Pages

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

LS Trần Văn Tạo: Án tử một khi đã thi hành thì không còn cơ hội sửa sai

mediaHồ Duy Hải lúc ra trước tòa.thanhnien.com.vn
    Vừa qua dư luận hết sức xôn xao trước vụ án Hồ Duy Hải, bị cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên án tử hình vì cho là hung thủ đã sát hại hai nữ nhân viên bưu điện ở huyện Thủ Thừa, Long An. Tuy có nhiều sai phạm về tố tụng, và người thân anh Hồ Duy Hải liên tục kêu oan trong nhiều năm nhưng vô vọng.





    Cụ thể, ngoài lời khai nhận tội, không có chứng cớ nào xác đáng để buộc tội bị cáo : từ mẫu máu cho đến dấu vân tay thu được tại hiện trường. Thậm chí cả những vật chứng được cho là hung khí, theo luật sư biện hộ và báo chí Việt Nam thì được mua ngoài chợ.
    Những lời kêu gọi xem xét lại vụ án này đã được rất nhiều người đưa ra trên các mạng xã hội, và sau đó báo chí chính thức cũng vào cuộc. Diễn biến đầy kịch tính là lẽ ra bị hành quyết hôm qua 05/12/2014 nhưng vào phút chót tử tù này được hoãn thi hành án. Gia đình và luật sư có một tháng để đưa ra các tình tiết mới.
    Được biết luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, là người hôm 3/12 đã gởi đơn lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị xem xét lại vụ án này. Là một luật sư có tiếng cẩn trọng, kiệm lời, nhưng ông cũng đã vui lòng trao đổi với RFI về vụ án Hồ Duy Hải.
    RFI Kính chào luật sư Trần Văn Tạo, rất cám ơn ông đã nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ. Thưa ông, qua vụ án Hồ Duy Hải, ở góc độ một luật sư, ông có nhận xét như thế nào ?
    Tôi chỉ nhận được thông tin từ truyền thông, chứ tôi không phải là luật sư bào chữa cho anh Hồ Duy Hải. Cho nên đánh giá chứng cứ tại phiên tòa đã xử anh Hải cũng không được đầy đủ. Nhưng thông qua truyền thông tôi thấy rằng, với độ tin cậy mà các bạn ở các cơ quan báo chí nêu ra, thì rõ ràng những chứng cứ được đưa ra tại phiên tòa vừa rồi không đúng theo các trình tự của bộ Luật Tố tụng Hình sự.
    RFI Nếu vậy tại sao qua tới hai cấp xét xử mà vẫn tuyên án tử hình được, thưa ông ?
    Đó là do đánh giá chứng cứ thôi. Vì thường đánh giá có khác nhau giữa Viện, Tòa và luật sư ; cho nên có thể việc đánh giá giữa các bộ phận này không đồng nhất với nhau. Nhưng dù sao theo thông tin của báo chí, thì rõ ràng những chứng cứ để buộc tội anh Hồ Duy Hải không được thu thập theo đúng trình tự. Theo nguyên tắc, nếu không đúng với bộ Luật Tố tụng Hình sự thì không thể nào dùng nó để tuyên án đối với anh Hồ Duy Hải được.
    RFI Đây lại là mức án nặng nhất ! Lẽ ra những trường hợp như vậy phải có giám đốc thẩm phải không thưa luật sư ?
    Giám đốc thẩm thì các luật sư cũng có kiến nghị, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy có quyết định kháng nghị. Đáng lý ra phải kháng nghị nếu vụ án có những sự việc không đúng với trình tự tố tụng như vậy, và có đơn yêu cầu, thì Viện Kiểm sát Tối cao cũng như Tòa án Nhân dân Tối cao phải giám đốc thẩm. Nhưng tôi cũng không rõ vì sao mà cho đến bây giờ vẫn chưa có được việc giám đốc thẩm đó.
    Hiện nay tôi biết thông qua kênh truyền thông, ông Trương Tấn Sang Chủ tịch nước cũng đã có chỉ đạo phải làm cho rõ vụ này. Với một vụ án mà tử hình như vậy thì phải xem xét kỹ. Nếu đã tuyên án tử hình, thi hành án rồi thì không còn điều kiện để sửa sai nữa. Chính vì vậy mà sự thận trọng trong vụ án này, theo tôi là hết sức cần thiết.
    RFI : Có phải giám đốc thẩm thì chỉ có Viện Kiểm sát có quyền yêu cầu. Nếu cơ quan này không kháng nghị, trong khi bị cáo bị oan thì cũng đành chịu ?
    Không. Theo bộ Luật Tố tụng Hình sự, người có quyền kháng nghị các bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Nếu họ thấy vụ án không đúng, có những sai sót về tố tụng hoặc thiếu căn cứ để buộc tội, và nếu có đơn nữa, thì sẽ kháng nghị giám đốc thẩm.
    RFI : Trường hợp Hồ Duy Hải chúng ta không thể khẳng định là có tội hay oan ức, nhưng rõ ràng sai về tố tụng. Theo ông, làm thế nào để sắp tới tránh được những trường hợp người vô tội có thể bị lãnh mức án cao nhất là tử hình ?
    Tôi thấy để tránh việc này thì thứ nhất là phải tiếp tục củng cố luật cho chặt chẽ, để tránh những trường hợp không căn cứ, thiếu chứng cứ mà vẫn tuyên một bản án, thì thật khó xử lý cho công minh. Cần phải sửa Luật Tố tụng, và Việt Nam hiện nay cũng đang trong tiến trình cải cách tư pháp. Sửa các bộ luật để vừa chặt chẽ, vừa văn minh hơn.
    Tôi cho đó cũng là một tiến trình tốt, chứ không có cách nào khác. Bởi vì phải xét xử một con người, thì liên quan đến hội đồng xét xử. Nếu hội đồng xét xử thực sự thể hiện vai trò một cách công minh, thì chắc sẽ giảm thiểu rất nhiều án oan.
    Vì án oan hay không oan là do đánh giá chứng cứ thôi. Cho nên nếu như các vị thẩm phán mà được đào tạo, tập huấn, và luật lệ chặt hơn thì sẽ giảm bớt tình trạng đó.
    RFI :Dư luận cho rằng cách làm hiện nay về việc bổ nhiệm thẩm phán nhiệm kỳ 5 năm, khiến các thẩm phán rất ngại sửa án ?
    Ngại hay không ngại thì cũng do cá nhân thôi, chứ thực sự mà nói, đã là một người thẩm phán thì phải thể hiện sự công tâm của một người cầm cân nẩy mực. Chứ còn ảnh hưởng việc bổ nhiệm hay không bổ nhiệm, dẫn tới việc không dám xử lý thì tôi cho rằng điều đó không đúng đắn !
    RFI Bên cạnh đó là vai trò luật sư vì nắm vững luật pháp và các bước điều tra. Chẳng hạn trong vụ án này thì phải giám định vân tay ngay sau khi sự kiện xảy ra, tình tiết ngoại phạm…
    Thí dụ như vân tay. Theo tôi vụ án Hồ Duy Hải có nhiều dấu vân tay tại hiện trường, bởi vì không phải vụ án quả tang, mà là vụ án truy xét. Cho nên khi tìm được dấu vân tay tại hiện trường, nếu cơ quan điều tra làm việc một cách hết sức tích cực, thì phải truy xét xem dấu vân tay tại hiện trường đó là của ai. Những người lưu lại dấu tay đó có phải là thủ phạm hay không ?
    Nếu có dấu hiệu ngoại phạm của Hồ Duy Hải thì ai là thủ phạm trong vụ án này ? Bởi vì có hai người đã bị chết rồi, án mạng là có rồi. Phải tìm thật kỹ càng, bất kể những chứng cứ nào, dấu vết gì lưu lại trên hiện trường đều phải được đánh giá thật chính xác để bảo đảm sự thật vụ án. Nếu như thực sự Hồ Duy Hải là người thủ ác trong vụ này thì cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thôi. Còn nếu không phải, thì đó là ai ?
    Phải tìm cho ra thủ phạm trong vụ án này, lúc bấy giờ mới khẳng định Hồ Duy Hải là người bị oan. Chứ hiện nay có những dấu hiệu là không đúng, nhưng cũng chưa hẳn Hồ Duy Hải oan.
    RFI Nhưng có quá nhiều thiếu sót, ví dụ ngay cả vật chứng lại được đi mua ngoài chợ về, cho nên dư luận mới bức xúc ?
    Vật chứng mua ngoài chợ về thì còn phải xem xét như thế nào. Có phải mua về để thực nghiệm hiện trường, hay để đánh giá, dùng làm chứng cứ để buộc tội ? Việc đó cũng phải coi kỹ lại hồ sơ. Tôi thì không nắm hồ sơ nên không biết mấy tấm thớt rồi con dao đó nằm đâu – lưu trong hồ sơ để làm chứng cứ, hay người ta dùng nó để thực nghiệm lại hiện trường – là một loại mô phỏng. Chuyện đó thì chưa biết.
    RFI Được biết ông có viết thư cho Chủ tịch nước đề nghị hoãn thi hành án ?
    Tôi thì tôi thấy vụ án này có dấu hiệu chưa rõ ràng, cho nên tôi có gởi cho ông Chủ tịch nước văn bản đề nghị xem xét lại. Bởi vì tôi nghĩ nếu mình không xét kỹ với một trình tự tố tụng chặt chẽ, có thể dẫn đến oan sai. Mà oan sai, đã thi hành án rồi không còn có điều kiện để sửa sai nữa.
    May mắn là ông Chủ tịch nước cũng thông qua dư luận, qua gia đình, các luật sư…đã có một quyết định hết sức sáng suốt là dừng thi hành án tử hình lại. Tôi cho rằng với cương vị Chủ tịch nước, thì như vậy là thỏa đáng.
    RFI : Đặc biệt ông từng là Phó giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh…
    Chuyện đó cũ rồi. Việc đó tôi làm đã lâu rồi. Bây giờ lại làm luật sư, cho nên tiếng nói của người luật sư thì nó cũng khác với tiếng nói của người làm ngành tư pháp. Nhưng dù sao tôi cũng cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người luật sư với lương tâm nghề nghiệp hẳn hoi, để làm sao bảo đảm cho những vụ án được xét xử, có được tiếng nói của mình một cách khách quan.
    RFI : Xin rất cảm ơn luật sư Trần Văn Tạo đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ.
     
    Luật sư Trần Văn Tạo - Saigon06/12/2014 - Thụy MyNghe
    Cuộc phỏng vấn được thực hiện tối qua vào giờ Việt Nam. Nhưng đến sáng nay chúng tôi được biết, thật ra vụ án Hồ Duy Hải lại còn kịch tính cho đến phút chót, tuy luật sư Trần Văn Tạo không muốn tiết lộ gì thêm.
    Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, đúng ra vào 11 giờ hôm qua, tử tù Hồ Duy Hải đã bị tiêm thuốc độc, gia đình đã được mời đến ký giấy nhận xác. Luật sư Trần Văn Tạo tuy đã gởi thư, nhưng vẫn cố gắng tiếp xúc với Chủ tịch nước. Đến 10 giờ ông mới liên lạc được với ông Trương Tấn Sang, và thế là sau đó có lệnh hoãn thi hành án.
    Chỉ chậm một chút thôi, thì người tử tù này dù có oan hay không cũng không còn có dịp nhìn thấy ánh sáng mặt trời nữa. Và thủ phạm thực sự là ai, có thể chẳng bao giờ biết được, vì vụ án đã vĩnh viễn khép lại.

    Không có nhận xét nào: