Nguyễn Huệ Chi - Nhận được bài viết của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên do một bạn đọc gửi tới, bày tỏ những suy nghĩ cá nhân nhân phát biểu của ông Nguyễn Đình Lộc trên VTV tối 22-3 về việc ông ký vào Kiến nghị 72 cũng như việc ông nhận vai trò “trưởng đoàn” trao Kiến nghị 72 cho Quốc hội, và bài trả lời phỏng vấn BBC của GS Nguyễn Huệ Chi trong ngày 23-3 xoay quanh sự việc ấy, BVN xin trân trọng đăng lên để bạn đọc tham khảo. Trước khi đăng, chúng tôi có trao đổi với GS Nguyễn Huệ Chi mong ông viết cho mấy lời đề dẫn, vì bài viết có liên quan đến ông. Dưới đây là những câu trả lời qua thư điện tử của người điều hành BVN:
“Nói lên mối thông cảm với ông Nguyễn Đình Lộc là một tình cảm chân thật của tôi, vì tôi nghĩ một người từng giữ chức vị như ông mà nay tự nguyện đặt bút ký vào một Kiến nghị yêu cầu dân chủ hóa như Kiến nghị 72 là không dễ dàng gì và cũng do đó hiện đang ở trong một trạng thái phải chịu những tác động tâm lý không thoải mái gì, thế mà vẫn không rút chữ ký thì chứng tỏ việc đặt bút ký tên của ông không phải là một việc bất chợt hứng lên, hay bị ai lôi kéo, trái lại ông đã nghĩ chín chắn. Đó là thêm một hiện tượng phản tỉnh đáng mừng về nhận thức trong hàng ngũ vốn là quan chức cỡ bự của Việt Nam.
“Tôi cũng thành tâm mong gắn kết khối đoàn kết của phong trào dân chủ vốn còn non yếu trong tình thế hiện nay, điều đó hay hơn là vừa nghe lời phát biểu của vị cựu Bộ trưởng Tư pháp – mà mình chưa rõ lý do đích thực vì sao và có xảo thuật gì không trong cách phỏng vấn ông của truyền thông nhà nước vốn chưa bao giờ thiếu xảo thuật – liền vô tình hay hữu ý đẩy ông ta trở lại tư cách “ông quan” chứ không cho ông cơ hội phát huy tư cách “làm dân” nữa – để ông phải tiếp tục bảo vệ bằng chết những điều nó từng trói buộc dân tộc này đã bao nhiêu năm khiến đất nước ngày thêm suy thoái, xuống dốc không phanh. Như thế hỏi có ích gì hay không?
“Một phong trào muốn tiến lên thì phải có những người có tầm nhìn, biết tạo sự đồng tâm, gây niềm tin cho quần chúng, chấp nhận mọi khác biệt và tìm được mẫu số chung giữa những khác biệt, chứ nếu khăng khăng đưa ra một tiêu chí cứng nhắc theo ý riêng nào đấy thì chưa họp đã tan ngay thôi.
“Tất nhiên, cần hiểu cho rằng tôi không trả lời phỏng vấn về người khác cốt để nói thay “tâm sự” của mình, và cũng không có ý muốn hành xử như ông Lộc. Bản thân tôi, nếu đi trong đoàn đưa Kiến nghị, tôi sẽ không đề nghị cử ông Lộc làm trưởng đoàn, mà cử một người khác có trí tuệ nhưng là một trí thức tự do và tuyệt không từng có địa vị gì trong Nhà nước cả, như thế thoải mái hơn và cũng biểu hiện sự dứt khoát hơn về con đường dân chủ mà mình theo đuổi. Chọn “trí thức cận thần” trước sau vẫn là một sách lược đấu tranh theo kiểu mong mong bề trên… cởi mở. Từ lâu trang mạng BVN đã không làm thế. Tuy nhiên, đã ở trong phong trào thì phải biết gắn bó và đoàn kết với nhau – vì cách làm thì có thể ta không tán đồng nhưng người làm lại xuất phát từ ý tốt, hơn nữa dù nhiều dù ít cách nào cũng góp phần dấn thêm một bước tới đích.
“Còn việc một nhà nước toàn trị dùng truyền thông để triệt hạ phong trào dân chủ đang vươn mầm là việc ai cũng dư biết và biết từ lâu, trang BVN đã từng nhiều lần “chịu trận” và lên tiếng đàng hoàng, thẳng thắn. Song để đối chọi lại việc ấy thì không thể bất cứ lúc nào cũng hùng hổ tố cáo mà được, mà hãy gắng phát huy nội lực bằng mọi cách – vì mình là một người đang tự nguyện dấn thân cho một công cuộc dân chủ, mình phải chấp nhận kẻ nói ngược với mình, nhất là khi kẻ đó có đủ phương tiện và quyền lực trong tay thì sự “át giọng” của họ làm sao tránh được. Hãy cứ bình tâm tin tưởng vào xu thế tất yếu của thời đại, khi đã đi đúng quy luật thì đến một lúc nào đấy phong trào sẽ như cái cây lớn vượt lên, bấy giờ ai muốn át giọng cũng sẽ bó tay. Cứ xem từ Kiến nghị bauxite 2009 đến nay, tiếng nói dân chủ đã là cả một bước tiến hùng hậu như thế nào, bởi chúng ta làm những chuyện thực sự ích nước lợi dân, được thực tế kiểm nghiệm và xác nhận (chống khai thác bauxite trả giá nặng nề về nhiều mặt, hay biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo hun nóng truyền thống yêu nước,…). Cho nên, theo tôi thì mỗi người một việc khác nhau, người này nói khía cạnh này người kia nói khía cạnh khác, không nhất thiết cùng một giọng mới là đồng tâm.
“Về sự kiện Kiến nghị 72, anh Nguyễn Đắc Kiên nói rất đúng là không nên chỉ dừng ở mốc lấy chữ ký và cử một phái đoàn trang trọng đến trao Kiến nghị cho Quốc hội là xong. Cần có tiếp một sự đối thoại, tranh luận công khai, trực diện và đến cùng giữa những người bảo vệ các điều đã trở thành vật cản đối với xã hội Việt Nam trong Hiến pháp 1992 và những người khởi xướng Kiến nghị 7 điểm. Việc này ai cũng mong muốn song không dễ, bởi phía bên kia với tư tưởng toàn trị thâm căn cố đế có chấp thuận cho mình không thì không tùy thuộc ở mình. Chúng ta cần có biện pháp nêu lên trước Quốc hội Việt Nam yêu cầu chính đáng và quan trọng này” – Nguyễn Huệ Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét