Phạm Hồng Sơn - Cách đây vài ngày, sau khi báo Nhân dân đăng bài “Xã hội dân sự”- Một thủ đoạn của diễn biến hòa bình” , có một bài viết truyền tải trên mạng với nhan đề “Về xã hội dân sự tại Việt Nam” với ghi chú là “Ông Nguyễn Trần Bạt trả lời phỏng vấn Trung tâm dữ liệu các tổ chức phi chính phủ.”[i] Đọc bài này tôi thấy xen kẽ những điểm tích cực, có lợi cho xã hội và người dân là những ý kiến, quan điểm không đúng, nguy hiểm cho tiến bộ xã hội hiện nay. Sau đây là một vài điểm nguy hại đó:
Về nhà nước toàn trị
Ông Nguyễn Trần Bạt phát biểu: “Và đến bây giờ, tôi kết luận là: không có bất kỳ nguy cơ nào về mặt chính trị cho các nhà cầm quyền, cho Đảng Cộng sản Việt Nam và cho chính phủ Việt Nam khi chúng ta có một xã hội dân sự lành mạnh. Ngược lại, nó gỡ cho họ những gánh nặng khủng khiếp trong việcbành trướng cơ cấu nhà nước để tổ chức quản lý xã hội, cái mà nhiều người không thiện chí gọi là toàn trị. Tôi cho khái niệm toàn trị là một khái niệm thuần tuý lý thuyết. Xã hội chúng ta thực ra cũng không toàn trị. Các nhà lãnh đạo của chúng ta không có ai toàn trị.” (Phần tô đậm là tôi nhấn mạnh.)
Tôi không hiểu tác giả Nguyễn Trần Bạt đã dựa vào lý thuyết, nghiên cứu nào khi nói đến khái niệm “nhà nước toàn trị” rồi đi đến kết luận rằng “Xã hội chúng ta thực ra cũng không toàn trị. Các nhà lãnh đạo của chúng ta không có ai toàn trị.”
Về khái niệm toàn trị hay nhà nước toàn trị, thiết nghĩ hiện nay đã có rất nhiều thông tin khả tín được công bố, cập nhật trên mạng. Ở đây tôi xin sơ lược thêm về một nghiên cứu về khái niệm toàn trị (totalitarism, totalitarisme) trong cuốn Histoire Politique Et Sciences Sociales.[ii] Khi đề cập đến khái niệm toàn trị (concept de totalitarisme) các tác giả đã có sự tìm hiểu, đối chiếu giữa các chế độ phi dân chủ khác nhau như chế độ chính trị của Hitler, chế độ chính trị của Mussolini, chế độ Liên bang Xô-viết dưới thời Stalin, chế độ Vichy tại Pháp. Mặc dù các tác giả không thể đưa ra được một định nghĩa thống nhất cho khái niệm toàn trị nhưng từ những nghiên cứu, tranh luận đó có thể rút ra kết luận là một chế độ toàn trị không thể thiếu hai đặc tính (yếu tố): 1. Sự khống chế của nhà nước đối với xã hội dân sự thông qua các biện pháp như tuyên truyền, trấn áp, kiểm soát kinh tế, xã hội và tinh thần (đạo đức); 2. Sự thu hẹp mức độ tự lập, tự trị của xã hội (kể cả ở nghĩa văn hóa và khả năng đối phó trong tình trạng thiếu thốn).
Còn đây là một nhận định cụ thể hơn về chế độ toàn trị trong cuốn sách đó:
“Sự khủng bố (kiểu) toàn trị tiêu trừ hành động chính trị chắc chắn hơn là sự đe dọa (nỗi sợ) ngự trị trong các chế độ độc tài ‘cổ điển’. Các đặc điểm chính để phân biệt giữa độc tài và toàn trị: nỗi sợ độc tài khiến người ta phải câm lặng (sự im lặng chỉ có tính cá nhân) trong khi đó sự khủng bố toàn trị bắt người ta phải thừa nhận, ca tụng không ngừng và chán ngắt về ý thức hệ tới mức làm cho mọi ngôn từ, khả năng lên tiếng phải hư hỏng, sụp lạy vào lòng hệ thống – một không gian đóng kín trong sự bao trùm của sự im lặng vô nhân. Toàn trị là sự vắng mặt lý tính, sự vắng bóng ngôn từ chính trị sống động thúc giục hành động. Vẫn còn nữa, khác với dân chủ được coi luôn đi cùng với sự phát biểu tự do và không gian công cộng rộng lớn, toàn trị là sự gom tập con người ép chặt nhất. (Nói như Primo Levi: “Chúng tôi không có khe hở để suy nghĩ.”)” [iii]
Mặc dù nhận định “Xã hội chúng ta thực ra cũng không toàn trị” của ông Nguyễn Trần Bạt đã tự cho thấy không phải là một khẳng định mạnh mẽ và việc xếp loại chế độ chính trị của Việt Nam (về học thuật) có thể còn nhiều bàn cãi nhưng nếu chúng ta không (hoặc chưa) dám nói thẳng về bản chất độc tài của chế độ chính trị mà chúng ta đang phải sống lại còn xếp chế độ chính trị (nhà nước) đó ra khỏi phạm vi “toàn trị” thì, theo tôi, là một sai lầm nguy hiểm. Khi đó việc đi tìm phương thuốc chữa trị cho chế độ chính trị đó hoặc ước muốn thúc đẩy tiến bộ cho xã hội chỉ là việc làm vô ích hoặc một ước muốn đầy mâu thuẫn. Còn về nhận định “Các nhà lãnh đạo của chúng ta không có ai toàn trị.”, tôi chỉ xin trích dẫn lại ở đây một câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh: “Đảng phải lãnh đạo tất cả những tổ chức khác của nhân dân lao động.”[iv]
Thêm nữa việc ông Nguyễn Trần Bạt cho rằng những người gọi nhà nước Việt Nam là “toàn trị” là những người “không thiện chí” là một nhận định không chỉ hoàn toàn không chính xác về học thuật, vì (về học thuật) chỉ nên đánh giá một quan điểm là “đúng” hay “sai” chứ không nên đánh giá là “thiện chí” hay “không thiện chí”, mà còn gây nguy hiểm chính trị cho những người đó vì (về chính trị) nhà nước Việt Nam hiện nay vẫn luôn qui chụp những người bất đồng chính kiến, phê phán nhà nước là “thù địch” – nấc cao hơn của “không thiện chí”.
Về nhân quyền
Khi bàn đến vấn đề nhân quyền (quyền con người) ông Nguyễn Trần Bạt có đưa ra hai nhận định:
Nhận định(1): “Người ta tưởng rằng nhân quyền gắn liền với sự đòi đất, kêu oan, biểu tình, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Con người sở dĩ ăn vạ chính phủ là vì họ không có năng lực.”
Chưa nói đến vấn đề học thuật và pháp lý (sẽ bàn cùng với nhận định (2)), thì quan điểm cho rằng những hoạt động, phản ứng của người dân như “đòi đất, kêu oan, biểu tình” là việc “ăn vạ chính phủ” và vì những người dân đó “không có năng lực” là một quan điểm phi thực tế và phi nhân quyền. Phi thực tế vì đa phần dư luận hiện nay đều chia sẻ, cảm thông và thấy rõ việc “đòi đất, kêu oan, biểu tình” là những việc làm đúng đắn, không đừng được của người dân trong tình trạng cùng cực, bế tắc. Phi nhân quyền vì “đòi đất, kêu oan, biểu tình” một cách ôn hòa đều thuộc nhân quyền cơ bản: “Quyền Tự do Thể hiện” (freedom of expression) đã được ghi rõ trong các văn bản nhân quyền quốc tế. Đây cũng là một nhận định hết sức nguy hiểm và phản lại những tiến bộ xã hội hiện nay. Nguy hiểm là vì quan điểm này có thể mở đường hoặc gợi ý sai lệch cho những người làm chính sách, cầm quyền quốc gia coi những phản ứng, bức xúc của dân chúng hiện nay đối với các bất công, tiêu cực là một hoạt động cần ngăn chặn, nghiêm trị vì họ là những người “ăn vạ”, lười biếng, “không có năng lực”.
Nhận định (2): ”Tôi đã có một kết luận rằng nhân quyền không còn là quyền chính trị, nhân quyền là quyền phát triển và chống lại rủi ro của cuộc sống.”
Nhận định này nếu xem qua thì có thể cho rằng là một sáng tạo mở rộng về nhân quyền. Nhưng thực chất nhận định này lại làm sai lệch cho nhận thức về nhân quyền và nhận định này có hình thức giống như những gì mà các chế độ độc tài luôn bao biện cho việc vi phạm, cắt xén nhân quyền. Thứ nhất, căn cứ vào hai văn bản có tính phổ quát nhất về nhân quyền (Tuyên ngôn Toàn thế giới về Nhân quyền (năm 1948) và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (1966) của Liên Hợp Quốc) thì nhân quyền phải và luôn bao gồm các quyền chính trị (quyền tham gia vào việc điều hành các công việc xã hội, quyền bầu cử, ứng cử, v.v.). Có thể nói từ chối quyền chính trị hoặc coi“nhân quyền không còn là quyền chính trị nữa” đều đồng nghĩa với việc xóa bỏ nhân quyền. Bởi nhân quyền là một tập hợp các quyền cơ bản không thể tách rời hay thay thế. Thứ hai, việc cho rằng “nhân quyền là quyền phát triển và chống lại rủi ro của cuộc sống” là một quan điểm mập mờ và thoái hóa so với các công ước về nhân quyền đã nêu vì vô hình chung quan điểm này đã xóa mờ đi các nhân quyền đã được cụ thể hóa trong các văn bản có tính phổ quát toàn thế giới.
Có thể nói hai nhận định trên đây của ông Nguyễn Trần Bạt về nhân quyền không chỉ làm nhận thức về nhân quyền trở thành mập mờ khó hiểu mà còn đẩy lùi nhận thức về nhân quyền trở lại phía sau hàng chục năm.
Đó là hai điểm tôi cho là sai lầm nguy hại nhất (vì tính chất làm nền tảng cho nhiều nhận thức khác) trong bài viết trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Trần Bạt. Ngoài ra còn một số điểm sai lầm nguy hại khác như dưới đây.
Về chỗ đứng của nghiên cứu khoa học
Ông Nguyễn Trần Bạt phát biểu: “Nghiên cứu xã hội học tức là anh phải đặt mình vào địa vị của nhà cầm quyền, bởi vì bao giờ những nghiên cứu xã hội cũng phải bắt đầu từ lực lượng xã hội mạnh nhất, mà lực lượng xã hội mạnh nhất chính là các đảng chính trị cầm quyền. Vì nếu không xuất phát từ quyền lợi của các đảng chính trị cầm quyền thì các khái niệm tử tế không hình thành được. Cho nên phải đặt mình vào địa vị của họ để nghiên cứu cái mà mình muốn có hại gì cho họ không?”
Điểm này đã tự thể hiện sai quá rõ về tính độc lập trong nghiên cứu nói chung nên tôi xin không phân tích thêm.
Về mức độ nguy hại đối với dân trí và tiến bộ xã hội tôi không chắc sự hơn kém giữa bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Trần Bạt và bài “Xã hội dân sự”- Một thủ đoạn của diễn biến hòa bình” đăng trên báo Nhân dân nói trên. Nhưng tôi chắc chắn nhận diện hay đấu tranh với một thứ giả hình, mập mờ bao giờ cũng khó hơn rất nhiều với một thứ đã bộc lộ rõ ràng, thẳng thắn.
Chú Thích
[i] Bài này đã đăng trên một số blog như Quê Choa và Anh Ba Sàm.
[ii] Histoire Politique Et Sciences Sociales. Chủ biên: Denis Peschanski, Michael Pollak, Henry Rousso, Editions Complexe, 1999. Trang 189-207
[iii] “La terreur totalitaire annihile l’action politique plus sȗrement que la crainte qui règne dans un gouvernement despotique “classique”. Retenons des traits essentiels de différenciation entre despotisme et totalitarisme ceci: la crainte commande que l’on se taise (une stratégie individuelle du silence est toujours reserve), la terreur exige la proclamation incessante et mortifière de l’idéologie jusqu’au point où toute parole s’abîme au centre du système, c’est-à-dire dans le camp où règne une silence inhumaine. Le totalitarisme, c’est l’absence du logos, la parole politique vive présidant à l’action. C’est encore, par difference avec la démocratie qui suppose, avec la parole libre, l’espace publique, la plus extrême concentration des hommes dans l’espace. (Primo Levy, évoquant les “selections” de l’automne 1945 à Auschwitz écrit: “Nous n’avons pas l’espace de penser”.) Sách đã dẫn, trang 209.
[iv] Hồ Chí Minh với bút danh DX viết trong bài “Thường thức chính trị”, Nxb Sự Thật, 1954, in lại trong Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công cuộc Xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc, Nxb Công an Nhân dân, 2002, trang 115.
[ii] Histoire Politique Et Sciences Sociales. Chủ biên: Denis Peschanski, Michael Pollak, Henry Rousso, Editions Complexe, 1999. Trang 189-207
[iii] “La terreur totalitaire annihile l’action politique plus sȗrement que la crainte qui règne dans un gouvernement despotique “classique”. Retenons des traits essentiels de différenciation entre despotisme et totalitarisme ceci: la crainte commande que l’on se taise (une stratégie individuelle du silence est toujours reserve), la terreur exige la proclamation incessante et mortifière de l’idéologie jusqu’au point où toute parole s’abîme au centre du système, c’est-à-dire dans le camp où règne une silence inhumaine. Le totalitarisme, c’est l’absence du logos, la parole politique vive présidant à l’action. C’est encore, par difference avec la démocratie qui suppose, avec la parole libre, l’espace publique, la plus extrême concentration des hommes dans l’espace. (Primo Levy, évoquant les “selections” de l’automne 1945 à Auschwitz écrit: “Nous n’avons pas l’espace de penser”.) Sách đã dẫn, trang 209.
[iv] Hồ Chí Minh với bút danh DX viết trong bài “Thường thức chính trị”, Nxb Sự Thật, 1954, in lại trong Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công cuộc Xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc, Nxb Công an Nhân dân, 2002, trang 115.
Nguồn: Pro&contra
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét