Pages

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

Mỹ-Ấn-Nhật tập trận tại Ấn Độ Dương

Các sĩ quan hải quân Mỹ, Nhật và Ấn gặp nhau để
 trao đổi về hợp tác hồi cuối năm 2010
(AFP)
Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông, hải quân Mỹ cùng với Ấn Độ và Nhật Bản tổ chức một cuộc tập trận thường niên kéo dài sáu ngày kể từ 14/10/2015 tại vịnh Bengal, Ấn Độ Dương. Tổng cộng 10 tàu chiến và hai máy bay trinh sát tham gia chiến dịch « Malabar », trong số này có chiến hạm USS Forth Worth, cánh nay bốn tháng nay đã có cơ hội xuyên ngang quần đảo Trường Sa nơi Trung Quốc xây dựng một loạt căn cứ tiền phương.



Theo báo chí Ấn Độ, trong vòng sáu ngày từ 14 đến 19/10, hải quân Mỹ, Ấn và lần thứ hai, kể từ năm 2007, có Nhật Bản, tham dự cuộc tập trận Malabar trong vịnh Bengal. Kịch bản của cuộc tập trận, từ nay gọi là « ba bên », là phối hợp truy diệt tàu ngầm, hải thuyền và máy bay của một kẻ thù chung.


Tuy không gọi đích danh « mục tiêu » là « Giải phóng quân » trong kế hoạch diễn tập nhưng sĩ quan, binh sĩ ba nước Mỹ Nhật Ấn biết rõ đối tượng của mình là quân đội của nước nào. Giới quan sát chờ đợi phản ứng của Bắc Kinh vì cuộc tập trận diễn ra trên con đường hàng hải vận chuyển đến 75% nhu cầu dầu khí cho Trung Quốc.


Vào năm 2007, sau cuộc tập trận chung Mỹ -Ấn có mời thêm Úc, Nhật và Singapore tham dự theo mô hình « các nền dân chủ » đồng minh, Trung Quốc đã phản ứng mạnh buộc New Delhi và Canbera phải lùi bước. Lần này « Malabar » trở lại khuôn khổ hợp tác song phương Mỹ-Ấn.


Tuy nhiên, từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền vào tháng 5/2014, Ấn Độ tăng cường hợp tác với Mỹ và cứng rắn hơn với láng giềng Trung Quốc. Đầu năm nay, một cuộc họp kéo dài hai ngày, diễn ra trong căn cứ hải quân Mỹ tại Yokoshuda, gồm bộ trưởng quốc phòng ba nước Mỹ, Ấn và Nhật. Tokyo được mời tham gia trở lại cuộc tập trận Malabar mỗi năm dưới hình thức « ba bên ». Một số chuyên gia xem sáng kiến này, thực sự là do Thủ tướng Shinzo Abe đề xuất, là một loại "liên minh NATO" tại châu Á Thái Bình Dương./Tú Anh (RFI)

Không có nhận xét nào: