Pages

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Trung Cộng Tìm Mọi Cách Để Bành Trướng Thế Lực và Lật Đổ Vai Trò Của Mỹ

Nhưng nếu Trung Hoa sử dụng kế hoạch bành trướng này, và yêu cầu các nước khác phải chọn hoặc là chấp nhận sự sắp xếp hiện nay, hay chọn cái mới, làm như vậy Trung Hoa sẽ tạo nên tình trạng Chiến Tranh Lạnh mới ở Á châu. Chắc chắn kế hoạch bành trướng của Trung Hoa sẽ phá hỏng, và tiêu diệt trật tự quốc tế hiện nay. Trật tự đó đã làm nền móng để cho hoà bình và thịnh vượng thăng hoa ở Á châu trong suốt bảy thập niên vừa qua.
Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Hoa sẽ bỏ ra khoảng $40 tỉ đô la để phục hồi Con Đường Tơ Luạ Ngày Xưa. Photo courtesy: http://blogtruth.net/
 
Cali Today News - Trong lúc Mạc Tư Khoa tiếp tục gửi quân đội sang Ukraine, cho thấy nước Nga của ông Putin là một thách thức đối với Hoa Kỳ và Tây phương, nhưng về lâu dài hành vi tấn công bằng quân sự công khai của Nga không đáng lo bằng sự bành trướng phi quân sự, bền bỉ, âm thầm, và đều đặn của Trung Hoa. Đây mới là mối đe doạ đáng lo nhất cho Hoa Kỳ. 
 
Nước Nga là một cường quốc trên đà suy yếu. Nền kinh tế của Nga  chỉ bằng 3.4% tổng sản lượng toàn cầu. Nền kinh tế của Trung Hoa chiếm gần 16%, và còn tiếp tục tăng thêm. Theo tài liệu của Ngân Hàng Thế giới, hiện nay nền kinh tế Trung Hoa gấp bốn lần kinh tế nước Nhật, và gấp năm lần nước Đức. 
 
Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình xứng đáng được khen ngợi khi họ đạt được thoả ước lịch sử về Thay Đổi Khí Hậu. Nhờ đó, hai nước Hoa Kỳ và Trung Hoa sẽ cùng nhau hướng về một quan hệ mới, xây dựng, hiểu biết nhiều hơn. Ngoại trừ sự kiện này ra, trong lúc còn đang thương thảo hoàn thành thoả ước, chính phủ của ông Tập Cận Bình đã đề ra những kế hoạch thiết lập  một chính sách ngoại giao hoàn toàn khác hẳn. Chính sách đó nhằm thay thế hệ thống quốc tế do Mỹ lập ra từ thời sau Thế Chiến Thứ Hai. Tập Cận Bình đòi thay nó bằng một hệ thống quốc tế mới riêng của Trung Hoa. Hiện nay vẫn còn có những thảo luận ở Bắc Kinh, nhưng nếu Trung Hoa nhất định theo đuổi con đường này, họ sẽ tạo nên sự đổi hướng nhiều ý nghĩa, và nguy hiểm nhất kể từ 25 năm qua.
 
Trong ít năm gần đây, người ta đồn rằng chính Chủ tịch Tập Cận Bình là người cổ vũ, đề nghị cần phải phục hồi tinh thần quốc gia ở Trung Hoa, chủ yếu là để bài Mỹ. Thực vậy, chủ trương  tinh thần quốc gia chưa bao giờ biến mất trong lịch sử Trung Hoa. Ngay cả trong những năm im hơi lặng tiếng dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, người ta cũng thấy có những cuốn sách như: The China Dream: Great Power Thinking and Strategic Posture in the Post America Era, tạm dịch là Giấc Mơ Trung Hoa: Phong Thái chiến lược và cách suy nghĩ của Cường Quốc vào thời đại hậu Mỹ chế ngự. Điều này chứng tỏ rằng lúc nào Bắc Kinh cũng âm mưu tìm cách chế ngự thế giới – thay thế Hoa Kỳ- để đưa cho thế giới đường lối lãnh đạo mới. 
 
Tuy chủ trương đề cao tinh thần quốc gia mới được loan truyền một thời gian, song số lượng bài viết cổ vũ cho tinh thần yêu nước cực đoan tăng vọt hẳn lên. Nhật báo Christian Science Monitor trong một bài bình luận tựa đề là “One Count Does” nhận xét rằng số lượng những bài báo chống Mỹ, chỉ trích Hoa Kỳ đăng trên nhật báo chính thức của Trung Hoa, tờ Nhân Dân Nhật Báo, tăng gấp ba lần trong năm 2014, so với cùng thời gian đó vào năm trước. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả phải nói là Trung Hoa đang bắt đầu một chiến dịch lâu dài, âm thầm, và bền bỉ nhằm thiết lập một hệ thống mới thay thế cho cơ cấu hiện tại của thế giới trong khu vực Á châu, và nhiều nơi khác. Trong hàng ngũ lãnh đạo ở Bắc Kinh có một số người còn muốn đi xa hơn, đi từ chính sách bài Mỹ sang giai đoạn thay thế Mỹ. 
 
Mùa hè năm nay, Trung Hoa khởi đầu một loạt những thoả ước với Ba Tây, Nga, Ấn Độ và Nam Phi, nhóm quốc gia có nền kinh tế đang lên, gọi chung là nhóm BRICS, để thành lập một tổ chức tài chánh đối đầu với Qũi Tiền Tệ Quốc Tế hiện nay. Hồi tháng Mười, Bắc Kinh  khởi xướng việc thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở của Á châu, vốn $50 tỉ đô la, rõ ràng là để thay thế Ngân Hàng Thế Giới. Và tuần trước, Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Hoa sẽ bỏ ra khoảng $40 tỉ đô la để phục hồi Con Đường Tơ Luạ Ngày Xưa, ám chỉ trục lộ thương mại nhằm phát triển giao thương giữa các nước trong vùng. Họ Tập nói thêm rằng: “Trong khi sức mạnh quốc gia của Trung Hoa lớn mạnh, Trung Hoa sẵn sàng và có khả năng cung cấp nhiều sản phẩm lợi ích chung cho vùng Á Châu Thái Bình Dương và cả thế giới.”.
 
Cụm từ “public goods”, hay sản phẩm công cộng, là một thuật ngữ ám chỉ những nhu cầu của con người cần có để hưởng lạc thú, nhưng không đủ khả năng làm được, ví dụ như công viên quốc gia, không khí trong lành để hít thở- sẽ là bước đầu Trung Hoa muốn thực hiện. Nhưng Bắc Kinh lại muốn làm theo kiểu riêng của mình, nghĩa là bỏ tiền ra tài trợ cho những công trình có dụng đích thay thế hệ thống quốc tế hiện hữu, chứ không phải dùng để cải tiến những gì đang có.  Và trong ít năm gần đây, Trung Hoa nhất định cố tình bằng mọi cách gạt một nước ra ngoài, nước đó là Hoa Kỳ. Trung Hoa đứng ra chủ trì Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á - một hội nghị nhằm mục đích lôi kéo các nước Á châu ra khỏi ảnh hưởng  của Mỹ. (Nhưng không đem lại kết qủa). Vào tháng Năm, Tập Cận Bình đọc một bài diễn văn quan trọng về an ninh Á châu tại Hội Nghị Về Những Biện Pháp Xây Dựng Niềm Tin và Quan Hệ Tương Ứng tại vùng Á châu. Một tổ chức vô danh tiểu tốt, với mục đích không rõ ràng được Bắc Kinh nâng đỡ, làm nổi đình đám. Đặc điểm chính của hội nghị là không có sự tham dự của Mỹ. Trong bài diễn văn này, Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Chính người Á châu phải lo việc của  Áchâu…. Và duy trì an ninh cho Á châu.”. Dĩ nhiên, tuy không nói ra, nhưng họ Tập thừa biết rằng có một nước ở ngoài Á châu đang lo duy trì an ninh cho toàn vùng. Nước đó là nước nào ai cũng biết. 
 
Đối với Trung Hoa, để có chỗ đứng trong hệ thống hiện tại là sẽ gây ra sự đụng chạm to với truyền thống sẵn có trong lịch sử Trung Hoa. Trong cuốn sách mới nhất của Henry Kissinger, cuốn: “World Order, hay Trật Tự Thế Giới”, Ông Tiến sĩ già này lưu ý rằng Trung Hoa chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi đứng chung với các nước khác trên hoàn cầu với vị thế đồng đẳng. Kissinger viết trong sách của ông như sau: “Về phương diện lịch sử, Trung Hoa tự coi mình là chính quyền duy nhất cai trị thế giới. Ngoại giao không phải là phương thức thương lượng giữa những quyền lợi liên quan đến chủ quyền quốc gia, song chẳng qua đó chỉ là một hình thức xác nhận vị thế của nước khác trong cộng đồng thế giới.”. Đứng trên vị trí cao nhất của hoàn cầu là Trung Hoa. 
 
Trên đây là những chỉ dấu khiến thế giới phải lo ngại. Lo không phải vì mưu đồ bá quyền của Trung Hoa sẽ thành công. Không thể có chuyện đó xảy ra được. Nhiều điểm trong kế hoạch của Trung Hoa sẽ gặp sự chống đối. Nhưng nếu Trung Hoa sử dụng kế hoạch bành trướng này, và yêu cầu các nước khác phải chọn hoặc là chấp nhận sự sắp xếp hiện nay, hay chọn cái mới, làm như vậy Trung Hoa sẽ tạo nên tình trạng Chiến Tranh Lạnh mới ở Á châu. Chắc chắn kế hoạch bành trướng của Trung Hoa sẽ phá hỏng, và tiêu diệt trật tự quốc tế hiện nay. Trật tự đó đã làm nền móng để cho hoà bình và thịnh vượng thăng hoa ở Á châu trong suốt bảy thập niên vừa qua.
 
Bài nhận định cuả Fareed Zakaria trên Washington Post ngày 13/11/2014
 
Nguyễn Minh Tâm dịch

Không có nhận xét nào: