Pages

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Ý kiến về vụ phóng viên bị ‘trù dập’

Image copyrightFacebookHoaiNam
Image captionPhóng viên Hoài Nam nhận được nhiều sự ủng hộ từ đồng nghiệp và bạn đọc trong vụ việc này
Phóng viên Nguyễn Hoài Nam, người cáo buộc bị báo Thanh Niên trù dập, cho BBC biết tài khoản Facebook của ông đã bị hack trong vài giờ hôm 21/10, khi ông tiếp tục công bố những văn bản, băng ghi âm đáp trả phản hồi của báo Thanh Niên trên website.
Trước đó một ngày, dư luận chấn động trước tin ông Nam, hiện đang công tác tại ban Chính trị-Xã hội báo Thanh Niên, lên mạng xã hội cáo buộc "tòa soạn trù dập cá nhân bằng luật rừng, bị thế lực bên ngoài tác động ngưng đăng các bài chống tham nhũng, gác bài rồi dùng định mức bài phạt tiền phóng viên...".

BBC đã gọi cho ông Thuận Hữu, Tổng Biên tập báo Nhân Dân kiêm Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam để hỏi về vụ này, nhưng ông không nghe máy.
Cùng ngày 22/10, từ chối trả lời phỏng vấn của BBC qua điện thoại nhưng sau đó lên tiếng trên Facebook, nhà báo Hoàng Linh từ báo Tuổi Trẻ, viết: “Hầu như những người làm công tác phóng viên khi lên tiếng đều bênh vực Nguyễn Hoài Nam, dù thừa nhận về hình thức pháp luật có thể báo Thanh Niên sẽ thắng".
"Thanh Niên tự hào là một tờ báo bảo vệ sự thật, lẽ phải, luôn đứng về phía người lao động, người yếu thế như trong vụ phóng viên bị nạn vì viết bài về PM18 trước đây. Thanh Niên là tờ báo có thương hiệu lớn, danh dự của một cá nhân như ông Nam cũng vậy. Chúng tôi dù lòng không muốn nhưng nghĩ rằng chỉ có một phiên tòa mới làm rõ trắng đen và mức độ vi phạm, nếu có”.
Image copyrightFacebookHoaiNam
Image captionÔng Hoài Nam tiết lộ hợp đồng lao động giữa ông và báo Thanh Niên sẽ bị chấm dứt ngày 30/11 tới

Ai mới ‘cạn tàu ráo máng’?

Trao đổi với BBC hôm 22/10, nhà báo Trung Bảo bình luận: “Nghề báo ở Việt Nam có đặc thù khác báo chí quốc tế là chịu sự kiểm soát của rất nhiều cơ quan chính quyền lẫn đảng. Cho nên khi xảy ra xung đột về chuyện đăng hay không đăng bài, người có trách nhiệm thường viện dẫn có chỉ đạo của cơ quan này, ban kia... mà phóng viên rất khó kiểm chứng được thật sự có sự chỉ đạo ấy hay không.
Thậm chí, tôi từng chứng kiến có vị lãnh đạo báo gọi điện thoại trực tiếp cho ‘cấp trên’ để hỏi xin có được đăng đề tài được cho là ‘nhạy cảm’.
Theo ông Bảo, những bất đồng như vụ giữa ông Nam và báo Thanh Niên sẽ không thể nào giải quyết được nếu cả người làm tòa soạn lẫn phóng viên không cùng một tư duy và lý tưởng nghề nghiệp.
Điều quan trọng là những người đứng đầu tòa soạn báo tại Việt Nam phải xác định cho rõ vị trí của mình là nhà báo hay quan chức nhà nước vì hai vị thế này ‘đôi khi đối lập nhau’.
Lý giải vì sao Hội Nhà báo Việt Nam thường không lên tiếng trước các vụ khủng hoảng của phóng viên, ông Bảo nói: “Có thể các vị ở Hội Nhà báo không xem những nhà báo có liên quan đó là những đối tượng mà họ phải đại diện nên họ không thấy có trách nhiệm phải lên tiếng. Tôi hoàn toàn thông cảm cho họ”.
Ông Bảo cho rằng “nên nhìn nhận vụ giữa ông Nam và báo Thanh Niên đơn giản là quan hệ giữa công dân và nơi làm việc. Anh Nam bán sức lao động còn báo Thanh Niên là bên mua. Khi hai bên không hài lòng thì có thể viện dẫn đến các thỏa ước lao động hoặc Luật lao động để thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì nhờ tòa án phân giải. Tôi không thấy có ‘cái tình’ hay ‘cạn tàu ráo máng’ gì ở đây”.
Ông Bảo bảo lưu quan điểm “Hoài Nam là một nhà báo dũng cảm, hăng say với nghề nghiệp và có nhiều đóng góp không thể chối cãi cho tờ báo. Ông Nam chỉ phê phán vị phó tổng biên tập chứ không phê phán tập thể báo Thanh Niên. Do đó, tôi thấy cái phản hồi mà báo này dành cho Hoài Nam mới thật ‘cạn tàu ráo máng’.

Image copyrightvietq.vn
Image captionNhà báo Trung Bảo bình luận rằng phản hồi của báo Thanh Niên 'cạn tàu ráo máng' với phóng viên Hoài Nam

'Tiếc cho cả đôi bên'

Trong khi đó, nhà báo Đức Hiển, Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, cho biết ông “tiếc cho cả đôi bên trong vụ việc này. Về phía tờ báo, phải có quy trình đủ chặt và dân chủ để phóng viên có quyền phản biện và được giải thích về chuyện xử lý bài vở.
Về phía ông Nam lẽ ra phải tiếp tục đấu tranh nội bộ cho ra lẽ về việc xử lý bài vở. Việc người đọc tiếp nhận thông tin trên Facebook của ông Nam bị chi phối bởi quan điểm cá nhân khiến dư luận không công bằng với báo Thanh Niên”.
Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 21/10, ông Nam nói quyết định lên tiếng trên mạng xã hội là việc chẳng đặng đừng, sau nhiều lần gửi đơn đến tòa soạn báo Thanh Niên, ban Thanh tra, Bộ Thông tin-Truyền thông, Trung ương Đoàn nhưng không nhận được phản hồi thỏa đáng.
Ông cũng tiết lộ hợp đồng lao động giữa ông và báo Thanh Niên sẽ bị chấm dứt ngày 30/11 tới. Hiện tại, một số luật sư đã lên tiếng trợ giúp pháp lý nhưng ông Nam cho biết “chưa nghĩ đến việc khởi kiện đòi quyền lợi”.
Trên trang cá nhân, ông Nam tự giới thiệu: “Mảng điều tra tôi đeo bám cực kỳ nguy hiểm. Tôi đã viết các loạt bài mang uy tín cho báo Thanh Niên như “Thâm nhập đường dây hàng lậu Móng Cái; Người ghi hình lâm tặc phá rừng; Giấy kiểm dịch bán như rau; Kinh hoàng heo siêu nạc; Tinh luyện dầu ăn bằng chất tẩy rửa; Nông dân vượt biên đánh bạc; Bí mật hành phi; Hãi hùng công nghệ trồng rau muống; Cảnh sát trật tự cơ động làm luật…”.

Không có nhận xét nào: