Pages

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Vì sao TQ muốn cải thiện quan hệ với VN?

Chuyến thăm nhà nước mới đây của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường diễn ra ở thời điểm quan trọng trong quan hệ song phương giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Ông Lý đã có nhiều nỗ lực để hàn gắn rạn nứt sâu sắc giữa hai nước láng giềng, mặc dù vẫn tồn tại các bất đồng nghiêm trọng.

Trước hết, hai bên cam kết tăng cường hợp tác tài chính. Bắc Kinh đã cho vay trực tiếp Việt Nam hơn một tỉ đôla. Mức lương gia tăng ở Trung Quốc lại khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lập nhà máy ở Việt Nam.
Thủ tướng Trung Quốc đạt ba thỏa thuận chính với ban lãnh đạo Việt Nam.

Thứ hai, có các thỏa thuận cải thiện cơ sở hạ tầng đi lại ở đường biên giới chung. Trung Quốc hiện đã là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Thứ ba, và quan trọng nhất về mặt biểu tượng, họ thành lập nhóm công tác về việc khai thác chung ở khu vực tranh chấp thuộc Vịnh Bắc Bộ.
Gần đây, tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa khiến quan hệ hai nước căng thẳng.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên biển, chuyến thăm của ông Lý thể hiện sự quan trọng của Việt Nam trong các mục tiêu đối ngoại của Trung Quốc. Báo chí và truyền hình nhà nước ở Trung Quốc tường thuật chi tiết về chuyến thăm, gọi đây là “đột phá trong hợp tác song phương”.

Mục tiêu của Trung Quốc

Việt Nam là chặng cuối trong chuyến công du Đông Nam Á của Thủ tướng Lý. Tại hội nghị Asean ở Brunei, tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc ký thỏa thuận với đối tác Brunei để bắt đầu cùng khai thác ở vùng biển tranh chấp thuộc Biển Nam Trung Hoa.
Bắc Kinh có vẻ đang dùng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” để bảo vệ lợi ích trước các nước có tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa. Trong lúc họ nồng ấm với Brunei và tìm cách sửa chữa quan hệ với Hà Nội, chính phủ Trung Quốc cũng công khai phê phán Philippines.
Manila gần đây đã nộp đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc vì tranh chấp biển. Điều này khiến Bắc Kinh rất giận dữ.
Biểu tình chống Trung Quốc ở Philippines
Bắc Kinh không chỉ phê phán bước đi của Philippines mà cũng phê phán cả sự ủng hộ ngầm của Mỹ, đồng minh của Philippines. Sự chuyển hướng của Mỹ tại châu Á và mối liên kết đồng minh mạnh mẽ với Philippines bị Bắc Kinh xem là đe dọa. Ngoài ra, quan hệ giữa Washington và Hà Nội cũng cải thiện trong các năm gần đây.
Đây là bối cảnh khu vực cho chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Trung Quốc rất muốn hút ban lãnh đạo Việt Nam ra khỏi cái mà họ xem là liên minh khu vực chống Trung Quốc mới manh nha.
Cám dỗ của Trung Quốc có vẻ có hiệu quả. Truyền thông chính thống Việt Nam cũng có giọng giống như ở Trung Quốc khi nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm.

Nước và lửa?

Nhưng vẫn tồn tại các khác biệt sâu sắc giữa hai nước. Tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Việt Nam tăng cao không chỉ vì tầm quan trọng của Biển Nam Trung Hoa, mà còn vì sự thù hằn lịch sử và tình cảm dân tộc chủ nghĩa.
Chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường muốn thuyết phục ban lãnh đạo Hà Nội rằng quan hệ song phương không nhất thiết là trò chơi chỉ một người thắng. Cùng khai thác ở Vịnh Bắc Bộ có tiềm năng mở đường để cùng khai thác ở những nơi tranh chấp khác giữa hai nước. Diễn biến đó có thể có lợi cho Trung Quốc và Việt Nam, dù bất lợi cho các nước có tranh chấp khác trong vùng.
Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp các đề nghị kinh tế và chính trị cho Việt Nam để củng cố vị trí trong vùng của Bắc Kinh.
Ban lãnh đạo ở Hà Nội thì có thể hưởng vị thế được các cường quốc thế giới tán tỉnh. Việc cả Mỹ và Trung Quốc đều từng là kẻ thù của Hà Nội thể hiện một sự mỉa mai lịch sử thú vị. Nó cũng nhắc nhở mọi nước liên quan rằng đối thủ ngày hôm nay có thể là bạn ngày mai – và ngược lại.
Brendan P. O'Reilly là một cây bút người Mỹ đang sống ở Trung Quốc. Ông là tác giả của cuốn sách Fifty Things You Didn't Know About China.

Không có nhận xét nào: