Pages

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

“Ngâm hồ sơ nhà đất của dân”


Hoàng Thanh Trúc (Chinhluan) - Nên khuyến khích người dân mạnh dạn liên hệ tố cáo,khiếu nại và cơ quan chức năng trên cơ sở này phải thanh, kiểm, tra quyết liệt. Cách chức, bãi miễn hoặc chuyển công tác khác các cán bộ công chức thừa hành “lạm và lợi dụng” chức năng để mưu đồ “thu vén” thì mới bớt đi căn bệnh “trầm kha” giúp cho tiến độ cấp giấy nhà đất trong cả nước đạt yêu cầu của Quốc Hội

Không phân biệt giàu hay nghèo, ai có tài sản, nhất là bất động sản nhà, đất mà không muốn có một văn tự xác nhận đúng pháp luật mình là chủ sở hữu hay người sử dụng bất động sản đó. Điều này có lợi nhiều mặt, cho nhà nước thuận tiện quản lý, ngân sách có nguồn thuế và cho hộ nhân dân có điều kiện hợp pháp xây dựng mua bán cầm cố thế chấp xoay trở vốn liếng làm ăn, luân lưu đồng tiền để tác động mua bán qua lại với nhiều mặt hàng khác trong dòng chảy thị trường góp một phần hình thành tạo nên GDP (thu nhập người dân) ổn định cho toàn xã hội

Tuy nhiên có một bộ phận (chắc không ít ?) cán bộ công chức “đảng ta” từ hạ tầng (phường xã) – trung tần (quận huyện thị ) có nhiệm vụ liên quan đến việc cấp cái văn tự (sổ đỏ,hồng) này không muốn nghĩ đến tác dụng quan trọng cho nhà nước và xã hội từ cái giấy đó mà cố tình cấu kết vì quyền lợi nhóm với nhau “ ầu ơ ví dầu” không muốn chí công vô tư xem xét cấp phát sòng phẳng nhanh chóng cho người dân dù họ có trách nhiệm phải cần mẫn nhiệt tình trong công việc này bởi họ đang ăn lương từ những người đang có yêu cầu bức thiết về việc cấp phát văn tự ấy đã phải đóng thuế trả công hàng tháng cho họ .
Điển hình dưới đây là vài trường hợp trong “thiên hình vạn trạng” kiểu cách mà “sai nha công bộc” nhà đất cố tình vặn vẹo ngâm tôm hồ sơ để người dân phải sốt ruột “ói” tiền ra thông qua các “cò” hay “dịch vụ nhà đất tư nhân” nếu muốn thấy cái giấy “đỏ đỏ hồng hồng” gọi là GCN nhà đất kiểu XHCN :
9 năm chờ đợi chưa có Giấy Chủ Quyền !?
Chỉ là cư dân vùng ngoại thành TP/HCM Ông Nguyễn Tấn Khoa ở ấp 4, xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh, TP.HCM (nay thuộc P.Tân Tạo, Q.Bình Tân) xót xa bức xúc tường thuật :
Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở (gọi chung là giấy chứng nhận – GCN) có phát sinh một chi tiết nhỏ , nhưng UBND phường không hướng dẫn mà ngâm riết rồi trả hồ sơ về, nên đã chín năm chờ đợi vẫn chưa làm được GCN.
Ông Nguyễn Tấn Khoa trình bày sự việc với báo Tuổi Trẻ 3/10/2013 – Ảnh: M.Hoa
Ông kể : Năm 2002, tôi mua căn nhà ở ấp 4, xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh, TP.HCM (nay thuộc P.Tân Tạo, Q.Bình Tân), với diện tích ghi trong hợp đồng mua bán là 4m chiều ngang và 20m chiều dài. Tháng 4-2004, theo chủ trương của UB/Q.Bình Tân xem xét cấp GCN cho dân trên địa bàn toàn quận, tôi và bà con trong tổ dân phố đã làm hồ sơ xin cấp GCN. Khi nộp hồ sơ, không hiểu sao tôi lại không được cấp biên nhận (??) . Hai tháng sau, UBND phường Tân Tạo niêm yết danh sách các hộ đăng ký hồ sơ xin cấp GCN nhà ở, đất ở, trong đó có hộ nhà tôi.

Mãi đến sáu tháng sau (12-2004) phường mới cử người xuống đo đất . Kết quả cho thấy diện tích đất nhà tôi có thừa ra một ít so với trong các giấy tờ . Cán bộ phường yêu cầu giải thích, tôi nói từ lúc mua hiện trạng thực tế nhà đất đã như thế rồi, xác minh bốn bên tôi không có xâm phạm của ai . Sau đó tôi không được hướng dẫn gì thêm, chỉ có ông phó chủ tịch UBND phường nói miệng là “chờ” chủ trương chung ? Tôi tôi cam kết xin cấp đúng với diện tích trong hợp đồng là 4×20 m , chút ít thừa ra đó thì không công nhận cũng được ! vẫn đâu có gì sai trái ? Nhưng hồ sơ cứ “ngâm” tại Phường hơn một năm sau (tháng 7-2005), ông trưởng ban điều hành khu phố mang hồ sơ đến tận nhà tôi trả lại mà tôi không được giải thích là vì sao ?.

Đến đầu năm 2013, khi TP/HCM có chủ trương kiểm kê tiến độ hoàn thành việc cấp giấy chủ quyền cho người dân ở các quận huyện , ông tổ trưởng dân phố mang một biên bản “về việc không có nhu cầu làm GCN quyền sở hữu nhà ở”(??) xuống bảo tôi ký vào nhưng tôi không ký, vì thực tế gia đình tôi muốn được làm GCN nhưng phường trả hồ sơ và nói chờ chủ trương chung, mà gia đình tôi thì đang “chờ” như lời ông PCT/P. Tôi không rõ UBND phường làm như vậy có phải là chủ trương chung ?

Suốt chín năm qua, tôi không còn biết phải đi đâu, gặp ai để làm được giấy chứng nhận chủ quyền nhà. Thay vì hướng dẫn cụ thể cho người dân, UBND P.Tân Tạo lại “ngâm” hồ sơ tới hơn một năm rồi trả lại hồ sơ, sau đó không hướng dẫn gì, cuối cùng lại đề nghị tôi ký giấy biên bản là không có nhu cầu ? Dẫn tới việc nếu nay tôi làm hồ sơ xin cấp GCN thì tiền thuế sử dụng đất sẽ bị thu theo giá mới cao hơn nhiều lần so với 9 năm về trước trong khi nghĩa vụ thuế đất 9 năm liền tôi vẫn nộp đầy đủ, thiệt thòi này ai sẽ chịu trách nhiệm ? .
Sẽ xác minh lại hồ sơ !? .
Sau khi báo Tuổi Trẻ chuyển khiếu nại của ông Nguyễn Tấn Khoa đến UBND P.Tân Tạo, chiều 27/9/ 2013 – ông Khoa được mời đến UBND phường để được giải đáp thắc mắc.
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Văn Mến, cán bộ địa chính phường, nói: Vì sự việc đã diễn ra quá lâu, qua nhiều cán bộ địa chính và lãnh đạo phường xử lý, nên việc ai đúng ai sai tôi không dám nói. Nhưng nếu có sự việc như ông Khoa phản ảnh là phường không cấp biên nhận hồ sơ và không hướng dẫn, trả lời cụ thể cho ông bằng văn bản, rồi hơn một năm mới trả lại hồ sơ, chúng tôi xin nhận lỗi. Trong suốt thời gian từ đó đến nay, ông Khoa không lên phường xin hướng dẫn thêm nên các cán bộ mới cũng không nắm được tình hình này . Phường sẽ cử người xác minh lại. Về tiền sử dụng đất, nếu ông Khoa chưa đóng được thì có thể xin ghi nợ theo quy định để được cấp giấy.
Liên quan đến việc yêu cầu dân ký biên bản không có nhu cầu làm GCN” ông Trần Duy Thông, phó chủ tịch UBND phường Tân Tạo, cho biết là do cán bộ đi vận động làm hồ sơ nhiều lần, nếu hộ dân nào vẫn không muốn làm giấy (!?) – thì phải có biên bản để làm cơ sở báo cáo lên cấp trên, hoàn toàn không có chuyện ép buộc gì. (Báo TT 3/10/2013)
Liệu công luận chúng ta nghe lời ông Trần Duy Thông PCT/P Tân Tạo biện minh với PV báo chí như vậy có hợp lý và trung thực không ? Khi mà nếu người dân nghèo khó khăn về tiền thuế sử dụng đất, chưa đóng được thì nhà nước cho phép ghi nợ theo quy định và vẫn cấp GCN bình thường !? Bởi không ai có tài sản, nhất là bất động sản nhà đất mà không muốn có một văn tự (GCN) xác nhận đúng pháp luật mình là chủ sở hữu hay người sử dụng bất động sản ấy !? . Đó có phải là câu trả lời lấp liếm dấu đầu nhưng lòi cái đuôi vô trách nhiệm có chủ đích với biên bản ép ký để viện dẫn với cấp trên “người dân không có nhu cầu làm GCN” của hàng “sai nha” sâu mọt ? .
Giống như vậy, nhưng qui mô tầm vóc lớn hơn nhiều với cả ngàn hộ nhân dân,hàng trăm ha đất khu phố dân cư ( Khu Công Nghiệp mở rộng ) tại Phường Hiệp Thành Q12 TP/HCM . Vì không phù hợp giữa lòng khu dân cư, bất hợp lý, lạc hậu, trong qui hoạch.
Bên trái (Ô màu vàng) đường Nguyễn Ảnh Thủ – Lê Văn Lương
Phải hủy bỏ xoá qui hoạch ngay từ đời TT/Phan văn Khải qua đến đời TT/Nguyễn Tấn Dũng tới nay đã hơn 20 năm nhưng người dân sở tại nộp hồ sơ xin hợp thức hoá cấp GCN luôn nhận được đủ loại câu trả lời từ Phường Hiệp Thành và UB/Q12 là chờ qui hoạch lại….chờ thông tư hướng dẫn… chờ bản đồ 1/2000 ….và lâu lâu vài ba tháng cán bộ nhà đất Phường thông báo cho các hộ dân trong khu vực nhà đất “treo” photo giấy tờ liên quan nhà đất mang lên nộp nhưng không biết để làm gì – Dân sốt ruột đeo hỏi riết mới biết là để báo cáo định kỳ lên cấp trên là Phường đang tiến hành kiểm kê nhà đất của các hộ….dù kéo dài hơn 20 năm qua !? Nhưng lạ lùng những hộ đơn lẻ từ nơi khác đến mua đất mặt tiền đường trong khu vực có nhu cầu hợp thức hóa để xây cất nhà cư ngụ và kinh doanh thông qua “cò” hay “dịch vụ ” xung quanh UBND/Phường thì nhanh chóng có ngay GCN ??
Tính từ 1975 – Cả nước , 45 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành cơ bản việc cấp sổ đỏ, 11 địa phương mới đạt dưới 7% diện tích đất được cấp.
Cấp sáu triệu sổ đỏ trong năm 2013, khả thi đến đâu?
Nghị quyết hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất vào cuối năm 2013 liệu có khả thi? Đây là trăn trở của đông đảo người dân và cũng là lo lắng của nhiều lãnh đạo địa phương đang có nhiều vướng mắc trong lĩnh vực này.
Năm 2007, theo Nghị quyết số 07 của Quốc hội, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) trên toàn quốc sẽ phải hoàn tất trong năm 2010. Nhưng nó cứ mãi ù lì vì nhiều lý do. Mới đây nhất, theo Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của ông Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm 31/12/2013 phải căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước. Điều này liệu có khả thi khi mà đến nay vẫn còn 45 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành cơ bản việc cấp sổ đỏ, trong đó có 11 địa phương mới đạt dưới 7% diện tích đất được cấp sổ đỏ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm 31/12/2013 phải căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Điêu đứng khi đi làm sổ đỏ (GCN)
PV Người Đưa Tin nhận được phản ánh của một người dân trên địa bàn TP. Hà Nội về việc hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình đã bị “ngâm” gần hai năm. Hồ sơ không hề được giải quyết dù phía gia đình đã năm lần bảy lượt trình đủ tất cả thủ tục giấy tờ mà phía cơ quan chức năng yêu cầu.
Theo trình bày của hộ dân, người này, từ năm 2011, gia đình ông đã làm thủ tục xin cấp sổ đỏ cho gần 200m2 đất gửi đến UBND phường sở tại. Đây là mảnh đất gia đình ông sinh sống và có hộ khẩu thường trú từ năm 1984 và có đầy đủ giấy tờ hợp lệ đúng quy định của pháp luật, có đầy đủ biên lai thuế nhà đất.
Sau khi trình hồ sơ xin cấp sổ đỏ, công dân này đã hoàn tất 13 loại tài liệu (??) trong hồ sơ xin cấp sổ đỏ theo yêu cầu của UBND phường. Cán bộ địa chính phường đã đến đo đạc và ký nhận bằng văn bản từ tháng 12/2011. Tuy vậy, từ đó đến nay, gia đình vẫn mòn mỏi trong ngóng sổ đỏ.
Quá sốt ruột, khổ chủ đã gửi kiến nghị đến UBND TP. Hà Nội về việc chậm trễ trên. Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã có công văn chỉ đạo UBND các cấp kiểm tra, giải quyết và báo cáo vụ việc về UBND Thành phố, sau đó chính quyền cùng tổ dân phố đã đến đo đạc, xác định và kiểm tra các tài sản nằm trên khu đất của gia đình.
Để tìm hiểu thêm, PV đã trao đổi với lãnh đạo Phường sở tại, liên quan đến sự việc trên, vị đại diện phường cho biết: ” Miếng đất này có tranh chấp với anh chị em ruột từ năm 1996. Chúng tôi có kết luận rồi thì còn gì nữa đâu. Cấp được hay không là do cấp trên quyết định (UBND cấp quận, huyện trở lên) “ngâm” như thế là trái luật định .
Thủ tục phiền hà, “cò” đất lộng hành
Đối với nhiều hộ dân, để có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là cả một vấn đề. Nhiều người e ngại, sợ các thủ tục hành chính rắc rối phiền hà nên mặc định cho “cò” nhà đất giúp với số tiền cao “chót vót”. Vì cao quá, nhiều người nghèo đành sống trên những mảnh đất hàng chục năm mà không có sổ đỏ. Chỉ đến khi cần bán đất, bán nhà, hoạ may người mua kẻ bán mới đành bấm bụng chịu chia nhau chiết khấu 10% cho “cò” (??).
Sống mấy chục năm trong căn nhà ba tầng khang trang, thế nhưng bà Liên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chưa bao giờ “được” cầm trên tay sổ đỏ. Khi kinh doanh rơi vào thua lỗ, để trả nợ, bà quyết định bán nhà. Sau khi rao bán, rất nhiều người tìm đến ngỏ ý mua lại. Tuy nhiên, khi hỏi đến sổ đỏ, nhiều người “quay bước” vì không dám mạo hiểm hoặc trả giá “bèo” so với các căn nhà khác. Qua tìm hiểu, bà được biết, căn nhà của gia đình bà cũng như nhiều gia đình trong xóm bị ép giá do không có sổ đỏ. Biết bà muốn bán nhà, nhiều người rỉ tai bà “chạy” sổ đỏ mới được giá. Họ bảo, theo mặt bằng chung của thị trường, căn nhà của bà trị giá 15 tỷ đồng, để được sổ đỏ, bà phải mất với người “cò” giúp gần “hai tỷ” mới mong có được sổ đỏ trong tay. Thấy lạ, bà nhờ người quen tìm hiểu giúp thì được biết, đất nhà bà thuộc diện lấn chiếm thêm, nếu chỉ nộp đơn không thì “mãn kiếp” bà không có sổ đỏ. Thế nên, để có sổ đỏ bán nhà, bà dứt khoát phải chi cho “cò giúp” gần hai tỷ đồng theo giá thị trường. Bà không đồng ý , Đến nay, ngôi nhà của bà ở đã gần 30 năm nhưng vẫn chưa có sổ đỏ.(??)
Cùng hoàn cảnh gặp khó khăn trong vấn đề làm sổ đỏ, anh Tuấn (Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ: “Hồi Hà Tây chưa sáp nhập vào Hà Nội, bố tôi đã làm thủ tục xin tách mảnh đất 600m2 ra thành ba sổ đỏ được vài năm rồi. Thế nhưng, càng chờ càng không thấy “tăm hơi”. Đến khi sáp nhập được hơn một năm, gia đình tôi tiếp tục làm đơn cấp sổ đỏ, thế nhưng đến giờ vẫn chưa được toại nguyện. Thắc mắc, họ nói phải cung cấp thêm giấy tờ này nọ đủ thứ mới đủ thủ tục. Chạy vạy hoàn thiện hết rồi, vậy mà đến giờ đã có sổ đỏ trong tay đâu” ? .
Cũng theo kế hoạch, đến cuối tháng 6/2013, TP.HCM sẽ hoàn thành việc cấp sổ đỏ. Con số thống kê cho thấy, trong tổng số 37.363 nền đất thuộc các dự án thì có 26.311 nền được bán và có 20.604 nền được cấp sổ đỏ (đạt 78,3%). Tuy nhiên, trong tổng số 40.496 căn hộ chung cư, đã bán 25.752 căn thì mới có 7.937 căn có sổ đỏ (đạt 30,8%). Việc hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đánh giá của nhiều người thuộc lĩnh vực chuyên môn này là khó khả thi bởi mắc mứu những nguyên tắc bùng nhùng như cái mớ bòng bong mà không thuộc trách nhiệm của hộ dân đang cư ngụ
Người ta nói, không nơi nào trên hành tinh này mà một quốc gia có tới 5 kiểu giấy chứng nhận “sở hữu” nhà đất như tại CH/XHCN/VN :
Cả nước hiện tồn tại năm kiểu cấp sổ, đó là sổ đỏ được cấp theo Luật Đất đai năm 1993, sổ đỏ cấp theo Luật Đất đai năm 2003, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) cấp theo Nghị định 61/CP năm 1994 về mua bán kinh doanh nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng mới) cấp theo Luật Nhà ở và Nghị định 90/2006/NĐ – CP năm 2006 và cuối cùng là sổ đỏ được cấp theo Nghị định số 88/2009/NĐ – CP.
Khái quát, chuyện cấp GCN trở nên nực cười – Hơn 1/3 thế kỷ kể từ 1975 đến nay cả nước vẫn không hoàn thành ?. Hình như dưới chế độ XHCN cái nhà miếng đất ngoài 4 hướng đông tây nam bắc như cố hữu còn phải thêm 2 phương hướng khác là “trên trời, dưới đất” kiểu XHCN nữa, để đất đai là sở hữu toàn dân nhưng nếu không có “cò” từ trên trời đáp xuống hay thổ địa “dịch vụ” từ dưới đất chui lên thì người dân hình như rất khó thấy bóng dáng ánh bình minh “màu đỏ,màu hồng” dù nó chỉ nhỏ bằng khổ giấy A4 rọi vào nhà mình ?? .
Và vì vậy cũng không có gì là khó hiểu khi CH/XHCN/VN vẫn mãi cứ là một trong 3 quốc gia tham nhũng dai dẵng nhất trên hành tinh này – theo tổ chức “Minh Bạch” thế giới .

Không có nhận xét nào: