Trên thị trường Việt Nam đang xuất hiện một tập truyện tranh nói về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo hiện đang tranh chấp với Trung Quốc với tựa đề ‘Thần đồng đất Việt – Hoàng Sa, Trường Sa’.
Đây mới chỉ là tập một của loạt truyện 10 tập sẽ tiếp tục xuất bản trong thời gian tới. Tập 1 này có tựa nhỏ là ‘Khẳng định chủ quyền’.
Các tập tiếp sẽ có tựa là: Lãnh thổ An Nam, Khám phá Hoàng Sa, Huyền bí Paracels, Chiến thuyền nhà Nguyên, Hùng binh biển đảo, Chiến dụ Tàu Ô, Trương Long Văn Hầu, Mộ gió Hoàng Sa, Sứ giả hai triều.Nội dung tập 1 này là đưa ra những ‘chứng cứ lịch sử’ từ thời các Chúa Nguyễn và Triều Nguyễn cũng như hoạt động của Đội Hoàng Sa để khẳng định hai quần đảo đang có tranh chấp này là thuộc chủ quyền Việt Nam.
Được biết các tập truyện tiếp theo sẽ tiếp tục đưa ra dẫn chứng lịch sử khác từ phía Trung Quốc, từ các nước phương Tây và giới thiệu và các sản vật trên các hòn đảo này...
‘Thần đồng Đất Việt’ là tựa đề của một loạt truyện tranh thuần Việt đã quen thuộc với trẻ nhỏ Việt Nam nhiều năm qua. Truyện xoay quanh một nhân vật thông minh tột đỉnh có tên là Trạng Tý vốn nhiều lần làm cho sứ thần phương Bắc phải nuốt giận.
Tuy nhiên chủ nhân của dự án truyện tranh về chủ quyền biển đảo này không phải là một đơn vị nhà nước mà là một công ty sách tư nhân có tên là Phan Thị có trụ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh.
‘Trách nhiệm với Tổ quốc’
"Lịch sử chỉ có một. Chứng cứ không thay đổi. Phan Thị không tự bịa ra câu chuyện."
Phan Thị Mỹ Hạnh, giám đốc công ty Phan Thị
Trao đổi với BBC, bà Phan Thị Mỹ Hạnh, giám đốc công ty Phan Thị, cho biết lý do bà thai nghén dự án này là ‘mỗi cá nhân người Việt Nam tự khắc phải có trách nhiệm đối với Tổ quốc’ chứ ‘không ai giao hết’.
“Sách về Hoàng Sa – Trường Sa thì ít mà chỉ dành cho người lớn và những người có hiểu biết,” bà nói, “Chúng ta bỏ qua một thế hệ nhỏ tuổi nên chúng tôi muốn đưa đến các em thông tin đầy đủ để các em có thể cảm nhận và hiểu được trách nhiệm của người Việt Nam”.
Ngoài ra bà cho biết đối tượng hướng đến của bộ truyện tranh này không chỉ là trẻ em mà còn là những người lớn mà ‘trước đây chưa nắm được chứng cứ về chủ quyền biển đảo’.
Khi được hỏi liệu các em nhỏ có thể tiếp thu một vấn đề quá lớn so với độ tuổi, bà Hạnh trả lời rằng sẽ nhờ sự góp phần của ‘cha mẹ, nhà trường để hướng các em đến tình yêu Tổ quốc’.
Về tính chính xác lịch sử của bộ truyện tranh, bà Hạnh nói: “Lịch sử chỉ có một. Chứng cứ không thay đổi. Phan Thị không tự bịa ra câu chuyện.”
“Chúng tôi chỉ giới thiệu với các em những tư liệu đã tồn tại trên sách sử của Việt Nam,” bà cho biết.
Chính vì thế mà trong truyện có những chỗ ‘hoàn toàn giữ nguyên tư liệu’ để ‘đảm bảo sự chỉnh chu về mặt lịch sử’ mặc dù biết rằng như vậy sẽ làm câu chuyện bị khô khan, khó tiếp cận, bà giải thích.
Bà giám đốc Phan Thị cũng nói là bộ truyện tranh của bà ‘không nhằm chỉ trích hay phê phán nước khác’ vốn đang có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam.
“Chúng tôi chỉ đơn thuần giới thiệu những chứng cứ lịch sử của Việt Nam chứ không hề đấu tranh hay phản bác gì,” bà nói và cho biết rằng bà không e ngại sản phẩm của bà sẽ gây ra căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc vì ‘không phải bịa chuyện’.
Sẽ dịch ra tiếng Hoa?
Hiện tại tập truyện dài 108 trang này có giá bán 32.000 đồng, khoảng 1,5 đô la Mỹ, tức ngoài khả năng tự mua của các em nhỏ.
Bà Hạnh cho biết do đó việc kinh doanh tập sách này không bằng những tập truyện ‘Thần đồng Đất Việt’ thường kỳ trước đây vốn chỉ có 10.000 đồng mà lại ‘nhẹ nhàng vui nhộn’ hơn.
Tuy nhiên bà nói bà ‘không đặt nặng vấn đề kinh doanh’ đối với dự án này và cho biết trong tương lai sẽ dịch ra tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Hoa để đưa lên mạng Internet ‘cho mọi người tải về xem miễn phí’.
Còn lượt in đầu tập 1 với 5.000 bản, bà cho biết ‘đem tặng là chính’ cho các ‘vùng sâu, vùng xa, trẻ em nghèo’.
Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Nguyễn Nhã, người hiệu đính cho bộ sách này, cho biết ông đã cẩn thận với từng chi tiết lịch sử để bảo đảm bộ truyện có tính chính xác cao nhất.
Về sử liệu cho tác phẩm, ông nói ‘sử liệu của Việt Nam rất là rõ, không chỉ chính sử mà các châu bản, văn bản, tờ lệnh của triều đình về hoạt động của thủy quân có rất nhiều’.
Về hiệu quả của truyện tranh này, Tiến sỹ Nhã, người chuyên nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa-Trường Sa, cho biết ‘ngay các cháu nhà tôi khi bắt đầu xem tranh chúng nó rất thích’.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng chương trình giáo dục về lịch sử hiện nay trong nhà trường chưa có các nội dung về Hoàng Sa-Trường Sa nhưng ông mong rằng ‘trong tương lai không xa’ điều này sẽ được điều chỉnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét