Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Ai thực sự kiểm soát Biển Đông?


Vừa qua trong lúc đài truyền hình và báo chí Trung Quốc liên tục đưa tin về cuộc tập trận của Hạm đội Nam Hải tại Biển Đông thì phản ứng chính chính thức của Việt Nam vẫn yên lặng, duy chỉ có VTV như thường lệ phát tin dự báo thời tiết "trời quang mây tạnh tại cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa"... Người nghe không khỏi phân vân: Vậy ra, chỉ còn một việc có thể thực hiện trọn vẹn "quyền chủ quyền" mà không phải thỉnh thị báo cáo và chờ đợi sự phê duyêt của cấp cao nhất. Đó là dự báo thời tiết về Biển Đông bao gồm cả toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Chỉ đến khi một số tàu cá của ngư dân miền Trung bị tàu Kiểm ngư vũ trang của TQ rượt đuổi, trong đó một tàu của Quảng Ngãi bị bắn cháy cabin, thì các kênh chính thức của Việt Nam mới lên tiếng. Sự lên tiếng này là muộm mằn và chưa đủ độ mạnh cần thiết. Đó là chưa nói sự lên tiếng đó có phần là để trấn an dư luận công chúng.

Khách quan mà nói, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà xảy ra các vụ rượt đuổi và bắn cháy tàu cá như vậy; toàn bộ đều nằm trong khuôn khổ của đợt tập trận của hải quân Trung Quốc tại Biển Đông. Xét về mọi phương diện, việc tập trận như vậy là vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Tường Sa, nơi mà cho đến nay chưa hề có nước nào công nhận là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và cả thế giới đều biết Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa  năm1974, rồi chiếm một số đảo tại Trường Sa năm1988. Do đó, có thể khẳng định mọi sự chiếm đóng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Biển Đông đều là phi pháp, và tàu bè Trung Quốc chỉ có một quyền hợp pháp duy nhất là "đi lại vô hại" trên Biển Đông mà thôi. Tuy nhiên lâu nay phía Trung Quốc cậy thế mạnh của nước lớn không những cho tập trận bừa bãi mà còn rất nhiều lần xâm hại tài sản và tính mạng của ngư dân Việt Nam, Philipine và các nước khác ven Biển Đông ngay bên trong những vùng ngư trường truyền thống của họ. Mọi việc làm của phía Trung Quốc đều nhằm mục đích thâm độc là "biến không thành có" để thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế và tiến tới độc chiếm toàn bộ Biển Đông.

Một cảnh tập trận của Hạm đội Nam Hải  (ảnh của CCTV)
Nhận xét về âm mưu này của TQ,  một phân tích gia phương Tây mới đây nói như sau:
"Trung Quốc đang xây dựng vị trí bất khả thách thức của mình tại Hoàng Sa trong khi khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa thông qua việc tăng cường  sự có mặt  trên biển bằng các hạm đội hải quân và không quân.

So với thời kỳ mà sự chiếm đóng cụ thể tại các đảo có nghĩa là tất cả, thì  giờ đây TQ chuyển chiến lược sang cách thống trị bằng sức mạnh hàng hải".... "Họ sẽ có thể thống trị khu vực bất kể là đảo hay biển và điều này  sẽ cho phép họ tăng cường và bảo vệ bất cứ mọi nỗ lực nhằm khai thác dầu khí tại đây trong những năm tới”
.

Ông này còn nói thêm: “Chừng nào Việt Nam  chưa bố trí các trận địa tên lửa đạn đạo và tăng cường các  hệ thống ra đa dày đặc tại các đảo của mình, hoặc  hợp tác  thật chặt chẽ với Mĩ , thì TQ có thể tiếp tục với chiến lược nói trên”.

Tuy nhiên, về phần mình, do những lý do cố hửu,Việt Nam luôn đề cao ý thức tự kiềm chế tránh đụng độ với Trung Quốc. Với phương châm đó, mọi bước đi đều được thận trọng cân nhắc kĩ và quyết định từ cấp cao nhất của Việt Nam. Nhưng thực tế ngày càng  cho thấy thái độ kèm chế của phía Việt Nam thường không được phía Trung Quốc quý trọng, trái lại còn lợi dụng hoặc phản bội khiến Việt Nam ngày càng thất thế. Mới đây  Thiếu tướng về hưu Lê Văn Cương có đúc kết rằng Trung Quốc đã 5 lần phản bội Việt Nam, đó là những lần phản bội vô cùng tai hai mà người Việt Nam ai cũng biết. Tuy vậy người Trung Quốc chưa bao giờ chịu nhận lỗi trước người Việt Nam, kể cả vụ bắn cháy tàu cá mới đây nhất,NgườiPhát ngôn NG  Trung Quốc đã chính thức  lên tiếng biện minh đó là "hành động chính đáng"(!?). Nếu đã có một lần xin lỗi, đó là khi Mao Trạch Đông bày tỏ với Lãnh đạoViệt Nam thời kỳ còn là "môi hở răng lạnh"  lấy làm tiếc về ách đô hộ tàn bạo của các Vương triều phong kiến xưa kia. Nhưng đó chỉ là những lời tuyên truyền sáo rỗng như đã được minh chứng bằng 5 lần phản bội Việt Nam của bản thân ông ta và những kẻ kế vị sau này. Sống bên cạnh một cường quốc như Trung Quốc, không phải chỉ Việt Nam mà tất cả các nước xung quanh đều là nạn nhân của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Cậy sức mạnh và số đông, phía Trung Quốc không muốn "chơi theo luật" nhằm dẽ bề thao túng và chén ép từng nước nhỏ yếu hơn mình.

Một ngư dân VN trong khoang tàu bị Trung Quốc bắn cháy
Giờ đây người Việt Nam không khỏi chạnh lòng nhớ lại những "ngày xưa tươi đẹp" (happy old days) khi làm chủ biển đảo của mình và dân chài được tự do vươn khơi ra lộng quăng chài kéo lưới ... Nhưng bây giờ vừa mới dong buồm đã gặp "tàu lạ" ngay trước cửa! Chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi nhanh như kẻ cướp, mạnh như kẻ điên khùng, ngày đêm ráo riết lùng sục rượt đuổi cướp phá ngay bên trong vùng đặc quyền kinh tế, chứ không chỉ trong vùng ngư trường bao đời của cha ông để lại. Chúng lăm lăm vòi rồng, súng phun lửa và cả đại pháo để trấn áp những con thuyền đánh cá nhỏ nhoi bất chấp sinh mạng con người trên đó. Thực chất đó là những hành động khủng bố quốc tế trá hình bất chấp luật lệ quốc tế. Nhưng quốc tế thì tỏ ra bất lực trước một nước Trung Quốc tràn đầy khát khao bành trướng thế lực.Vậy đâu là sức mạnh của thời đại như chính người Việt Nam vẫn thường đề cao từ kinh nghiệm của chính mình? Phải chăng sức mạnh thời đại ngày nay nằm ở luật pháp quốc tế, điều mà Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng chưa tận dụng? Phàm cái gì kẻ thù lo sợ, cái đó là điểm yếu của họ. Vậy muốn tránh chiến tranh nóng, Việt Nam cần phát huy đầy đủ lợi thế pháp lý của mình trước khi quá muộn. Hơn lúc nào hết, đây là lúc Việt Nam cần rút ra bài học từ quá khứ và kết hợp với những nhân tố mới của sức mạnh thời đại ./.

Trần Kinh Nghị 

Không có nhận xét nào: