Máy bay chiến đấu F/A-18F Super Hornet và trực thăng SH-60 Seahawk của hải quân Mỹ trên tàu USS George Washington, phía sau là tàu khu trục USS John S. McCain (DDG-56) ngoài khơi bờ biển Việt Nam, tháng 8/2011
Hoài Hương-VOA
Liệu chính sách của chính phủ Hoa Kỳ chuyển trọng tâm kinh tế, quân sự, và chiến lược sang Châu Á có sẽ thay đổi, nếu giới cử tri Mỹ dồn phiếu cho liên danh Romney-Ryan trong cuộc bầu cử Tổng Thống tháng 11 tới đây, dọn đường cho một chính phủ Đảng Cộng Hòa tại Washington?
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales trả lời câu hỏi này trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ-VOA mới đây về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như với Hoa Kỳ.
Chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực Châu Á Thái bình dương đã có nhiều thay đổi từ khi Tổng Thống Barack Obama lên nắm quyền hồi năm 2009. Khác với chính phủ tiền nhiệm do Tổng Thống Bush lãnh đạo, chính phủ Tổng Thống Obama đã thắt chặt quan hệ với nhiều nước Đông Nam Á, và mới đây đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao, tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ về cả quân sự lẫn kinh tế tại khu vực này. Giáo sư Thayer thẩm định thành tích của chính phủ Tổng Thống Obama về chính sách đối ngoại và chiến lược quốc phòng liên quan tới Châu Á.
Giáo sư Thayer: “Điều đầu tiên mà tôi muốn nói là Tổng Thống Obama đã dùng lối tiếp cận đa phương để lật lại thế cờ với Trung Quốc. Trong khi chính sách của Tổng Thống Bush đối với khu vực đặt nặng các quan hệ song phương, giảm thiểu tầm quan trọng của ASEAN và các định chế đa phương, thì từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, Tổng Thống Obama đã xem xét mọi yếu điểm trong chính sách đó của Mỹ, để lật ngược chúng. Hồi gần đây, để đối phó với thái độ hung hăng hơn của Trung Quốc, Tổng Thống Obama đã đáp lại bằng một lối tiếp cận đa phương. Đó là lý do vì sao Hoa Kỳ đã đến dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Đây là một thành công vượt bực trong chính sách của Hoa Kỳ: tham gia hội nghị thượng đỉnh Đông Á, bổ nhiệm đại sứ Mỹ tại diễn đàn ASEAN, đích thân Tổng Thống Obama đến dự các hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng thế, những động thái đó chứng tỏ quyết tâm của Hoa Kỳ muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng các quyền lợi kinh tế, chính trị và chiến lược của Mỹ nằm tại khu vực này, và Washington quyết tâm hậu thuẫn các chính sách của mình bằng hành động.”
Nếu ứng viên Mitt Romney của Đảng Cộng Hòa đắc cử, thì chính sách của Hoa Kỳ đối với Châu Á sẽ thay đổi...bởi vì ông Romney có lẽ sẽ không chú trọng tới Châu Á như Tổng Thống Obama
Đó là chính sách chuyển trọng tâm sang Châu Á của chính quyền Tổng Thống Obama, liệu chính sách này có thay đổi, nếu giới cử tri Mỹ bầu cho ứng viên Mitt Romney của Đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ tháng 11?
Giáo sư Thayer: “Chiến lược của Hoa Kỳ sẽ không thay đổi, Hoa Kỳ sẽ vẫn tăng cường lực lượng ở Thái bình dương, nhưng chưa gì tôi đã thấy là những lời lẽ được dùng sẽ mạnh mẽ và có tính cách quyết liệt hơn. Theo tôi thì một số thành quả lớn nhất, những cuộc đối thoại về kinh tế và chiến lược, các cuộc tham khảo ý kiến về các vấn đề khu vực ChâuÁ-Thái bình dương, những sáng kiến quan trọng của chính phủ Tổng Thống Obama, sự hiện diện tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, đích thân Tổng Thống Hoa Kỳ chủ trì phiên họp quy tụ các lãnh đạo ASEAN, vv... chúng ta sẽ thấy Hoa Kỳ vắng mặt nhiều hơn nếu ông Romney có mặt trong Tòa Bạch Ốc. Và nếu như thế thì đó sẽ là một bước thụt lùi trong những thành quả mà Hoa Kỳ đã đạt được dưới thời Tổng Thống Obama.”
Giáo sư Carl Thayer tin rằng nếu ứng viên Mitt Romney của Đảng Cộng Hòa đắc cử, thì chính sách của Hoa Kỳ đối với Châu Á sẽ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực bởi vì ông Romney có lẽ sẽ không chú trọng tới Châu Á như Tổng Thống Obama.
Ông Thayer cho biết: “Điều đó tương phản với Tổng Thống Obama. Từ khi được bầu lên, và ngay cả trước khi làm lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Obama đã liên lạc với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Hai nhà lãnh đạo nhanh chóng gặp gỡ và đạt một số thỏa thuận với nhau. Đó là điều mà tôi hy vọng một cố vấn đúng nghĩa của một chính phủ Cộng hòa có triển vọng lên nắm quyền, sẽ cố vấn ông Mitt Romney, tôi hy vọng họ khuyên ông Romney nên chọn một bước đầu tiên tích cực trước đã, rồi xem sao, thay vì chọn thái độ thù nghịch với Trung Quốc ngay từ đầu.”
Về mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc thì trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam phải luôn luôn đề cao cảnh giác và khéo léo ứng xử với nước láng giềng khổng lồ phương Bắc. Bước qua thế kỷ 21, dù bối cảnh có khác, nhưng thực tế đó vẫn không thay đổi. Giaó sư Thayer nói ông tin rằng Việt Nam không có lựa chọn nào khác vì những yếu tố không thay đổi được, kể cả thực tế địa lý.
Giáo sư Thayer giải thích: "Việt Nam có 89 triệu dân. So với Trung Quốc thì Việt Nam chỉ tương đương với một tỉnh lỵ cỡ trung của Trung Quốc. Như tất cả mọi người Việt đều biết từ xưa, Việt Nam không may nằm sát cạnh và chia chung biên giới với nước láng giềng khổng lồ phương Bắc. Việt Nam không thay đổi được thực tế địa lý đó, đơn giản vì chúng ta không thể chọn nước láng giềng của mình. Trong lịch sử, có lúc Trung Quốc đối xử tốt với Việt Nam, có lúc Trung Quốc đối xử tệ, đàng nào Việt Nam cũng phải có phương cách để ứng phó. Không may thì bị Trung Quốc gây chiến hay đe dọa gây chiến, nhưng những mối đe dọa khác còn có thể xuất phát từ các hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu ma túy, di dân bất hợp pháp, các tội hình sự xuyên biên giới, những hoạt động mà Trung Quốc không thiết tha muốn giải quyết nếu quan hệ chính trị với Việt Nam không tốt đẹp. Điều đó có nghĩa là bất cứ giờ nào tỉnh thức, là các giới chức Việt Nam phải luôn luôn nhòm ngó xem Trung Quốc làm gì để nương theo đó mà linh động hành sử. Họ phải tham gia trò chơi, luôn luôn tâng bốc Trung Quốc về tầm quan trọng của nước này, nhưng phải cưỡng lại khi bị buộc vào vị thế phải làm điều đó, nhưng không cưỡng lại quyết liệt tới mức khiêu khích anh khồng lồ phương Bắc.”
Lập luận của Giáo sư Thayer có thể giải thích thái độ và lối tiếp cận của giới lãnh đạo Việt Nam trước cuộc tranh chấp biển đảo hiện nay, một mặt vận động sự ủng hộ của các nước và các tổ chức khu vực, nhưng mặt khác, tiếp tục hợp tác với Trung Quốc và xoa dịu Bắc Kinh bằng chiến dịch đàn áp các cuộc biểu tình tự phát của dân chúng, muốn phản đối chính sách bành trướng mà Bắc Kinh đang thực hiện qua những bước tiến chậm chạp nhưng chắc chắn.
Từ lâu, nhiều người ở Việt Nam, kể cả nhiều nhà trí thức bất đồng chính kiến với Hà Nội, đã bày tỏ quan tâm về sự hiện diện của người Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam, từ những công nhân làm việc cho các dự án khai thác bauxite, tới những khu đất rộng lớn thuê dài hạn, và cả một số công ty khai thác hải sản bất hợp pháp ở cảng Cam Ranh, nhiều người bày tỏ lo sợ rằng sự hiện diện của Trung Quốc và những công dân Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp là có chủ đích, sau này có thể đặt ra một mối đe dọa tiềm tàng đối với Việt Nam.
Nhưng Giáo sư Thayer khuyến cáo người Việt Nam nên thận trọng, đừng cổ vũ thái độ kỳ thị và bài Trung Quốc, và không nên nghi ngờ tất cả mọi người Hoa đang có mặt ở Việt Nam.
Giáo sư Thayer: “Phải có sự thông đồng giữa các giới chức Việt Nam và giới chức Trung Quốc thì mới đưa công nhân Trung Quốc vào Việt Nam bất hợp pháp làm việc, Việt Nam phải hiểu điều đó. Mặt khác, cũng có hàng ngàn công nhân Việt Nam làm việc bất hợp pháp ở miền Nam Trung Quốc, thế cho nên Việt Nam phải thận trọng nếu họ không muốn những người đó bị trục xuất về nước. Chúng ta hãy xét lại những người Hoa sinh sống ở Việt Nam từ lâu, trong thời gian chiến tranh biên giới năm 1979, họ là những người bị kẹt ở chính giữa. Và cũng như người Hoa ở bất cứ nước nào khác, kể cả ở Úc, không phải ai cũng đều là tay chân của nhà nước Trung Quốc khi chiến tranh bùng nổ, mà đa số là người dân bình thường...”
Về viễn ảnh về một nước Việt Nam trong vài thập niên tới, Giáo sư Thayer nói Việt Nam muốn gia nhập hàng ngũ các quốc gia hạng trung có thu nhập trung bình, và đóng một vai trò tích cực trong khu vực. Giáo sư Thayer nói trong thời gian qua, vị thế của 5 quốc gia hội viên ASEAN, trong đó có Thái Lan, đã bị giáng cấp, trong khi Việt Nam đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực.
Nhưng theo Giáo sư Thayer, những biến cố ở Việt Nam về phần lớn sẽ bị ảnh hưởng bởi những xu hướng ở Trung Quốc, tùy thuộc Trung Quốc trong tương lai sẽ xoay chiều sang hướng nào.
“Về vấn đề này thì chúng ta có thể suy đoán tới tận thế liệu Trung Quốc có tiếp tục theo đuổi con đường hiện nay, và như thế phải đối đầu với những vấn đề nội bộ nghiêm trọng sẽ làm chậm đà phát triển của nước này và khiến áp lực thay đổi chính trị gia tăng. Dù thế nào đi nữa, thì những thay đổi đó cũng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam.
‘Câu chuyện Việt Nam’ do Hoài Hương phụ trách đến đây đã kết thúc, mời quý vị đón nghe chương trình này, được phát thanh vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy mỗi tuần. Quý vị có thể bình luận về đề tài hôm nay, đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, và trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com hoặc trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Hoài Hương xin cám ơn sự theo dõi của quý thính giả và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét