Pages

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

Trần Khải - Biển Đông : Mỹ lạnh cẳng ?

                                                      Tàu chiến Mỹ ở Biển Đông

 Có vẻ như Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama không sẵn sàng cứng rắn ở Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Báo The Inquisitr News ghi rằng trên ấn bản tạp chí Newsweek ngày Thứ Bảy 10-10-2015, một sĩ quan cao cấp TQ ẩn danh tiết lộ rằng TQ có kế haọch cụ thể cho Biển Đông:

“Hiện thời vẫn còn 209 bãi cạn chưa có người ở trong vùng Biển Đông và chúng tôi có thể chiếm tất cả các đảo đó. Và chúng tôi có thể xây dựng trên các nơi đó trong vòng 18 tháng.”

Nghĩa là, theo Newsweek, TQ hung hăng, không chậm bước.

Trong khi đó, các nhà bình luận từ Úc nhận định rằng cả Mỹ và ASEAN đều lạnh cẳng.

Bản tin VOA ghi nhận về dư luận từ báo Úc Châu:

“Giữa lúc cuộc tranh chấp Biển Đông trở thành điểm nóng có nguy cơ bùng nổ, ASEAN đã làm gì? Không làm gì cả!

Đó là câu hỏi và câu trả lời của một bài viết đăng ngày hôm nay trên báo Sydney Morning Herald với tựa đề 'Trung Quốc cần thấy phản ứng quyết liệt hơn từ Australia và Hoa Kỳ'.

Theo tác giả bài báo này, chủ biên tin tức quốc tế của báo Sydney Morning Herald, Trung Quốc đơn giản đã làm ngơ ASEAN và xúc tiến kế hoạch của họ. Một nhà phân tích chiến lược Ấn Độ, ông Brahma Chellaney mô tả đây là một cuộc xâm lược lén lút của Trung Quốc.

Một chuyên gia quốc phòng của Australia cũng bày tỏ nghi ngờ về quyết tâm của chính phủ Mỹ. Giám Đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc Peter Jennings, người đóng vai trò chủ chốt trong việc thảo Sách Trắng quốc phòng, nói với báo The Australian rằng Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ, trong đó có Australia, dường như đã đánh mất quyền kiểm soát cơ bản ở Biển Đông.

Theo ông Jennings, việc Trung Quốc tiếp tục những hoạt động xây dựng trên các đảo và bãi đá trong Biển Đông và không thực sự gặp hành động cụ thể nào từ phía Mỹ, là 'lần thứ nhì chính phủ Mỹ đã để mất sự tập trung về vấn đề này.

Ông Jennings nói Hoa Kỳ và Australia đã để phí thời gian trước các hành động xây đảo và các nỗ lực quân sự hoá Biển Đông của Trung Quốc. Ông nói sự thiếu tập trung của hai nước này thể hiện những nghi ngờ lớn hơn về chiến lược Châu Á của Hoa Kỳ.

Nhà bình luận Fareed Zakaria của Mỹ cũng nêu lên nghi ngờ này. Ông Zakaria trích dẫn phát biểu của chính khách lão thành Singapore Lý Quang Diệu nói rằng 'Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là cường quốc số một thế giới trong thế kỷ 21, với điều kiện nước này là cường quốc đứng đầu vùng Thái Bình Dương'....”(ngưng trích)

Tại sao Úc nhìn thấy Mỹ và ASEAN lạnh cẳng?

May quá, Mỹ cũng đang nhúc nhích. Bản tin RFI hôm 12-10-2015 có tưạ đề “Mỹ-Ấn-Nhật tập trận tại Ấn Độ Dương...”

Bản tin cho biết:

“Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông, hải quân Mỹ cùng với Ấn Độ và Nhật Bản tổ chức một cuộc tập trận thường niên kéo dài sáu ngày kể từ 14/10/2015 tại vịnh Bengal, Ấn Độ Dương. Tổng cộng 10 tàu chiến và hai máy bay trinh sát tham gia chiến dịch «Malabar», trong số này có chiến hạm USS Forth Worth, cánh nay bốn tháng nay đã có cơ hội xuyên ngang quần đảo Trường Sa nơi Trung Quốc xây dựng một loạt căn cứ tiền phương.

Theo báo chí Ấn Độ, trong vòng sáu ngày từ 14 đến 19/10, hải quân Mỹ, Ấn và lần thứ hai, kể từ năm 2007, có Nhật Bản, tham dự cuộc tập trận Malabar trong vịnh Bengal. Kịch bản của cuộc tập trận, từ nay gọi là «ba bên», là phối hợp truy diệt tàu ngầm, hải thuyền và máy bay của một kẻ thù chung.

Tuy không gọi đích danh «mục tiêu» là «Giải phóng quân» trong kế hoạch diễn tập nhưng sĩ quan, binh sĩ ba nước Mỹ Nhật Ấn biết rõ đối tượng của mình là quân đội của nước nào. Giới quan sát chờ đợi phản ứng của Bắc Kinh vì cuộc tập trận diễn ra trên con đường hàng hải vận chuyển đến 75% nhu cầu dầu khí cho Trung Quốc....”(ngưng trích)

Trong khi đó, báo Giáo Dục VN nhìn từ Hà Nội tỏ ra tin cậy thái độ quyết liệt của Nhật hơn là Mỹ.

Báo GDVN viết:

“...cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản hiện nay có thể cung cấp các yếu tố quyết định cho việc xây dựng một liên minh hàng hải quốc tế sẵn sàng ngăn chặn các hành động xâm lược bất chính từ Trung Quốc, đồng thời cung cấp sức mạnh công nghệ quân sự tiên tiến cần thiết để trung hòa các nỗ lực của Bắc Kinh tìm kiếm quyền bá chủ ở khu vực Đông Á...

Sự hiện diện của Mỹ ở khu vực đã giảm đi khi hải quân ngày càng bị thu hẹp quy mô, Tổng Thống Barack Obama trở nên rụt rè hơn với Trung Quốc trong khi Bắc Kinh thì ngày một hung hăng, bất chấp những tuyên bố của Nhà Trắng về chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều nhà phê bình cho rằng Mỹ đang thúc đẩy Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thành công cụ thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ....

Nhiều nước phương Tây vẫn chưa bị đánh thức là thực tế, bao gồm cả Nhà Trắng. Tuy nhiên Thủ tướng Shinzo Abe đã có những bước đi cụ thể, mặc dù ông vẫn cần một đồng minh mạnh mẽ như Hoa Kỳ. Chỉ có điều ông sẽ phải chờ Tổng Thống Mỹ tiếp theo, một người khổng lồ hoàn toàn tỉnh táo ở bên cạnh Nhật Bản mới....”(ngưng trích)

Chờ một Tổng Thống Mỹ tiếp theo? Nghĩa là cần một Tổng Thống Mỹ cứng rắn hơn? Phải chăng, Đảng Cộng Hòa sẽ đươc Khối ASEAN ủng hộ khi tranh ghế Tổng Thống Mỹ?

Bây giờ mới nhúc nhích một chút, bản tin VOA hôm 12-10-2015 ghi rằng:

“Báo The Wall St. Journal hôm nay nói rằng hải quân Mỹ đã quyết định tuần tra vùng biển gần quần đảo Trường Sa để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo này.

Tờ báo nói rằng Mỹ coi đây là một cuộc trắc nghiệm để xem Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có giữ cam kết rằng Bắc Kinh không có ý định quân sự hoá các đảo tân tạo, lời hứa bất ngờ mà ông Tập đã đưa ra trong một cuộc họp báo chung với Tổng Thống Obama tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng trước, mặc dù Chủ tịch nước Trung Quốc lúc đó không nói rõ cam kết đó sẽ tác động như thế nào tới các hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông...

Trang mạng Australia Defence hôm nay trích lời Tư Lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (PACOM) phát biểu hôm thứ Sáu vừa rồi rằng Mỹ phải tiến hành các cuộc tuần tra trên khắp khu vực Á Châu-Thái Bình Dương để thực thi quyền tự do hàng hải, tuy nhiên Đô Đốc Harry Harris không nói rõ liệu các tàu hải quân Mỹ có tiến vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo tân tạo của Trung Quốc hay không.

Theo Reuters, Đô Đốc Harry Harris phát biểu: "Tôi tin rằng Hoa Kỳ phải hành xử quyền tự do hàng hải ở bất cứ nơi nào chúng ta cần làm điều đó. Về vấn đề liệu chúng tôi có điều tàu, hay máy bay vào khu vực 12 hải lý cách các đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới xây trong Biển Đông hay không, thì tôi xin dành câu trả lời cho sau này"....”(ngưng trích)

TQ ngang ngược, hung hăng... Có vẻ như Việt Nam và Philippines sẽ bị lãnh đòn dằn mặt trước tiên... bởi vì TQ có thể sẽ dịu giọng với Mỹ, nhưng sẽ hù dọa, dằn mặt các nước nhỏ trong khu vực.

Không ai ngờ, triều đình con cháu ông Hồ sẽ bị triều đình con cháu ông Mao quậy cho không còn một bãi biển nào để neo ghe.

Trần Khải

(Việt Báo)

Không có nhận xét nào: