Mặc Lâm.
Bài viết "Xã hội dân sự - một thủ đoạn của diễn biến hòa bình" trên báo Nhân Dân nhận xét rằng các tổ chức phi chính phủ (NGO) và Xã hội dân sự là các mối lo mà chính phủ cần phải để ý.
Tác giả Dương Văn Cừ khẳng định Xã hội dân sự là mảnh đất màu mỡ cho diễn biến hòa bình và sự lật đổ chế độ không thể tránh khỏi. Tác giả trích dẫn một số ý kiến của các nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng, "nếu ba yếu tố: "nhà nước, doanh nghiệp và Xã hội dân sự "cân bằng thì xã hội, chế độ chính trị sẽ ổn định, phát triển hài hòa. Ngược lại, nhà nước mạnh sẽ dẫn tới chế độ độc tài, nếu Xã hội dân sự mạnh, thì sẽ dẫn tới vô chính phủ, bất ổn về xã hội và chế độ sẽ sụp đổ".
Tác giả Dương Văn Cừ lập luận "Ðây chính là lý do để các thế lực thù địch quan tâm nghiên cứu, vận dụng, nhằm lợi dụng vai trò của Xã hội dân sự trong hoạt động lật đổ một chế độ như họ đã thực hiện tại một số nước trong thời gian qua".
Từ nỗi ám ảnh không có thật
Tuy nhìn nhận Xã hội dân sự như một yếu tố cần thiết cân bằng với chính phủ và doanh nghiệp nhưng mối ám ảnh diễn biến hòa binh khiến cả bài viết chệch hướng để từ đó tác giả đưa ra những nhận định lạ lùng mà Xã hội dân sự vốn không tự có.
Theo tác giả thì Xã hội dân sự là con dao hai lưỡi có thể xây nhưng cũng có thể phá tan những gì mà một chính phủ yếu kém đặt nền tảng. Xã hội dân sự nếu có vai trò trong cuộc cách mạng Hoa Lài như tác giả cảnh báo cũng là lẽ thường vì nó biểu lộ cho thế giới thấy sự thật hiển nhiên là bất cứ ở đâu con người cũng đều như nhau, họ cần được nhà nước tôn trọng và bảo vệ, trong đó quan trọng nhất là vấn đề nhân quyền.
Ông Đào Tiến Thi, nguời có phản biện với bài viết sớm nhất cho biết nhận định của ông về Xã hội dân sự:
Xã hội dân sự thì nó chỉ tốt cho nhà nước thôi. Trong những đìều kiện cụ thể nó có thể ủng hộ, hợp tác với nhà nước. Khi nhà nước suy yếu, có điều gì đó không hợp với quyền lợi của dân thì Xã hội dân sự lại có tác dụng điều tiết. Trước áp lực của Xã hội dân sự nhà nước phải thay đổi chính sách do đó cũng sẽ tốt cho nhà nuớc. Cho nên tôi nghĩ Xã hội dân sự không có gì hại cho nhà nước cả.
Khi người ta đòi hỏi chính đáng mà anh đáp ứng thì mở đường cho xã hội phát triển, chứ nếu người ta đòi hỏi chính đáng nhưng anh chống lại thì sẽ tạo ra mâu thuẫn, xã hội không được giải quyết nó tích tụ mãi đến lúc nào đó mâu thuẫn sẽ bùng nổ thì không thể đổ thừa tại Xã hội dân sự được.
Không phải là sản phẩm của Tư bản chủ nghĩa
Xã hội dân sự là một tiến trình tất yếu trong các hoạt động của quyền con người. Xã hội dân sự hình thành do những đòi hỏi thiết thân từ việc nhỏ nhất là tập trung với nhau trong một sinh hoạt tinh thần nào đó có thể là niềm tin tôn giáo, các dịp lễ lạt hay các sinh hoạt tập thể như cùng nghề nghiệp. Gắn bó với nhau dưới hình thức câu lạc bộ, hay hội ái hữu, những nơi này người ta tìm đến nhau để chia sẻ những đòi hỏi tinh thần ngay cả đóng tiền sinh hoạt hội cũng nằm trong mục đích ấy.
Tuy nhiên đối với nhìều người Xã hội dân sự là sản phẩm của Chủ nghĩa Tư bản và từ quan niệm này không ít người có phản ứng tiêu cực đối với thự thể này. Ông Đào Tiến Thi nhận xét:
Một số người cứ cho rằng Xã hội dân sự là đặc sản của Chủ nghĩa tư bản, tôi không đồng ý như thế. Tôi thấy Xã hội dân sự nó tồn tại khách quan mà bất cứ xã hội nào nó cũng có. Có đìêu là những xã hội trước tư bản thì nó yếu không đủ để làm những việc như trong chế độ tư bản. Ngay cả chế độ phong kiến ở Việt Nam thì vẫn có Xã hội dân sự và nó cũng làm được nhiều việc rất đáng kể. Tuy nhiên thật sự thì đến chủ nghĩa tư bản nó mới tạo thành lực lượng có giá trị tạo cân bằng xã hội.
Quyền con người và nhu cầu mưu tìm hạnh phúc cá nhân trong Xã hội dân sự biểu hiện rất rõ và vì vậy không thể gắn cho nó nhãn hiệu nào khác. Xã hội dân sự khác với các tổ chức phi chính phủ gọi tắt là NGO ở chỗ nó không có mục đích rộng lớn hay ngân sách để phát triển. Sự lớn mạnh của Xã hội dân sự hoàn toàn tùy thuộc vào việc chia sẻ của từng thành viên trong xã hội và vì vậy nếu tài chánh hay quyền lực xuất hiện tham dự vào Xã hội dân sự thì các thành viên của nó sẽ nhanh chóng tan rã vì mục đích ban đầu đã lệch hướng.
NGO khác với Xã hội dân sự thế nào?
Chống lại sự phát triển Xã hội dân sự bằng cách đưa ra những phong trào tranh đấu của nước khác dẫn tới sự sụp đổ của chế độ như ông Dương Văn Cừ chứng minh là cách lập luận hở sườn. Xã hội dân sự không thể phát động một cuộc tranh đấu nào nếu nhà nước có những chính sách rõ ràng phục vụ nhân dân chứ không nghiêng theo quyền lợi đảng viên dưới quyền như hiện nay. Người dân nếu bị đè nén, áp bức hay phải mang miếng da che mắt của con ngựa thồ quá lâu thì một lúc nào đó chính nhà nước tạo cho họ lý do để tranh đấu đòi quyền làm người của mình, chứ không phải từ Xã hội dân sự.
Hãy đơn cử thí dụ của bà Lê Hiền Đức. Bà là người đứng ra gom góp đơn thư khiếu nại bất công, tham nhũng của nhân viên nhà nước đối với người dân và lên tiếng tranh đấu cho họ. Qua nhiều giai đoạn bà có được hàng trăm người tin cẩn và dần dần hình thành một Xã hội dân sự không tổ chức. Cái Xã hội dân sự bé nhỏ ấy xuất hiện một cách tự phát biểu lộ đòi hỏi cấp thiết rằng nhân quyền của người dân cần phải được tôn trọng. Trước tình thế này thay vì lo ngại một sự chống đối mạnh mẽ hình thành từ người dân, nhà nước phải ngồi lại giải quyết một cách nghiêm túc cho họ thì mọi chuyện sẽ không thể đi ngược lại với ước vọng ban đầu của những con người cô thế.
Trong trường hợp này chính Xã hội dân sự mà bà Lê Hiền Đức làm gạch nối sẽ cất đi gánh nặng từ tài chánh tới nhân lực cho nhà nước. Xã hội dân sự nhìn theo chiều hướng này thì chính phủ hoàn toàn có thể tin cậy mà không sợ nhóm từ "Diễn tiến hòa bình" ám ảnh.
Tác giả Dương Văn Cừ lo ngại việc nhà nước yếu thế khiến cho Xã hội dân sự mạnh lên sẽ lũng đoạn quyền lực nhà nước. Tuy nhiên ông không nhìn ở một khía cạnh khác, muốn bảo vệ hữu hiệu quyền lực của một nhà nước pháp quyền thì cách duy nhất là chấp nhận đồng hành cùng Xã hội dân sự.
Nên đồng hành thay vì ngăn cấm
Đồng hành với chủ trương nhất quán tôn trọng triệt để nhân quyền của người dân, cũng chính là tôn trọng nhân cách của ba triệu đảng viên hiện nay. Dư luận chỉ chú ý tới sự tha hóa của đảng viên nhưng không ai đặt vấn đề về nhân quyền của họ bị rẻ rúng là một sự kiện đáng chú ý.
Đảng viên trước nhất là một con người và trong Xã hội dân sự nếu vắng mặt họ vì lý do nào đó thì rõ ràng có một sự mất cân bằng giữa họ và nhân dân. Chính sách phân biệt đối xử của nhà nước không những làm cho nhân quyền của người dân bị tổn thương mà còn làm cho những đảng viên thừa hưởng các đặc quyền, đặc lợi do nhà nước ban phát sẽ bị nhân dân khinh thường, thù ghét và như vậy liệu quyền làm người của họ có tốt hơn những người bị đàn áp hay không, khi cái quyền được kính trọng và đối xử bình đẳng của họ bị nhà nước làm cho biến dạng?
Nhà nước tránh né nhìn nhận nhân quyền theo những định nghĩa phổ quát là đi ngược lại với cách nhìn chung của thế giới và do đó xung đột giữa Xã hội dân sự và nhà nước nảy sinh. Tác giả Dương Văn Cừ đã có công đem vấn đề Xã hội dân sự ra công khai trên diễn đàn của báo Nhân Dân mặc dù khái niệm của ông về Xã hội dân sự bị lệch lạc. Dù sao đi nữa bài viết cũng khơi mở được nguồn tư duy tù đọng trong nhiều năm kể cả theo chiều hướng tiêu cực như tác giả trình bày cũng sẽ mở ra những cách nhìn mới hơn về Xã hội dân sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét