Pages

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Cuộc chiến Việt Nam: Góc nhìn Lê Quang Đỉnh

Nghệ sỹ Lê Quang Đỉnh nói rằng Hoa Kỳ, nơi ông từng định cư, luôn là nơi “tạm bợ” và lý do ông chọn Cuộc chiến Việt Nam làm đề tài khai thác trong 20 năm qua.
Trả lời BBC tại Bảo tàng Nghệ thuật Mori ở Tokyo nơi ông có triển lãm cá nhân qui mô đầu tiên tại châu Á mang tên “Ký ức gửi Ngày mai”, ông Đỉnh nói 80% các tác phẩm về chủ đề Cuộc chiến Việt Nam lần này sẽ không thể qua được khâu kiểm duyệt nếu triển lãm tại Việt Nam.

Lê Quang Đỉnh theo gia đình vượt biên từ Hà Tiên năm khi mới 10 tuổi, tới Thái Lan sau ba ngày trên biển và sau đó định cư tại Hoa Kỳ.
Lê Quang Đỉnh: Sau khi bố tôi đứt mạch máu não vì quá căng thẳng, mẹ tôi vẫn quyết định mang bảy người con ra đi vào tháng Tám năm 1978. Khi xuống thuyền rồi, chính phủ Cộng sản Việt Nam phát hiện được thì họ rượt theo bắn và ném lựu đạn, tuy nhiên không ai bị sao cả. Phân nửa số người đi chuyến đó bỏ chạy trong đó có ba anh chị của tôi và họ bị bắt. Còn tôi và mấy đứa em còn lại theo mẹ và lên được thuyền. Khi vào Vịnh Thái Lan thì bị hải tặc cướp nhưng sau đó vào bờ an toàn. Anh chị tôi một năm sau vượt biên và sau đó gia đình toàn tụ bên Mỹ.
Khi chiến tranh xảy ra, tôi còn nhỏ và thực ra khó có thể tưởng tượng ra là cuộc chiến tranh này dẫn đến việc tôi sống lưu vong bên Mỹ. Rồi sau đó lại quay về sống ở Việt Nam. Nhưng rõ ràng là cuộc chiến có ảnh hưởng nhiều tới gia đình và tôi.
BBC: Vì sao ông chọn Cuộc chiến Việt Nam làm đề tài cho các tác phẩm của mình?
Image captionTrực thăng là đề tài được ông Lê Quang Đỉnh khai thác trong các tác phẩm sắp đặt.
Lúc tôi ở bên Mỹ, chính phủ Mỹ và dân Mỹ chỉ quan tâm tới vai trò của họ trong Chiến tranh Việt Nam (mà phía Việt Nam gọi là chiến tranh của Mỹ) và không quan tâm tới cách nhìn từ phía Việt Nam, do đó tôi muốn tìm hiểu các góc nhìn khác. Khi tôi trở về sống và làm việc tại Việt Nam thì tôi thấy chính phủ Việt Nam có cái nhìn lại hoàn toàn khác nữa, tức là những tiếng nói và quan điểm khác họ thì có thể coi là bị cấm.
Cách chính phủ Mỹ hay chính phủ Việt Nam muốn ta nhìn cuộc chiến tranh ở Việt Nam đều là cái nhìn một chiều và họ khống chế cái nhìn đó. Chính phủ Việt Nam muốn chúng ta nhìn vào cuộc chiến kể như đây một thắng lợi vẻ vang chống đế quốc Mỹ.
Tuy nhiên đối với nhiều người tại miền Bắc và miền Nam thì đây là cuộc nội chiến. Tuy nhiên không ai bàn luận về chủ đề này cũng như không nói về tổn thất đối với mọi người, đặc biệt là dân thường.
Tức là ở đây phải nói tới những việc làm sai trái của phía Mỹ gây ra, phía chính phủ miền nam Việt Nam và chính phủ miền Bắc gây ra đối với thường dân và chẳng phía nào muốn nói về điều này. Rõ ràng là bên nào cũng có phần trách nhiệm cả.
Image captionTác phẩm của Lê Quang Đỉnh đề cập tới hệ lụy của chất Da cam quân đội Mỹ thả xuống trong chiến tranh.
Cuộc chiến Việt Nam không đơn giản như mình nghĩ và tôi muốn người tới xem có được hiểu biết về cuộc chiến này mà không bị lệ thuộc vào những gì Chính phủ Việt Nam hay Chính phủ Mỹ nói ra. Do đó đối với tôi đây là góc nhìn quan trọng và tôi muốn mọi người biết về điều này.
Lúc đầu thì tôi cũng chỉ định làm một hai tác phẩm nhưng càng đi sâu vào nghiên cứu và thể hiện qua tác phẩm thì tôi càng cuốn hút vào và kết quả là 20 năm rồi tôi vẫn theo đuổi đề tài Chiến tranh Việt Nam.
BBC: Nhiều người sau khi di tản sau chiến tranh và định cư ở Hoa Kỳ không muốn quay lại Việt Nam, thậm chí chỉ là để đi du lịch. Vì sao ông quyết định quay lại Việt Nam để sống và làm việc tại đây?
Năm 1994, khi tôi 26 tuổi, tôi về Việt Nam đi chơi và ngay lúc đó đã thấy muốn về sống ở Việt Nam. Tuy nhiên lúc đó Việt Nam mới mở cửa và tới năm 1997 tôi mới quyết định trở về sống hẳn tại Việt Nam. Đối với tôi thì Hoa Kỳ kể như luôn là nơi tạm bợ, có thể nói là không phải chỗ phù hợp với tôi. Tuy nhiên khi tôi quay trở lại Việt Nam thì khi đó tôi đã trở nên Mỹ hóa quá rồi và cũng phải mất một thời gian để tôi trở lại thành người Việt.
BBC: Là nghệ sỹ làm việc tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về khâu kiểm duyệt tác phẩm.
Image captionÔng Đỉnh nói tác phẩm 'Cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa dân tộc' không qua được khâu kiểm duyệt để triển lãm tại Việt Nam.
Kiểm duyệt là thách thức rất lớn đối với nghệ sỹ tại Việt Nam. Ở đây ngoài việc chính phủ kiểm duyệt thì cần phải nói tới việc chính mình tự kiểm duyệt mình. Vì mình biết nếu mình làm một việc nào đó mà chính phủ cấm thì mình sẽ không làm nữa. Thì cái đó nó còn lớn hơn cả việc chính phủ kiểm duyệt.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng mình cứ làm những gì mình muốn làm đi. Rồi mình triển lãm ở nước ngoài chẳng hạn. Đa số các tác phẩm của tôi đều triển lãm ở nước ngoài. Có thể nói 80% các tác phẩm về chủ đề Cuộc chiến Việt Nam lần này tại đây sẽ không thể qua được khâu kiểm duyệt nếu triển lãm tại Việt Nam.
Tôi chẳng bao giờ trình an ninh văn hóa xem các tác phẩm của tôi cả. Khi nào những qui định về kiểm duyệt thay đổi thì khi đó tôi sẽ triển lãm các tác phẩm của tôi ở Việt Nam.
Kiểm duyệt thì ở chỗ nào cũng có, theo hình thức và cách thức khác nhau. Ở Mỹ thì nó có thể rất tinh vi mà thậm chí bạn không biết, tức là kiểm duyệt ở trình độ cao rồi. Có thể là họ kiểm duyệt bằng cách không nhận triển lãm bất kỳ tác phẩm nào. Còn ở Việt Nam thì cái này thì được cái kia thì không, tức là kiểm duyệt trần trụi hơn.
BBC: Ông từng là thuyền nhân đi tị nạn, ông nghĩ gì về người tị nạn?
Image captionÔng Đỉnh thể hiện tác phẩm con thuyền va vào đá sau sự cố 2010 tại Christmas Island nơi hàng chục người tị nạn từ Trung Đông thiệt mạng.
Một trong các tác phẩm của tôi trưng bày tại triển lạm lần này là tác phẩm tôi đã làm từ năm 2011 mà bảo tàng bên Australia cho mượn lại để triển lãm tại đây. Tác phẩm này xuất phát từ bức xúc cá nhân của tôi trước những lời lẽ mang tính kỳ thị đối với người xin tị nạn vào Australia, đỉnh cao là vụ đắm thuyền ở Đảo Giáng sinh vào tháng 12 năm 2010 làm phân nửa số thuyền nhân từ Trung Đông bị thiệt mạng khi thuyền bị vỡ do va vào đá.
Tác phẩm con thuyền bị vỡ đôi tôi trình bày không chỉ là về thuyền nhân mà còn là thảm cảnh của người tị nạn bỏ mạng khi chưa tới được bến bờ. Do đó các tác phẩm của tôi trình bày tại đây là nhắm tới chủ đề tị nạn ở mức cấp độ con người nhất. Hàng ngàn tấm ảnh trôi dạt dưới con thuyền bị vỡ trong tác phẩm này là ảnh tôi kiếm được từ các tiệm sách cũ tại Việt Nam. Đó là hình ảnh những người trong gia đình chụp với nhau bị bỏ lại sau Cuộc chiến Việt Nam và các hình ảnh có thể giống hệt với những tấm hình chụp gia đình của mỗi người trong chúng ta. Do đó khi ta nhìn vào chủ đề người tị nạn chẳng hạn thì chúng ta nên có cài nhìn gắn kết giữa con người với nhau.
BBC: Cuộc triển lãm lần này có ý nghĩa với cá nhân ông như thế nào?
Image captionBảo tàng Nghệ thuật Mori tại Tokyo thu hút hơn 1 triệu người tới thăm quan hàng năm.
Bảo tàng Nghệ thuật Mori đã mượn lại các tác phẩm của tôi thực hiện trong 20 năm qua và đây là cuộc triển lãm mang tính tổng quát. Tôi đã tham gia triển lãm chung với các nghệ sỹ khác tại nhiều nơi trên thế giới và cả tại Nhật nhưng đây là triển lãm riêng đầu tiên của tôi. Được châu Á chấp nhận và đánh giá cáo tác phẩm là điều tôi cảm thấy tuyệt vời. Mọi người luôn hỏi là tôi là nghệ sỹ châu Á hay nghệ sỹ Mỹ gốc Á, và cuối cùng thì câu hỏi đó cũng chẳng còn quan trọng tại châu Á nữa.
Cuộc triển lãm mang tên ‘Lê Quang Đỉnh: Ký ức gửi Ngày mai’ diễn ra từ 25/07 tới 12/10/2015 tại Mori Art Museum, Tokyo, nơi có khoảng 1.2 triệu người tới thăm hàng năm. Đây là lần đầu tiên bảo tàng này tổ chức triển lãm tác phẩm của riêng một nghệ sỹ từ Đông Nam Á.

Không có nhận xét nào: