Pages

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Phi - Mỹ hoá Thế giới?

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

000_Was7208112-305.jpg
Tòa nhà Quốc hội Mỹ, ảnh minh họa chụp hôm 21 tháng 1 năm 2013.
AFP
Giữa nạn ách tắc chính trị tại thủ đô Mỹ về ngân sách, Bắc Kinh có những lời phê phán hệ thống chính trị Hoa Kỳ và kêu gọi các nước xây dựng một thế giới “Phi - Mỹ hóa” và tìm ra một ngoại tệ dự trữ khác để thay thế Mỹ kim. Diễn đàn Kinh tế trao đổi với kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về tính khả thi của kịch bản này trong thực tế.

Trò chơi của chính trường

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Hôm Chủ Nhật 13 vừa qua, Tân Hoa Xã của Bắc Kinh đã có một bài xã luận với nội dung đả kích Hoa Kỳ và kêu gọi các nước xây dựng trật tự mới trong một thế giới "phi-Mỹ hóa". Tiếp theo, nhiều trí thức và học giả Trung Quốc cũng có những lời phê phán tương tự. Xin đề nghị ông phân tích chuyện này để thính giả của chúng ta cùng hiểu rõ chuyện thực hư nhìn từ giác độ thực tế của kinh tế.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Để quý thính giả nắm vững nội vụ, tôi xin được nói về bối cảnh chung của sự ách tắc hiện nay tại Mỹ trước khi phân tích quan điểm của một số giới chức Trung Quốc.
Sau khi giành lại nền độc lập và xây dựng quốc gia, thế hệ lập quốc của Hoa Kỳ, mà người dân gọi là Quốc phụ, đã có thể lên làm Hoàng Đế như nhiều nước Âu Châu thời đó để thiết lập một thể chế độc đảng hay ít ra một chính quyền mạnh. Họ không làm như vậy mà lại cố tình hạn chế khả năng can thiệp của chính quyền liên bang qua cơ chế tam quyền phân lập và giành khá nhiều quyền lực cho các tiểu bang và công dân của họ. Triết lý chính trị của Hoa Kỳ từ thời lập quốc nằm ở thực tế đó mà có khi nhiều nước Âu-Á về sau lại không hiểu.
Trung Quốc có thể nhân chuyện này mà đưa ra lập luận đả kích và kêu gọi việc hạ bệ nước Mỹ hay truất phế đồng Mỹ kim thì cũng chỉ là trò đùa.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Trong trận đấu về ngân sách hiện nay, tùy giác độ chính trị, các nhà bình luận đều hàng ngày phê phán đảng này hay đả kích đảng kia mà chẳng ai trong quần chúng lại kêu gọi chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp để Tổng thống hay ai đó có toàn quyền quyết định về ngân sách. Cũng từ tinh thần này mà trong một kỳ trước tôi nói ra lời nghịch nhĩ rằng vụ đấu đá chính trị hiện nay là một điều tốt vì khiến mọi người phải quan tâm đến chuyện quân bình ngân sách và quy luật có vay thì có trả chứ không thể tiêu xài bừa phứa. Cho nên, bên ngoài những đòn phép chính trị khá hấp dẫn hay kỳ cục của hai đảng và ba cơ chế là Hành pháp, Thượng viện và Hạ viện, chúng ta nên thấy ra toàn cảnh của trận đấu để không hiểu lầm.
Vũ Hoàng: Trở lại quan điểm của một số người tại Bắc Kinh, ông nghĩ sao về chuyện Phi-Mỹ hoá thế giới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ hiện mắc nợ nước ngoài khoảng năm ngàn tỷ đô la, trong đó hai chủ nợ hàng đầu là Trung Quốc với gần một ngàn 300 tỷ và Nhật Bản với hơn một ngàn 100 tỷ. Trận đấu về ngân sách Mỹ có thể làm các khoản nợ này mất giá nên nếu các chủ nợ có phàn nàn thì cũng là điều dễ hiểu. Nhưng thực tế thì chẳng có ai hốt hoảng mà bán tháo hoặc phân lời của công khố phiếu chả Hoa Kỳ tăng vọt và gây ra chấn động lớn trên thế giới. Tôi còn trộm nghĩ rằng thị trường hiểu ra trò chơi của chính trường Mỹ từ nhiều năm nay, chứ không có phản ứng rồ dại làm nhiều người mất tiền oan. Còn lại, Trung Quốc có thể nhân chuyện này mà đưa ra lập luận đả kích và kêu gọi việc hạ bệ nước Mỹ hay truất phế đồng Mỹ kim thì cũng chỉ là trò đùa.
Vũ Hoàng: Nghĩa là ông không tin vào tính chất khả thi của chuyện Phi-Mỹ hóa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin đi vào thực tế của thị trường để ta thấy ra vấn đề.
Hoa Kỳ có sức tiêu thụ rất cao nhưng 88% số tiêu thụ là hàng hóa và dịch vụ nội địa, chỉ có 12% là nhập khẩu. Vậy mà số nhập khẩu 12% đó đã tạo cơ hội làm ăn cho các nước trên thế giới và đóng góp vào sự tăng trưởng toàn cầu. Hoa Kỳ thường bị nhập siêu là mua nhiều hơn bán nên các nước bán hàng cho Mỹ thu được một lượng Mỹ kim rất lớn để hoặc mua bán với nhau hoặc lại đầu tư vào Mỹ, hay là cho Mỹ vay tiền để tiếp tục mua hàng của họ. Thực tế đó khiến Mỹ kim được dùng làm phương tiện của 87% luồng giao dịch ngoại tệ trên thế giới tính đến Tháng Chín vừa qua. Nghịch lý ở đây là cán cân thương mại Mỹ càng bị thâm hụt thì tiền Mỹ càng là khí cụ giao hoán phổ biến cho thế giới, và nhờ kích thước sâu và rộng của thị trường tài chính Mỹ, đô la mới là ngoại tệ dự trữ được sử dụng nhiều nhất.
000_Hkg3450821.jpg-250.jpg
Tiền Đô la Mỹ và đồng Nhân Dân Tệ của TQ. AFP photo
Khi Bắc Kinh nói đến một thế giới Phi-Mỹ hóa và đòi truất phế tiền Mỹ để ai đó lập ra một loại ngoại tệ dự trữ khác thì họ chỉ nói cho thần dân u mê ở nhà thấy ra tư thế rất cao của lãnh đạo chứ về thực tế thì đấy là điều bất khả. Tôi xin đơn cử một thí dụ cụ thể về chuyện này.
Vũ Hoàng: Thưa ông, thí dụ đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Để kích thích kinh tế Hoa Kỳ, Tháng Chín năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo một đợt bơm tiền thứ ba, gọi là QE3, theo đó mỗi tháng họ sẽ mua vào 85 tỷ đô la trái phiếu, tức là đưa vào lưu hành một lượng tiền tương tự. Quyết định ấy khiến Mỹ kim sụt giá và các nước Á Châu buôn bán nhiều nhất với Hoa Kỳ đều than trời, rằng nước Mỹ mặc nhiên phá giá đồng bạc và gây ra một trận chiến ngoại hối. Chúng ta không nên quên chuyện đó.
Thế rồi, Tháng Năm vừa qua, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ nói là họ sẽ giảm dần chính sách bơm tiền thì đô la lên giá làm cả thế giới nhất là Á Châu lại la trời. Thế là làm sao? Là khi Mỹ kim lên hay xuống giá, có thể vì yêu cầu của nước Mỹ, thế giới đều bị ảnh hưởng và Ngân hàng Trung ương Mỹ thật sự là định chế tài chính toàn cầu. Nghe ra thì chướng tai, nhưng không phải Ngân hàng Trung ương Âu Châu, Nhật, Anh hay Trung Quốc hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế mà là Ngân hàng Trung ương Mỹ mới cầm chịch cho nhiều quyết định tiền tệ và kinh tế của thế giới.
Bây giờ tình hình sẽ lại đổi khác theo chiều hướng tái lập quân bình toàn cầu như chúng ta trình bày kỳ trước cho nên các nước nên lo chứ không nên mừng là đồng tiền Mỹ sẽ giảm dần sự hiện diện trong luồng giao dịch toàn cầu. Đấy là một nghịch lý mà nhiều nước chưa hiểu ra!

Tái cân bằng

Vũ Hoàng: Chúng tôi bắt đầu thấy vì sao ông đề cập đến chuyện tái cân bằng hay rebalancing như một lời cảnh báo từ tuần trước. Xin ông khai triển tiếp chuyện này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong ba chục năm liền nước Mỹ tiêu thụ nhiều hơn tiết kiệm và sức tiêu thụ đó góp phần tăng trưởng cho kinh tế thế giới. Cũng do sức tiêu thụ này mà Hoa Kỳ bị nhập siêu và mức khiếm hụt của cán cân thương mại lại là số thặng dư của cán cân vãng lai và giúp cho các nước Châu Á có một lượng đô la rất lớn để thanh toán việc mua bán của họ. Thí dụ như Trung Quốc mua hàng của Indonesia hay Việt Nam mua hàng của Nhật thì đều thanh toán bằng đô la. Thế rồi tình hình đang thay đổi và thay đổi rất mạnh.
Vũ Hoàng: Xin ông nói rõ về những thay đổi này để thính giả của chúng ta nhìn ra toàn cảnh.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thứ nhất, tư nhân và doanh nghiệp Mỹ đang ra sức tiết kiệm vì vậy mới có phản ứng gay gắt về việc chính quyền cứ tăng chi rồi lại đi vay. Thứ hai là nỗ lực tiết kiệm đó làm hạ mức nhập khẩu và giảm dần thiếu hụt mậu dịch. Thứ ba, cuộc cách mạng về công nghệ năng lượng từ mấy năm nay tạo ra đột biến là Mỹ trở thành nước sản xuất và xuất khẩu năng lượng nhất nhì thế giới và giá thành sản xuất tại Mỹ giảm mạnh. Thứ tư, trong khi giới chính trị còn cãi vã từ năm năm nay về chính sách này nọ, các doanh nghiệp Mỹ đã cải tiến năng suất và có nhiều bước đột phá để phát triển khu vực chế biến èo uột ngày xưa với sức bật mới và kỹ thuật mới. Thứ năm, doanh nghiệp Mỹ bớt đầu tư ra ngoài để tìm lợi thế nhân công rẻ của thiên hạ mà đem tiền về Mỹ để khai thác lợi thế của công nghệ mới, với chi phí năng lượng thấp hơn.
Trung Quốc có thể nhân chuyện này mà đưa ra lập luận đả kích và kêu gọi việc hạ bệ nước Mỹ hay truất phế đồng Mỹ kim thì cũng chỉ là trò đùa.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Hậu quả của ngần ấy thay đổi đã tái lập quân bình của cán cân mậu dịch, chấm dứt nạn nhập siêu và Hoa Kỳ sẽ đạt xuất siêu. Tức là lượng tiền nước Mỹ trao cho các nước sử dụng sẽ giảm, tiền Mỹ lên giá và khi ấy, ngoại tệ nào sẽ thay thế để là phương tiện giao hoán và dự trữ phổ biến nhất? Trong khi ấy, như chúng ta nhiều lần nhắc tới, Trung Quốc cũng đang phải chuyển hướng và hết còn khả năng xuất khẩu ào ạt như trước mà bắt đầu bị nhập siêu và còn bị nặng hơn nữa. Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi vài chục năm mới có một lần làm nhiều nước có thể bị lúng túng nếu không thay đổi tư duy, chiến lược và chính sách.
Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì đồng Mỹ kim có thể còn mạnh hơn trước mà khan hiếm hơn trước và việc Trung Quốc đòi tìm ra một ngoại tệ khác chỉ là một vấn đề giả tạo?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là chẳng có một định chế siêu quốc gia nào có thể phán bảo rằng đồng tiền xứ này hay xứ khác phải là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất. Tất cả đều xuất phát từ thực tế là sức mạnh kinh tế và luồng trao đổi an toàn với sức thanh khoản cao khiến 10 nội tệ đang là ngoại tệ quốc tế phổ biến. Theo thứ tự từ mạnh đến yếu, từ nhiều đến ít, là Mỹ kim, Euro, đồng Yen Nhật, đồng Anh kim, đồng Úc kim, Phật lăng Thụy Sĩ, đồng đô la Canada mà ta cũng gọi là Gia kim, đồng Peso của Mexico, đồng Nguyên của Trung Quốc và đồng đô la của New Zealand. Trung Quốc có cửa ngõ Hong Kong để mở tầm giao dịch của đồng bạc trong một khoảng thời gian ngắn ngủi có một chục năm nhưng chưa thể nào là một cường quốc lãnh đạo kinh tế thế giới với đồng tiền sẽ truất phế ưu thế của đồng Mỹ kim. Ngược lại, họ nên sợ là sẽ không thể chuyển hướng và tìm ra thế quân bình khác nếu không có sự hợp tác của Hoa Kỳ.
Vũ Hoàng: Chúng tôi có hai câu hỏi ở đây. Thứ nhất vì sao ông cho là Trung Quốc chưa thể là một cường quốc lãnh đạo kinh tế thế giới để đòi các nước cùng với mình xây dựng trật tự mới mà họ gọi là "Phi-Mỹ hóa" và thứ hai vì sao đồng bạc Trung Quốc chưa thể là ngoại tệ mạnh?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng muốn là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng thì phải có sức mạnh bên trong và bên ngoài.
Với bên ngoài, lợi thế của một công xưởng quốc tế nhờ nhân công rẻ của xứ này đã hết. Trung Quốc đang ra sức đầu tư vào những vùng hoang vu và thị trường rủi ro nhất Á, Phi và Mỹ châu La tinh để giải quyết tình trạng đói ăn khát dầu của họ. Thực tế thì họ rơi vào cảnh "trâu chậm uống nước đục" và là nghé con ưa húc bậy khi giao du với các chế độ hung đồ.
Với bên trong, Trung Quốc có lợi thế nhờ dân số đông và tiềm năng tiêu thụ mạnh, nhưng lợi thế ấy đã có từ nhiều thế kỷ mà vì sao họ không trở thành cường quốc kinh tế từ thế kỷ 19? Ngày nay, họ vẫn còn thiếu tư bản nếu tính theo đầu người, thiếu sáng kiến và tinh thần kinh doanh là vì hệ thống văn hóa chính trị, họ thiếu sự phối hợp hài hòa giữa thị trường và chính trường, giữa tư nhân và nhà nước, lại còn dùng chính sách đàn áp tài chính để trưng thu tiết kiệm của tư nhân để nuôi béo khu vực kinh tế nhà nước. Nói vắn tắt, lãnh đạo Trung Quốc không coi trọng kinh tế thị trường nên chưa thể là cường quốc có thể chi phối thị trường quốc tế và truất phế Hoa Kỳ.
Về chuyện ngoại tệ thì dù Bắc Kinh cố tạo ra cơ hội trao đổi cho đồng bạc khi 20% lượng hàng giao dịch của các nước đang phát triển là với Trung Quốc, nhưng đồng Nhân dân tệ thật ra vẫn còn rất tệ vì cả hệ thống kinh tế, tài chính và ngân hàng ở đằng sau lại quá yếu kém và bất ổn. Ngoài ra, lãnh đạo xứ này chưa dám lấy quyết định rủi ro về chính trị là thả dây neo cho đồng bạc chuyển động mạnh hơn theo quy luật thị trường. Chẳng ai muốn lưu trữ một đồng bạc có khả năng giao hoán thấp mà trị giá lại do một bộ máy thư lại nào đó ở Bắc Kinh quyết định.
Kết luận ở đây là Bắc Kinh có thể om xòm đả kích chứ vẫn phải hậm hực bước theo trật tự Hoa Kỳ và còn thầm mong là nước Mỹ sẽ giúp mình tái lập quân bình mà không bị động loạn.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa đã trả lời cuộc phỏng vấn này
.

Không có nhận xét nào: