Pages

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Quốc hội VN vẫn 'Đảng chỉ thì làm'?

Image copyrightGetty
Image captionQuốc hội Việt Nam vẫn chỉ làm theo chỉ đạo của Đảng mà chưa thực sự giám sát quyền lực của Đảng và nhà nước, theo ý kiến nhà bình luận
Quốc hội Việt Nam đến tận khóa hiện tại vẫn tiếp tục 'Đảng chỉ đạo gì, thì chấp hành nấy', việc nhóm họp và xác định nội dung các kỳ họp còn thiếu tính 'thời sự', theo ý kiến nhà quan sát đưa ra nhân dịp kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 của Việt Nam đang diễn ra.
Quốc hội vẫn còn né tránh, không dám bàn bạc công khai những chủ đề quan trọng mà người dân kỳ vọng như vấn đề chủ quyền biển đảo trên Biển Đông bị đe dọa.

Trong khi đó, các vai trò then chốt và cơ bản là đại diện cho dân 'lựa chọn' và 'dự kiến' ra trước các lãnh đạo cho đất nước, cũng như 'giám sát' nhà nước mà thậm chí là giám sát công việc của Đảng Cộng sản, vẫn chưa được thực hiện, một ý kiến khác nhận xét.

'Phải đứng ra bầu trước'

Hôm 22/10/2015, Đại tá Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng Đại diện Báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam tại Đồng Bằng Sông Cửu Long đưa ra bình luận với BBC:
"Quốc hội họp ít khi, ở Việt Nam, lại căn cứ vào thời sự chính trị trong nước và thế giới để mà đặt ra vấn đề gì đó cần họp. Quốc hội Việt Nam họp theo kế hoạch, theo quy trình và nội dung đã vạch sẵn, cho nên nó không đáp ứng được nhu cầu.
"Ví dụ bây giờ chuẩn bị Đại hội Đảng thì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất thì phải đứng ra ai làm Chủ tịch, ai làm Thủ tướng, ai làm Bộ trưởng này kia, các thứ, ai làm Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao là phải dự trù trước và Quốc hội phải quyết trước đi.
"Sau đó Đảng mới dựa theo cái quyết đó của Quốc hội mà đưa vào Chương trình của Đảng để mà bầu nhân sự, thì quy trình đúng ra đi như thế mới là quy trình của dân chủ.
"Quốc hội không bàn vấn đề đó vì Đảng không chỉ đạo Quốc hội bàn. Bởi việc đó là việc của Đảng, Quốc hội chỉ biết chấp hành và tuân theo những gì Đảng đã chỉ đạo, đã lãnh đạo và nội dung đã được đảng duyệt, thì Quốc hội bàn theo nội dung đó.
"Cho nên chuyện thời sự chính trị rồi chuẩn bị cho Đại hội Đảng, Quốc hội hầu như không có quyền bàn đến vấn đề đó, chỉ rõ đó là việc của Đảng. Đảng chỉ đạo sao và làm sao là việc của Đảng."
Theo nhà quan sát này, Quốc hội Việt Nam lẽ ra phải đảm trách một vai trò lớn hơn, ông nói:
"Đúng ra mà nói, Quốc hội phải đại diện cho cơ quan dân cử, dân bầu, đại diện cho cử tri, cơ quan quyền lực cao nhất, thì Quốc hội phải đứng ra để bầu trước, hoặc là dự kiến cũng được, các nhân sự sắp tới của Đại hội sắp tới, các nhân sự cơ bản, quan trọng.
"Riêng về Tổng Bí thư thì việc của Đảng, nhưng các vị trí khác, thì Quốc hội có quyền đề xuất, dự kiến, nhưng Quốc hội Việt Nam không làm thế được.
"Bởi vì Đảng không chỉ đạo thì không được làm," Đại tá Bùi Văn Bồng nêu quan điểm.

'Giám sát và né tránh'

Hôm thứ Năm, một nhà vận động cho dân chủ hóa từ Việt Nam cũng nhận xét với BBC rằng một số vấn đề mà người dân 'rất quan tâm' về mặt thời sự và quốc sách lại chưa được Quốc hội Việt Nam công khai bàn bạc.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội cho rằng Quốc hội đã không thực hiện được một chức năng, vài trò quan trọng mà theo ông là giám sát quyền lực của nhà nước và Đảng Cộng sản.
Ông nói: "Quốc hội cũng chỉ râu ria, loanh quanh, luẩn quẩn chuyện xây dựng bộ pháp luật này, pháp luật kia.
"Tất nhiên việc đó là việc cần thiết, nhưng ngoài ra có chức năng của Quốc hội phải giám sát.
"Giám sát công việc của nhà nước, thậm chí là công việc của Đảng, thì Quốc hội hầu như không làm được gì cả.
"Có những vấn đề hệ trọng hết sức đối với dân, với nước, ví dụ như vấn đề Trung Quốc xâm lấn Biển Đông và nguy cơ Trung Quốc phá nát nền kinh tế Việt Nam, Quốc hội không bao giờ bàn đến những vấn đề vĩ mô ấy."
Image copyrightAFP
Image captionQuốc hội Việt Nam lẽ ra phải là cơ quan bầu chọn, dự kiến trước các nhân sự lãnh đạo cho đất nước, chứ không phải là Đại hội Đảng, theo nhà bình luận.
Và nhà vận động khẳng định nguyên nhân vì sao nhiều phiên họp, kỳ họp của Quốc hội Việt Nam còn ít nhận được sự 'quan tâm' theo dõi như vào thời điểm như hiện nay.
Ông nói: "Không những người dân, bản thân tôi cũng ít quan tâm theo dõi các hội nghị của Quốc hội."
"Vì sao? Vì có những vấn đề mà thực sự quan tâm, liên quan đến những vấn đề lớn, vấn đề quốc sách, thì không bao giờ Quốc hội bàn đến và không bao giờ Quốc hội phát biểu ý kiến cho dân nghe."
Đầu tuần này, từ hôm thứ Ba, kỳ họp thứ 10, Quốc hội Việt Nam khóa 13 đã khai mạc và họp phiên toàn thể.
Trong các nội dung làm việc, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ và các thành viên nội các được Thủ tướng ủy quyền trình bày các báo cáo tổng thể kinh tế - xã hội và trong các lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên biệt, cũng như nghe các báo cáo, giải trình về các dự án luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Không có nhận xét nào: