Pages

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Việt Nam học gì từ "giai đoạn đau đớn" của Trung Quốc?

(Thị trường) - Kinh nghiệm lớn nhất mà Việt Nam rút ra từ Trung Quốc là giảm số lượng doanh nghiệp, số lượng lĩnh vực mà nhà nước tham gia.

Kinh tế Trung Quốc bất ổn

Trong nghiên cứu của mình, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã chỉ ra rằng, Trung Quốc đang gần như lấy lại được vị thế của mình vốn bị mất vào thời Chiến tranh nha phiến, khi GDP của nước này chiếm 32% tổng GDP thế giới.

Đặc biệt, trong vòng 14 năm trở lại đây, tăng trưởng của Trung Quốc gấp khoảng 10 lần Mỹ và 12 lần EU. Điều đó lý giải vì sao nếu tính theo phương pháp ngang giá sức mua, quy mô kinh tế Trung Quốc đã vượt Mỹ.

Kinh tế Trung Quốc đang mất cân bằng 
Kinh tế Trung Quốc đang mất cân bằng

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nền kinh tế Trung Quốc đang bị mất cân bằng cả về sản xuất và phân phối. TS Thành phân tích:

"Biểu hiện rõ nét nhất là kinh tế Trung Quốc phải dựa rất nhiều vào đầu tư. Trung Quốc đang đi ngược lại xu hướng thế giới khi tăng đầu tư lên mức 50% GDP, còn các nền kinh tế phát triển có xu hướng giảm đầu tư về mức 20-30% GDP.

Đặc biệt, trong giai đoạn ứng phó với khủng hoảng tài chính năm 2008-2010, Trung Quốc duy trì tăng trưởng được bằng cách sử dụng đầu tư là cách làm rất phổ biến. Một phần rất lớn đầu tư Trung Quốc đổ vào lĩnh vực bất động sản, ngoài ra, đầu tư vào đường sắt hay cơ sở hạ tầng cũng là giải pháp quen thuộc của kinh tế Trung Quốc".

Một biểu hiện mất cân bằng khác của kinh tế Trung Quốc được ông Thành chỉ ra đó là nền kinh tế đang dựa vào cầu bên ngoài thay vì vốn trong nước.

Quy mô thương mại Trung Quốc đến năm 2013 đã vượt Mỹ nhưng xét về nhập khẩu vẫn chênh với Mỹ khoản 1.000 tỷ USD, cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc rất vượt trội.

Sự mất cân bằng trong tăng trưởng để lại cho nền kinh tế Trung Quốc rất nhiều hệ lụy. Theo TS Phạm Sỹ Thành, việc sử dụng quá nhiều đầu tư buộc Trung Quốc phải duy trì tỷ lệ tích lũy rất cao, làm gia tăng các khoản nợ của doanh nghiệp và địa phương.

Khi lượng vốn đầu tư ngày càng nhiều thì hiệu quả sử dụng vốn rất kém. Không dừng ở đó, các vấn đề tiêu hao năng lượng, môi trường ở Trung Quốc rất trầm trọng.

Theo thống kê năm 2012, tiêu hao năng lượng của Trung Quốc cao gấp đôi so với Ấn Độ, Brazil và cao hơn 15-20% so với các nền kinh tế phát triển. Lượng khí thải và mức độ ô nhiễm của Trung Quốc cũng cao gấp nhiều lần so với mức cho phép của WHO.

Đồng quan điểm với TS Phạm Sỹ Thành, ông Trần Hoàng Anh ở Khoa Quản lý, Đại học Trung Sơn (Trung Quốc) cũng chỉ ra những bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay. Theo đó, hiệu quả đầu tư giảm, sản lượng dư thừa nghiêm trọng, các ưu thế truyền thống của Trung Quốc cũng suy giảm như giá cả lao động tăng cao, giá cả các nguồn đầu vào tăng cao.

Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức trong vấn đề vượt dốc thu nhập và tránh bẫy thu nhập trung bình, ô nhiễm môi trường và tiêu hao nguồn năng lượng.

"Trung Quốc không thể tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao. Họ cần một chính sách mới giải quyết các vấn đề tồn đọng với mục tiêu phát triển về chất, tăng cao hiệu quả đầu tư, giảm sản lượng dư thừa; vững mạnh và nâng cao ưu thế những ngành mới để bù đắp cho do mất ưu thế các ngành truyền thống, tránh bẫy thu nhập trung bình, đưa Trung Quốc vào danh sách những nước có thu nhập cao, giảm ô nhiễm môi trường và tiêu hao năng lượng", ông Hoàng Anh nhấn mạnh.

Việt Nam học gì từ Trung Quốc?

Điểm quan trọng trong quá trình tái cân bằng kinh tế của Trung Quốc, theo hai giảng viên Nguyễn Duy Minh và Phan Đặng Bảo Anh (Đại học Tài chính-Marketing) chính là cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Theo hai giảng viên này, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với số lượng doanh nghiệp không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn trong hiệu quả kinh doanh của các khu vực kinh tế.

Kinh tế tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có khả năng sinh lời trên tổng tài sản (ROA) lần lượt là 6,1% và 8,6%. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã lại tỏ ra hoạt động thiếu hiệu quả khi có ROA lần lượt là 1,4% và 0,8%.

Công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã trải qua 4 giai đoạn, trong đó từ 2003 đến nay, quốc gia này tập trung đổi mới thể chế giám sát tài chính nhà nước, giảm thiểu số doanh nghiệp nhà nước, bãi bỏ cơ chế chính quyền trực tiếp quản lý danh nghiệp; thành lập ủy ban quản lý tài sản quốc hữu các cấp giúp chính phủ quản lý doanh nghiệp nhà nước.

"Tương tự như Trung Quốc, doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam bộc lộ rõ những khuyết điểm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2010. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhà nước mặc dù được Chính phủ tạo nhiều ưu đãi nhưng hiệu quả hoạt động vẫn chưa như kỳ vọng. Đóng góp của khu vực Nhà nước vào tăng trưởng GDP giảm dần theo thời gian.

Theo Tổng cục Thống kê, khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 41% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng chỉ tạo ra 32% GDP trong khi khu vực ngoài nhà nước chỉ chiếm 37% nhưng lại tạo ra tới 48% GDP (năm 2013).

Doanh nghiệp nhà nước chưa đủ khả năng để nắm giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta hiện nay. Việc cải cách chưa đạt được thành công, chưa đóng góp vào phát triển quốc gia tương xứng với vị trí được giao và nguồn lực đang nắm giữ", ông Nguyễn Duy Minh chỉ rõ.

Cũng theo ông Minh, kinh nghiệm lớn nhất Việt Nam rút ra từ Trung Quốc là giảm số lượng doanh nghiệp, số lượng lĩnh vực mà nhà nước tham gia.

Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có tính độc quyền, quốc tế hóa các tiêu chuẩn về quản trị và hoạt động, đo lường hiệu quả hoạt động thông qua khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp nhà nước.

Ông Trần Hoàng Anh bổ sung: "Chính phủ cần thể hiện rõ nét vai trò của mình để những tuyên bố chính sách được thực thi một cách nhanh chóng và có hiệu quả.

Việt Nam phải thực hiện tái cơ cấu ngành và tái cơ cấu đầu tư, trong đó mấu chốt của tái cơ cấu ngành là chuyển đổi mô hình tăng trưởng truyền thống sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đạt hiệu quả cao về chất lượng.

Lợi dụng công nghệ kỹ thuật trong việc ưu việt hóa kết cấu ngành phát triển cân đối ngành, nhanh chóng nâng cấp ngành công nghiệp truyền thống và ngành công nghiệp chế tạo. Còn mấu chốt của tái cơ cấu đầu tư là nâng cao hiệu quả đầu tư công".

(VNN)

Không có nhận xét nào: