phó Thủ tướng - Vị trí dự kiến sẽ có chân trong Bộ Chính trị để xây dựng những quyết sách ngoại giao vô cùng lớn lao cho nước nhà. Đáng tiếc thay, vị trí đặc biệt quan trọng đó lại rất có thể rơi vào tay của một vị Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm bất tài, vô dụng và vô cùng đớn hèn!

Hãy cùng chúng tôi điểm qua những vết nhơ đen tối trong lịch sử ngoại giao hiện đại được “xác lập” chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm kể từ khi ông Phạm Bình Minh lên nắm quyền ngoại giao.

2011: Đối ngoại đa phương nhưng không đối thoại với nhân dân!

Đó chính là sự khinh suất của Bộ Ngoại giao khi không đối thoại với 18 nhân sỹ trí thức hàng đầu của Việt Nam đã ký tên vào bản kiến nghị yêu cầu Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc - một quyền cơ bản của công dân. Điều này chứng tỏ Bộ Ngoại giao không hiểu tinh thần yêu nước sục sôi của người dân, không hiểu động lực của thế giới ngày nay và không tính hết hậu quả tai hại mọi mặt do quyết định sai lầm ấy gây ra!

Hành động của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đúng là việc làm không quang minh chính đại, đáng chê trách.

Thứ nhất, chứng tỏ Bộ Ngoại giao thiếu bộ phận nghiên cứu dư luận trong nước đối với ngoại giao. Quý vị cần ý thức rõ về vai trò của xã hội dân sự, của truyền thông đại chúng trong tiến trình hoạch định chính sách. Không chỉ là bức xúc của 18 nhân sỹ trí thức hàng đầu, việc Trung Quốc ra “tối hậu thư” cho Việt Nam qua đặc phái viên Hồ Xuân Sơn đã gây ra nỗi uất hận cho cả dân tộc. Vì vậy, Bộ Ngoại giao không thể đối xử một cách khinh suất như thế đối với tinh thần yêu nước của dân ta! Chỉ một công dân bình thường yêu cầu, quý vị cũng cần mời người dân đó đến để đối thoại bình đẳng!

Thứ hai, chứng tỏ Bộ Ngoại giao chưa nhận thức được một trong những động lực trong nền chính trị thế giới ngày nay là vấn đề dân chủ và nhân quyền. Nói một cách dễ hiểu: quyền thông tin của cá nhân người dân cần được tôn trọng và được bảo đảm một cách đầy đủ. Được tháp tùng các lãnh đạo của ta ra nước ngoài cũng như phục vụ các cuộc đón tiếp lãnh đạo các nước sang ta, có lúc nào quý vị xót xa cho độc giả nước nhà chỉ được thông tin về các sự kiện đó một cách nghèo nàn qua các tường trình chính thống? Phần lớn các báo đi theo cũng chỉ đưa lại theo bản tin mẫu!

Thứ ba, chứng tỏ Bộ Ngoại giao không tiên liệu được hậu quả đối nội và đối ngoại do quyết định khinh suất này. Nhân dân tiếp tục bức xúc trước “tối hậu thư” của Trung Quốc. Quý vị đã không tạo điều kiện để nhân dân đồng hành với quý vị trên chặng đường gian nan sắp tới. Quý vị nên nhớ rằng, Trung Quốc chỉ sợ dư luận thế giới, chỉ ngán tinh thần yêu nước của dân ta, Trung Quốc không sợ quý vị! Hành động như vừa qua, trên thực tế, quý vị đang giúp Trung Quốc giữ “mặt nạ” của họ, không để nó rơi xuống! Về đối ngoại, ASEAN và thế giới lại thêm một lần hụt hẫng. Một khi đại họa xảy ra, bàn tay nào sẽ đưa ra cho Việt Nam?

Thật đáng tiếc! Đường lối đối ngoại rộng mở nhưng Bộ Ngoại giao lại đóng kín cánh cửa với chính người dân của mình!

2012: Năm đại bại của ngành ngoại giao Việt Nam!

Đầu tiên phải kể đến thất bại của ngành ngoại giao khi để mất kiểm soát, không thu xếp được chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Brasil. Chính xác hơn, đến phút chót Brasil thông báo hủy không tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Một việc chưa từng thấy trong hàng chục thế kỷ của lịch sử đất nước, kể cả thời đại nô lệ phong kiến cũng không bị đối xử như vậy! Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của Tổng Bí thư mà còn làm xấu mặt Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiếp đến là chúng ta đã để mất những người bạn trung thành, thân thiết nhất đó chính là Lào và Campuchia.

Với Campuchia, họ đã không còn chân thành và ủng hộ Việt Nam nữa. Điển hình là thất bại lịch sử đầu tiên trong 45 năm tồn tại của khối ASEAN. Cuộc họp Bộ Trưởng ngoại giao các nước ASEAN họp tại PhnomPenh, Campuchia đã đổ vỡ trong việc tìm tiếng nói chung về Biển Đông. Nội bộ ASEAN không thống nhất được Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) và không ra được tuyên bố chung. Một số ý kiến phát biểu quy trách nhiệm sự thất bại này do Campuchia bị Trung Quốc mua chuộc và trở thành tác nhân phá hoại mọi nỗ lực thống nhất ASEAN về vấn đề Biển Đông. Campuchia là Chủ tịch luân phiên ASEAN đồng thời là nước chủ nhà cuộc họp này.

Với vai trò là đầu tàu và ngày một có vị thế trong ASEAN, vừa là nước có tranh chấp chủ quyền phần lớn trên Biển Đông, vừa là một trong ít nước bạn thân thiết nhất của Campuchia, chua xót thay, người bạn trung thành bao năm đã quay mặt lại với chúng ta! Có thể nói thất bại nặng nề này của ngành ngoại giao không chỉ ở vị thế của Việt Nam tại ASEAN bị suy giảm nghiêm trọng mà hình ảnh của ta trong mắt bạn bè quốc tế bị “phân vân” về một Việt Nam “đáng để chơi” nhưng sao lại để “bạn thân” trở mặt.

Ông Bộ trưởng Phạm Bình Minh lần này đến PhnomPenh không nhận được sự tiếp đón trọng thị của Campuchia vốn dành cho quan chức Việt Nam. Không những thế, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia còn công khai ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông. Xem ra, nguy cơ Trung Quốc bắt tay với Campuchia kẻ đánh đầu, đứa đập đuôi Việt Nam đang hiển hiện. Liệu lịch sử một lần nữa có lặp lại việc Đặng Tiểu Bình và PolPot cùng ôm vai bá cổ làm đồng minh đánh Việt Nam như khi xưa?

Với Lào, người bạn láng giềng trí cốt hàng chục năm qua đã nhiều lần phớt lờ những đề nghị của Việt Nam mà tiếp tục xây đập Xayaburi ở đầu hạ nguồn sông Mê Kông bất chấp những mối nguy hiểm và ảnh hưởng vô cùng nặng nề luôn rình rập người anh em ở cuối hạ nguồn - Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở đó, Lào còn tiếp tục cho xây dựng nhà máy thủy điện thứ 2 có tên là Don Sahong mà không đoái hoài gì đến Việt Nam - nước sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề. Ngành ngoại giao đang ru ngủ người dân 2 nước Việt Nam - Lào bằng mối quan hệ đặc biệt, mà không biết hoặc cố tình lờ đi rằng nội bộ Lãnh đạo Lào đã thay đổi thế nào khi có Trung Quốc tiếp sức. Điều đó, chứng tỏ Việt Nam không là gì trong mối quan hệ với Lào! Còn đâu nữa tình anh em, Việt Nam ơi mãi ru ngủ nữa đi!

Ngành ngoại giao luôn tự đánh bóng mình bằng ngoại giao đa phương, nhưng ngay với những người bạn, người anh em thực sự hằng bao đời nay như Lào và Campuchia thì lại để mất chỉ trong chốc lát. Thay vào đó thì luôn tự nhận anh em láng giềng hữu hảo với kẻ thù truyền kiếp đến nay vẫn luôn rình rập “săn mồi” - Trung Quốc. Vậy sẽ còn ai tin vào một Việt Nam đi ngoại giao đa phương với phương châm: Mong muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Khi mà những người bạn thân còn chẳng muốn làm bạn với “ông” thì ai thèm làm bạn với “ông” đây?!

2013: Đớn hèn và nhục nhã! Tột cùng hỗn láo với dân tộc Việt Nam và Đại tướng Võ Nguyên Giáp!

Ngay khi cả nước còn đang chìm trong tang thương của ngày Quốc tang thứ 2, ngay khi chiếc xe cuối cùng rước linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa khuất bóng khỏi nội thành Thủ đô, loa phường tại nhiều địa bàn trọng điểm Hà Nội đã ra rả yêu cầu các hộ gia đình khẩn trương hạ cờ rủ. Các công sở nhanh chóng đồng loạt trút bỏ quốc kỳ băng đen khi linh cữu Đại tướng chưa ra khỏi địa bàn Thủ đô. Công an và cán bộ cơ sở đi từng nhà yêu cầu mọi người dân triệt để chấp hành lệnh của UBND Thành phố. Nhân dân vô cùng ngỡ ngàng tưởng đã có một cuộc lật đổ chính quyền vừa xảy ra tại Thủ đô. Nhiều cụ già, nhiều cựu chiến binh cự lại thì bị đe dọa cưỡng chế. “Chúng ta đang để tang cụ Đại tướng theo nghi thức Quốc tang cơ mà. Phải để chúng tôi khóc Đại tướng tới lúc an táng Người xong cho trọn đạo. Các anh còn có lương tâm con người hay không?”

Tất cả bắt nguồn từ một công văn hỏa tốc của Bộ Ngoại giao chỉ đạo Hà Nội hạ cờ rủ để đón đoàn Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sang thăm Việt Nam – “Một người bạn, người anh, người láng giềng hữu hảo”!

Trong lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam, chưa có một Quốc tang nào bị “xén” kiểu như vậy. Hành động vô lương tâm và đớn hèn này của Bộ Ngoại không còn là sự hỗn láo đơn thuần, mà nguy hiểm hơn, là sự thách thức nghiêm trọng ý chí độc lập, lòng tự trọng của dân tộc và nhân dân Việt Nam, thách thức chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam trong giờ phút đau thương, ngặt nghèo nhất.

Tôi đã nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của những nhà báo chân chính, đã phải câm nín làm nhiệm vụ của mình trong suốt tuần lễ để tang Đại tướng, nhưng không thể nhịn nổi khi thấy hình ảnh ông tổ trưởng dân phố vừa đi từng nhà vừa khóc xin mọi người thu cờ rủ lại! Đau xót thay!

Phản bội ngành, phản bội cha vì ham muốn danh vọng tầm thường!

Điểm mặt những vết nhơ trong ngành ngoại giao nêu trên, có thể thấy, ông Phạm Bình Minh người đứng đầu Bộ Ngoại giao đã phản bội lại ngành, phản bội con đường ngoại giao đúng đắn đã được khẳng định từ lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi đường chỉ lối: Dùng nhu khắc cương - dĩ bất biến ứng vạn biến. Lực và sức mạnh "cứng" của chúng ta còn yếu, khỏi phải phân tích nguyên nhân và nguồn gốc! Hãy tạo thêm thế và sức mạnh "mềm" để ứng phó với cả bá quyền "cứng" lẫn bá quyền "mềm" của đối tác và đối tượng! Sức mạnh này lấy từ đâu? Lấy từ thời thế! Đây chính là nội hàm mới của bài học "kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại", bài học "xử lý đúng đắn quan hệ với các nước lớn, các nước làng giềng và khu vực".

Không chỉ có vậy, Phạm Bình Minh - Bộ trưởng Ngoại giao có còn nhớ cha ông, cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương) đã bị Trung Quốc ép buộc Việt Nam tại Đại hội VII loại ra khỏi Chính phủ như một “điều kiện bắt buộc” để Việt Nam có thể nối lại quan hệ ngoại giao với Trung Cộng năm 1991?

Sự căm ghét của Trung Quốc đối với cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, một người mà Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ của Hà Nội tại Bắc Kinh từ 1974 đến 1987 nhìn nhận là “một nhà ngoại giao yêu nước, đầy tài năng và rất cảnh giác với bành trướng, bá quyền Trung Quốc”, chẳng lẽ đã phai mờ trong trí nhớ người con Phạm Bình Minh? Không nhẽ người con “ưu tú” mà ông hằng mong mỏi hy vọng nối nghiệp ông, học tập và làm theo tấm gương ông nay đã vì ham muốn danh vọng tầm thường mà phản bội lại, cúi đầu bán rẻ người cha đáng kính, bán rẻ dân tộc Việt Nam?!

Quốc hội hãy thực sự công tâm vì con dân nước Việt!

Đất nước Việt Nam sẽ đi về đâu? Con cháu, dòng giống của các vị đại biểu Quốc hội đương nhiệm sẽ ra sao? Nếu để cho một kẻ táng tận lương tâm lãnh đạo ngành ngoại giao! Xin các vị hãy công tâm vì Tổ tiên, tiền bối hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước để lại cho con cháu đời đời với mong muốn độc lập, tự chủ, ấm no, hạnh phúc!

Vậy với việc giới thiệu ông Phạm Bình Minh lên làm Phó Thủ tướng lần này với mục đích gì? hay vì động cơ lợi ích nhóm, mà cố tình lờ đi sự sống còn của đất nước. Chứ vì sự phát triển của ngành ngoại giao thì không phải!

Tôi hoàn toàn đồng cảm và kêu gọi Quốc hội xem xét liệu ông Minh có gánh vác lĩnh vực, trách nhiệm đặc biệt quan trọng này của nước nhà hay không? Hay lại đưa ngành ngoại giao đi xuống?!

Xin thưa với các đại biểu Quốc hội, hơn ai hết, các vị hiểu và đánh giá đúng, mong muốn phải, rằng: trong số các Bộ trưởng đương nhiệm của Chính phủ còn nhiều người xứng đáng đề bạt lên Phó Thủ tướng hơn, vậy tại sao đất nước phải chọn ông Phạm Bình Minh? Thiếu tài, thiếu đức, thiếu tâm.. hay vì động cơ lợi ích nhóm, mà cố tình lờ đi sự sống còn của đất nước?!

Do vậy, vận mệnh của đất nước tới đây, hội nhập hay bang giao với thế giới được hay không, phụ thuộc hoàn toàn vào sự dũng cảm, trách nhiệm, lương tâm của các vị đại biểu Quốc hội. Hãy vì đất nước, tổ tiên, vì con cháu mai sau mà làm những việc đúng lương tâm để không hổ thẹn với con cháu đời đời!


Không có nhận xét nào: